Nhớ mùa thu lịch sử

22/10/2021

  • lượt xem: 379

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta. 72 năm đã qua nhưng ký ức về những ngày thu tháng Tám năm ấy còn mãi in đậm trong tâm khảm của các thế hệ người Việt Nam với niềm tự hào sâu sắc. Trong không khí cả nước náo nức kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, cảm xúc về những ngày tháng hào hùng, sục sôi giành chính quyền cách mạng lại ùa về trong lòng những người đã được chứng kiến thời khắc lịch sử quan trọng ấy.
Diện mạo thành phố Hưng Yên năng động, hiện đại
Diện mạo thành phố Hưng Yên năng động, hiện đại
Lần giở lại trang sử vẻ vang, hào hùng của quê hương, cụ Nguyễn Văn Dâng, đảng viên hơn 60 năm tuổi Đảng ở xã Dương Quang (Mỹ Hào) xúc động nhớ lại: Tháng 3.1945, cao trào kháng Nhật cứu nước bùng lên mạnh mẽ tại Hưng Yên với hàng chục cuộc biểu tình, tuần hành thị uy. Quần chúng nổi dậy phá kho thóc của Nhật để cứu đói. Việt Minh phát triển đều khắp trong toàn tỉnh. Ở các làng, xóm, ấp, trại, phố phường, quần chúng ngày đêm hội họp, luyện tập quân sự. Phong trào cách mạng được đẩy lên, với khí thế sục sôi, mạnh mẽ được đánh dấu bằng trận đánh đồn binh Bần Yên Nhân đêm ngày 12.3.1945. Đây là một trận đánh được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là "Trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ". Sau trận Bần Yên Nhân, quân Nhật, quân Pháp và bọn tay sai ở Hưng Yên rất dao động. Quần chúng cách mạng trong tỉnh càng tin tưởng vào Việt Minh. Các huyện đều phát triển lực lượng. Một số thôn, xã đã thành lập Ủy ban giải phóng, liên tục tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị, kinh tế, trấn áp bọn phản động, bảo vệ cơ sở cách mạng. Trung tuần tháng 5.1945, Ủy ban Việt Minh tỉnh được thành lập đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo và chỉ đạo thống nhất đấu tranh vũ trang trong toàn tỉnh nên phong trào cách mạng tỉnh ta phát triển rầm rộ, đáp ứng yêu cầu cấp thiết chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ông Phạm Hồng Thái, nguyên cán bộ Tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh dù đã gần 90 tuổi vẫn còn nhớ như in: Do điều kiện giao thông liên lạc khó khăn, Hưng Yên nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của cấp trên muộn, nhưng nhờ nắm sát tình hình, nhận rõ thời cơ, các địa phương đã chủ động tổ chức lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang quần chúng liên tiếp nổi dậy, tiến công vào các huyện đường, tước vũ khí, hồ sơ, sổ sách của chính quyền địch.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng công bố trước đồng bào và thế giới bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hòa trong niềm vui chung, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên hân hoan trong ngày hội non sông, đón chào độc lập. Mỗi mảnh đất, vùng quê, ánh mắt, nụ cười đều hiện rõ sự tự hào, hạnh phúc. Ở tuổi ngoài 80, dù sức khỏe đã giảm sút nhiều do di chứng chiến tranh để lại, nhưng khi nhắc đến những ngày thu lịch sử cách đây 72 năm, ánh mắt ông Đào Văn Lân ở thị trấn Ân Thi (Ân Thi) chợt sáng lên niềm vui và kể rành rọt từng chi tiết khi sống trong thời khắc trọng đại của đất nước: Đúng ngày 2.9.1945, mặc dù phương tiện còn lạc hậu, tin tức chủ yếu truyền tai nhau, nhưng sức lan tỏa như vũ bão, nhanh chóng đến với mọi người dân thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, nhiều người dân đã bật khóc vì sung sướng, hạnh phúc khi biết từ nay mình đã trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập. Riêng bản thân tôi, khi ấy còn nhỏ nhưng đã theo cha, anh đi phá kho thóc của Nhật và cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của ngày Độc lập. Thấy trách nhiệm của thế hệ mình phải bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập nên tôi tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. Đối với ông Lân, thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn mãi vang vọng và là ký ức thiêng liêng không bao giờ phai nhạt.
Đã 72 năm trôi qua, những bài học, giá trị lịch sử và tinh thần vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 năm 1945 vẫn đang thắp lên ngọn lửa truyền thống, tiếp sức cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát kinh tế thấp, đến nay Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội đồng bộ. Trong 6 tháng đầu năm 2017, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 5.250 tỷ đồng, tăng 14,87%, đạt 49,3% kế hoạch năm, trong đó thu nội địa đạt 3.850 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 14 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2016, tổng sản phẩm (GRDP) tăng 8,16%; giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thương mại dịch vụ, chỉ số sản xuất công nghiệp đều tăng cao. Hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư có nhiều tiến bộ; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được đẩy nhanh. Quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giao thông, vận tải được tăng cường. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Trong không khí tưng bừng phấn khởi chào mừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, bà Dương Thị Thế, 91 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa, nữ du kích Hoàng Ngân ở phường Quang Trung (thành phố Hưng Yên) bồi hồi chia sẻ: Nhớ lại những ngày trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc ta trong thời kỳ đen tối, người dân “một cổ, hai tròng”. Lòng căm thù giặc cùng sự giác ngộ với phong trào yêu nước đang diễn ra khắp nơi đã thôi thúc tôi tham gia đóng góp công sức nhỏ bé của mình hoạt động cách mạng. Tôi rất phấn khởi, vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Anh Lê Văn Đỉnh, Bí thư Huyện đoàn Ân Thi cho biết: Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay luôn tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm của thế hệ cha anh nhắc nhở chúng tôi ra sức thi đua rèn đức, luyện tài, đóng góp công sức, trí tuệ của mình xây dựng quê hương Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh.