Tư lom khom chạy lên từ ruộng lúa. Một tay túm vạt áo, một tay xách quần. Nó đứng trước mặt ông nội, cười nhăn nhở. Ông hất hàm. “Vào đấm lưng cho bà”. (Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân)
TRUYỆN NGẮN ĐOẠT GIẢI BA
“Tư ởi… về ông bẩu”.
Tư lom
khom chạy lên từ ruộng lúa. Một tay túm vạt áo, một tay xách quần. Nó
đứng trước mặt ông nội, cười nhăn nhở. Ông hất hàm. “Vào đấm lưng cho
bà”. Tư chạy vào bếp, mở vung nồi nước vần trên trấu, nghiêng vạt áo,
trút vào đó mớ cào cào, châu chấu vụ chiêm, con nào con nấy phe phe bọng
trứng.
Bà nội
thở rít từng chặp “khứ… khứ… khứ”. Cái lưng bà gù, bàn tay Tư ê ẩm đau
và mỏi dừ. “Bà đỡ chửa?”. Mới được vài chục đấm, Tư đã hỏi. Ông nội đang
mồi thuốc vào cái điếu bát, nghe lọt tiếng Tư nên nói vóng vào buồng.
“Mày nghe bà thở thì biết, sao hỏi lắm, đã mệt còn phải giả lời mày”. Tư
cật lực đấm. Nó đấm theo nhịp trống cho đỡ chán tay. “Một hai… một hai
ba… một hai ba bốn năm…”. Trống diễu hành, trống chào cờ, trống hội,
trống đám ma… Đủ các loại trống mà bà nội vẫn rụt cổ vào hen. Con ngỗng
già ngoài sân giếng, chẳng hen suyễn gì cũng đang khứ khứ đòi ăn. Hay là
bà đói? Bỗng Tư nghĩ đến con Khẹc. Con Khẹc là con khỉ nuôi trong nhà.
Nó chỉ kém Tư vài tuổi là cùng, về cân nặng, cũng chỉ kém Tư dăm cân. Tư
ngoái cổ gọi. “Khẹc… khẹc”. Con Khẹc lò dò đi bằng ba chân vào buồng.
Căn buồng tối um, chiếc đèn kì để trên nóc hòm thóc, vặn nhỏ như hạt đỗ
tương cả ngày lẫn đêm. Tư rời tay khỏi lưng bà, nhấc cái đèn xuống đất,
kiễng chân mở nắp hòm thóc. Hòm hết thóc, có buồng chuối tiêu chín trứng
cuốc dựng trong đó, thơm điếc cả mũi. Tư lẩy hai quả rồi đậy nắp hòm,
để chiếc đèn vào chỗ cũ.
Tư đấm đều
đặn, nhịp nhàng, độ ba phút, sau đó lấy một quả chuối bóc ăn. Con Khẹc
nghiêng đầu quan sát. Tư nhảy xuống đất, nhìn con Khẹc, chỉ tay vào lưng
bà, nịnh. “Mày đấm cho bà đi. Đấm rồi được ăn chuối”. Con Khẹc nhảy
phốc lên giường bà. Nó đưa tay dụi mắt. Tối hay sáng chẳng quan trọng.
Đấm lưng dễ ợt. Nó đứng chồm hỗm sát lưng bà và đấm, không ra nhịp gì
cả, quả nào ra quả ấy. Bà than. “Ối giời ơi, chết mất”. Tư nhăn nó. “Nó
thay cháu một chốc thôi mà, mệt chết đi được. Thà chặt củi, cuốc đồi còn
sướng hơn là đấm lưng thế này”. Bà rên “hừ hừ”. Bàn tay con Khẹc toàn
xương, lưng bà cũng gầy. Chắc bà đau. Thằng Tư đuổi con Khẹc ra, sau khi
dúi cho nó quả chuối. Đấm lưng cho người ốm là khác với việc đánh kẻ
thù chứ. Con Khẹc chả hiểu được cái sự khác ấy. Chắc nó tưởng Tư thuê nó
đánh bà.
Cô dở thấy
con khỉ ném cái vỏ chuối trúng nắp chum tương dưới gốc cau thì cười híp
cả mắt. Con Khẹc sau khi ăn chuối thì phấn khởi nhảy lên lưng cô dở. Nó
chễm chệ trên gáy cô, chăm chú tìm chấy. Được con nào nó bỏ vào mồm
nhấm luôn. Đầu cô dở chấy nhung nhúc. Đang ăn cơm chấy cũng rơi vào bát.
Đang uống nước, chấy cũng nhảy vào chén. Vì khao khát có đứa con gái
“chấy rận” mà ông bà nội mót được cô. Nhưng cô mắc bệnh dở hơi từ lúc
lọt lòng, chả chấy rận cho ai được con nào. Thế là bà nuôi thêm con
Khẹc. Không có con Khẹc, chắc chấy rận đã hút hết máu người trong nhà
này rồi. Bắt hôm nay, mai lại có, chả biết chấy rận ở đâu mà nhiều đến
thế, cứ kìn kìn kéo về đẻ trứng trắng rã cả tóc. Con chấy cám bé tí, đỏ
như con mò, Khẹc cũng bắt được. Mỗi lần vớ được con chấy kềnh đen sì, nó
thả vào lòng tay cô dở, cho cô chiêm ngưỡng chiến tích rồi nó mới bỏ
vào mồm, nhấm đến rốp một cái, nghe sướng tai. Cứ bắt chấy là được ăn
chuối. Con Khẹc biết thế nên chăm chỉ lắm.
Thấy con
Khẹc cũng lao động miệt mài như mình nên Tư bớt ấm ức. Nhà này, lười
nhất là… ông nội. Cấm thấy ông nấu cơm, băm bèo, thái khoai, cho gà vịt,
ngan ngỗng ăn bao giờ. Lợn có kêu vỡ cả văng chuồng ông cũng mặc kệ, cỏ
cá lại càng không. Ông cũng chả bao giờ đấm lưng cho bà nội. Bà có ho
hen thế nào thì cũng phải cố mà lần dậy làm cho hết cái phần việc đàn
bà. Thế nhưng ông khéo tay. Nong, nia, giần, sàng, thúng, mủng, rá, rổ,
đúm, đơm, đó, lờ, chũm, chài… gì ông cũng làm được, làm đẹp là đằng
khác. Ông khéo tay, khéo miệng, khéo cả đàn sáo. Có vợ rồi, gái làng còn
đũng đẵng theo ông cả chùm cả dúm, cả chị lẫn em, cả cô lẫn cháu. Ông
rủng rỉnh tiền chè thuốc. Rời mấy con dao ra là ông cặp kè cái điếu bát
và tích nước chè. Cái điếu bát bằng sứ khảm trai, cái xe điếu bằng tre
đằng ngà, vàng óng, cong cong điệu đàng. Cái tích nước bé xíu, chỉ đủ
chiêu cho ông đúng ba chén. Khách khứa thì có ấm nước vối sẵn trong cái ủ
đan bằng mây bọc vải nhung ngồi lù lù góc cái bàn kia. Có nước vối mà
uống quanh năm là mát gan mát ruột rồi. Ông không thích ăn chuối tiêu
chín nên thấy Tư và con Khẹc ăn chuối thì ngứa mắt lắm. Nhất là cái vỏ
chuối. Đứa nào mà vô ý ném ra sân thì chết với ông. Ông chửi cho hết
ngày hết buổi. Ông không thích cào cào châu chấu. Mấy bà cháu thì thụt
vặt cánh, rút ruột, rang muối ăn với nhau ông chặc lưỡi rủa “ma mọi”.
Thấy con Khẹc nhá chấy rồi lỉm đi, ông bĩu môi, phỉ nước bọt, ra chừng
lợm giọng lắm. Ông căm thù cái giống chấy rận đến nỗi không thèm ngủ với
bà từ lúc bà ba lăm, kết thúc cuộc trường kì sinh đẻ, mười lăm năm chín
đứa con, chết năm còn bốn. Vì bà cũng rất nhiều chấy. Cô dở là út. Bố
Tư là con cả, bị thọt bẩm sinh. Còn hai chú ở giữa thì rời quê từ độ
lưng lửng mười tám, mười chín gì đó. Họ bảo cái đất chó ăn đá, gà ăn sỏi
này, đã mặn lại còn bạc. Bây giờ, chân các chú ấy cắm sâu vào miền đất
trù phú màu mỡ trong kia rồi. Chẳng ai rút ra mà về quê nữa. Ông nội hay
độc miệng chửi các chú là mấy thằng chết mất mả.
Ông bà nội
Tư, cứ ngồi bếp cùng nhau chưa sôi ấm nước đã có chuyện. “Ông ngứa cái
tay hay sao mà cứ lùi cái cằm cặp của tôi vào bếp cho cháy hả”. Hoặc “Bà
tra muối cái kiểu ấy lại mặn khét”. “Cá kho mà nhạt ai nuốt được?”. Bà
chê ông dở, ông chê bà dở. Cô dở ngồi bên cạnh cười khành khạch. Ông khẽ
sổ mũi hắt hơi tí cũng cường điệu lên là “tôi không qua được cái vụ rau
cần”. Bà chỉn chu cháo lão. Bà biết ông thích ăn cháo từ hồi thanh niên
cho dù ông chẳng đau ốm gì cả. Cứ thèm cháo là ông kêu đau đầu chóng
mặt… Ấy thế, cháo bà bưng lên, ông húp thử một miếng rồi y như rằng là
nhăn mặt, hạnh họe. “Bà nấu kiểu gì đấy, mặn đắng”. Tư được gọi vào nếm
cháo cho ông. Tư trề môi. “Nhạt tanh nhạt hôi chứ mặn gì”. Kệ, ông vẫn
kêu mặn, phải chế thêm nước vào đun lên. Có lần, nghe bà cháu thì thụt
với nhau. Ông tự ái. “Tao tự nấu lấy”. Ông vào bếp. Việc đầu tiên là ho
hắng, rặn ra mà ho. Người ốm mà phải vào bếp ngửi khói rơm rạ, không ho
sao được. Sau ông đá con mèo. “Chỗ mày sưởi đây à?”. Rồi ông đuổi con
chó. “Làm gì có xương xẩu mà chực, cút ngay”. Cháo chín. Tay ông đánh
cháo, tay ông cầm lọ muối. Ông cẩn thận nêm từng tí một. Thế mà, “Tư ởi…
lấy ông cái phích”. Lát sau lại “Tư ởi… đem cái phích xuống đây”. “Đấy,
tự tay ông nấu vẫn mặn đấy thôi”. “Mả cha mày, chỉ được cái giỏi cãi”.
Mả cha, mả
mẹ Tư nằm trên vườn, ngay dưới gốc cây bồ kết cổ thụ. Cây bồ kết, quả
của nó, một vụ cũng đủ cho con gái ba thôn Đoài, Đông, Trung gội đầu
ròng rã ba năm. Độ ấy Tư ba tuổi gì đó. Tối mùa hè, mẹ đi cấy về đến
sân, sát cái chum nước hứng dưới giọt gianh. Em bé ba tháng trong buồng
đang khóc ngặt vì đói sữa. Bố cởi cái áo ngoài đưa cho mẹ. “Vào cho con
bú đã, tắm sau, tôi tráng qua người cái”. Mẹ cầm lấy cái áo. Đoành, sẹt…
Tiếng nổ định mệnh đã mang bố mẹ Tư đi trong tích tắc. Hai cái xác cháy
đen nằm trên miệng hố lổn nhổn cát sỏi mà sét moi hoắm một khúc hè, cái
chum vỡ vụn. Chứng kiến cảnh ấy. Các chú của Tư hằn học với ông giời.
Đất gì mà năm nào sét cũng đánh chết trâu, chết người. Còn đương giữa vụ
sấm sét, các chú ấy đã cồng kênh nhau, bỏ nhà, bỏ làng đi.
Cái đêm
làm ma cho bố mẹ Tư, sau này bà kể lại, mọi người tìm không thấy đứa em
gái của Tư đâu. Tìm mãi mới thấy con Khẹc ôm em bé đang ngủ say trên
chuồng rơm. Bên cạnh em còn có vỏ quả chuối chín bói. Chắc con Khẹc vặn
trên vườn cho em ăn. Thấy người ta đội khăn tang cho Tư, con Khẹc cũng
vớ cái khăn của bà đội lên đầu. Trước cửa nhà là hàng cau già, lá của nó
vùng vẫy tận trên trời xanh mà quả lại rất đều đẹp. Tư vẫn thường trèo
cau lấy quả cho bà ăn trầu. Tư trèo trước, con Khẹc trèo sau. Dần dần,
thân cau nhỏ đi, người Tư lớn lên, con Khẹc thì vẫn thế nên việc hái quả
do con Khẹc đảm nhiệm. Cái tiếng con Khẹc leo cau giỏi khiến người thôn
Đông thi nhau kéo đến nhờ vả. Sau mỗi lần leo cau hái quả đều được
thưởng nên Khẹc ngõi lắm.
Vào một
đêm tháng Bảy, mưa gãy cây nước, cô Thêm đội mưa đến mượn con Khẹc. Cô
Thêm là gái góa, trạc tuổi bố Tư thôi. Cô Thêm ở với bà mẹ chồng mù. Hai
người tảo tần nuôi thằng bé con cô Thêm chừng hai tuổi gì đó nhưng
không phải là máu mủ nhà chồng. Bà không muốn con Khẹc đi nhưng ông bảo
cứ cho cô Thêm mượn con Khẹc. Mai giỗ bố cô ấy rồi. Giỗ thì giỗ, chứ ai
lại trèo cau đêm? Và mưa gió thế này. Tư nghĩ thế. Hôm sau cô Thêm mang
con Khẹc đến trả.
Bà nội
bảo, con Khẹc được mượn về u ấp thằng Tý để hai người hú hí với nhau.
Nếu ở rừng, con Khẹc giờ đã làm mẹ. Mẹ chồng cô Thêm lòa nhưng không
điếc. Có đêm thằng Tý óe lên “giả ti đây” như đang bị ai tranh giành, bà
mò vào giường con dâu, quờ quạng một lúc thì túm được cái chân thằng
đàn ông đầy lông đang nghéo lấy chân con dâu bà. Hôm họp hợp tác, bà
đánh tiếng. “Nhà nào có chồng thì tự giữ, chứ xảy ra chuyện gì tôi không
chịu trách nhiệm”. Nói thì nói thế chứ, dứt chiến tranh, cả làng, nhìn
đâu cũng thấy gái góa, mồ côi mồ cút, có cái bóng thằng đàn ông trong
nhà cũng thấy bớt nơm nớp, dù thằng ấy là chồng, là cha đứa nào không
biết.
*
* *
“Bà Đắng
có nhà không bà Đắng…”. Sau tiếng gọi của bà nội, mẹ chồng cô Thêm bưng
nguyên thằng bé đái dầm lưu cữu chưa thay quần khai mù ra thềm, mắt hấp
háy. Cái tai già nghếch lên. “Có việc gì đới, thím Tư phải không?”. Bà
nội trao vào tay bà Đắng sợi dây xích, bảo: “Bà già yếu rồi, làm lụng
vất vả, tôi cho mượn luôn con Khẹc về bên này trông em cho thím nó kiếm
tí công điểm. Chứ cứ thi thoảng lại sang mượn, hàng xóm thêu dệt chuyện.
Ai có hỏi, bà cứ nói là mua con Khẹc mấy đồng cũng được”. Đầu sợi dây
xích đương nhiên là con Khẹc.
Ông nội bỏ
dở cái rá đang đan vào hút vã thuốc lào. Khói nghi ngút cả năm gian nhà
lá cọ. Đất này, chỗ nào cũng cọ là cọ. Chỉ có cây cọ cứng cỏi, kiên
cường và rễ cọ kham khổ mới chung thủy được với cái đất này. Ông sai Tư.
“Mày đi đem con Khẹc về”. Con Khẹc trông thấy Tư thì ném ngay thằng Tý
xuống chiếu, nhao lại, sờ đầu sờ tay. Nó cầm tay Tư gí vào sợi dây xích,
ý bảo Tư cởi xích, dẫn nó về, nó chán trông em rồi. Hai đứa nhớ nhau
quá. Mới có một ngày mà thế này. Bà Đắng hắng giọng. “Tao mua con Khẹc
năm đồng của bà mày đấy”. Tư ngẩn người một lúc rồi lộn về. Đập con lợn
đất ra. Cả xu, cả hào, tiền lì xì mấy năm, cộng vào vẻn vẹn đồng hai.
Lấy đâu ra ba đồng tám? Ông nội bộ tịch hằm hằm đi sang nhà cô Thêm. Rồi
ông cũng về người không. Mà không, trên lưng ông có thằng Tý. Thằng Tý
hai tuổi mà thằng lên mười như Tư phải gọi bằng chú mới ức chứ.
Đến lượt
bà cất công sang nhà cô Thêm. Bà về, bồng theo cái xác con Khẹc mềm oặt
trên tay. Nước mắt bà lã chã. Cô Thêm đã bức bách ông bằng việc lấy máu
con Khẹc viết lên cánh cửa buồng cô một chữ Hận. Vết cắt ở cổ con Khẹc
rất sâu. Tư khóc như mưa như gió. Đây là lần đầu tiên Tư khóc thế này.
Vì hồi bố mẹ chết, Tư chưa biết đau, chưa biết khóc. Em gái Tư, con
Bống, không cho bà đem con Khẹc đi chôn. Sáng hôm sau, ông dắt con Bống
ra trước một nấm đất nhỏ và bảo đấy là mộ con Khẹc. Từ mộ bố mẹ Tư xuống
đến mộ con Khẹc, chỉ độ chục bước chân.
Không còn
con Khẹc, chấy rận hoành hành. Cô dở đưa tay cào đầu như điên như dại và
chạy loăng quăng. Chẳng biết cô vào xóm, ai đã lấy thuốc trừ sâu đổ lên
đầu cô để diệt chấy. Chấy chết hàng loạt, chết ngay tức thì, còn cô dở
thì dở sống dở chết. Da cô sùi lên, lở loét. Ban đầu ở mặt, rồi sau
xuống ngực bụng lưng và khắp chân tay mình mẩy. Tư mười hai tuổi, còm
cõi, thấp bé, việc gì cũng đến tay. Con Bống, tuy có phổng hơn anh,
nhưng so với con nhà làng thì cũng xếp vào hàng suy dinh dưỡng. Chấy
cắn, nó ngứa ngáy, bức bối, khóc sùi bong bóng mũi. Những lần bà nội lên
cơn hen được đưa lên bệnh viên cấp cứu trong đêm, Tư chầu chực bên
giường bà, miệng lẩm rẩm. “Bà ơi, bà đừng chết”. Lúc về lấy cháo lên cho
bà, nó còn tranh thủ đốt cả nắm hương lên mà khấn bố, khấn mẹ, khấn cả
con Khẹc, có linh thiêng thì phù hộ cho bà nội. Tư còn khấn luôn cả các
chú còn sống để các chú nóng ruột mà về. Tư chạy trước, chú Tý lon ton
chạy sau. Cháo từ cái cặp lồng nhôm sánh ra ngoài, Tư dừng lại đưa ngang
mồm chú Tý cho chú Tý liếm. Gạo hiếm, sểnh giọt cháo nào, tiếc giọt ấy.
Chú Tý
ngồi chực cháo người ốm. Bà đưa một thìa cháo lên miệng, chú lại há
miệng ra. Bà nuốt cháo, chú nuốt nước dãi. Chú chỉ đợi câu “Bầm không ăn
nữa” để hưởng sái. Chú Tý múc cháo thừa của bà nội, ăn ngon lành. Ăn no
thì kềnh ngay ra giường bệnh viện, gối đầu lên chân bà nội mà ngủ. Bà
bảo xem cái nết ăn cháo của chú Tý cũng biết chú là con ông. Thấy cảnh
ấy, ông nội ngứa mắt, nghiến răng trèo trẹo. “Mày có đưa nó về ngay
không hả?”. Tư xốc chú Tý lên lưng. Chú Tý ngoái cổ chào ngọng nghịu “On
về bầm ạ”. Rồi chú nen nét nhìn ông sợ sệt. Những lúc nghe ông quát, má
chú đỏ ửng lên. Bà bảo chú bị dị ứng lông con Khẹc. Tư lại nghĩ, chú ấy
dị ứng tiếng quát của ông thì có. Thấy hai chú cháu quấn nhau. Làng xóm
bảo “Máu mủ có khác”.
|
Minh họa: Phạm Minh Hải |
Ông vẫn
thậm thụt đi với cô Thêm mới tài chứ. Cái chữ Hận bằng máu con Khẹc to
đùng ở cửa buồng nhà cô Thêm còn đó cơ mà. Bà nội giải thích. “Họ bày ra
thế để đưa thằng Tý về đây cho bà cháu mình chăm còn họ thì không lo ai
phá bĩnh. Nhiều đêm bà Đắng làm rát quá, ông còn đưa cô về buồng ông mà
ngủ. Ngay cả cái mộ con Khẹc cũng chỉ là mộ giả. Cô Thêm đã thịt con
Khẹc để hai người tẩm bổ rồi”. Tư sởn gai ốc toàn thân và giấu tiệt
chuyện ấy không dám kể với con Bống.
Giờ thì
ông không phải sai Tư đấm lưng cho bà nữa. Bà tự lo liệu lấy bằng cách
mua về quả chuông đồng nhỏ bằng cổ tay. Quả chuông quý lắm đấy. Nó bé
xíu thế thôi nhưng tiếng kêu lảnh lót, ngân xa. Trên thân quả chuông là
hình chạm tinh xảo một cô thôn nữ mặc yếm Tấm đang ưỡn ngực xay lúa. Bên
cạnh cái cối xay là một đàn gà con. Lúc đêm hôm, bất chợt kéo cơn hen,
bà rung chuông là Tư thức giấc, hỗ trợ bà. Ngày hay đêm, ở chỗ nào,
thoáng nghe thấy tiếng chuông là Tư tót về, lao thẳng vào buồng bà. Nhẹ
thì đấm lưng, lấy thuốc cho bà. Nặng thì gọi người khiêng bà đi bệnh
viện thở bình ô xy. Có đợt bà nằm viện cả tuần. Ông ở nhà thịt con gà
đang đẻ nấu cháo. Tư về lấy thì thấy cô dở ngồi nhìn. Ông và cô Thêm
ngồi bón cho nhau cái buồng trứng non sau khi múc cho bà lưng cặp lồng
cháo ngọn, lễnh loãng, chả vướng một sợi thịt. Tư cố kèo thêm một phần
cho chú Tý thì ông trợn mắt lên. “Ăn rồi bĩnh ra nhiều, ai dọn”. Cứ như
là ông vất vả vì chú Tý lắm.
Hôm ấy,
đang ngâm người dưới bùn mò ốc ngoài trằm, Tư thấy nóng mặt, má đỏ phừng
phừng, bèn chạy về. Con Bống đi học giờ mới tiết hai, trống đang thùng
thùng kia. Tư bỏ học lúc non nửa lớp bốn. Giờ gia cảnh có khá hơn nhưng
mười lăm tuổi rồi mà đi học lại lớp bốn thì ngại lắm. Thế nên Tư lấy
việc đồng áng, chăn nuôi làm vui. Về đến đầu sân, chui vào mắt Tư là
cảnh cô dở nằm vắt người qua bậu cửa chính nham nhở vết dao chém. Con
Bống vót que chuyền. Tư vót cù, đẽo mắm khẳng. Bà chẻ đóm cho ông hút
thuốc. Tất cả đều lấy bậu cửa thay thớt. Cái bậu cửa chính là ranh giới
của gian giữa nhà và sân hè, giữa bóng tối và ánh sáng. Giữa ông và vợ
con, giữa cái điếu bát, tích nước chè sang trọng và chấy rận đàn bà con
nít. Tư chạy đến, mãi mới vực được cô dở vào trong. Cô không ngồi được,
đổ huỵch ra đất. Tư cũng không biết là cô làm sao, còn sống hay chết mà
mặt cô tím như quả sim chín. Tư chạy đi tìm bà. Thấy mất cái quang gánh
và đôi thúng, Tư đoán bà đi chợ bán bồ kết non. Chợ xa quá. Phải tìm ông
thôi. Vườn trước không có ông, vườn sau không có ông, ngoài ao cũng
không có. Tư đoán ông bên nhà cô Thêm.
“Ông ởi…
về xem cô dở ngã”. Tư gọi đến dăm bận mới thấy cánh cửa nhà cô Thêm hé
mở. Thảo nào, cả tháng cô Thêm chỉ được có mươi công, thóc không đủ ăn,
quanh năm kêu đói. Ông lừng khừng đi ra, nhìn Tư như nhìn quân thù không
đội trời chung. “Việc gì cũng gọi tao là sao hả?”. Tư chạy trước, hai
chân xoắn vào nhau, nhưng vẫn còn nhanh hơn ông. Thi thoảng Tư dừng lại
ngoái nhìn ông như giục. Càng thấy mình quan trọng, ông càng dềnh dàng.
Chẳng có ai oai bằng ông. Vụng trộm giữa thanh thiên bạch nhật mà đủng
đỉnh như mục đồng đuổi trâu đang ăn mạ hợp tác. Tư phốc lên hè, cái hè
cao so với cái sân một khoảng vừa bằng đầu chú Tý. Ông chống gối đi lên.
Thấy cô dở nằm thu lu xó cửa, ông ngồi xuống, đưa tay lật cằm cô lên.
Ông vành mắt, vành môi cô ra rồi vuỗi tay đứng dậy. Ông ngồi vào bàn
uống nước, vớ lấy cái ấm nước vối. Chắc là ông khát quá, không kịp pha
chè, không kịp mồi thuốc. Ông sai Tư. “Đi chợ tìm bà mày về ngay”. Tư
thon thón chạy ra sân, cố để hai cái chân tách nhau ra, thế thì mới
nhanh được.
Chợ quê
chỉ xúm xít đắt đỏ có một lúc thôi, giờ vắng tanh, vắng ngắt. Bà nội kia
rồi, ngồi giữa chị hàng tương đang lấy cái lá sen đuổi ruồi và cô hàng
nón đang tranh thủ luồn nhôi. “Bà ơi, cô dở chết rồi thì phải”. Bà hấp
tấp đứng dậy, hai thúng vơi bồ kết, dồn vào được một thúng đầy. Bà đội
thúng lên đầu mà chạy. Tư lếch thếch kéo lê đôi quang gánh và chiếc
thúng còn lại theo sau. Người Tư cứ run bắn lên. Con Khẹc chết, Tư đau
như có ai cắt ruột mình. Nay đúng cái chỗ cắt ấy, ai lại lấy muối xát
vào. Khổ thân cô dở quá.
Tư về đến
cổng, thấy bồ kết tung tóe. Nhà Tư có kha khá người đến. Cô dở nằm ngay
ngắn trên giường. Có lẽ đây là lần đầu Tư thấy cô nằm ngay ngắn thế,
không so vai, rụt cổ, vặn vẹo như mọi ngày nữa. Trên người cô đắp cái
chiếu cũ mà chú Tý đái đẫm ra, mấy hôm rồi trời ươi ưởi chẳng nắng nên
chưa phơi được. Mặt cô úp cái tờ giấy ông lột ra từ quyển vở của em
Bống. Cái loại giấy đen sì, mặt sùi mặt nhẵn, cứ viết được vài dòng,
ngòi bút lại tõe ra. Giấy mà che lên mặt là chết thật rồi. Ấy thế mà lúc
còn trên đường, Tư lại nghĩ có khi cô chưa chết đâu, chỉ tạm thời lả đi
thôi vì sáng nay cô dồn hết chỗ cơm của cô vào bát chú Tý.
Mặt ông
lạnh tanh. Ông lệnh cho Tư. “Mày đi đánh điện cho các chú”. Tư chạy ra
sân, còn chưa biết là các chú ở đâu và đánh điện là đánh vào đâu, vào
cột hay vào dây, đánh mấy phát, đã chạy đi. Tư ra đến ngõ thì ông giựt
lại. “Tư ởi, thôi không đánh nữa, thất học biết gì mà đánh”. Tư lại quay
về. Bà khóc thành tiếng. Ông quát. “Câm mồm, lại hen lên thì… tao chôn
cả lũ”. Bà hự hự khóc trong họng như vừa bị ai đấm một quả vào chỗ hiểm,
tức thở. Tư đứng chờ ông sai việc, hai mắt ngó vào mồm ông thao láo,
hai cái chân không dép lau lón quẹt qua lại dưới đất chờ lệnh chạy. Cô
dở chết, Tư thấy mình quan trọng hẳn. Chẳng sai Tư thì sai ai bây giờ.
Có lên huyện mà đánh điện thì các chú cũng chả về đâu. Tốn kém lắm. Mà
về cũng không kịp.
Cúng cơm
ba ngày cô dở, bà lên cơn hen thật. Ông gầm lên. “Nhân bảo như thần bảo
mà, cấm có nghe”. Chú Tý lon mon hai bàn tay bé xíu trên lưng bà. “On
đấm, bầm đớ chưa?”. Tư ngứa mắt, nhảy lên giường, tự giác làm phần việc
của mình. Tư đấm lưng bà thành thạo trên cái nền nhạc trống đám ma.
Trống khâm liệm, trống phát phục, trống chuyển cữu, trống chèo đò qua
sông, trống cúng cơm, trống rước, trống hạ huyệt và trống hồi gia… Đám
ma cô dở vừa rồi là dịp Tư nghiên cứu kĩ mọi kiểu cách trống phách rồi.
Giờ mặt trống là lưng bà, nắm tay thay cho dùi trống. Càng thân thuộc
càng dễ. Bà vẫn khứ khứ khứ, nhưng đã dịu đi hẳn, trở về tiếng ngỗng
non. Bà thều thào. “Bà đỡ rồi, có thím Thêm ở đây, con nghỉ đi, mấy ngày
rồi nhọc quá”. Tư rời tay khỏi lưng bà là lăn kềnh ra ngủ trả giấc, mê
mệt.
“Tư ởi,
mày trông nom bà thế nào mà bà ra nông nỗi này?”. Tư lơ ngơ ngồi dậy. Bà
nằm y hệt cô dở hôm trước. Ngay ngắn, thẳng thớm. Tư mếu máo, ân hận.
“Bà ơi, sao bà không rung chuông gọi cháu”. Tư gỡ quả chuông nhỏ xuống,
lắc lắc. Chuông không kêu. Lắc lắc. Hai miếng cau khô rơi ra. Chuông lại
kêu.
*
* *
Những đôi
uyên ương bên thị xã kháo với nhau về một khu vườn trồng cây ăn quả cổ
thụ và đẹp mê hồn bên kia sông Hồng. Vườn quả nằm trên một quả đồi thấp
phía cuối đầm Sương. Đầm Sương rộng mấy trăm héc ta chạy dài suốt ba
thôn Đông, Đoài, Trung. Vườn quả cổ thụ ấy thuộc xứ Đoài. Đầm Sương vào
mùa hạ, sen và súng nở hồng rực long lanh. Sen súng một mùa nhưng vườn
quả xứ Đoài bốn mùa chim chóc kéo về tận hưởng.
Sát mép
đầm Sương là rặng dâu tằm quả sai trĩu chịt, chín đen mọng dù mới đầu
hè, ong lượn dập dìu. Bên trên rặng dâu tằm là vườn khế. Những trái khế
ngọt chín vào dịp cuối đông, vàng óng ả, bọn chào mào kéo về, suốt ngày
rôm rả bàn tán, “thích thật”, “đi thì tiếc”... Bên trên vườn khế là vườn
bưởi, cứ tiết sương giáng là lá bưởi rụng hết, khoe ra những trái vàng
suộm đu đưa. Cạnh vườn bưởi là vườn cam quýt. Cạnh vườn cam quýt là vườn
dâu da cổ thụ. Quả sai như ốc bậu từ gốc lên ngọn, từ thân ra cành…
Trên đỉnh đồi là cây bồ kết già nua cùn hết cả gai, gốc nó phải năm vòng
tay người lớn ôm mới xuể. Tán nó rộng đủ làm râm mát cho một tòa nhà
năm gian và quả của nó vừa to vừa dài đến cuối thu thì chín đen kịt một
góc trời. Ngoài ra, ổi, na, nhãn, vải, đu đủ, lựu, roi, táo… gì cũng có.
Mùa nào thức ấy, chim muông và khách mua sỉ mua lẻ tíu tít đổ về. Thi
thoảng ở đâu đó có cả những con khỉ hoang tìm về khu vườn. Ông bà chủ
tốt bụng không bao giờ xua đuổi, cứ mặc chúng đánh chén no nê. Ông ngoài
chín mươi, râu tóc trắng như cước, dung mạo rất đẹp. Bà sáu mươi vẫn
mặn mà, da dẻ láng mịn như da con gái.
Trong nhà
ông chủ vườn cũng nuôi một con khỉ đực, nặng khoảng mười bảy, mười tám
cân, mắt đỏ, da bàn tay vàng, lông màu nâu sậm. Khách nghe ông chủ gọi
nó là Chẹc. Con Chẹc người ngợm, chân tay lở loét như cóc ghẻ, cứ gãi
cành cạch liên hồi. Cả khi khách ném cho món đồ gì, nó đỡ bằng một tay,
tay còn lại vẫn bận gãi. Nó giống hệt cậu chủ mới ngoài ba mươi nhưng bị
bệnh viêm da kinh niên, khắp người lở loét lúc nào cũng phải băng cho
kín. Con khỉ thường mang theo sợi xích trên người, ngồi trên cành bồ
kết, dạng háng ra mà gãi. Nghe nói nhiều người hỏi mua con Chẹc nhưng
chủ vườn không bán, bảo để nuôi vì con Chẹc ngoan lắm, lại là giống quý.
Khu vườn trĩu chịt hoa quả này là ma lực đối với bọn khỉ nuôi, khỉ lang
thang cơ nhỡ tìm về tá túc. Thế nên ông bà chủ chăm chút cho khu vườn
cũng coi như làm phúc với một loài vật đang có nguy cơ bị tuyệt diệt.
Bữa nay,
khách đến chụp ảnh đi đi lại lại bên ngoài lồng sắt nhốt con Chẹc. Thấy
người nó đã lành lặn trở lại, ai cũng thích thú. Dăm tháng trước, ông
chủ vườn đã hắt cả chậu nước tắm tanh tưởi bẩn thỉu của cậu chủ lên
người nó. Con Chẹc lây bệnh và được thả ra cho đi tìm thuốc. Thuốc ngứa
của con Chẹc chẳng đâu xa, đó chính là tầm gửi của cây bồ kết cổ thụ
cộng với tầm gửi cây dâu da sắp chết đứng trên vườn nhà. Con Chẹc đã
khỏi bệnh. Bệnh của cậu chủ thuyên giảm rất nhiều. Đúng là kì tích.
Chờ khách
về hết, ông chủ vườn cúi đầu bên cái điếu bát, chăm chỉ mồi thuốc. Ông
gọi gã cháu nội tuổi ngoài bốn mươi, có khuôn mặt khắc khổ đang ngồi
ngẩn ngơ ngoài thềm, ngắm lưỡi dao phay sắc loang loáng trên tay. “Tư
ởi. Nhớ là tìm cho đủ rau thơm, đừng có như những lần trước. Giảm rau
răm nhưng lại bổ sung thêm húng quế. Óc khỉ tươi mà thiếu húng quế thì
tanh lắm”. Lệnh ông đĩnh đạc, phấn chấn theo dòng khói thuốc lào bồng
bềnh trôi ngược lên nóc nhà. Gã cháu nội ngoái nhìn ông, mắt gã dài dại
thế nào ấy
TỐNG NGỌC HÂN
Nguồn: vannghequandoi.com.vn