Chủ nghĩa Mác – Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất trong điều kiện mới

22/10/2021

  • lượt xem: 616

Đó là một trong những nội dung của chủ đề của hội thảo khoa học diễn ra ngày 12/3, tại Hà Nội do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm đề tài khoa học KX02-13; Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc- Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật.

Hội thảo khoa học “Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuấtvà quan hệ sản xuất trong điều kiện mới”- ảnh: HM

Các đại biểu tham dự hội thảo khẳng định: Theo chủ nghĩa Mác-Lênin, mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là mối quan hệ có giá trị phổ quát, là quy luật xuyên suốt và chi phối sự phát triển của xã hội loài người, của mọi hình thái kinh tế - xã hội. Đây là mối quan hệ tương tác giữa hai bộ phận cấu thành trong một chỉnh thể của phương thức sản xuất. Trong đó, lực lượng sản xuất là nội dung vật chất của phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất là hình thái xã hội của sự tồn tại, phát triển phương thức sản xuất.Trong mối quan hệ này, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là cái quyết định kết cấu nội dung của quan hệ sản xuất và quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất.Quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển và ngược lại, quan hệ sản xuất lạc hậu sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Quá trình này diễn ra một cách khách quan, như một quá trình lịch sử tự nhiên, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người và loài người.

Tuy nhiên, trong lịch sử nhiều năm qua có thể thấy, một trong những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin đã bị nhận thức và vận dụng méo mó sai lệch nhiều nhất chính là tư tưởng về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

Ở nước ta, trong suốt hơn 30 năm đổi mới, Đảng đặc biệt quan tâm tìm tòi, phát triển nhận thức thông qua tổng kết lý luận - thực tiễn, vận dụng mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trên tổng thể và đối với từng yếu tố cấu thành của quan hệ sản xuất.

Thực tiễn cho thấy, quá trình nhận thức và vận dụng mối quan hệ này, trong tổ chức thực hiện chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót, sai lầm. Hoặc là không nhận thức rõ sự phát triển lực lượng sản xuất là một quá trình lịch sử tự nhiên; chúng ta đã từng chủ quan, không quan tâm đến những điều kiện để phát huy ưu thế của hợp tác lao động, muốn tạo ra một quan hệ sản xuất vượt trước trình độ lực lượng sản xuất, làm cho mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trở nên gay gắt, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Hoặc là đề cao một cách phiến diện yếu tố người về mặt số lượng, không chú ý chất lượng nguồn nhân lực và yếu tố vật của lực lượng sản xuất; nóng vội mở rộng quy mô hợp tác xã khiến cho sức sản xuất của lao động giảm sút, kinh tế trì trệ; về quan hệ sản xuất thường chỉ chú trọng quan hệ sở hữu, không chú trọng quan hệ quản lý và quan hệ phân phối...

Các đại biểu cũng cho rằng: Hiện nay, với cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển như vũ bão, cả thế giới vật chất, thế giới số và thế giới sinh học... đang hòa trộn với nhau, ảnh hưởng đến mọi quy tắc, mọi nền kinh tế, mọi ngành nghề và chính phủ, thậm chí thách thức cả nội hàm của khái niệm “con người”, làm “thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau”... Hiện thực đó đang thách thức những quan niệm nhận thức của chúng ta về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và nội dung mối quan hệ này.

Đại biểu tham luận tại hội thảo - ảnh: HM

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã phân tích, làm rõ những nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất vẫn còn nguyên giá trị trong điều kiện mới hiện nay; chỉ ra những hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân trong nhận thức và vận dụng mối quan hệ này trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; đối chiếu với thực tiễn Việt Nam, nêu được những vấn đề cần bổ sung, phát triển về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất...

Ý kiến của các nhà khoa học là cơ sở quan trọng để tiếp tục nghiên cứu đề xuất, kiến nghị những nội dung phù hợp về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, góp phần không nhỏ vào tổng kết Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011) và chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng./.

Nguồn: dangcongsan.vn