- Kính thưa Anh linh Trung tướng Nguyễn Bình;
- Kính thưa đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an;
- Kính
thưa đồng chí Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính
trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương;
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ;
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các Quân khu, các tỉnh bạn và các đồng chí tướng lĩnh;
- Thưa các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể nhân dân
Hôm nay, trong không khí tự hào, xúc
động kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, chúng ta vui mừng dự Lễ
kỷ niệm 110 năm ngày sinh và khánh thành Nhà tưởng niệm Trung tướng
huyền thoại Nguyễn Bình, người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất
sắc của Đảng, vị tướng lĩnh tài năng, quả cảm của Quân đội nhân dân Việt
Nam, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên.
|
Ông Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ
tịch UBND tỉnh phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 110 năm ngày sinh và khánh thành
Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình
|
Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân,
Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên, tôi
trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà
nước; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh
đạo các Quân khu, các tỉnh bạn; các đồng chí tướng lĩnh; các đồng chí
lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực
lượng vũ trang; các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình có
công với nước và các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể nhân dân lời
chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Kính thưa các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể nhân dân
Hưng Yên - vùng đất văn hiến, nơi sinh
ra nhiều anh hùng hào kiệt, nhà văn hóa, chính trị, quân sự nổi tiếng
làm rạng danh quê hương, đất nước. Thế kỷ thứ Sáu, Triệu Việt Vương đã
chọn vùng đầm lầy Dạ Trạch, huyện Khoái Châu để lập căn cứ đánh giặc
Lương. Thế kỷ thứ Chín, tướng quân Phạm Bạch Hổ giúp Ngô Quyền chuẩn bị
chiến thuyền, quân lương ở đất Kê Lạc (nay thuộc huyện Tiên Lữ) tiến
đánh quân Nam Hán ở cửa Bạch Đằng năm 938, mở nền độc lập cho dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới triều Trần, quân Đại
Việt đã bắt sống tướng giặc Toa Đô tại cửa Hàm Tử, huyện Khoái Châu.
Cũng trong thời này, chàng trai nghèo đan sọt ở làng Phù Ủng, huyện Ân
Thi đã trở thành vị Thượng tướng quân kiệt xuất, hai lần góp công đánh
thắng giặc Nguyên Mông, nhiều lần đánh dẹp quân Ai Lao, Chiêm Thành.
Thời Lê Trung Hưng có Quận công Hoàng
Nghĩa Giao (1623 - 1662), quê làng Hoàng Vân, huyện Kim Động, nay là
thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là dòng dõi nhà
tướng, trí dũng song toàn, coi việc binh, được triều đình tin dùng, dẹp
yên trong ngoài, có nhiều công lao, tiếng tăm lừng lẫy. Tổ bốn đời là
Hoàng Nghĩa Kiều, ông nội là Hoàng Nghĩa Thân, cha là Hoàng Nghĩa Phì,
con ông là Hoàng Nghĩa Hi, cháu ba đời là Hoàng Nghĩa Bá cũng theo nghề
binh, nhiều lần lập chiến công, được phong tước Quận công. Nhà sử học
Phan Huy Chú nhận xét về ông: "Nghĩa Giao là người khí khái hào mại,
dũng lược đều hay. Khi ra trận hét vang lừng, hễ đánh là thắng. Ông là
dòng dõi nhà tướng có tài năng vào bậc nhất thời bấy giờ". Bà Hoàng Thị
Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc dòng dõi Quận công Hoàng
Nghĩa Giao.
Thế kỷ 17-18, có Tể tướng Phạm Công
Trứ, người làng Liêu Xuyên, xã Nghĩa Hiệp; Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm,
xã Giai Phạm. Dòng họ Lê ở Liêu Xá, Yên Mỹ có 7 người đỗ Tiến sỹ và đều
làm quan đại thần như Lê Hữu Danh, Lê Hữu Kiều, Lê Hữu Mưu, Lê Hữu Hỷ,
Lê Hữu Dung, Lê Trọng Tín, Lê Hữu Dụ. Đặc biệt, dòng họ Lê ở Liêu Xá đã
sinh ra Ðại danh y Lê Hữu Trác.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tướng
quân Nguyễn Thiện Thuật quê xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào; lãnh tụ Hoàng Hoa
Thám quê xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ đã kháng mệnh triều đình, khởi nghĩa
chống thực dân Pháp, trở thành lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và Yên
Thế nổi tiếng lịch sử cận đại Việt Nam kéo dài 30 năm.
Kính thưa các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể nhân dân
Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, nhất là
từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập đến nay, Hưng Yên
đã có trên 120 tướng lĩnh và nhiều chiến sỹ cách mạng tiêu biểu, như:
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; Nhà cách mạng Lê Văn Lương; Đại tướng
Nguyễn Quyết; các đồng chí Thượng tướng: Hoàng Minh Thảo; Phạm Thanh
Ngân; Nguyễn Trọng Xuyên; Lê Quang Hòa, Đặng Vũ Hiệp...vv.
Liệt sỹ Tô Hiệu, người con ưu tú của
quê hương Xuân Cầu, huyện Văn Giang, biến nhà tù đế quốc thành trường
học cộng sản. Nữ anh hùng Bùi Thị Cúc quê ở Vân Du, Ân Thi được Bác Hồ
tặng 6 chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”. Hưng Yên còn là nơi khởi
nguồn của phong trào nữ du kích Hoàng Ngân anh hùng gan dạ. Quân dân
Hưng Yên đã làm nên những trận đánh và chống càn, được Đại tướng Tổng tư
lệnh Võ Nguyên Giáp cho là mẫu mực như: trận chống càn Phan Tây Hồ;
trận “tiếng sấm đường 5”; trận đánh đồn Bần, huyện Mỹ Hào do đồng chí
Nguyễn Bình chỉ huy.
Có thể nói, quê hương văn hiến với
truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm
của các bậc tiền nhân đã soi rọi, hun đúc nên vị danh tướng huyền thoại
của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trung tướng Nguyễn Bình là nhà quân sự
tài ba, nổi bật là tinh thần quyết đoán, mưu trí, chớp thời cơ, dũng
cảm, ngoan cường, chủ động tấn công. Ông là một trong những người xây
dựng căn cứ quân sự sớm nhất mang tên Trần Hưng Đạo ở Quảng Ninh và chỉ
huy cuộc nổi dậy giành chính quyền ở Quảng Yên. Chính tư duy vượt trội
và khả năng tập hợp quần chúng là những yếu tố để Chủ tịch Hồ Chí Minh
chọn đồng chí Nguyễn Bình vào nơi tiền tiêu Nam Bộ ngay từ buổi đầu
kháng chiến chống Pháp. Tại đây, Trung tướng huyền thoại Nguyễn Bình đã
thể hiện tài năng qua sự thống nhất các Đảng phái tại Nam Bộ thành lực
lượng cách mạng, mà không phải bạo lực cách mạng. Chiến thuật đánh nhanh
thắng nhanh tại đồn Bần, chiến thuật chiến tranh du kích lấy ít thắng
nhiều và nhiều trận đánh do Trung tướng Nguyễn Bình chỉ huy đã trở thành
điển hình của lối đánh du kích và biệt động, là kinh nghiệm quý cho các
giai đoạn sau này, kể cả trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến
tranh bảo vệ Tổ quốc.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng,
Trung tướng Nguyễn Bình đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất;
hy sinh, phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng phụng sự Tổ
quốc, phụng sự nhân dân. Những cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp
cách mạng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tôn vinh. Ông là người đầu
tiên trong quân đội được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh truy tặng Huân
chương Quân công hạng Nhất. Ông còn được nhà nước truy tặng Huân chương
Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những
cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
đã được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các
tướng lĩnh, các nhà khoa học nghiên cứu đánh giá, khẳng định. Và mới
đây, tại cuộc Hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình với cách mạng
và quê hương Hưng Yên” do Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp với Quân khu 7, Báo
Quân đội nhân dân, Viện lịch sử Đảng tổ chức thêm một lần nữa ôn lại
thân thế, sự nghiệp và những cống hiến của Trung tướng Nguyễn Bình đối
với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Kính thưa các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể nhân dân
Trong những năm qua, nhất là từ sau
tái lập tỉnh năm 1997, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã đoàn kết, nỗ lực
phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu
và tiến bộ quan trọng, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu trên các lĩnh
vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Quốc phòng – an ninh được giữ vững. Hệ
thống chính trị tiếp tục được củng cố. Dân chủ được mở rộng. Y tế, giáo
dục, khoa học công nghệ, văn hoá và thể thao có bước phát triển tích
cực.
Kế thừa và phát huy truyền thống uống
nước nhớ nguồn của dân tộc. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Ban Thường vụ
Tỉnh uỷ đã có chủ trương tiến hành xây dựng các công trình tưởng niệm
danh nhân và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước; tu bổ,
tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. UBND tỉnh đã ban hành Đề án tu bổ,
tôn tạo chống xuống cấp di tích xếp hạng quốc gia và di tích xếp hạng
cấp tỉnh. Năm 2017, đã khởi công tu bổ, tôn tạo đền thờ Lãnh tụ khởi
nghĩa Yên Thế Hoàng Hoa Thám tại xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ; xây dựng Nhà
thờ Anh hùng Liệt sỹ Trần Thị Khang tại xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào. Năm
2018, khởi công Đền thờ Lạc Long Quân tại phường Lam Sơn, thành phố Hưng
Yên; Đền thờ Triệu Việt Vương tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu.
Nhằm bày tỏ lòng biết ơn những công
lao to lớn của đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình với quê hương, đất nước;
năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã thống nhất chủ trương giao
huyện Yên Mỹ xây dựng Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình trên quê
hương đồng chí. Công trình Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình là
tình cảm, ước nguyện thiết tha của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh
Hưng Yên nói chung và huyện Yên Mỹ nói riêng.
Hôm nay, kỷ niệm 110 năm ngày sinh vị
Trung tướng đầu tiên huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng
ta có mặt tại đây, cùng chúc mừng Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Trung
tướng Nguyễn Bình. Sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh
đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành
Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các Quân khu, các tỉnh bạn; các đồng
chí tướng lĩnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ trong buổi lễ
trang trọng hôm nay đã thể hiện tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đối với
công trình văn hóa – chính trị này.
Từ đây, bên cạnh di tích lịch sử quốc
gia Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta có thêm một công
trình văn hóa có ý nghĩa để giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào về tấm
gương cách mạng sáng ngời của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, của Trung
tướng Nguyễn Bình cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau; góp phần tô thắm
thêm trang sử vàng truyền thống văn hóa, cách mạng quê hương Yên Mỹ,
quê hương Hưng Yên.
Trong buổi lễ trang trọng này, thay
mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương Đảng bộ, chính quyền và
nhân dân huyện Yên Mỹ đã chủ động, tích cực triển khai xây dựng và hoàn
thành công trình Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình đúng vào dịp kỷ
niệm 110 năm Ngày sinh Trung tướng và kỷ niệm 71 năm Ngày thương binh
liệt sỹ 27.7; trân trọng cảm ơn các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã
tham gia ủng hộ, tài trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình.
Tôi mong rằng, Đảng bộ, chính quyền và
nhân dân huyện Yên Mỹ, xã Giai Phạm sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và
phát huy giá trị công trình Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình một
cách hiệu quả, thiết thực.
Nhân dịp này, tôi đề nghị các sở,
ngành chức năng; UBND các huyện, thành phố cần chủ động hơn nữa trong
việc tham mưu Tỉnh ủy, HĐND và UBND và Ủy ban MTTQ Việt nam tỉnh Hưng
Yên tiếp tục đầu tư cùng nguồn xã hội hóa để xây dựng đền thờ nhà chính
trị, nhà ngoại giao Nguyễn Trung Ngạn; tu bổ, tôn tạo đền thờ bà Hoàng
Thị Loan – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh; phục dựng đền thờ Trấn thủ Lê
Đình Kiên, người có công xây dựng Phố Hiến trở thành đô thị sầm uất,
phồn thịnh được mệnh danh “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”; tu bổ,
tôn tạo, nâng cấp Khu di tích Cây đa và đền La Tiến; đền thờ trạng
nguyên Tống Trân; Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lễ Hữu Trác; Khu lưu
niệm Lãnh tụ cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy Nguyễn Thiện Thuật và các danh nhân
tiêu biểu khác...
Tôi tin tưởng rằng, tấm gương tận tụy,
hy sinh phấn đấu trọn đời vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân
dân của đồng chí Trung tướng huyền thoại Nguyễn Bình sẽ tạo thêm động
lực chính trị, tinh thần để toàn Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên thực hiện
thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sớm đưa Hưng Yên
thành tỉnh công nghiệp; xứng đáng là quê hương của thân mẫu Bác Hồ, quê
hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, của Trung tướng huyền thoại
Nguyễn Bình và các danh nhân khác của Hưng Yên, của đất nước.
Một lần nữa, thay mặt Tỉnh ủy, Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Hưng Yên, tôi trân trọng cảm ơn và kính chúc các đồng chí lãnh đạo,
nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các vị đại biểu khách quý; đại biểu gia
đình dòng họ Trung tướng Nguyễn Bình cùng toàn thể nhân dân sức khỏe,
hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn: baohungyen.vn