Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ, là dịp để Quốc hội nhìn nhận lại những vấn đề mà Quốc hội đã khẳng định với cử tri trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đúng 9 giờ sáng 20/10, dưới sự chủ trì
của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa
XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã khai mạc trọng thể tại
Nhà Quốc hội, bằng hình thức họp trực tuyến.
Quốc hội chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân bị tử nạn
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh: MD) |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra
trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức
tạp, khó dự báo. Đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh trên phạm vi
toàn cầu, kinh tế thế giới suy thoái, cùng những khó khăn do thiên tai,
dịch bệnh trong nước đã tác động bất lợi đến việc thực hiện kế hoạch
phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Với sự lãnh đạo đúng đắn, kịp
thời của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết
liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực của cả
hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân
dân, cả nước đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp để sớm kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi
và phát triển kinh tế-xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong những
ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung của chúng ta vẫn đang phải oằn mình gánh
chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ gây ra,
trong đó, có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia
tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người
dân. “Quốc hội chia sẻ trước những đau thương, mất mát to lớn này và xin
gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị nạn, cùng lời
chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân
bị tử nạn”- Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Quốc hội đánh giá cao sự quyết liệt,
khẩn trương, ứng phó linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành,
các cấp chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang trong cứu hộ, cứu
nạn, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, biểu dương ý chí, nghị
lực, tinh thần đoàn kết, đùm bọc của người dân vùng lũ; sự quan tâm, ủng
hộ, tinh thần tương thân, tương ái của các nhà hảo tâm và cộng đồng xã
hội.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ và chính
quyền các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác với những diễn biến
cực đoan của thời tiết, có các giải pháp tích cực, hiệu quả để sớm khắc
phục hậu quả của mưa lũ; đồng thời, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước,
kiều bào ta ở nước ngoài hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân,
tương ái”, “thương người như thể thương thân” hết lòng quan tâm, động
viên, chia sẻ, ủng hộ vật chất và tinh thần giúp Nhân dân các địa phương
bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất.
Nhiều nội dung quan trọngđược xem xét
|
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 (Ảnh: MD) |
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tiếp nối
thành công của kỳ họp thứ 9, kỳ họp thứ 10 tiếp tục được tiến hành thành
02 đợt, đợt 1 họp trực tuyến và đợt 2 họp tập trung. Nhấn mạnh đây là
kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ, là dịp để Quốc hội nhìn nhận lại những vấn
đề mà Quốc hội đã khẳng định với cử tri trong thực hiện chức năng,
nhiệm vụ của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ kỳ họp
tập trung vào nhiều nội dung quan trọng.
Trước hết, Quốc hội xem xét, đánh giá
kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách
nhà nước năm 2020; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự
toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm
2021. Bên cạnh đó, sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết
của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền
kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020;
phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính quốc gia 5
năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
“Có thể nói năm 2020 là năm có ý nghĩa
quan trọng, được kỳ vọng tiếp nối đà tăng trưởng và thành tựu của những
năm trước để bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch 5
năm 2016-2020, đồng thời, cũng là năm xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh
tế toàn cầu, thiên tai, bão, lũ, nên một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề
ra sẽ không đạt được, vì vậy, đòi hỏi các vị đại biểu Quốc hội cần phát
huy cao độ năng lực, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá
khách quan, toàn diện năm 2020 và cả nhiệm kỳ này; dự báo xu hướng biến
động của dịch bệnh, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới, khu
vực trong giai đoạn tới để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu
thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững hơn, nâng cao đời sống của
người dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường hợp tác hữu
nghị với các nước, các tổ chức quốc tế...” - Chủ tịch Quốc hội nhấn
mạnh.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét,
thông qua 07 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 04 dự án
luật khác nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân, bảo
vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đáp
ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo và tiến
hành chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám
sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết
trong nhiệm kỳ khóa XIII; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị
của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10 và kết quả giám sát việc
giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, góp ý
kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại
biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm
kỳ 2021-2026; tiến hành công tác nhân sự và thảo luận, quyết định một số
vấn đề quan trọng khác.
Ngoài ra, một số báo cáo của Chính phủ,
các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối
cao, Kiểm toán Nhà nước… đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để
nghiên cứu, kết hợp thảo luận cùng các nội dung liên quan.
Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dành toàn
bộ thời gian nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết,
trách nhiệm góp phần vào thành công của kỳ họp này.
Trước đó, trong sáng nay, các đồng chí
lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các vị đại
biểu Quốc hội đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí
Minh.
Sau đó, tại phiên họp trù bị, các vị đại
biểu Quốc hội mặc niệm đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man, Đoàn đại biểu
Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua
chương trình kỳ họp./.
Nguồn:https://dangcongsan.vn/thoi-su/khai-mac-trong-the-ky-hop-thu-10-quoc-hoi-khoa-xiv-566071.html