Báo Hưng Yên điện tử trân trọng giới thiệu tham luận của Tỉnh ủy Hưng Yên tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: 60 năm tác phẩm "Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay” diễn ra ngày 21.12, tại Hà Nội.
Cách đây tròn 60 năm, trước tình hình
mới của cách mạng, tháng 12.1958, dưới bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã viết tác phẩm “Ðạo đức cách mạng”. Tác phẩm được in lần đầu
trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), sau đó được Nhà xuất bản
Sự thật in thành sách và phát hành ngay trong tháng 12.1958. Tác phẩm
tuy không dài (4.694 từ) nhưng nội dung rất phong phú, cách viết súc
tích, văn phong giản dị, dễ hiểu, chứa đựng những tư tưởng lớn về đạo
đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, một trong những nội dung, vấn đề
có tính nguyên tắc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, “góp phần xứng
đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”.
*
* *
Tỉnh Hưng Yên có diện tích không lớn,
nhưng lại có vị trí địa lý quan trọng, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ,
tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông đường thủy, đường
bộ thuận lợi và luôn có những đóng góp xứng đáng trong suốt chiều dài
lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Bà Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh: HM Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành
những tình cảm đặc biệt cho Hưng Yên, Người đã 10 lần thăm Hưng Yên,
Người viết 14 lá thư thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân Hưng Yên; 20
lần ký sắc lệnh khen thưởng cho tập thể và tặng Huy hiệu của Người cho
67 cá nhân, từ các cháu thiếu niên nhi đồng, chiến sỹ dân quân, bộ đội,
giáo viên đến các cụ phụ lão, những người con Hưng Yên có thành tích
trong chiến đấu, lao động, rèn luyện và học tập…
Tình thương bao la, sự quan tâm đặc
biệt của Bác, trong đó có việc nghiêm túc học tập, thực hiện tư tưởng,
đạo đức của Bác qua tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, đã trở thành sức mạnh,
động lực to lớn, cổ vũ, động viên, giúp Đảng bộ, chính quyền, quân và
nhân dân Hưng Yên vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng
lợi có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp,
thực hiện lời căn dặn của Người: “Các cô, các chú không có rừng cây,
nhưng có rừng dân, dựa vào dân mà kháng chiến”, Hưng Yên luôn quán triệt
thực hiện tốt chủ trương “Xây dựng căn cứ trong lòng dân”, “Kháng chiến
toàn dân”, đã huy động to lớn sức mạnh của toàn dân vào công cuộc kháng
chiến… Hưng Yên vinh dự được Bác Hồ tặng Cờ “Đoàn kết nhân dân đánh
thắng giặc Pháp”, góp phần vào chiến thắng chung của toàn dân tộc. Sau
ngày giải phóng, năm 1954, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên bắt tay khôi
phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo, phát triển sản
xuất, xây dựng văn hoá, xây dựng quê hương. Là tỉnh đồng bằng, kinh tế
nông nghiệp là chủ yếu, “chiêm khê, mùa úng”, đời sống nhân dân vô cùng
bấp bênh. “Nước” và vấn đề trị thuỷ luôn là nỗi ám ảnh, lo lắng của
người nông dân. Ngày 5/1/1958, Bác về thăm, động viên cán bộ, nhân dân
trong tỉnh phải tích cực làm thuỷ lợi, phát triển sản xuất. Người ân cần
dặn dò: “Phải đào sông khơi ngòi, hợp tác nhau lại chống thiên tai”.
Tiếp đến vụ mùa năm 1958 (3/7/1958), Bác về thăm Hưng Yên lần thứ hai,
động viên, cổ vũ truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần lao động cần
cù của đồng bào và cán bộ Hưng Yên. Bác chỉ thị, phải tranh thủ kỳ được
vụ mùa thắng lợi, phấn đấu đưa tỉnh nhà lên một tỉnh gương mẫu trong sự
nghiệp đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, góp phần vào công
cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Cũng năm 1958, tác phẩm “Đạo đức
cách mạng” của Bác được Tỉnh ủy Hưng Yên quán triệt sâu sắc tới cán bộ,
đảng viên, càng làm tăng khí thế cách mạng, tích cực học tập lý luận Mác
- Lênin, vận dụng vào thực tiễn, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân
trong toàn Đảng bộ tỉnh. Với quyết tâm “Ra sức tǎng gia sản xuất và thực
hành tiết kiệm để xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm
cơ sở vững mạnh cho công cuộc thống nhất nước nhà”, lớp lớp cán bộ, đảng
viên tỉnh Hưng Yên đã hòa mình vào các phong trào, các cuộc vận động
lớn, đặc biệt là các tổ đổi công, hợp tác xã và phong trào đào mương
chống hạn đang diễn ra sôi nổi. Trên khắp các địa phương, nhân dân Hưng
Yên sôi nổi thi đua làm thuỷ lợi, quyết tâm “vắt đất ra nước”, “thay
trời làm mưa”. Toàn tỉnh như một công trường khổng lồ với nhiều công
trình thủy lợi lớn như: Công trình đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải,
điều tiết và cung cấp nước tưới cho ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải
Dương; Công trình sông Điện Biên cung cấp nước tưới cho hơn hai vạn
hécta ruộng phía nam tỉnh; Công trình dòng sông mang tên Bác Hồ của
huyện Tiên Lữ…
Chỉ sau một thời gian ngắn, Hưng Yên
đã đạt được những kết quả, tiến bộ rõ rệt; từng bước đẩy lùi nạn hạn
hán, mở rộng diện tích canh tác, tăng sản lượng lúa và hoa màu. Từ một
tỉnh đói nghèo, đến đầu những năm 1960, Hưng Yên không những đủ gạo ăn,
còn thừa thóc bán cho Nhà nước (riêng trong vụ mùa 1960 thừa 2 vạn tấn
thóc). Với những thành tích nổi bật trong công tác thuỷ lợi, Hưng Yên
một lần nữa vinh dự đón Bác về thăm và được Bác tặng Cờ luân lưu “Làm
thủy lợi khá nhất miền Bắc” tại Hội nghị tổng kết công tác thuỷ lợi toàn
miền Bắc. Liên tục trong 4 năm, từ năm 1961 - 1964, Hưng Yên đều được
Bác Hồ gửi thư khen và được tặng Cờ thưởng luân lưu “Làm thuỷ lợi khá
nhất”. Nhiều cá nhân được Bác thưởng Huy hiệu của Người, điển hình là
Anh hùng Lao động: Phạm Thị Vách, Vũ Thị Tỵ, Lê Thị Lục…
Cùng với những thành tích to lớn trong
công tác thuỷ lợi, theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, quân và dân Hưng
Yên còn phấn đấu đạt được nhiều thành tích to lớn trong phong trào hợp
tác hoá, bổ túc hoá, quân sự hoá, góp phần vào thành công chung của
phong trào “Tứ hoá”, nhằm phát triển đồng đều, nâng cao dân trí, tiếp
thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ
quê hương, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hưng Yên còn được cả nước
biết đến là nơi khởi nguồn Phong trào xây dựng gia đình văn hóa của cả
nước (thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ) trong những năm 60 của
thế kỷ XX.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội,
công tác xây dựng Đảng được xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là
động lực thúc đẩy việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách
của Đảng và Nhà nước đạt được thắng lợi. Hàng năm, qua bình xét, số chi
bộ đạt tiêu chuẩn chi bộ “4 tốt” ngày càng nhiều. Công tác phát triển
Đảng được Đảng bộ tỉnh quan tâm. Đối tượng kết nạp Đảng cơ bản là lực
lượng trẻ, lực lượng nữ, lực lượng lao động trực tiếp được coi trọng và
ngày càng phát triển nhiều. Đảng viên có nhiều cố gắng trên các mặt công
tác sản xuất, học tập; sẵn sàng đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Bên cạnh đó, Đảng bộ và nhân dân Hưng
Yên còn tích cực thực hiện chủ trương đi khai hoang phát triển kinh tế,
văn hoá miền núi. Tỉnh đã cử hàng vạn người lên các tỉnh Tây Bắc, Việt
Bắc, Đông Bắc của Tổ quốc xây dựng vùng kinh tế mới. Trong công cuộc xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam, Hưng Yên đã kết nghĩa với
tỉnh Tân An. Ngoài việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn,
cho tỉnh kết nghĩa, ngay trên quê hương, những cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ,
những hũ gạo vì Tân An, vì miền Nam ruột thịt,… được phát triển rộng
khắp trong tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 504-NQ/TVQH
của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 26.1.1968, hai tỉnh Hưng Yên và Hải
Dương được hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Tiếp tục thực hiện lời dạy của
Bác trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” và Di chúc của Người, Tỉnh ủy đã
tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm: củng cố, tăng cường đoàn kết
trong Đảng và nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.
Để siết chặt hàng ngũ, tăng cường đoàn
kết, Tỉnh uỷ, cấp ủy các cấp, các ngành đã tăng cường lãnh đạo, chỉ
đạo, tổ chức phê bình, tự phê bình, kiểm điểm tìm rõ nguyên nhân những
hạn chế, vướng mắc để khắc phục; yêu cầu từng đồng chí trong Tỉnh uỷ
phải hết sức gìn giữ sự đoàn kết nhất trí của Tỉnh uỷ bằng cách sửa đổi
lề lối làm việc; thật sự tôn trọng những nguyên tắc, chế độ làm việc của
cấp uỷ như tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách,
thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tập thể, mở rộng dân chủ nội
bộ, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.
Với quyết tâm làm theo lời Bác "Mỗi
người làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt",
Tỉnh uỷ quyết nghị các cơ quan tỉnh, huyện, các công nông trường, xí
nghiệp, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm việc với năng suất lao động và
hiệu suất công tác cao, nghiêm chỉnh thực hiện kỷ luật lao động. Vì vậy,
trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân
trong tỉnh “muôn người như một”, tích cực phấn đấu trên mặt trận sản
xuất với phong trào “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”,
tiếp tục củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, xây dựng các cánh
đồng 5 tấn thắng Mỹ, xây dựng nhiều công trình phục vụ sản xuất, tập
trung cao nhất sức người, sức của để chi viện cho miền Nam, góp phần
cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước, quân và dân Hưng Yên đã được Hồ Chủ tịch tặng cờ “Tỉnh làm công
tác giao thông nông thôn khá nhất miền Bắc”, cờ “Quyết tâm đánh thắng
giặc Mỹ xâm lược”; được Trung ương Đảng thưởng cờ “Tỉnh dẫn đầu bổ túc
văn hoá miền Bắc”. Trong phong trào “Quân sự hoá”, Hưng Yên nhiều năm
dẫn đầu Quân khu Tả ngạn; nhiều địa phương, đơn vị và cá nhân được Đảng,
Nhà nước tặng thưởng Huân chương, huy chương, được phong tặng danh hiệu
cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Từ năm 1954 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 18 lần tặng cờ, bằng
khen, ký Sắc lệnh tặng Huân chương Lao động, cùng nhiều tặng phẩm khác
dành cho các tập thể của Hưng Yên; có 67 cá nhân vinh dự được nhận Huy
hiệu, bằng khen và tặng phẩm của Người.
Sau gần 30 năm hợp nhất với tỉnh Hải
Dương thành tỉnh Hải Hưng (1968-1996), ngày 1.1.1997, tỉnh Hưng Yên được
tái lập, bước vào một giai đoạn phát triển mới. Ý thức trách nhiệm là
quê hương của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ, quê hương Tổng Bí thư
thời kỳ Đổi mới Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã phát
huy mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đưa công cuộc
đổi mới phát triển một cách toàn diện và đồng bộ.
Thực hiện Lời tuyên thệ của Đảng bộ
tỉnh trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đem hết sức lực củng cố và
tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Đảng bộ mà Ban Chấp hành Đảng bộ
tỉnh và ban chấp hành các cấp bộ Đảng là hạt nhân của khối đoàn kết” ;
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hưng Yên nêu cao tinh thần đoàn kết
thống nhất trên cơ sở nguyên tắc xây dựng Đảng, Cương lĩnh và Điều lệ
Đảng. Từng đồng chí Tỉnh uỷ viên luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật,
nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thực hành tiết kiệm, chống quan
liêu, tham nhũng, lãng phí; gương mẫu học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo
tư tưởng và tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; nói, viết và làm
theo đúng nghị quyết của Đảng. Quan hệ giữa các đồng chí cấp uỷ cùng cấp
chặt chẽ gắn bó; giữa cấp trên với cấp dưới và với đảng viên nghiêm
túc, đúng mực.
Xác định xây dựng Đảng là nhiệm
vụ then chốt; trong các nhiệm kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
đều lựa chọn những vấn đề trọng yếu, cấp thiết để xây dựng các đề
án cụ thể thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong đó đáng chú ý là Đề
án “Tiếp tục đẩy mạnh cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, giải
quyết cơ sở Đảng yếu kém” (nhiệm kỳ 2001 - 2005); Chương trình xây
dựng hệ thống chính trị cơ sở tỉnh Hưng Yên trong sạch vững mạnh giai
đoạn 2011 - 2015, Đề án xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên
trong các doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên (nhiệm kỳ 2010 - 2015); Đề án “Nâng
cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố gắn với mối quan hệ phối
hợp công tác giữa bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu phố, giai đoạn 2016 -
2020” và Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ diện Ban Thường
vụ Tỉnh uỷ quản lý giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” (nhiệm
kỳ 2015 - 2020)…
Tỉnh uỷ và cấp uỷ các cấp đã
có nhiều cố gắng đổi mới phương thức lãnh đạo. Các cấp uỷ
đảng chú trọng đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức hoạt
động nhằm triển khai nhanh chóng và hiệu quả các chủ trương, nghị
quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc
sống. Cấp uỷ, tổ chức đảng xây dựng được quy chế làm việc phù
hợp với yêu cầu nhiệm vụ; vận dụng, cụ thể hoá sát hợp với
tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương. Xây dựng kế
hoạch, chương trình công tác của cấp uỷ hàng tháng, quý, năm.
Phân công cấp uỷ viên trực tiếp phụ trách cơ sở, sinh hoạt cùng chi bộ
cơ sở, chỉ đạo những mặt công tác trọng tâm, phát huy vai trò
của Nhà nước trong quản lý, điều hành và vai trò của các
đoàn thể nhân dân trong vận động, tập hợp quần chúng thực hiện
các chương trình, kế hoạch công tác của cấp uỷ.
Công tác tư tưởng được triển khai
thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng kịp
thời những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong từng giai đoạn cụ
thể. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ đạo cấp ủy
các cấp kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội,
nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính đáng
của nhân dân để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực
hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
và chương trình hành động của các cấp uỷ, chính quyền địa
phương. Thường xuyên đổi mới công tác tổ chức học tập, quán
triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ tới toàn thể đảng
viên và nhân dân trong tỉnh. Những vấn đề đặt ra trong từng
nghị quyết Đại hội và hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng
được chú trọng quán triệt ở những đối tượng có liên quan trực
tiếp để truyền đạt sâu hơn, thiết thực, hiệu quả hơn.
Từ khi Bộ Chính trị (khóa X) ban hành
Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh”, việc học tập và làm theo Bác đã được tổ chức
bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, trở thành đợt sinh hoạt chính trị
sâu sắc và thường xuyên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Nhiều hoạt động trở
thành sự kiện chính trị được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm,
tham gia tích cực như các đợt học tập chuyên đề hàng năm; cuộc thi “Kể
chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cấp ủy nơi cư trú, mặt trận và
nhân dân tham gia góp ý kiến, đánh giá về đạo đức, lối sống của cán bộ,
đảng viên… Trong năm 2012, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)
“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, toàn tỉnh đã tổ chức
đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nghiêm túc theo tinh thần từ
trên xuống, đồng thời thực hiện nghiêm Quy định 101-QĐ/TW ngày 7.6.2012
của Ban Bí thư Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng
viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, góp phần quan trọng củng
cố sự đoàn kết, nhất trí và dân chủ trong Đảng bộ tỉnh, đấu tranh chống
chủ nghĩa cá nhân, giúp mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu
tự soi rọi, gột rửa bản thân, nâng cao đạo đức cách mạng. Đặc biệt, từ
năm 2009 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện nền nếp, có
hiệu quả việc bình xét, ghi danh đảng viên tiêu biểu trong học tập và
làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó vừa kịp thời
phát hiện, biểu dương các điển hình tiên tiến, việc làm tốt, cách làm
hay, vừa tạo động lực, nhân rộng phong trào thi đua trong các cấp, các
ngành, các địa phương, đơn vị và trong bản thân mỗi cán bộ, đảng viên,
góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ
quan, đơn vị.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực
hiện nghiêm túc nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác
cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Trong đánh giá, quy hoạch,
đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, bổ nhiệm, khen
thưởng và kỷ luật cán bộ, đều thực hiện đúng nguyên tắc tập
trung dân chủ, tập thể quyết định, phát huy trách nhiệm của
từng thành viên, vai trò và quyền hạn của người đứng đầu tổ
chức. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện thường xuyên theo
chương trình, kế hoạch, theo tiêu chuẩn chức danh dự nguồn; chú trọng
bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn chỉ đạo
điều hành, xử lý các tình huống phát sinh ở cơ sở; quan tâm bồi dưỡng
cập nhật kiến thức mới cho cán bộ đương chức và dự nguồn lãnh đạo chủ
chốt từ tỉnh đến cơ sở trên các lĩnh vực theo định hướng phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh; tăng cường đào tạo chuẩn hóa các chức danh cán bộ
chủ chốt cấp ủy, chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn. Việc thực
hiện luân chuyển cán bộ đã thúc đẩy công tác quy hoạch, đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần khắc phục tình trạng trì
trệ, khép kín, tư tưởng cục bộ địa phương, đồng thời tạo điều
kiện để cán bộ rèn luyện, thử thách, làm cho cán bộ sát
dân, sát cơ sở, giúp cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có thực
tiễn cuộc sống, có điều kiện trưởng thành, phát triển toàn
diện.
Mặt khác, Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo
các cấp uỷ, tổ chức đảng lãnh đạo thực hiện đổi mới chất
lượng sinh hoạt chi bộ, quan tâm đến công tác dân vận, kiểm tra,
giám sát theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và
“sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức
công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra” . Từ đó, chất
lượng đảng viên được nâng lên, nhất là về quan điểm, bản lĩnh
chính trị luôn vững vàng theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Trình
độ kiến thức và năng lực lãnh đạo, quản lý ngày càng được
nâng cao, có tinh thần trách nhiệm với công việc và hoàn thành
chức trách, nhiệm vụ được giao, từng bước đáp ứng đòi hỏi
của công cuộc đổi mới. Số đông cán bộ giữ được đạo đức, lối
sống lành mạnh, giản dị, đoàn kết, gắn bó với nhân dân, nhất
là đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nên được nhân dân tín nhiệm.
Từ nhiệm vụ then chốt là xây dựng
Đảng, tăng cường đoàn kết, thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã
hội, đã tạo sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Công tác quy hoạch được đi trước một bước, từ
quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tới quy hoạch phát
triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và đô thị, quy hoạch khu, cụm công
nghiệp… Toàn tỉnh quyết tâm tạo bước đột phá trong phát triển công
nghiệp, ban hành cơ chế để thu hút đầu tư, đồng thời thực hiện quyết
liệt việc cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh
thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế
của tỉnh phát triển. Bên cạnh đó, tập trung khôi phục và phát triển
làng nghề truyền thống; dồn thửa, đổi ruộng đất, phát triển nền
nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, giá trị gia tăng cao và bền vững;
phát triển du lịch từ thế mạnh của vùng đất đậm đặc các di tích lịch
sử, văn hoá và lễ hội. Quan tâm thu hút nhân tài bằng các
chính sách ưu đãi đối với những người có khả năng, trình độ
về tỉnh công tác; đồng thời không ngừng đầu tư cho công tác giáo
dục - đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đáp ứng kịp thời
nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại
hoá. Những chủ trương, định hướng này được cụ thể hóa bằng các chương
trình, đề án của Tỉnh ủy qua từng nhiệm kỳ Đại hội.
Sau hơn 20 năm tái lập, Hưng Yên đã
xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, vững
chắc: tăng trưởng kinh tế nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo
hướng công nghiệp hóa. Trước năm 1997, nông nghiệp chiếm tỷ trọng tới
60%, công nghiệp và dịch vụ chỉ chiếm 40%; đến năm 2017, cơ cấu kinh tế
nông nghiệp còn dưới 11%, công nghiệp và thương mại - dịch vụ chiếm trên
89%. Thu ngân sách đạt 12.015 tỷ đồng (gấp khoảng 150 lần khi tái lập
tỉnh); kim ngạch xuất khẩu đạt 3,68 tỷ USD; tổng sản phẩm bình quân đầu
người đạt 49,3 triệu đồng (gấp khoảng 23 lần khi tái lập tỉnh). Tỉnh xây
dựng và được chấp thuận 10 khu công nghiệp tập trung, với quy mô
2.481,5 ha, trong đó 04 khu đã thành lập và đi vào hoạt động, tiêu biểu
là Khu Công nghiệp Thăng Long II, Khu Công nghiệp Phố Nối A. Tổng số dự
án đầu tư toàn tỉnh là 1.755 dự án (1.346 dự án trong nước, 409 dự án
nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký 116 nghìn tỷ đồng và gần 4 tỷ USD;
toàn tỉnh có 8.830 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng
ký gần 83,2 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 16
vạn lao động.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ,
nhất là hệ thống giao thông với quốc lộ 5, 38, 39, đường đê tả sông
Hồng, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường bộ nối cao tốc Hà Nội -
Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình... Đối với lĩnh vực nông
nghiệp, tỉnh hoàn thành dồn thửa đổi ruộng, thực hiện chuyển đổi hàng
nghìn ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây có giá trị, hiệu quả
kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa; thu nhập bình quân trên 1 ha
canh tác đạt 173,5 triệu đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được
tập trung đẩy mạnh. Đến nay, huyện Mỹ Hào và 87 xã đạt chuẩn nông thôn
mới, đạt 60%; bình quân toàn tỉnh đạt 18 tiêu chí/xã…
Lĩnh vực văn hóa - xã hội nhiều mặt có
tiến bộ. Giáo dục và đào tạo được mở rộng về quy mô, chất lượng ngày
càng được nâng cao; toàn tỉnh có 301 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt
53,6%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn
3,41%; tỷ lệ làng, khu phố văn hoá đạt 87%, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt
90%. Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư
phát triển; hoàn thiện hệ thống và mạng lưới y tế cả ở 3 tuyến tỉnh,
huyện và xã; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 98%, người dân tham gia
bảo hiểm y tế đạt 83,84%. Thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh,
gia đình liệt sỹ, gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh
khó khăn. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường và
điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống
chính trị từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, tăng cường; hiệu
lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của
Trung ương đạt được những kết quả thiết thực, nhất là triển khai khắc
phục các hạn chế sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về
xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn
Đảng. Công tác dân vận và vận động quần chúng được chú trọng; kiểm tra,
giám sát được tăng cường nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, củng
cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh
đạo của Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững
mạnh…
Đã 60 năm trôi qua, nhưng những điều
tâm huyết và chỉ dẫn quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm trong tác
phẩm “Đạo đức cách mạng” còn mang tính thời sự sâu sắc, là cẩm nang quan
trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của các
địa phương, cơ quan, đơn vị. Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đạt
được trong việc thực hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói
chung, lời dạy của Bác mỗi khi về thăm tỉnh và qua tác phẩm “Đạo đức
cách mạng” nói riêng; trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên
càng quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ trong sạch vững
mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng
viên, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, trong đó, đặc biệt
chú trọng một số nội dung sau:
Một là, Tiếp tục đẩy
mạnh công tác giáo dục, nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, bản lĩnh
chính trị, phẩm chất đạo đức, trang bị kiến thức toàn diện cho đội ngũ
cán bộ, đảng viên, trọng tâm là nâng cao trình độ nhận thức lý luận Mác -
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuyên truyền rộng rãi trong toàn Đảng bộ
và nhân dân về tác hại và những biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân, để
từ đó nhận diện và có biện pháp ngăn chặn. Đẩy mạnh việc học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là nhiệm vụ
quan trọng thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ,
tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích
cực trong nhận thức và hành động trong toàn Đảng, làm cho mỗi cán bộ,
đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là
tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống.
Hai là, Mở rộng dân
chủ trong Đảng, trong toàn xã hội để động viên và phát huy hết tiềm năng
trí tuệ, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp cách mạng.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ
chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và nhân
dân trong công tác giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng
chính quyền; trong chấp hành quy chế, quy định của cán bộ, công chức.
Triển khai thực hiện tốt Quy chế dân vận trong hệ thống chính trị; đổi
mới và nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân. Qua đó, phát huy
vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ
quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, lãng phí, phòng, chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá
nhân.
Ba là, Nâng cao chất
lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; duy trì chặt chẽ chế độ tự phê
bình và phê bình, kết hợp xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm về
đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Công khai và tổ
chức giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ theo quy định…
Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và
tính chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong việc chống những biểu
hiện của chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.
Bốn là, Coi trọng xây
dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá
nhân, tổ chức. Xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả; phương
pháp kiểm tra phải đồng bộ, toàn diện nhằm mục đích phát hiện những lệch
lạc trong nhận thức và hành động để kịp thời uốn nắn, sửa chữa, chấn
chỉnh. Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền,
chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng,... Thực
hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả trong các hoạt động
lãnh đạo, quản lý của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân.
Tiếp tục nêu cao tinh thần học tập và
làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó trọng tâm
là tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Người; với niềm tự hào là quê hương
thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh;
phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng và những thành tựu, kết quả
của công cuộc đổi mới; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên tiếp
tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch,
vững mạnh; phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy
mạnh thu hút đầu tư, phát triển nhanh kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc
phòng, an ninh; tạo nền tảng để Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp
giàu đẹp, văn minh.
--------------------
Trích lời dặn của Bác Hồ với cán bộ tỉnh Hưng Yên tại Hội nghị dân quân toàn quốc ở Việt Bắc tháng 4 năm 1948.
2 Chỉ so năm 1965 với năm 1964 thì
số chi bộ tốt, khá tăng 16,7%. Đặc biệt năm 1965, Hưng Yên có 2 đơn vị
được công nhận là chi bộ “4 tốt” tiêu biểu của miền Bắc là chi bộ xã
Quốc Trị và chi bộ Giáo dục.
3 Năm 1965-1967 lực lượng lao động trực tiếp được kết nạp chiếm 52,71%, đảng viên nữ chiếm tỷ lệ tới 29,85%.
4 Trích Lời tuyên thệ của Đảng bộ
và nhân dân tỉnh Hải Hưng trong buổi lễ thực hiện Di chúc của Chủ tịch
Hồ Chí Minh (ngày 10.9.1969).
5 Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường
vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án 01-ĐA/TU yêu cầu bí thư cấp ủy trực tiếp giới
thiệu, quán triệt chỉ thị, nghị quyết; sau học tập, cán bộ, đảng viên
phải viết thu hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết của cá nhân.
6 Trích tác phẩm “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay”, Báo Sự thật số 103 ngày 30.11.1948, tác giả X.Y.Z