Cảm xúc về người cha

22/10/2021

  • lượt xem: 690

Từ Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, tác giả Nguyễn Thị Bích Vượng đã gửi tới Người Biên Tập chùm thơ về người cha đã hi sinh trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong niềm xúc động dâng đầy cùng những day dứt về bổn phận của người con đối với cha mẹ, chị đã tâm sự: “Là con, ai cũng muốn tuổi thơ mình được sà vào lòng cha mẹ, để được âu yếm, an ủi vỗ về, đến khi trưởng thành thì được khát khao phụng dưỡng, báo hiếu công ơn cha mẹ. Nhưng tôi thì không được may mắn như vậy. Tuổi thơ của tôi đã quá đau đớn và nhức nhối bởi cha mẹ chia tay nhau từ khi tôi còn trong bụng mẹ, rồi cha vào Nam đánh giặc còn mẹ thì đi bước nữa. Cha mẹ giờ đây đã mất còn tôi luôn sống trong sự dằn vặt như người có lỗi khi chưa làm tròn được nghĩa vụ của con cái đối với bậc sinh thành. Vào những ngày 27 tháng 7, 22 tháng 12 và ngày giỗ của cha mẹ, niềm day dứt trong tôi lại tăng lên lên gấp bội, chỉ biết viết lại những kỉ niệm của cha sau hai tháng từ chiến trường trở về gửi đến Tạp chí. Đó là món quà duy nhất mà tôi có thể làm được cho cha mình”.


Ảnh: st

Người Biên Tập nhận thấy rằng toàn bộ chùm thơ này của tác giả chính là lòng chân thành, hòa vào dòng cảm xúc thương yêu rất mực với người cha đã hi sinh, trong đó có những câu thơ làm xúc động người đọc:
Lấy trăng làm đuốc soi đường
Con theo các cô, các bác
Về thăm cha ở tận nơi núi rừng
Đó là nơi an nghỉ cuối cùng
Để rồi đi mãi cha không trở về


Tiếc rằng tác giả đã chưa thật dụng công cho việc sử dụng câu chữ cũng như lối viết nên nhiều bài thơ không có sự thống nhất về thể và thường bị dàn trải theo ngôn ngữ kể, tả:
Chiến tranh tàn phá hai miền
Nơi cha sơ tán tận vùng núi xa
Đi thăm cha suốt đêm dài
Trên bờ mương nhỏ gập ghềnh cheo leo
(Đi thăm cha)


Đoạn thơ này viết theo thể lục bát (6/8) nhưng thất vận. Sự thất vận ấy khiến cho Người Biên Tập có cảm giác như đang đứng bên này bờ mương còn tâm hồn lại ở bên kia. Bờ mương thì nhỏ đấy, hẹp đấy mà không thể sang vì giữa những gập ghềnh cheo leo kia đang thiếu hẳn đi một điểm tựa là cầu nối với đôi bờ. Thơ là thế, quan trọng ở cảm xúc nhưng cảm xúc chỉ làm nhiệm vụ dẫn dắt, còn người đọc có đi đến tận cùng bài thơ hay không lại phải nhờ đến quyền năng biểu đạt của ngôn ngữ.

Ảnh: st

Vẫn trong câu chuyện về người cha đã hi sinh, ở bài thơ Sự trở về của người lính, tác giả đã dùng lại rất nhiều chất liệu của bài trước và chỉ khác nhau qua cách thể hiện: Đêm cuối thu năm ấy/ Đường con đến đón cha/ Gập ghềnh đầy sỏi đá/ Qua sông rồi qua núi/ Nơi cha nghỉ dừng chân/ Là trận chiên cuối cùng/ Nơi cha hằng yên nghỉ. Mỗi câu chuyện của kí ức hay thực tại điều có thể trở thành chất liệu rất tốt cho bài thơ. Tuy vậy trong thơ ca, cá tính sáng tạo riêng và độc lập luôn luôn được đảm bảo dù đó là tác phẩm hoàn hảo hay chưa hoàn hảo.

Vào mỗi dịp 40/4, 27/7… hàng năm, Người Biên Tập lại nhận được rất nhiều tác phẩm thơ viết về những người đã hi sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó thật đáng trân trọng biết bao. Người Biên Tập hi vọng sẽ nhận được nhiều tác phẩm hay hơn nữa của các tác giả về đề tài này

Nguồn: http://vannghequandoi.vn/tho/Cam-xuc-ve-nguoi-cha-2083_5769.html