Sau “Alo! Tôi nghe đây!” là một tràng cười khi khi, vừa khúc khích vừa giòn rụm trong máy. “Chào anh ba Việt cộng...”. Tôi thốt giật mình. Người ớn áy trên làn da, như vô tình gặp lại vật đánh mất đã rất lâu. Không tin nổi. Hốt nhiên, rơi vào trạng thái lung liêng không xác định. Y hệt khi chuyện ấy xảy ra, tôi không biết gọi đích xác nó là gì? Hay tôi cố không thừa nhận, cố chối bỏ, sợ hãi, không muốn gọi đúng tên sự việc?
Mai
Hương đẹp. Một sắc đẹp khiến ta giật mình, trong khi Khải không nổi
trội, thậm chí xấu trai. Mai Hương đài các, sang trọng, mọi dáng nét
cành vàng lá ngọc. Còn Khải dù nhiều năm học hành phố thị, vẫn thành
thật, quê mùa, chân chất hạt lúa củ khoai. Mai Hương biến hóa, ma mị.
Khải thô cục, hiền khô. Điều quái ác, Mai Hương là vợ một đại úy bên kia
chiến tuyến, trong khi Khải là trinh sát kĩ thuật sư đoàn quân Giải
phóng…
“Em đấy hả, Mai Hương?”. Tôi mừng rỡ, cuống quít hỏi.
“Dạ! Anh Ba giỏi thiệt! Gần ba mươi năm...”.
“Tiếng cười ấy, chỉ có một trên thế gian này, sao anh quên được”.
Như thể tôi đã khêu đúng chỗ, tiếng khi khi lại rộ lên trong máy. Tôi đã nhiều lần sợ tiếng cười này bởi lo bị lộ.
“Sao em... biết được số máy của anh?”.
“Anh đoán coi!” Tiếng khúc khích, cố nén.
“Là thằng Khải, đúng không?”. Tôi hỏi, chắc mẩm.
“Trật rồi, anh ba! Khi khi khi! Là chị Mười đưa em đó! Nếu có số máy anh Khải, thì nhất rồi. Em mù tịt ảnh từ dạo đó”.
À,
tôi nhớ ra rồi. Cách đây mấy năm, theo đoàn cựu chiến binh thăm lại
chiến trường xưa, tôi đã về chốn Sơn Khê ấy và gặp được chị Mười Phú,
một mắt đã mất, đầu bạc phất phơ. Nói chuyện một lúc, tôi cho chị số máy
rồi chia tay. Ấp Sơn Khê đã thay đổi sau chiến tranh. Con lộ qua làng
mở rộng gấp đôi, thảm nhựa phẳng lì. Nhiều nhà cao tầng mọc lên. Cửa
hàng, cửa hiệu bán mua rộn rực. Nhà chị Mười Phú chỉ một tầng, nhưng khá
khang trang. Không cho chị Phú biết, tôi lặng lẽ đi tìm nhà Mai Hương,
hồi hộp muốn vỡ tung lồng ngực, nắc nỏm không biết giờ này Mai Hương ra
sao? Nhưng ngay lập tức, đã thở dài thườn thượt. Ngôi nhà đẹp nhất Sơn
Khê ngày ấy đã thay chủ mới. Khu vườn vú sữa thêm sang trọng cho ngôi
nhà vẫn còn đây. Tôi cố lấy dáng ngẫu nhiên, đi bách bộ dọc hàng rào sơn
trắng đã cũ kỹ. Dạ chợt bùi ngùi. Người xưa lưu lạc nơi đâu, cảnh cũ
còn đây. Cái sân rộng, nơi chính trị viên phó đại đội bố trí Khải nói
chuyện, vẫn như xưa. Đó là địa điểm do chị Mười Phú, thủ lĩnh đội quân
tóc dài vùng này lựa chọn. Chị nói, cả thôn gần trăm nóc nhà đều lấy nơi
đây thỉnh thoảng tổ chức sinh hoạt, phổ biến chế độ chính sách cho
người dân. Vì nó rộng, lại trung tâm và cũng có chút đặc biệt. Ban ngày
là chính quyền Quốc gia của tổng thống Thiệu. Ban đêm thuộc chính quyền
Cách mạng. Chị hạ giọng nói thêm, nhà của viên đại úy lính dù khét tiếng
đấy!
Quan
sát, tôi thấy rất ăn khớp giữa ngôi nhà, khu vườn, và những người chủ
sinh sống trong đó. Ông già xưa là người có thế lực trong chính quyền
thuộc Pháp, từng được tặng Bắc đẩu Bội tinh đã xây cất ngôi nhà này.
Phong cách biệt thự vườn, dáng kiểu Pháp lưu dấu trên từng chi tiết. Nhà
có hai phòng lồi hai bên tạo cảm giác cân đối khi nhìn trực diện. Lại
tạo sự khác biệt, phi đối xứng, rất có duyên, khi nhìn chếch ở các hướng
khác. Nền cao, nhà cao, cửa cuốn vòm, mái tum lồi lõm góc cạnh, nom như
nhà hai tầng. Thực ra, tầng tum cũng gần như tầng hai, vì tường được
xây quá đầu người rồi mới đến các mảng tường hình chóp có mái với cửa sổ
vòm cánh lá sách cố định, vừa tạo dáng, vừa thông gió. Các mái lợp
ngói, nhọn và dốc, nhằm chống nóng cho ngôi nhà. Tầng tum khá nhiều
phòng, có thể chứa được vài tiểu đội lính, thành nơi để những đồ vặt ít
dùng. Và thành nơi tôi và Khải ẩn trốn trong tuần bị truy đuổi...
Người
con trai của ông, đại úy sĩ quan dù bảnh trai và mẫn cán đóng quân ở
xa, ít khi về nhà. Chăm sóc ngôi biệt thự sang trọng là ông bố già và
người vợ hiền rất mực xinh đẹp của đại úy. Mai Hương, cô nữ sinh trên
thành phố, gác bỏ ước mơ làm bác sĩ về làm dâu theo sắp đặt từ thuở lọt
lòng của hai gia đình danh giá và thế lực. Nhiều lần viên đại úy dù muốn
đưa bố và vợ về thành phố nhưng ông già lắc đầu, giơ bàn tay da đồi mồi
loang lổ gầy như que củi mục ra hiệu muốn chết ở nhà mình. Vả lại,
người vợ cành vàng lá ngọc của đại úy nói đã quen và thích cuộc sống ở
đây, không muốn đi đâu nữa. Hẳn nhiên, ý vợ là ý trời.
Chiến
trường phía nam các tỉnh trung phần này, bộ đội ta đang gặp khó, nhất
là lương thực, vũ khí. Địch dội pháo, tung biệt kích đánh chặn ngày đêm,
cố cắt mạng đường mòn vận chuyển chiến lược. Lương thực, vũ khí từ Bắc
vào đến đây như nước cuối nguồn. Bộ đội phải tổ chức đánh địch để có
súng đạn và lương thực dùng. Thỉnh thoảng, những đơn vị nhỏ móc nối cơ
sở, bí mật luồn sâu, khuân vác gạo lên rừng. Lần này là bộ phận có tôi
và Khải tham gia do chính trị viên phó đại đội chỉ huy. Một thôn khá trù
mật cạnh con lộ lớn rải nhựa chạy lên Tây Nguyên. Dân đông, đồi nương
ruộng đồng xanh tốt, cây trái sum suê, lác đác lại có cửa hàng cửa hiệu
như phố.
Dù
khác khoa, tôi và Khải đều là sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội
nhập ngũ. Khải Khoa Văn, tôi Khoa Lí. Ngẫu nhiên, năm thứ hai chúng tôi
cùng đi thực tập một nơi và thành bạn thân từ đó. Dân gốc miền Trung,
nói các nơi nghe đã khó, huống chi Khải lại bị nói lắp. Đôi khi, cậu
chàng há miệng mãi chỉ để lặp lại một từ nào đó. Chúng tôi lo sốt vó,
rồi Khải đứng lớp giảng bài sao đây? May thay, khi cậu ta thử chuyển
sang nói giọng Bắc thì lại trôi chảy, mềm mại ngọt ngào, chẳng khác
giọng Hà Nội. Từ đó, giờ lên lớp giảng tập nào, cậu chàng cũng được điểm
rất cao. Từ đó cậu chàng nói giọng Hà Nội mọi nơi mọi lúc.
Tôi ở vị trí cảnh giới gần. Khẩu AK báng gấp đầy đạn kẹp nách, đứng ngay đầu sân, nơi lối vào cửa trước.
Từ
đây, nhìn vào khoảng sân rộng người ngồi đông đúc, rõ từng động tác.
Ngoài đường cái quan, đã có đội quân tóc dài của chị Mười Phú cảnh giới,
có động tĩnh là ám hiệu cho trong này biết. Trên sân nhà viên đại úy
dù, người lục tục kéo đến, ngồi kín từ trong ra ngoài. Bàn chủ tọa đặt ở
hiên cao, ngọn đèn măng sông tỏa một vùng sáng rộng soi rõ hai đầu
hiên, hai chiếc nong lớn đã đầy gạo. Người dân khi đến đây, đều kẻ nách
mủng, người xách bao xổ gạo vào đó. Tất cả việc này đều do chị Mười Phú
và đội quân tóc dài của chị sắp xếp. Họ đến từng nhà, nói rõ mục đích
yêu cầu để người dân tự nguyện ủng hộ quân lương cho bộ đội Giải phóng.
Tôi biết rằng có một số gia đình trung thành với bên kia chiến tuyến. Họ
buộc phải đến. Nhưng đi tay không. Chỉ khi thấy không khí đóng góp rộn
ràng nên lại lén về lấy gạo mang ra.
Chính
trị viên phó đại đội bước đến bên bàn, trịnh trọng thay mặt chính quyền
Cách mạng, quân Giải phóng, cám ơn sự chăm lo của đồng bào. Đoạn anh
đặt vấn đề nội dung buổi gặp mặt, rồi bất ngờ giới thiệu Khải lên nói
chuyện về miền Bắc với bà con. Khải bước lên bên bàn chủ tọa, cúi chào
người dân. Có tiếng vỗ tay lác đác, dè dặt, tiếng xầm xì nho nhỏ: “Bộ
đội Giải phóng đẹp trai quá hen”. “Nghe nói Việt Cộng bảy người leo một
cọng đủ đủ không gãy, sao giờ anh nào anh nấy khỏe mạnh, đẹp trai dữ?”.
Tôi
vừa mừng, vừa ngỡ ngàng, lo lắng. Mừng vì tấm lòng chân thành của đồng
bào đối với quân Giải phóng. Ngỡ ngàng, lo lắng vì chương trình quyên
góp gạo nuôi quân diễn ra ngay nhà viên đại úy ngụy, trong vùng từ lâu
địch chiếm. Lại ngỡ ngàng hơn vì chính trị viên phó giới thiệu Khải
thuyết trình lần đầu tiên giữa đám đông, lại là đám đông đồng bào bao
năm bị địch tuyên truyền nhồi sọ. Khải hình như cũng bất ngờ, mặt cậu
chàng biến sắc dưới ánh đèn sáng lạnh. Tôi rất lo. Khải sẽ nói gì về
miền Bắc, khi mà đời sống người dân bị cuộc chiến tranh phá hoại bằng
không quân Mĩ khốc liệt, hăm dọa đưa về thời kì đồ đá? Và nhìn cái kiểu
vỗ tay miễn cưỡng, lác đác kia, thì rõ!
Khải
khẽ mỉm cười tự trấn an, rồi bình tĩnh nói rất mạch lạc. Tôi ngạc
nhiên, con người củ mỉ cù mì của anh chàng biến mất, nhường chỗ cho một
anh lính tài hoa, nói năng lưu hoạt. Nét mặt, cử chỉ, giọng nói khá tự
nhiên. Giọng Hà Nội ngọt như mía lùi, khiến người nghe háo hức vì lần
đầu được biết đến. Tôi cũng phục tài chính trị viên phó đại đội, làm sao
biết được tài lẻ của Khải, tin tưởng trao cho công việc khó khăn này!
Sau
lời chào, Khải nói thân mật rằng, trước khi chúng tôi vào đây, Bác Hồ
có dặn, nếu có dịp gặp đồng bào trong này thì cho Bác gửi lời chào thân
ái và đoàn kết! Lời của Khải vừa dứt, tức thì một tiếng vỗ tay làm mồi,
rồi tất cả rộ lên như pháo tràng. Người vỗ tay đầu tiên ấy, là một phụ
nữ xinh đẹp, trẻ trung và đài các. Dáng hình thon thả trong bộ đồ lụa
trắng màu ngà mặc ở nhà, tôn vẻ đẹp của một dáng hình tuyệt mĩ. Gương
mặt trái xoan ảo mờ trong bóng tối. Mái tóc kiểu Trần Lệ Xuân, phô cái
cổ cao thanh thoát. Hai cánh tay trần thon thả đưa theo nhịp vỗ. Như
nàng tiên trong đêm...
Minh họa: Đặng Tiến
Trên
vị trí chủ tọa, Khải như vừa được nhấp men say: Cô gái xã viên ơi! Tôi
đang hành quân về nơi quê hương Xô viết. Đồng lúa mênh mang giọng hò tha
thiết. Con kênh dài in bóng những vì sao. Trên đầu tôi khói trắng vươn
cao. Lớp lớp chen nhau bay về trong mây bạc...
Đó
là bài thơ truyền khẩu của một người lính nào đó sáng tác. Nó nằm lòng
trong mỗi trái tim người ra trận thuở ấy. Tôi run lên, sướng rân, bất
ngờ trước giọng ngâm thơ tha thiết và cảm động của Khải. Té ra, cậu
chàng đã khéo léo giới thiệu miền Bắc, bằng một bức tranh khoáng đạt,
đẹp đẽ và sinh động vô cùng. Một bầu trời mùa thu thoáng đãng trong
xanh, mây trắng lô xô yên bình. Một cánh đồng mênh mông lúa xanh rờn với
mấy cô xã viên vừa làm vừa hò hát. Một dòng kênh nước mát lành chạy
dài, soi rõ bầu trời với những vì sao hôm lấp lánh. Và xa kia, là ống
khói nhà máy vươn cao, khói trắng bay lẩn vào lớp mây ánh bạc...
Giờ
thì đồng loạt tiếng vỗ tay nổi lên như sấm. Người ta nhích dần, gần hơn
với Khải. Nàng tiên mặc áo lụa ngà kéo chiếc đòn ngồi gần bàn chủ tọa
lúc nào, ngước đôi mắt thiên thần nhìn lên chăm chú. Đôi mắt không chớp,
đắm đuối nhìn dán vào miệng Khải, như nuốt lấy từng lời. Hẳn là lúc
này, lòng ai cũng mường tượng về một miền Bắc, giàu đẹp một cách yên
bình. Tiếng xì xầm lại nổi lên: “Mấy ổng Việt Cộng ngâm thơ hay quá,
hỉ?”.
Trên
hiên nhà, nơi ánh đèn chỉ sáng nhờ nhờ, một số bóng áo bà ba đen cùng
mấy người lính nhanh chóng đóng gạo vào bao. Mỗi bao chừng hai lăm, ba
mươi cân. Đoạn, họ lồng vào ba lô cóc, xếp thành dãy.
Khải
tiếp tục dụ dẫn người nghe vào vấn đề chính một cách khéo léo. Rằng, có
những thế lực đen tối, muốn chia cắt đất nước ta dài lâu để dễ bề xâm
lược. Rằng, từ bên kia đại dương, chúng đã xua những đàn quạ sắt sang
đánh phá miền Bắc: Bom đạn Mĩ ngày đêm gieo tang tóc. Đạn bắn nhà thờ,
lửa thiêu trường học. Em bé ngây thơ gục dưới mái nhà tranh. Lửa đỏ khắp
người gọi mẹ, mẹ tìm quanh. Trên trang sách máu em tôi còn đang chảy.
Tôi hành quân những đêm dài tháng bảy. Lửa bỏng miền Nam, lửa cháy trong
tim. Cả nước xuống đường như biển Đông sóng dậy. Nòng súng tôi bốc khói
sáng màu xanh…
Giọng
ngâm thơ của Khải hùng hồn. Tiếng vỗ tay, chen với tiếng khóc nấc. Sụt
sùi. Thương miền Bắc qua đỗi. Thương bộ đội Giải phóng quá đỗi! Tôi thấy
bóng nàng tiên mặc áo lụa ngà gục xuống, lau nhanh nước mắt vào vào hai
bàn tay. Nhưng ánh mắt nhìn Khải ngời ngời, tha thiết...
Bỗng
từ xa, phía đường cái, ba tiếng súng AK dội lên. Đội quân tóc dài chị
Mười Phú đang chặn địch! Cả khối người bỗng trào lên, mạnh ai nấy chạy
về nhà. Chính trị viên phó đại đội ra lệnh cho bộ đội khẩn trương gùi
gạo, rút lên rừng theo lối cửa sau. Tôi và Khải được lệnh nổ súng cầm
chân địch.
Chúng
tôi phóng lên phía con lộ, nhảy xuống chiến hào bên kia đường. Súng rộ
lên đây đó phía trước mặt. Tiếng AK điểm xạ hai phát một của đội quân
tóc dài chị Mười Phú đan cài với tiếng tiếng AR15 nổ ròn từng tràng. Đôi
ba quả lựu đạn nổ xé tai, ánh chớp xanh lét. Bóng áo bà ba đen chạy vụt
qua, bám theo hai vệ đường. Hình như địch tiến theo con lộ chính qua
làng và đội nữ du kích bám theo hai con hào hai bên, bắn cầm chân chúng,
mục đích để đoàn quân vận lương của bộ đội Giải phóng đi càng xa càng
tốt. Hai bên chỉ dùng vũ khí bộ binh. Hẳn là địch được mật báo nhanh nên
chúng đánh theo kiểu tổ chức bao vây, bắt sống hay diệt gọn.
Đấu
súng một lúc, đội nữ dân quân của chị Mười Phú xem chừng yếu thế. Có
bóng áo đen lẹ làng chạy qua chạy lại theo chiến hào, bên hông đeo xắc
cốt cứu thương, thanh thoát và nhanh như sóc. Khi thì dốc bi đông nước
cho người này, khi băng bó nhanh vết thương cho ai đó.
Trăng
khuya khá sáng. Nom rõ con đường rải nhựa lố nhố địch di chuyển. Khải
vác khẩu B40 lao lên ụ đất cao phía trước nhắm đúng ngã tư nơi địch đang
co cụm, lẩy cò. Môt tiếng nổ xé trời. Chớp lửa trùm kín ngã tư. Tiếng
địch la hét. Nhưng khi Khải vừa lăn xuống con hào, địch đã kịp tương lại
một trái M79. Đạn nổ bên kia mép ụ đất nhưng một mảnh lạc sang, găm
trúng đùi trái Khải. Cậu ta “á” lên một tiếng, lăn mình xuống lối hào.
Tôi kéo một tràng AK cốt để địch không kịp ngóc đầu dậy rồi xốc Khải lên
vai, chạy lui về phía sau.
Đang
cắm đầu chạy, bỗng có một bàn tay con gái nắm lấy tay tôi ra ý hãy đi
theo. Tôi nhận ra cái bóng áo đen nhanh như sóc lúc nãy. Chúng tôi chạy
băng qua con lộ rải nhựa, đi dạt vào mép cỏ lề đường. Máu từ vết thương
Khải chảy thành giọt. Đến cổng nhà viên đại úy dù, nơi Khải diễn thuyết
lúc nãy, cô gái nhanh chóng đẩy cửa, kéo chúng tôi vào. Không đi theo
lối lát gạch cửa chính, cô dẫn qua thảm cỏ khu vườn, dưới tán những cây
vú sữa, rồi chui vào cửa sau. Tôi hiểu, cô tránh để vết máu vương trên
lối đi lát gạch, dễ thành vết lông ngỗng cho kẻ địch lần theo...
Đôi
khi nghĩ lại, tôi chưa thấy nơi nào như ở đây. Hầu hết các gia đình đều
có người ở cả hai chiến tuyến đối nghịch. Cha - con, anh - em, tự
nguyện hay bắt buộc. Nó là hệ lụy của lịch sử để lại, từ sau Hiệp định
Giơnevơ. Gia đình nào cũng ruột thịt chia hai. Đêm, tiếp tế cho quân
Giải phóng, xong, chờ họ đi xa, thì thì báo với quân đội Quốc gia. Rồi
một lực lượng phụ nữ nổ súng cầm chân địch cho quân Giải phóng rút đi an
toàn lại biến thành những người đàn bà nhu mì, chăm lo việc gia đình.
Trong mối quan hệ phức tạp, rắm rối ấy, chưa từng gặp trường hợp của nhà
Mai Hương. Xuất thân cành vàng lá ngọc, về làm dâu ở gia đình danh giá
bậc nhất xứ này, chồng lại là sĩ quan lính dù khét tiếng trung thành và
mẫn cán với chính phủ Quốc gia. Thế mà, trái tim giai nhân lại thuộc
phía Cách mạng. Không được làm một bác sĩ như mong ước, nhưng Mai Hương
cũng kịp học một lớp y tá chuyên đỡ đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh. Lương hưu
ông bố chồng già và lương đại úy lính dù của chồng, đủ cho Mai Hương
thoải mái ăn diện, nhưng cô thích đi đỡ đẻ, chăm tụi trẻ mới lọt lòng đỏ
hỏn như chuột con, và chích dạo trong dân. Hình như cô mát tay, mũi
tiêm nào cũng không đau nên trong làng ai cũng muốn được bàn tay ngà
ngọc ấy chăm sóc. Thành ra, nửa đêm, gà gáy họ cũng gọi Mai Hương.
Tôi
nghĩ, Khải quá gặp may. Khi đưa được cậu ta vào buồng, chúng tôi hết
sức sửng sốt, không thể tin vào mắt mình. Đấy là buồng ngủ sang trọng
của vợ chồng viên đại úy dù khét tiếng. Căn phòng lớn chia đôi, phía
ngoài là bàn ăn rộng, phía trong kê giường ngủ. Từ phòng này, thông với
nhà ngang (một nửa làm bếp nấu, nửa còn lại nhà tắm, buồng vệ sinh) bằng
một lối đi nhỏ. Giây sau, nữ du kích trong bộ bà ba đen nhanh như sóc
ngoài chiến hào, thoắt biến thành nàng tiên mặc bộ lụa ngà sang trọng.
Cô lôi nhanh từ trong tủ ra bộ quân phục phù hiệu, cầu vai đại úy dù vắt
thành ghế của bàn ăn, cùng đôi giày cao cổ đế răng cá sấu để bên cạnh.
Đoạn, mang tạp dề vào người, đổ nước sôi từ trong phích ra cái khay nhỏ,
rửa vết thương cho Khải.
Tôi
kẹp AK đứng cảnh giới trước cửa phòng khách rộng, nơi hai cánh cửa lim
đóng chặt. Phòng khách ở gian chính, phía trong bàn thờ gia tiên được
bức hoành phi khảm vàng và cánh màn nhung màu huyết dụ buông xuống che
khuất. Phía ngoài là bộ sa lông bóng loáng, trên đó bộ ấm chén Tàu cổ
bày biện sang trọng. Trần nhà kết đèn chùm lấp lánh sáng dịu. Mảng tường
bên phải là chân dung một vị khăn đóng áo dài cỡ lớn, tay chống ba
toong, ngực gắn Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Tường bên trái, chân dung
viên đại úy lính dù mặc đại lễ trắng có ngù vai coi rất bảnh.
Theo
lối rộng thông với gian phòng phía đông ngăn cách bởi tấm mành thoáng,
tôi giật mình bởi một xác người già lão nằm ở buồng trong. Không, ông
già còn sống bởi hơi thở khò khè, tròng mắt đờ đẫn trôi vô định. Hai tay
thỉnh thoảng quờ nhẹ vào không khí. Giữa phòng, cạnh cửa sổ, là một
chiếc bàn viết, chiếc ghế khép vào dưới gầm, nhường chỗ cho lối đi rộng.
Thông ra phòng lồi, là một cửa lớn ngăn bằng tấm ri đô nền trắng hoa li
ti. Tôi choáng ngợp bởi ba mặt tường của phòng lồi là những kệ sách lớn
dựng đứng...
Chưa kịp liếc qua, tôi đã phải quay trở lại khi nghe
tiếng rên khe khẽ của Khải. Tiếng Mai Hương thầm thì, anh ráng chịu đau,
em lần moi cho hết miểng, nếu không, vết thương sẽ sưng tấy.
Phía
ngoài chợt có tiếng giày đinh gõ rủng rỏn trên lối gạch. Tôi hơi hoảng.
Mai Hương đưa mắt, ra hiệu cho tôi lui vào trong buồng. Cô đi rửa tay,
vẫn để nguyên chiếc tạp dề trước ngực, bước ra cửa chính.
Khải
đứng lấp sau chiếc tủ áo. Tôi nâng AK nép sau tấm ri đô cửa buồng, mắt
hé theo dõi cử động của Mai Hương. Cửa mở, hai người lính Việt Nam Cộng
hòa xộc mắt vào trong. Mai Hương đưa tay lên môi, ra hiệu một cách kẻ
cả. Suỵt! Đại úy đang nghỉ. Hai người lính phía bên kia liếc thấy chiếc
áo đại úy dù vắt thành ghế, đôi giày đặc chủng đặt dưới sàn nhà thì vội
cụp mắt xuống ra chiều xin lỗi. Bọn họ rập gót giày, đưa tay lên vành
mũ, cùng cáo lỗi quay ra.
Tôi
và Khải được đưa lên tầng tum trong đêm. Dưới nhà, không một dấu vết
rằng đêm qua có hai chúng tôi ở đấy. Chiếc cầu thang bé tí đủ một người
nghiêng đi, được Mai Hương rây bụi mờ, như đã lâu không ai đặt chân. Hai
chúng tôi một ngày dằng dặc với lương khô Mai Hương chuẩn bị cho. Xẩm
tối, từ phòng ăn vọng lên tiếng hai người phụ nữ: “Thưa bà chủ trẻ, ngày
kia nhà tui giỗ ông, xin phép bà cho nghỉ một hôm”. Có lẽ đó là tiếng
người giúp việc. “Rứa hả? Giỗ ông, là giỗ trọng đó. Cho thím nghỉ cả
ngày mai để chuẩn bị”. Tiếng Mai Hương thỏ thẻ. “Dạ, đội ơn bà chủ. Quý
hóa quá”. “Rứa đi, cho thím nghỉ luôn ngày tê, để còn dọn vén”. “Rứa là
ba ngày? Ôi, bà chủ là Phật gia”. Tiếng Mai Hương cười khi khi khi...
Vết
thương của Khải nhức đau, cậu chàng thỉnh thoảng thốt rên khe khẽ. Mảnh
đạn găm trúng một búi cơ, cử động mạnh là rỉ máu. Việc trở về đợn vị
phụ thuộc vào sự tiến triển của vết thương. Mai Hương đã cho cả thuốc
uống bên trong, thay băng sát trùng bên ngoài hàng ngày. Đôi khi, tôi
chợt nghĩ, có cái gì đó như số phận. Sao lại là Mai Hương? Và nếu cô
không là y tá, tôi và Khải sẽ xử lí sao đây?
Tối,
chúng tôi được lén xuống tầng trệt, tắm gội, ăn cơm, làm thuốc. Tôi
biết, việc ăn uống, vệ sinh cho ông già sắp chết là do chị người ở chăm
sóc. Đó không thể là việc của một cô dâu còn quá trẻ và đài các như Mai
Hương. Nhưng trong thế cực chẳng đã, cô phải cắn răng nhắm mắt làm. Bởi
thế, trong khi Mai Hương thay băng cho cậu Khải trong buồng, tôi tranh
thủ làm việc rửa ráy cuối ngày cho ông già. Trời nóng, một ngày đóng bỉm
quả là cực hình đối với ông. Tôi nhẹ nhàng giặt khăn ướt, vắt khô, cẩn
thận lau khắp lượt. Hết phần trước thì lật nghiêng người ông, lau phần
sau lưng. Rồi lau nách, lau tay... Cuối cùng, mang bỉm mới cho ông. Cái
xác già khô thoi thóp thở, chợt như tươi tỉnh trở lại. Hai tròng mắt vẫn
lờ đờ trôi lạc trên biển sương trắng đục, nhưng hai cánh tay như hai
chùm rễ cây khô xáp, khẽ khuơ lừ đừ trong không khí, tựa thể như đang
diễn tả câu nói, “Mát lắm! Xin cám ơn”. Hoặc, “Cậu là ai? Sao có mặt ở
đây?”.
Đêm
thứ ba vẫn diễn ra êm xuôi như thế. Nghĩa là trong buồng, Mai Hương làm
thuốc cho cậu Khải, thì ngoài này, tôi rửa ráy cuối ngày cho ông già.
Khi tôi vừa bỏ cái bỉm bẩn vào thùng rác cuối giường thì nghe tiếng xe
Jeep nhà binh dừng lại trước ngõ đường cái. Giây sau, tiếng giày đinh gõ
cốp cốp trên lối gạch, và tiếng gõ cửa mềm mại nhưng hối hả. Không kịp
di chuyển đi đâu, tôi ôm vội AK nép vào tấm ri đô đã kéo lại một bên
phòng sách. Đằng kia, Mai Hương cũng vừa lau tay ướt vào tạp dề, vừa
bước ra mở cửa, đon đả: “Anh về đấy à?”. Tiếng Mai Hương bị cái hôn của
người đàn ông chặn lại trên môi. Tôi hiểu, viên đại úy dù chồng nàng đột
ngột về nhà bất ngờ. Có việc gì chăng? Đã bị lộ sao? Nếu lộ, hẳn ngôi
nhà được bao vây tứ phía, sao tất cả vẫn im ắng? Đầu óc tôi thoáng vạch
các phương án đối phó. Chúng tôi có hai tay súng, đang thế chủ động,
chưa kể Mai Hương. Nếu viên đại úy chống cự, chúng tôi buộc phải khử.
Nếu hắn quy hàng, chúng tôi sử dụng hắn để thoát khỏi chỗ này. Tất
nhiên, cả hai phương án, Mai Hương đều phải đi với chúng tôi.
“Ủa! Áo quần anh sao lại vắt đây, cưng?”. Viên đại úy nói đưa mắt sang bộ quân phục của mình trên ghế phòng ăn.
“À,
hổm rồi, Việt Cộng về làng mua gạo. Hai bên có chạm súng ngoài lộ. Nghe
nói có người bị thương, còn trốn đâu đó, lính Quốc gia đi lùng suốt. Sợ
có người vào quấy quả, không để yên cho ba nghỉ, em nghĩ ra kế đó”.
“Em làm chi tối khuya còn mang tạp dề?”. Viên đại úy bấy giờ mới nhìn rõ vợ, hỏi vô tình.
“Em giặt giũ chút...”. Mai Hương nói nhỏ, bẽn lẽn.
“Thím
Vui làm chi cả ngày không giặt, để em...” Viên đại úy giọng hơi bực,
cầm bàn tay với những ngón thon trắng trẻo của vợ lên, xuýt xoa.
“Nhà thím Vui hôm ni có giỗ, em cho thím nghỉ”.
Viên
đại úy dù khẽ ngồi xuống ghế sa lông, chợt đứng bật dậy, đi sang căn
phòng bên này. Hắn bước đến trước mặt tôi, nhìn vào từng kệ sách lừng
lững, như thể muốn bước vào. Tôi nín thở trước phút sinh tử. Đằng kia,
mặt Mai Hương cũng biến sắc, thẳng căng tia nhìn. Tôi chờ viên đại úy
bước thêm một bước, là tức thì hành động. Nhưng viên đại úy chợt quay
ngoắt, bước sang phía giường ông già. Anh ta cúi thấp người, nhìn sâu
vào khuôn mặt như hộp xương sọ của cha, rồi nhìn lướt toàn thân. Đôi
tròng mắt ông vẫn trôi vô định. Đôi bàn tay xương xẩu lừ đừ trôi qua
trước mặt anh con trai. Tôi căng mắt qua lớp vải thưa, không để sót một
cử chỉ của họ. Hình như đôi tay ông già đang ra hiệu cái gì đó. Có thể
là, “Trong nhà ni đang có Việt Cộng”. Hoặc, “Cha chỉ sống được mươi bữa
nửa tháng nữa thôi”. Bỗng viên đại úy khẽ gật đầu nói: “Con đi công vụ
gấp, chỉ ghé qua nhà chút xíu. Không ở lại”.
Viên
đại úy dù quay gót, bước xồng xộc sang phòng ăn, tôi hút mắt theo dõi.
Nhưng anh ta chỉ nhìn lướt qua cửa buồng mở toang, rồi đi vào buồng vệ
sinh. Lát sau quay ra, thân hình cao lớn đứng choán cả cửa phòng ngủ.
Tim tôi đập gắt, lo cho Khải còn nép bên tủ quần áo. Lo nhất, là viên
đại úy bất ngờ kéo vợ lên giường, chuyện thường tình của vợ chồng trẻ
lâu ngày không gặp, thì Khải có mà thăng thiên độn thổ. Lại nữa, buồng
ngủ của họ khi đó, sặc mùi cồn sát trùng...
Nhưng
viên đại úy lôi từ túi áo ngực ra mấy liếp thuốc tây, nói là rất tốt.
Dặn vợ mỗi ngày cho ông cụ uống một viên. Thuốc này dành cho trường hợp
hành quân rừng rú, sa mạc, có thể nhịn ăn được cả ngày. Hẳn là thấy vợ
phục vụ người cha sắp chết quá vất vả, anh ta đã lo xa. Hai người bịn
rịn một chút, rồi viên đại úy bảo phải đi gấp.
Khi tiếng xe Jeep tắt dần ngoài lộ, chúng tôi mới thở phào. Hú vía!
Bất
giác, Mai Hương bật cười khi khi khi. Có thể cô đang xua đuổi cơn sợ
hãi kinh hồn vừa qua, hoặc cô không thể nhịn được cười khi thấy cậu Khải
mặt xanh như tàu lá, đứng xó ró bên góc tủ. Tôi phải lấy tay ra hiệu,
đằng kia còn có ông già, Mai Hương mới im lặng. Cô kéo Khải ra chỗ rộng,
làm tiếp công việc bỏ dở khi nãy là băng bó cho kín vết thương.
Thím
Vui giúp việc bất ngờ đến sớm, khi chúng tôi vừa đánh răng rửa mặt xong
và rút lên gác. Nghe tiếng lỉnh kỉnh ở phòng ăn, rồi tiếng Mai Hương
mắng yêu: “Thím đem chi... mà nhiều ác tăng?”. “Có chi mô! Chỉ xôi, với
mấy cái bánh gai, bánh nếp”. “Tui chỉ ăn một nắm xôi, một cái bánh gai,
một cái bánh nếp, là no ọ kèn rồi! Đem chi nhiều thế ni?”. Bất ngờ, thím
Vui chỉ ngón tay lên trần nhà, nói rất nhỏ: “Phần họ nữa”. “Ai? Răng
thím biết?” .Câu hỏi vội vàng của Mai Hương, vô tình thừa nhận có chúng
tôi trên này. “Hổm, tui nghe có tiếng động. Với lại, xem sắc mặt, cử chỉ
cô chủ...”.
Coi
như bị lộ. Tình thế không thể kéo dài hơn. May thay, vết thương cậu
Khải sau một tuần đã bắt đầu lên da non. Chúng tôi quyết định lên đường
vào mấy ngày sau đó. Đêm, Mai Hương trở lại vẻ đẹp săn giòn của cô du
kích trong bộ bà ba đen. Tôi tranh thủ bước sang thăm ông già bộ xương,
như một kiểu chia tay. Ông vẫn thế, hai tròng mắt như hai con thuyền
nhỏ, trôi lênh đênh trên biển sương mù. Hai bàn tay khô xép lừ đừ khuơ
trong không khí trước mặt. Không hiểu sao, tôi vẫn hồ nghi là tai ông
còn khá thính. Tôi nắm bàn tay ông, khẽ lắc lắc. Hình như những ngón tay
ông có động đậy. Và hình như, trong hai hốc mắt sâu hoắm, chợt như có
ngấn nước. Những ngón tay ông lại vẽ gì trong không khí. Có thể, “Không
nổ súng, tốt rồi!”. Hoặc, “Đi yên hàn, hỉ?”.
Ba
lô cậu Khải chỉ mang gói xôi và mấy cái bánh gai thím Vui chuẩn bị cho
lúc tối. Ba lô tôi đầy gạo chật căng. Đêm, cô du kích Mai Hương dẫn
chúng tôi đi cửa sau. Mỗi người trên tay một khẩu AK và một trái lựu
đạn. Khu vườn rộng đầy tán cây xanh, che thấp thoáng bầu trời. Mặt sau
khu vườn, tường bằng cây chè tàu ken dày, xén tỉa công phu. Chúng tôi
vạch cây len qua, không để lại dấu vết. Thêm một quãng, thì gặp con khe
nhỏ. Chúng tôi dừng lại nghe ngóng. Mai Hương khẽ ném một hòn đất nhỏ ra
giữa ruộng lúa, như tiếng ếch nhảy. Bỗng đầu góc đường, xuất hiện hai
bóng đen phụ nữ. Không ai nói một lời, chỉ bằng những cái gật đầu và
những cái bắt tay vội vàng trong bóng tối. Bất giác, tôi thấy khuôn mặt
đẹp của Mai Hương ướt nhòe nước mắt. Cô nàng dùng dằng quay lui. Nửa như
hờn dỗi, nửa như nuối tiếc. Tôi và Khải tần ngần nhìn theo, rồi cất
bước theo hai phụ nữ trước mặt.
Tôi
mừng khôn xiết khi tìm về được đơn vị. Trước hết, được trở lại đội hình
chiến đấu của sư đoàn, sau nữa, được thoát khỏi ngôi nhà của viên đại
úy lính dù ngụy nọ. Dù biết, đó là nơi khá an toàn, nhưng không hiểu vì
sao tôi cứ lo lo. Và nỗi lo không tên tuổi đột nhiên lộ diện, khi một
hôm tôi bắt gặp Khải giấu giếm một cái gì đó ở góc tường trên tầng tum.
Rồi sau đó cậu chàng nhét vật ấy vào túi ba lô. Tôi tọc mạch, chờ hắn
ngủ thì lén xem trộm. Hóa ra, đó là chiếc khăn tay Mai Hương tặng. Ở một
góc khăn, đôi chim câu xanh cùng quắp mỏ tha một trái tim hồng. Trong
trái tim, có hai chữ K, H thêu lồng quấn quýt nhau. Nếu ở đó thêm ít
ngày nữa, không biết rồi tình cảm của họ đi đến đâu.
Nhưng
mọi cái hình như có trời sắp đặt. Ít tháng sau, sư đoàn bất ngờ tấn
công, nhanh như lò xo sau khi bị nén. Các cánh quân ào ạt đánh chiếm một
vùng rộng lớn về sát biển. Hẳn nhiên, ấp nhỏ Sơn Khê ấy cũng được giải
phóng. Đang đà tiến quân, sư đoàn phải dừng lại bởi Hiệp định Paris được
kí kết. Chiến trường ngưng tiếng súng. Ai ở nguyên vị trí ấy...
Lính
tráng bước vào đợt cắm cờ giữ đất và chỉnh quân chỉnh huấn. Khải trong
lòng như có lửa cháy. Vài hôm ổn định ăn ở, cậu nhấm nháy với tôi, đêm
tìm về ấp Sơn Khê. Ngôi nhà viên đại úy dù vắng lặng. Mai Hương đón
chúng tôi trong một tâm trạng khó tả. Trên khuôn mặt đẹp, chan hòa nước
mắt mừng tủi. Cô nàng hay lén nhìn vào mắt Khải, nhưng cậu chàng lại đưa
mắt nhìn quanh ngôi nhà. Không còn ông già bố chồng nằm ở căn buồng
phía đông. Cũng không có bộ quân phục đại úy dù quàng thành ghế ở phòng
ăn...
“Bố
chồng em đã mất...”. Mai Hương chừng hiểu được cái nhìn của Khải, khẽ
khàng nói. “Chồng em về, khi cha anh ấy đang hấp hối. Đến ngày thứ ba,
vừa lo xong mồ yên mả đẹp cho cha, thì đêm ấy bất ngờ súng nổ tơi bời.
Quân Giải phóng tràn vào các hướng. Anh ấy bị bắt”.
Không
khí chợt ngậm ngùi. Trên bàn thờ, ngọn đèn quả nhót bằng đốt ngón tay
và cây hương cháy rỉ rắc. Tất cả đều bằng điện. “Giờ chồng em đang ở
đâu?”. Tôi hỏi, hơi có chút lo lắng. “Dạ, đang ở trại cải tạo Dốc Đót”.
Tôi biết, trong cuộc tấn công bất ngờ của sư đoàn, địch bị bắt sống khá
đông. Trừ các nhân vật quang trọng chuyển ra Bắc, số sĩ quan còn lại cải
tạo tại chỗ, lính tráng thì cho về ngay với gia đình.
Đêm
sau, và những đêm sau nữa, tôi tìm cớ né tránh để Khải đi thăm Mai
Hương một mình. Đêm nào cậu chàng về cũng khá khuya và ngủ vùi tận sáng
trật. Trước đau sau nhác, tôi vẫn dậy sớm giặt quần áo cho cậu chàng.
Nhưng nhờ thế, tôi lôi ra được từ túi áo hắn, bức thư của Mai Hương. Có
lẽ Khải chưa kịp đọc. “Em yêu anh mất rồi! Em có lỗi. Đừng cười trái tim
bất trị của em...”.
Tôi
đưa bức thư cho Khải, nghiêm mặt nói: “Này! Vợ của sĩ quan Ngụy đấy!
Liệu hồn!” Khải đang ngủ nướng, vội bật dậy. Mắt mở to. Mặt nghệt đi...
Một
đêm rất khuya Khải trở về leo tọt lên giường. Cậu chàng ôm ngoặt lấy
tôi phấn khích định nói gì đó nhưng lại thôi, rồi lăn ra ngủ như chết.
Tôi trố mắt trong bóng tối ngơ ngác...
Không
thể ngủ lại, tôi nằm, mắt chong chong. Bỗng hàng chuỗi tiếng nổ ầm
vang. Tôi kéo dựng Khải dậy, ôm súng lao ra chiến hào. Kẻ địch đã bất
ngờ phản công với đầy đủ máy bay, xe tăng, đại bác, và pháo hạm ngoài
khơi bắn vào. Từ hai phía, trong ra và ngoài vô. Sư đoàn một lần nữa,rút
lên vùng đồi núi...
Tiếng
khi khi khi cười giòn rụm trong điện thoại của Mai Hương làm chút lo
lắng sợ hãi của tôi bao năm tan biến tức thì. Tôi mừng tủi, định hỏi rất
nhiều câu, không hiểu sao lại bật ra câu:
“Ở bên đó, em và gia đình khỏe cả chứ?”.
“Dạ,
yên ổn cả anh a... Hồi đó, khi quân Việt Nam Cộng hòa đánh từ hai phía,
quân Giải phóng các anh rút đi, chồng em cũng được phóng thích khỏi
trại cải tạo Dốc Đót. Ảnh về ở với em được một hôm thì có lệnh triệu hồi
trở lại quân ngũ. Rồi trong khi tử thủ bảo vệ Sài Gòn, anh ấy tử trận.
Mấy năm sau, em sang Mĩ theo diện HO:.
“Vậy... giờ em ở với ai bên ấy?”. Tôi áy náy tức thì, khi không nén được câu hỏi bật ra cửa miệng.
“Dạ,
em ở với con trai! Cháu vừa tốt nghiệp bác sĩ ở một trường đại học danh
giá bên này, anh à. Rứa là nó giúp mẹ thực hiện ước mơ thời thiếu
nữ...”.
“Trời! Phúc đức ba đời nhà cô”.
“Khi! Khi! Khi! Chừ em muốn nhờ anh một việc. Anh phải ráng giúp”.
“Việc chi, em nói đi! Khó mấy anh cũng làm”.
“Hè
ni em và con trai về nước. Đừng vội nói chi với anh Khải. Anh đứng ra
sắp xếp cho mẹ con em gặp anh ấy, sẽ rất bất ngờ đấy! Khi khi”.
Anh đứng ra sắp xếp cho mẹ con em gặp anh ấy, sẽ rất bất ngờ đấy… Thế là thế nào?
Tôi chợt ngẩn người trước câu nói đầy ẩn ý của Mai Hương.
Nguồn: http://vannghequandoi.vn/van-xuoi/chuyen-suc-nho-o-ap-son-khe_8946.html