Ngày 8.8, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ làm trưởng đoàn thăm và làm việc tại tỉnh về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, kiểm tra công tác cải cách hành chính của tỉnh. Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương.
Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác
có các đồng chí: Đỗ Tiến Sỹ, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh
uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư
Thường trực Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND
tỉnh; Trần Quốc Toản, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND
tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; các đồng chí trong Ban Thường
vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở,
ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố...
Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo Đoàn công tác
về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư
công, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, chương trình
tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 -
2020. Đối với tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh đã
quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ
đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương. Qua 7
tháng triển khai thực hiện, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư
công của tỉnh đạt khá. Tính đến hết ngày 5.8, toàn tỉnh thực hiện giải
ngân được 2.760,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 86,6% so với kế hoạch Thủ tướng
Chính phủ giao và đạt tỷ lệ 54,7% kế hoạch địa phương giao.
Trong thời gian tới, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ
đạo quyết liệt công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư,
nhất là tiến độ thực hiện dự án và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)
để hoàn thành kế hoạch đầu tư công được giao năm 2020. Đến ngày
30.9.2020, các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn năm 2020
sẽ xem xét cắt giảm, điều chuyển vốn sang các dự án quan trọng, cấp bách
cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh. Các sở, ban, ngành
chức năng phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư dự
án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, rút
ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến việc triển khai đầu
tư dự án.
Để đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, tỉnh đề
nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương quan tâm tháo gỡ một
số vướng mắc, khó khăn như: Phê duyệt kéo dài thời gian thực hiện Dự án
phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các đô thị Việt Trì, Hưng Yên và
Đồng Đăng - hợp phần dự án tại thành phố Hưng Yên để tỉnh có cơ sở giải
ngân kế hoạch vốn ODA năm 2020 đã giao cho dự án; cho phép kéo dài thời
gian thực hiện và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ của Dự án đầu tư
xây dựng nâng cấp đê tả sông Luộc kéo dài (đoạn từ K120+600 đê tả sông
Hồng đến K20+700 đê tả sông Luộc) tỉnh Hưng Yênđến hết năm 2021; có ý
kiến chấp thuận về việc sử dụng số vốn ODA còn dư của Dự án phát triển
cơ sở hạ tầng thủy lợi huyện Ân Thi để tỉnh triển khai và đẩy nhanh tiến
độ giải ngân kế hoạch vốn ODA năm 2020; quan tâm, sớm bố trí vốn đầu tư
giai đoạn 2 Dự án tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao
tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong năm 2020, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng
Yên.
Đối với chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai
đoạn 2011 – 2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành
về CCHC. Công tác kiểm tra CCHC được thực hiện nghiêm túc, công tác
tuyên truyền được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức phong phú. Đồng
thời, đã tổ chức đánh giá kết quả CCHC hằng năm của các đơn vị theo bộ
chỉ số CCHC. Giai đoạn 2016 – 2020, có 100% số cơ quan hành chính các
cấp thực hiện tiếp nhận thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa hiện đại.
Trung tâm phục vụ hành chính công và kiểm soát TTHC tỉnh hoạt động ngày
càng hiệu quả, góp phần tăng tính công khai, minh bạch trong quá trình
giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, tổ chức. Việc triển khai hiệu quả
các nhiệm vụ về CCHC đã góp phần nâng cao, cải thiện chỉ số CCHC của
tỉnh giai đoạn 2015 – 2020 từ thứ hạng 56 (năm 2015) lên thứ hạng 22
(năm 2019), tăng 34 bậc. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với
sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hưng Yên năm 2019 xếp
thứ 4/63 tỉnh, thành phố.
Nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC đề ra trong giai đoạn 2021
– 2030, UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất một số nội dụng như: Đề nghị Chính
phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số
24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định về các cơ quan
chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện để các địa phương có cơ sở thực hiện sắp
xếp, cơ cấu lại các cơ quan, đơn vị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương
6 khóa XII; Ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm
phục vụ hành chính công cấp tỉnh, làm căn cứ để các địa phương thống
nhất thực hiện; Giao bổ sung biên chế hành chính để tỉnh Hưng Yên bố trí
đảm nhiệm các vị trí việc làm thanh tra các chuyên ngành: Giao thông
vận tải, xây dựng; Giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục, y tế; Ban
hành các quy định, hướng dẫn chi tiết về cơ chế tự chủ của đơn vị sự
nghiệp công lập trong từng lĩnh vực cụ thể để tỉnh tiếp tục triển khai
có hiệu quả Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14.02.2015 của Chính phủ quy
định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiếp đó, đại diện một số bộ, ngành trung ương là thành viên Đoàn công
tác phát biểu, trao đổi, làm rõ một số nội dung Đoàn quan tâm, đồng thời
giải thích một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách trong giải
ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính
trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách
hành chính của Chính phủ đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đạt được
trên các lĩnh vực phát triển KT - XH, trong đó nhấn mạnh kết quả về công
tác CCHC, và thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua.
Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới
tỉnh cần tiếp tục quyết tâm, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ
trọng tâm là: Đẩy mạnh CCHC, khai thác tiềm năng, lợi thế, có giải pháp
đột phá để Hưng Yên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Tỉnh phát
huy mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống
chính trị tham gia xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt
động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu
tư trong và ngoài nước. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật
đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp, tạo liên kết chuỗi sản xuất, trở
thành động lực cho phát triển công nghiệp; đẩy mạnh phát triển nông
nghiệp công nghệ cao. Gắn CCHC với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ
thị của Đảng, Nhà nước về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn
chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xử lý,
ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh
nghiệp trong giải quyết công việc, bảo đảm đúng nguyên tắc “lấy người
dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ
chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và gắn kết
chặt chẽ với chính sách tinh giản biên chế. Khẩn trương rà soát, ban
hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm đối với công chức; hoàn thiện
và ban hành quyết định vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức thuộc phạm
vi quản lý. Tổ chức triển khai xây dựng Chính quyền điện tử gắn kết chặt
chẽ với CCHC nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững. Khẩn trương rà
soát, tổ chức liên thông các phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của
các đơn vị trực thuộc, bảo đảm 100% kết nối, liên thông 4 cấp hành
chính. Thực hiện hiệu quả công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh; phấn
đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Cần
phân chia các dự án đầu tư công theo tiêu chí tiến độ, theo đó: Nhóm 1
là các dự án đã hoàn thành, có khối lượng thì cần hoàn tất thủ tục thanh
toán, quyết toán; nhóm 2 là những dự án có khả năng hoàn thành nhưng
còn vướng mắc thì chỉ rõ vướng mắc ở khâu nào, thẩm quyền của ai để tập
trung giải quyết. Những dự án khó có khả năng hoàn thành hoặc tiến độ
quá chậm, vướng mắc về mặt bằng, thủ tục... thì kiên quyết điều chuyển
vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành. Người đứng đầu chính quyền các
cấp tích cực, chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền
giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, khi triển khai
thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đồng chí Phó Thủ tướng Thường
trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chức năng tổng hợp, báo cáo trình
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Uỷ viên BCH Trung ương
Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu bày
tỏ cảm ơn đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình
và đoàn công tác đã có chương trình làm việc tại tỉnh. Các ý kiến chỉ
đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Đoàn công tác,
tỉnh trân trọng tiếp thu và thực hiện nghiêm túc, tỉnh tiếp tục phấn đấu
thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT – XH.
Trước đó, đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng
Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính
phủ và Đoàn công tác, cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến dâng hoa tại
Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (thành phố Hưng Yên), dâng hương
tại nhà thờ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Hồng
Tiến, huyện Khoái Châu); thăm cây nhãn tổ (phường Hồng Châu, thành phố
Hưng Yên), thăm mô hình trồng nhãn tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên),
kiểm tra thực tế tại Trung tâm phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ
tục hành chính tỉnh.
Nguồn:http://baohungyen.vn/chinh-tri/202008/dong-chi-truong-hoa-binh-uy-vien-bo-chinh-tri-pho-thu-tuong-thuong-truc-chinh-phu-tham-va-lam-viec-tai-tinh-2db1f41/
·