Thăng Long năm ấy là một vùng chiến địa.
Nhận lời cầu cứu của Lê Chiêu Thống, vua Càn Long lệnh cho Tôn Sĩ Nghị đưa binh xuống phía Nam. Quân Thanh chiếm Thăng Long vào ngày 20 tháng mười một năm Mậu Thân thì ngày 22 tháng đó Lê Chiêu Thống được tấn phong làm An Nam quốc vương. Vua tôi nhà Lê chịu ơn thiên triều, cúi đầu thần phục, mỗi ngày đều cưỡi ngựa đến quân doanh của Tôn Sĩ Nghị để xin chỉ thị.
Tôn
Sĩ Nghị cho quân Vân Quý của Ô Đại Kinh bố trí ở Sơn Tây, quân Điền
Châu của Sầm Nghi Đống trấn giữ Khương Thượng. Đại quân của đề đốc Hứa
Thế Hanh đóng tại Ngọc Hồi, phía tiền tiêu có đồn Hà Hồi án ngữ. Mấy vạn
binh linh giáo gươm sáng loáng, khí thế ngút trời, tham vọng đưa An Nam
trở lại nội thuộc như cũ.
Bên
kia phòng tuyến Tam Điệp, vua Quang Trung bắt đầu tiến binh. Ngày 29
tháng mười một Tây Sơn ra đến Nghệ An, lực lượng có trên mười vạn quân
và hơn hai trăm voi chiến.
Tháng
Chạp chìm trong giá rét, bầu trời sầm tối báo hiệu một cuộc chiến thảm
khốc và đẫm máu sắp ập đến. Không giống như những tướng lĩnh khác tham
gia cuộc nam chinh lần này, Trương Hội Nguyên thấy lòng bị đè nặng bởi
những dự cảm bất an.
Đây
không phải là lần đầu tiên Trương Hội Nguyên đến An Nam. Khi còn nhỏ
hắn từng nhiều lần theo cha xuống tận Hội An buôn bán đồ tơ lụa, bởi vậy
có thể nói chuyện thành thạo với người bản xứ.
Xứ
sở này không giống với Trung Nguyên. Những người dân đội nón lá, khoác
áo tơi kết bằng rơm rạ, lẳng lặng nhìn quân thiên triều đi qua. Cái nhìn
nửa như đau xót, nửa như chịu đựng.
-
Họ đang nghĩ gì? - Trương Hội Nguyên hỏi người lính đang cưỡi ngựa theo
sau. Người lính cũng quê ở Quảng Đông, còn rất trẻ nhưng đã theo hắn
chinh chiến mấy năm trời.
- Tướng quân đang bận tâm điều gì? - Người lính trẻ hỏi lại.
Trương Hội Nguyên không cho phép mình nghĩ ngợi.
Sáng
nay cầu phao qua sông Nhị đã bắc xong, đề đốc Hứa Thế Hanh lệnh cho
Trương Hội Nguyên đưa quân xua toàn bộ dân cư xung quanh đồn Ngọc Hồi ra
xa, lập một vành đai trắng quanh đồn để tiện bề quan sát. Đoàn quân đi
đến đâu, tiếng chó sủa, gà kêu, trẻ con gào khóc đến đó, tạo thành một
mớ âm thanh hỗn loạn. Những người chần chừ không chịu dời đi đều bị cho
một mồi lửa đốt luôn nhà. Dưới màn mưa phùn ẩm ướt, khói đen cuộn lên từ
những mái rạ sũng nước phía sau đoàn người bồng bế dắt díu nhau chạy
loạn.
Cứ than khóc đi.
Trung Nguyên cái ngày run rẩy dưới vó ngựa người Mãn chắc cũng như thế này.
Rồi các ngươi sẽ phải tết tóc bím và cạo nửa đầu như ta.
Trương
Hội Nguyên dừng chân trước một trang viên rộng lớn cách không xa đồn
Ngọc Hồi. Cánh cổng bằng tre mở rộng, thấp thoáng đằng sau khu vườn đầy
những cây đào khẳng khiu trơ trụi là một ngôi nhà năm gian vững chãi.
Chủ nhân là một người đàn ông tóc đã bạc. Họ Trần.
- Thưa, tướng quân muốn gì?
- Chặt sạch vườn đào này cho ta.
Kiếm
vung lên sắc lẹm. Những thân đào vừa chớm nụ gãy gục. Nhựa ứa ra như
máu. Người đàn ông tóc bạc nhìn những cánh hoa nở sớm bị xéo nát trong
bùn bằng cái nhìn bình thản.
- Nếu không ngại, mời tướng quân vào tệ xá uống một chén trà. Khu vườn này rộng lắm, chắc phải quá ngọ mới xong.
Trương
Hội Nguyên trao kiếm cho người lính hầu rồi cùng ông lão bước vào nhà.
Mấy người lính cận vệ định theo sau hộ tống nhưng hắn đã đưa tay ra hiệu
dừng bước. Chỉ là một lão già thôi. Ta có gì phải sợ.
Phòng khách nhỏ, ấm cúng. Bộ bàn ghế bằng tre. Khay đựng chén cũng bằng tre.
Người pha trà là một cô gái trẻ, bàn tay mềm mại như ngó sen. Khi cô ngẩng đầu lên, Trương Hội Nguyên bỗng thấy sững sờ.
Người con gái quá đẹp. Đôi mắt đen lấp lánh dưới hàng mi bóng rợp.
- Đây là con gái của lão. Thủy Tiên.
Thủy Tiên nhẹ nhàng cúi đầu chào khách. Cũng như cha mình, cô nhìn Trương Hội Nguyên bằng một cái nhìn bình thản.
Hắn
không chịu đựng được ánh mắt ấy, liền ngước lên phía bức tường đối
diện. Ở đó treo một bức thư pháp viết theo lối chữ thảo. Đó là bài Đề đô
thành Nam trang của Thôi Hộ:
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Bên
ngoài vẫn vang lên tiếng những cây đào đổ xuống soàn soạt. Trong gian
phòng tĩnh lặng, chén trà ướp hương nhài nhẹ nhàng tỏa hương. Màu đỏ hoa
đào quanh bức thư pháp trên tường như sẫm lại. Một ngày xa xưa ở Bắc
Kinh, Hội Nguyên từng nghe ông nội ngâm bài thơ này khi uống rượu cùng
những người bạn đồng niên trong một khu vườn tơi bời hoa rụng. Một vài
người trong số đó về sau bị xử trảm vì tham gia phong trào phản Thanh
phục Minh. Gia đình hắn phiêu dạt xuống Quảng Đông được hơn mười lăm năm
thì ông nội lâm bệnh nặng. Trước khi chết, ông trối trăng lại rằng hãy
xõa tóc cho ông lại rồi khâm liệm để khi xuống hoàng tuyền tổ tiên còn
nhận ra mặt.
Người Hán không để tóc tết bím, cạo nửa đầu.
- Tại sao lại trồng đào?
- Người An Nam chúng tôi chưng đào trong ngày tết.
- Tết năm nay các ngươi không có hoa đào nữa đâu. Ta sẽ chặt hết.
- Rồi chúng tôi sẽ trồng lại, thưa tướng quân.
Trương
Hội Nguyên bước ra ngoài. Khu vườn ngổn ngang như vừa qua một trận bão
lớn. Góc cuối vườn, còn sót lại một thân đào còn chưa bị chém lìa khỏi
gốc. Hắn liền rút kiếm trên tay một người lính, vung lên.
- Đừng.
Người con gái đã đứng ngay bên cạnh cây đào sắp gãy gục. Đôi mắt cô buồn thăm thẳm.
Trương Hội Nguyên hạ kiếm xuống.
Đoàn
quân rầm rập kéo đi. Binh sĩ không hiểu vì lí do gì mà tướng chỉ huy
quên ra lệnh phóng hỏa đốt nhà. Đó là ngôi nhà duy nhất còn sót lại giữa
một vùng đồng không mông quạnh.
*
* *
Cuối
tháng Chạp, rét cắt thịt cắt da. Đất trời một màu xám xịt. Nước sông
Nhị tái ngắt, thoi thóp chảy giữa đôi bờ lau xác xơ. Sau mấy lần can
qua, suốt một vùng đồng bằng dân cư xiêu tán, quạ đen bay rợp trời.
Cây
cầu phao bắc qua sông Nhị trở thành con đường duy nhất nối giữa hai bộ
phận chủ lực của đội quân Lưỡng Quảng. Trương Hội Nguyên không khỏi lo
lắng. Nếu Tây Sơn chiếm được cây cầu này, hoặc khi xảy ra biến động buộc
phải lui binh, nơi đây chắc chắn trở thành tử huyệt.
Cũng
như Tôn Sĩ Nghị, đề đốc Hứa Thế Hanh tin tưởng Tây Sơn không thể nào
tái chiếm được Thăng Long. Vó ngựa và gươm đao người Mãn còn san bằng
được cả Trung Nguyên, huống hồ là một đám giặc cỏ như cá nằm trong chậu.
Những lời tâu trình của Trương Hội Nguyên bị gạt sang một bên.
Họ không hiểu người An Nam.
Chính ta cũng không hiểu gì về An Nam. Đôi mắt người con gái trong vườn đào hôm ấy ẩn chứa điều gì?
Chưa từng có người nào nhìn ta bằng ánh mắt bình tĩnh như vậy.
Đã
sắp đến tết, binh sĩ Lưỡng Quảng phần lớn là người Hán, ít nhiều đều
cảm thấy nhớ nhà. Những ngày này ở Trung Nguyên nhà nào cũng treo đèn
lồng đỏ, hãm củ thủy tiên, hồi hộp đợi người đi xa trở về. Sau khi ông
nội mất, cha cũng yếu dần rồi qua đời cách đây năm năm, Hội Nguyên chỉ
còn lại người mẹ già ở trong căn nhà cô quạnh bên ngoài thành, phía
trước có một cây bích đào già cỗi. Cây đào này là của một người bạn cũ ở
Bắc Kinh tặng ông nội trước khi chia biệt.
Hoa đào trước sân nở rồi lại rụng.
Đường về phương Bắc vời vợi xa.
Tin
tức về cuộc hành quân thần tốc của Nguyễn Huệ tới tấp bay về. Ngày 20
tháng mười hai năm Mậu Thân, đại quân Tây Sơn đã ra đến Tam Điệp. Những
lời đồn đại rì rầm truyền từ doanh trại này sang doanh trại khác khiến
các binh sĩ nhà Thanh thêm phần hoảng hốt. Phần lớn họ đều xuất thân là
nông dân, từ bỏ ruộng vườn, mẹ già con dại, tham gia vào một cuộc viễn
chinh rầm rộ xuống phương Nam mà không rõ nguyên nhân.
Chỉ
có Tôn Sĩ Nghị vẫn nung nấu tham vọng cũ, đốc thúc quân lính đánh phá
khắp nơi hòng triệt tiêu mọi ngả đường tiến tới Thăng Long. Càng gần đến
tết, lệnh ban ra càng nghiêm ngặt. Quân Thanh tăng cường tuần tiễu suốt
ngày đêm, suốt một dải phía nam sông Nhị, làng mạc bị tàn phá trơ trụi.
Dân chúng khiếp sợ bỏ chạy tan tác.
Phải đè bẹp mọi sự phản kháng.
Những gương mặt An Nam lặng im nhẫn nhịn.
Tết năm nay sẽ không có hoa đào.
Một
buổi sáng, Trương Hội Nguyên dẫn đầu đám lính đi tuần sớm hơn thường
lệ. Ngang qua cánh đồng mịt mù sương giá, bọn họ phát hiện ra một toán
người An Nam đang vội vã rảo bước bên kia lối mòn. Quân Thanh nhanh
chóng bám theo, toán người đó rẽ vào trang viên họ Trần.
Minh họa: Phạm Hà Hải
Đó
là mấy người đàn ông An Nam, mặc quần áo thâm, đi giày cỏ. Những gương
mặt tái sạm vì rét không khỏi kinh sợ bởi bị vây kín bởi đội quân gươm
giáo tua tủa.
- Các người là ai, từ đâu đến đây? - Trương Hội Nguyên gằn giọng.
Mấy
người lạ mặt chưa kịp trả lời thì từ trong nhà, một cô gái trẻ bước ra.
Đó chính là Thủy Tiên, cô gái có đôi mắt long lanh và khuôn miệng e ấp
như nụ hoa hàm tiếu. Cô mỉm cười với những người đàn ông như gặp lại
người quen cũ:
-
Trương tướng quân và các vị quan gia vất vả quá rồi. Xin mời vào nhà
tiểu nữ uống một chén trà cho ấm bụng. Đây là những người lái buôn mọi
năm vẫn đến trang viên nhà tiểu nữ để lấy hoa đào về bán cho các vùng
lân cận. Thật tiếc năm nay chư vị họ Nguyễn đây đến muộn mất, nhà tiểu
nữ chẳng còn hoa nữa.
Ba người đàn ông gật đầu.
Trương Hội Nguyên vẫn im lặng. Dưới chiếc mũ lông trùm kín xuống trán, đôi mắt nhỏ và xếch ánh lên cái nhìn lạnh lẽo.
Không khí căng như dây đàn. Chưa một lưỡi kiếm nào hạ xuống.
Quay sang Trương Hội Nguyên, cô gái khẽ nói:
-
Nhân diện bất tri hà xứ khứ, đào hoa y cựu tiếu đông phong. Đến ngọn
gió đông vẫn nhớ hoa đào năm ngoái, thì những người này quay lại vườn
đào của tiểu nữ cũng vì cái duyên với hoa mà thôi. Hoa đào đã không còn
nữa, xin tướng quân hãy để cho họ đi.
Câu cuối cùng nàng nói rất nhỏ, dường như chỉ đủ cho hắn nghe thấy.
Nàng
nhìn viên tướng nhà Thanh. Chờ đợi. Đôi mắt đen ánh lên cái nhìn xa
thẳm như những đôi mắt con gái xứ Trung Nguyên. Chính vì cái nhìn mênh
mang ấy mà những ngày đóng quân tại Ngọc Hồi, khi tình hình chiến sự còn
chưa căng thẳng, Trương Hội Nguyên thỉnh thoảng vẫn xuống đây để uống
trà với hai cha con họ Trần. Họ cùng nhau nói chuyện về Đường thi, ngắm
ông lão viết thư pháp và thưởng thức món bánh nhỏ xinh làm từ lá khúc do
chính tay Thủy Tiên hái về.
Những ngày bình yên ngắn ngủi giữa chiến tranh.
Ta biết mình đã đánh mất nhiều thứ.
Hoa đào không có lỗi.
- Các ngươi hãy đi đi.
*
* *
Đêm
30 tháng Chạp, quân Tây Sơn bất ngờ đánh úp tiêu diệt đồn Gián Khẩu của
các tướng Lê Chiêu Thống. Sau đó Quang Trung tiếp tục dẫn binh đến
Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi. Tin tình báo cho hay sở dĩ Tây Sơn tiến
binh được nhanh khi đánh xuống vùng đồng bằng là vì có người dân giúp
sức dẫn đường và mật báo các tin tức quân sự thu lượm được từ trước. Vì
vậy việc Trương Hội Nguyên sơ suất tha cho những người An Nam lạ mặt mấy
ngày trước khiến đề đốc Hứa Thế Hanh nổi giận. Hứa Thế Hanh có đủ bằng
chứng để tin rằng đám người đó chính là quân do thám của Tây Sơn cử đến
và hai cha con họ Trần ở lại trang viên bên ngoài đồn Ngọc Hồi là để làm
nội gián.
Trương Hội Nguyên ngay lập tức quay lại trang viên họ Trần.
Ngựa tung vó trong bùn lầy. Thanh kiếm bên lưng lạnh buốt.
Ngày
mồng một đầu năm vắng rợn. Những cánh đồng hoang lạnh chìm trong màn
mưa u ám. Trên một vài thân cổ thụ bị đốt cháy nham nhở ven đường, vài
con quạ đen thỉnh thoảng lại kêu lên một tiếng thảm thiết.
Đây đâu phải là khung cảnh mùa xuân phương nam như người ta vẫn hay nói trong sách vở.
Chiến tranh đã tàn phá hết rồi.
Ngôi
nhà lá năm gian quen thuộc hiện ra trước mặt. Trương Hội Nguyên xô cửa
bước vào. Thâm tâm hắn vừa muốn tìm được nàng, vừa muốn nàng đã trốn đi.
Thủy
Tiên ngồi đó, dưới bức thư pháp được viết bằng nét chữ bay bổng và mềm
mại. Nàng nhìn Hội Nguyên. Vẫn là đôi mắt ấy. Vẫn cái nhìn trong trẻo và
bình tĩnh.
- Nói đi, nàng là người của Tây Sơn đúng không?
- Tiểu nữ là người An Nam.
Trương
Hội Nguyên khẽ đặt cây kiếm trên bàn. Ngoài kia mưa phùn vẫn nhè nhẹ
rơi. Góc phía đông ngôi nhà, cây đào duy nhất còn sót lại bắt đầu trổ
những bông hoa ánh hồng phơn phớt. Thủy Tiên mỉm cười dịu dàng:
-
Tướng quân nhìn xem, hoa đào đã nở rồi đấy. Muốn có hoa nở đúng dịp
tết, người trồng hoa phải trảy lá từ tháng mười một. Rồi sau đó ngày đêm
thức nghe gió đông, thấy khô hanh phải tưới thêm nước, thấy trở lạnh
phải ủ ấm gốc cây bằng rạ rơm. Chỉ tiếc rằng năm nay tướng quân đến đây
không có cơ hội được ngắm hoa đào. Những mùa xuân trước, dọc hai bên bờ
sông Nhị, một vùng hoa đào bừng nở rực rỡ trong nắng xuân, vườn hoa của
hai cha con tiểu nữ là đẹp nhất.
- Cha nàng đâu?
-
Sau khi vườn đào bị chặt hạ, cha tiểu nữ đã quyết định đi về miền tây
xứ Nghệ để tìm những cây đào rừng. Gia đình tiểu nữ mấy đời sống bằng
nghề trồng hoa, cũng như những người dân ở đất Thăng Long này, dẫu loạn
lạc chiến tranh vẫn không từ bỏ những phong tục cũ. Tiểu nữ biết tướng
quân sẽ đến đây, nên muốn nán lại gặp người để nhắn rằng, tướng quân hãy
đi đi, khi còn đang kịp. Hãy về với người mẹ đang ngày đêm ngóng đợi
người trên đất Trung Hoa.
Lần
đầu tiên Trương Hội Nguyên nhìn thẳng vào gương mặt người con gái ấy,
thấy lòng mình dâng lên một nỗi đau xót khôn nguôi. Chúng ta đã làm gì
trên đất nước của nàng, đã chém giết bao nhiêu người, đã giày xéo bao
nhiêu làng mạc, đã không bao giờ nguôi tham vọng đô hộ và đồng hóa xứ sở
này. Nhưng nàng vẫn vẫn đối xử với ta dịu dàng và bao dung như thế.
Trương Hội Nguyên bước lại gần nàng, đưa bàn tay chai sạn vì bao năm chinh chiến khẽ chạm lên đôi má mềm mại như một cánh hoa:
- Hãy tha lỗi cho ta.
Viên tướng nhà Thanh lên ngựa, bóng người chìm khuất trong mưa.
*
* *
Đêm
mồng 4 tết, Quang Trung tiến đến trước đồn Ngọc Hồi. Nỗi lo sợ kinh
hoàng trùm lên toàn bộ quân Thanh trấn giữ trong đồn. Đề đốc Hứa Thế
Hanh quyết tâm cố thủ, hi vọng Tôn Sĩ Nghị sẽ đưa binh đến cứu. Rạng
sáng ngày mồng 5, đại quân Tây Sơn tấn công như vũ bão, tiếng voi gầm,
ngựa hí cùng với hỏa lực cực mạnh của đại pháo khiến quân Thanh khiếp
đảm. Hứa Thế Hanh chống đỡ không nổi, dẫn bại quân bỏ đồn chạy về phía
cầu phao sông Nhị, định rút lên phía Bắc.
Trời
đã về chiều. Chân trời phía Tây đột ngột bừng lên những tia nắng quái.
Sông Nhị cuồn cuộn chảy cuốn theo vô số xác người. Nước sông đỏ ngầu lên
màu máu. Tôn Sĩ Nghị đã ra lệnh chặt đứt cầu phao để chạy thoát thân.
Hơn một vạn quân Thanh bị mắc kẹt bên này sông, gào thét trong tuyệt
vọng.
Trương Hội Nguyên ngạc nhiên thấy mình bình tĩnh đến lạ lùng.
Ta
đã linh cảm rằng bi kịch này rồi sẽ xảy ra. Những đôi mắt An Nam lặng
im trong ngày ta tiến đến Thăng Long. Đó không phải là cái nhìn nhẫn
nhịn. Họ lặng im bởi họ biết xứ sở này mãi mãi thuộc về họ.
Không giống như chúng ta đã buông bỏ Trung Nguyên dưới gươm đao người Mãn, chấp nhận tết tóc bím và cạo nửa đầu.
Ông lão tóc bạc ở trang viên kia nói đúng, năm sau họ sẽ trồng lại hoa đào.
Vua
Quang Trung tiến vào Thăng Long, tổ chức khao quân rồi cho gom nhặt thi
hài những người lính Thanh tử trận chôn cất cẩn thận sau khi làm lễ tế
vong hồn. Trương Hội Nguyên cùng các tù binh may mắn sống sót sau trận
chiến được thả cho về nước.
Người
ta kể rằng Thăng Long mùa xuân năm ấy chiến tranh bão lửa ngút trời,
nhưng không hiểu sao vẫn sót lại duy nhất một cây đào trong trang viên
nhà nọ. Cành đào tươi thắm ấy được dâng lên vua Quang Trung vào trưa
mồng năm Tết, khi áo bào của Người còn sạm đen thuốc súng. Nhà vua đã
cho mang cành đào về Phú Xuân báo tin thắng trận.
Trương
Hội Nguyên về lại Quảng Đông, sống lặng lẽ trong ngôi nhà cũ ở bên
ngoài thành. Mỗi năm cứ đến tháng mười một gió đông lạnh lẽo, người ta
thấy ông trảy lá cây bích đào trước cửa. Để đến đêm ba mươi tết, cắt một
cành đào rực rỡ hoa mang vào cắm trong nhà.
Cành đào nhắc ông nhớ về một mùa xuân năm ấy ở phương Nam.
Nguồn: http://vannghequandoi.vn/van-xuoi/hoa-dao-nam-ay_8771.html