Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: 75 năm xây dựng, phát triển

06/08/2024

  • lượt xem: 101

Với sứ mệnh của một trường Đảng cao cấp, trải qua chặng đường 75 năm xây dựng, phát triển (1949 - 2024), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ gắn với yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn đóng vai trò quan trọng trong đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng đòi hỏi của của sự nghiệp cách mạng.

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: baochinhphu.vn).

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Thực tiễn cho thấy, trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng luôn nêu rõ những yêu cầu cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị cụ thể và thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay đặt ra yêu cầu đội ngũ cán bộ cần được trang bị vững chắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng; những hiểu biết về quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; những kiến thức về quản lý kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; những kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý xã hội, về xây dựng Đảng trong điều kiện cầm quyền; về cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại… Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi người cán bộ phải có hiểu biết toàn diện, tư duy sáng tạo, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén, phẩm chất đạo đức trong sáng, đồng thời có năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực hành động có hiệu quả. Do vậy, trong hành trình 75 năm xây dựng, phát triển (1949 - 2024), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ để xác định đúng đắn mục tiêu đào tạo cán bộ của Học viện, đồng thời là cơ sở quan trọng để chiêu sinh đúng, xây dựng chương trình, nội dung giáo trình bài giảng; tổ chức các hệ lớp phù hợp; lựa chọn phương châm, phương pháp giáo dục, xây đựng đội ngũ giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo cho quá trình đào tạo của Học viện.

Lý luận gắn liền với thực tiễn là phương châm căn bản trong đường lối giáo dục của Đảng. Nguyên tắc đó đảm bảo cho mỗi cán bộ nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, giảng viên phải quán triệt nguyên tắc này, đòi hỏi lý luận phải làm rõ những vấn đề của thực tiễn và thực tiễn phải được soi sáng bởi lý luận; đòi hỏi phải chống bệnh giáo điều, sách vở, lý luận suông, đồng thời chống chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa thực dụng coi thường lý luận. Nguyên tắc này luôn được quán triệt và thường xuyên thực hiện trong cả chương trình, nội dung giáo trình, thi, kiểm tra, làm luận văn tốt nghiệp của học viên cũng như trong quy trình, phương pháp giảng dạy của giảng viên, thực hiện tốt hơn việc tổng kết thực tiễn.

Cùng với đó, Học viện cũng luôn chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đaọ, quản lý; nhấn mạnh quá trình tự đào tạo, tự nghiên cứu của học viên, nâng cao phương pháp suy nghĩ khoa học, độc lập, sáng tạo và đặc biệt coi trọng phương pháp xử lý tình huống, hướng người học vào việc tập dượt giải quyết những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, công tác công tác tổng kết, đánh giá hiệu quả giáo dục, đào tạo trong từng giai đoạn, thời kỳ cũng luôn được Học viện chú trọng để kịp thời cải tiến về cả nội dung và phương pháp giảng dạy. Học viện đã xây dựng và thực hiện một quy trình đồng bộ từ chuẩn bị nội dung bài giảng, phương pháp sư phạm, các bước chỉ đạo đơn vị giảng dạy, giảng viên đến công tác quản lý của giáo viên chủ nhiệm, của cơ quan quản lý đào tạo. Quy trình học tập của học viên cũng cần được xây dựng, chỉ đạo chặt chẽ từ nghe giảng, tự nghiên cứu, bài tập vận dụng thực tế, đi nghiên cứu thực tế đến kiểm tra, thi và làm luận văn cuối khóa. Học viên cũng được bồi dưỡng phương pháp học tập làm sao cho vừa được tiếp nhận, được trang bị những kiến thức cơ bản, vừa không tách rời thực tiễn sôi động của cuộc sống, của những vấn đề mà người cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn gặp phải và xử lý.

 Khai giảng Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp thứ nhất). (Ảnh: hcma.vn).

Cùng với đó, việc giữ gìn và phát huy bản sắc trường Đảng trong sứ mệnh của Học viện luôn được thể hiện ở sự đóng góp vào việc vận dụng sáng tạo, phát triển và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, đối tượng đào tạo của Học viện là những cán bộ, chiến sĩ chủ chốt đã và đang tham gia công tác, từ mọi miền, mọi lĩnh vực của đất nước, được các cơ sở cử đi đào tạo. Để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo vẻ vang đó, yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên về lập trường tư tưởng, kiến thức, kỹ năng, thái độ là rất cao. Giảng viên lý luận chính trị của Học viện ngoài những phẩm chất, năng lực, kỹ năng sư phạm như những giảng viên của ngành giáo dục, đào tạo nói chung, họ cần phải luôn trau dồi tính đảng, tính chiến đấu, khoa học, tính thực tiễn và tính thuyết phục cao trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Với tính chất đặc trưng của trường Đảng Trung ương, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh còn phải là những người thấm nhuần tính đảng, tính chiến, thể hiện phẩm chất chính trị, trung thành, tận tụy phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân; có tư duy lý luận sắc bén, nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng mới có thể thuyết phục được người học, đấu tranh bảo vệ phát triển nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng. Nhận thức được điều này, Học viện đã luôn chủ động tự đào tạo đội ngũ giảng viên có chất lượng cao trên cơ sở xác định đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện chính là lực lượng nòng cốt trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học không chỉ đối với các chuyên ngành lý luận Mác-Lênin, mà còn quyết định đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học ở nhiều chuyên ngành khác của Học viện. Để nâng cao chất lượng giảng viên, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện đặc biệt chú trong công tác đào tạo qua các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn, nhiều người được gửi đi đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Đây là vấn đề tư duy chiến lược của lãnh đạo Học viện về công tác cán bộ nói chung và đào tạo đội ngũ giảng viên nói riêng. Trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ giảng viên của Học viện khá trẻ, được đào tạo căn bản, hầu hết giảng viên có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên, họ là những người say mê nghề nghiệp, chấp nhận khó khăn, dấn thân cho sự nghiệp phát triển lý luận của Đảng, năng động, sáng tạo, khát khao được cống hiến, chính họ đã đem lại sinh khí mới cho sự phát triển của Học viện.

Nhờ vậy, kết quả đào tạo của Học viện trong 75 năm qua là hết sức ấn tượng, với hàng vạn cán bộ được đào tạo theo các chương trình khác nhau. Học viện luôn là địa chỉ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo cao cấp, trung cấp, cán bộ lý luận của Đảng và Nhà nước, lực lượng vũ trang và các đoàn thể chính trị - xã hội. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã trở thành cơ sở đào tạo có thương hiệu mạnh, uy tín cao trong đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong cả nước. Những cán bộ được đào tạo dưới mái trường Học viện có nhận thức chung về quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó góp phần quan trọng tạo nên sự nhất trí trong toàn Đảng và toàn xã hội.

Với những thành tích đóng góp đặc biệt xuất sắc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới;…

Kế thừa và phát huy truyền thống 75 năm xây dựng, phát triển, tin tưởng Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Học viện sẽ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, quyết tâm xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày càng lớn mạnh, vững bước phát triển trong giai đoạn hiện nay./.

 
Phạm Thị Mai (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)