Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm và làm việc tại Hưng Yên

22/10/2021

  • lượt xem: 353

Ngày 29.9, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã về thăm và làm việc tại Hưng Yên. Tiếp và làm việc với đoàn có các ông: Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Toàn cảnh buổi làm việc tại UBND tỉnh
Toàn cảnh buổi làm việc tại UBND tỉnh

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Quang đã báo cáo với đoàn công tác về kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng và công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh.
Đến nay Hưng Yên đã chuyển đổi được 9.572ha đất canh tác hiệu quả kém sang trồng cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao như: nhãn, vải, cam, quýt, bưởi, chuối, ổi, hoa cây cảnh, cây dược liệu và rau các loại...
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thúc đẩy phát triển diện tích cây ăn quả của tỉnh, đến năm 2018, tổng diện tích cây ăn quả đạt trên 10 nghìn ha.
Trong đó, diện tích trồng nhãn bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 250 – 300 triệu đồng/ha, vải cho thu nhập 250 – 280 triệu đồng/ha, cây có múi cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, chuối cho thu 150 - 200 triệu đồng/ha, hoa cây cảnh cho thu nhập 300 – 500 triệu đồng/ha.
Năm 2017, giá trị thu được trên 1ha canh tác đạt 173,5 triệu đồng/ha, dự kiến năm 2018 đạt 185,5 triệu đồng/ha/năm.
Giai đoạn 2018 – 2020, các địa phương trong tỉnh sẽ chuyển đổi trên 7000 ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, cây hàng năm và mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa.
Tỉnh yêu cầu tạm dừng việc chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng nhãn, chuối ổn định diện tích hiện có; tập trung cải tạo vườn tạp, nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn; khuyến khích chuyển đổi các diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng hoa cây cảnh, cây dược liệu và cây có múi. Hướng dẫn, khuyến khích thành lập các hợp tác xã kiểu mới, gắn xây dựng với bảo vệ thương hiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Phấn đấu đến năm 2020, Hưng Yên có trên 2 nghìn ha cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Về phòng chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, do mưa, dông, lốc tỉnh bị thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, do mưa, lũ đã gây sự cố sạt lở về kè, bờ sông, cơ đê.
Hưng Yên đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm, tạo điều kiện cho tỉnh tham gia dự án “Hỗ trợ phát triển ngành hàng điều, hồ tiêu và cây ăn quả”.
Báo cáo Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí về qui định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phù hợp với quy mô sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ tăng cường hoạt động hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật rải vụ thu hoạch nhãn, vải. Chấp thuận đầu tư dự án “Xây dựng cống lấy nước kết hợp âu thuyền Nghi Xuyên, huyện Khoái Châu”; cấp kinh phí lập thiết kế bản vẽ thi công – dự toán và tổ chức thi công xây dựng công trình thuộc Dự án “Hệ thống thủy lợi vùng chuyên canh cây nhãn, cây vải tỉnh Hưng Yên” để bảo đảm mục tiêu đầu tư, tiến độ của dự án; cấp kinh phí để xử lý sự cố nứt đê tả sông Hồng, huyện Khoái Châu; xử lý sạt lở kè Phú Hùng Cường…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng đã phát biểu làm rõ thêm những kết quả đạt được trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đồng thời trân trọng cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan truyền thông đối với tỉnh trong thời gian qua.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý trong thời gian tới, tỉnh tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa mùa, trồng cây vụ đông, tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Tỉnh đánh giá, rút kinh nghiệm những kết quả đã đạt được trong các đợt xúc tiến quảng bá thương mại tiêu thụ nhãn, vải trong thời gian vừa qua để chuẩn bị triển khai làm tốt hơn đối với các loại cây ăn quả khác. Trong xây dựng nông thôn mới, phải tiếp tục nâng cao các tiêu chí, cân đối tài chính, không để nợ đọng xây dựng cơ bản. Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với phát triển đô thị với kinh tế nông thôn, dân cư, lao động, du lịch; phát huy lợi thế gần Hà Nội để phát triển nông nghiệp đặc trưng, đặc sản đô thị. Mở rộng và phát triển các tuyến đê kiểu mẫu gắn với mỹ quan, du lịch, dịch vụ đồng thời khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi…
Đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh tham quan tại vùng chuyển đổi đất lúa sang trồng cây có múi tại xã Đồng Thanh (Kim Động)
Đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh tham quan tại vùng chuyển đổi đất lúa sang trồng cây có múi tại xã Đồng Thanh (Kim Động)

Trước đó, đoàn công tác đã đi tham quan thực tế tại vùng chuyển đổi đất lúa sang trồng cây có múi tại xã Đồng Thanh (Kim Động).
Đức Toản

Nguồn: baohungyen.vn