Khai mạc phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

22/10/2021

  • lượt xem: 341

Nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng là mức điều chỉnh quá cao, đề nghị làm rõ căn cứ tăng mức vốn đầu tư.

Sáng 21/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành khai mạc Phiên họp thứ 31.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại phiên họp này, UVTVQH xem xét, thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công và dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Ngoài ra, UBTVQH xem xét, cho ý kiến về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; nghe Chính phủ báo cáo về kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp.
Ảnh: quochoi.vn.

Càng tăng càng khó?

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7-10): Một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Một số ý kiến cho rằng, có thể điều chỉnh tổng mức đầu tư phân loại dự án nhưng phải trên cơ sở đánh giá trên thực tế.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Với quy định như Luật hiện hành, mới chỉ có 02 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, Luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị mức tăng 50% so với quy định hiện hành.

Cơ quan soạn thảo đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên mức vốn 20.000 tỷ đồng.

Cho ý kiến vào nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn nếu tăng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia thì giao cho Quốc hội có vướng mắc về thủ tục gì không? Trong 4 năm qua chỉ có 2 dự án cần Quốc hội thông qua: sân bay Long Thanh và cao tốc Bắc – Nam. Thực tế cho thấy chưa cần thiết điều chỉnh và quá trình thực hiện vừa qua không phát sinh vướng mắc.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng nêu thực tế cho thấy xu hướng e ngại các Dự án càng đưa ra Quốc hội càng khó thông qua, vì trình tự, thủ tục phức tạp hơn, qua quan sát có dấu hiệu một số Dự án chia nhỏ vốn đầu tư ra để không phải thông qua Quốc hội.

Trên cơ sở đó, bà Nga đề nghị hết sức cân nhắc vấn đề này, làm rõ căn cứ nào để điều chỉnh tăng từ 10 nghìn tỷ lên 35 nghìn tỷ đồng? Theo bà Nga, điều chỉnh tăng lên 35 nghìn tỷ quá lớn, trước mắt nên giữ nguyên.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hộiPhan Thanh Bình kiến nghị làm rõ tiêu chí tại sao tăng mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia lên 15 nghìn tỷ đồng hay 20, 30 nghìn tỷ đồng?.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thừa nhận đúng là dự án đầu tư công có mức vốn đầu tư trên 10 nghìn tỷ đồng thời gian qua không nhiều, nhưng để phù hợp xu thế lâu dài thì cũng nên xem xét, cân nhắc quy định này.

Đừng để sửa xong lại “đẻ” ra cái mới

Liên quan đến phạm vi sửa đổi Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề sửa đổi Luật này có giải quyết được những khó khăn, ách tắc của Luật Đầu tư công không? Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tế triển khai Luật thời gian qua cho thấy khó khăn chủ yếu rơi vàotrình tự, thủ tục, quá trình tổ chức thực hiện, tuy nhiên những vấnđề sửa trong Luật này lại chưa thấy tập trung vào những nội dung này.

Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, sửa đổi Luật này cần thúc đẩy phát triển đầu tư công, khắc phục, tháo gỡ vướng mắc và mang tính ổn định lâu dài, đừng để sửa xong lại“đẻ” ra cái mới, thiếu thống nhất với cái Luật khác, “lợi bất cập hại”.

Nhấn mạnh sửa đổi Luật này là cần thiết, song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần rà soát lại trong hơn 80 điều sửa đổi, cần tập trung vào những nội dung đang vướng mắc, vấn đề nào chưa thực sự cần thiết thì chưa đưa vào. Quan điểm bám sát vào tinh thần Hiến pháp, chỉ đạo của Trung ương trong phân cấp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hộiLê Thị Nga cho hay: Qua theo dõi thực tế công tác phòng chống tham nhũng, các vụ án tham nhũng thì nổi lên một số Dự án đầu tư công chất lượng xuống cấp nhanh, chậm tiến độ, một số vụ án chứng minh rằng thất thoát trong đầu tư công rất lớn, nguy cơ tham nhũng trong khu vực công khá lớn, so với dự án đầu tư tư nhân khác thì rõ ràng chất lượng có vấn đề, tiến độ chậm hơn... Do đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga lưu ý khi sửa Luật này hết sức chú ý làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên?

Chỉ ra Luật có đời sống quá ngắn, đến nay mới triển khai được 3 năm đã “rục rịch” sửa, bà Nga đề nghị chỉ sửa những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực tế, những vấn đề không phải lỗi do luật không phải nhân cơ hội này sửa, rồi đổ hết do Luật này.../.

Thu Hằng

Nguồn: dangcongsan.vn