Khai giảng Lớp Bồi dưỡng kiến thức Kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh KĐ23.05

17/04/2023

  • lượt xem: 526

Nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước yêu cầu nhiệm vụ mới, theo đề nghị của lãnh đạo Trường Chính trị các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình và Thái Bình, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã quyết định giao Ban Chủ nhiệm Đề án 587 tổ chức Lớp Bồi dưỡng kiến thức Kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh KĐ23.05.

Sáng ngày 14/4/2023, Lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh KĐ.23.05 được tổ chức tại Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên. 

Dự và chủ trì Lễ Khai giảng có PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tham dự buổi lễ có TS Ngô Ngân Hà, Phó Vụ Trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ, Chánh Văn phòng Đề án 587, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên; đại diện Ban Giám hiệu các Trường Chính trị tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình và Ban Giám hiệu Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, các đơn vị trực thuộc Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, cùng toàn thể học viên tham dự lớp học.

Picture1

PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện phát biểu khai giảng

Phát biểu khai giảng, PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: nghiên cứu tác phẩm kinh điển Mác - Lênin là nhiệm vụ vừa mang tính tự thân, vừa mang tính bắt buộc giúp giảng viên và người học tiếp cận hệ thống các “lý luận gốc”, làm sáng rõ những nguyên lý, quan điểm mà các nhà kinh điển đã đề cập, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị nói riêng, công tác lý luận nói chung. Qua kiến thức được bồi dưỡng, các học viên phải tổng kết thực tiễn, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận một cách có hệ thống, bài bản; đúc rút bài học kinh nghiệm, đặt ra những yêu cầu cho việc nâng cao hiệu quả nghiên cứu, học tập các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đồng chí nhấn mạnh, lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển là dịp để các học viên tập trung nhiều hơn về thời gian, trí tuệ để nghiên cứu kiến thức gốc kinh điển trong 40 tác phẩm (27 tác phẩm kinh điển của C.Mác và Ph.Ăngghen, của V.I.Lênin về Triết học, Kinh tế, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xây dựng Đảng; 11 tác phẩm kinh điển của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 02 tác phẩm kinh điển của Đảng) do các nhà khoa học, các giảng viên có uy tín, nhiều kinh nghiệm của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trực tiếp giảng dạy và trao đổi. Đồng thời, chương trình học gồm 07 chuyên đề bổ trợ góp phần làm sáng tỏ hơn đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước ta là kết quả sự vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lịch sử đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới.

 Picture2

Toàn cảnh Lễ Khai giảng

Thông qua khoá bồi dưỡng, học viên được nâng cao kiến thức kinh điển, chuyên sâu về lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa chuyên môn của giảng viên theo tiêu chí trường chính trị chuẩn; tiếp tục khẳng định những giá trị nền tảng bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng chí giao nhiệm vụ cho các học viên viết bài tham gia Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba năm 2023, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của học viên, nhằm đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN theo tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Picture3

Đồng chí Đỗ Minh Trí, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh phát biểu tại Lễ khai giảng

Phát biểu tại Lễ Khai giảng, đồng chí Đỗ Minh Trí, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh chúc mừng 62 cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình và Thái Bình đã được các Tỉnh ủy tạo điều kiện thuận lợi tham gia Lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh KĐ23.05. Đây là nhiệm vụ hết sức ý nghĩa nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh chính trị, cũng như kịp thời đáp ứng các điều kiện về công tác cán bộ theo quy định. Thay mặt Ban Tổ chức, đồng chí đề nghị tất cả các học viên luôn tuân thủ tổ chức kỷ luật của lớp, có tác phong, lối sống đúng mực, chấp hành nghiêm túc nội quy lớp học và các quy định của Học viện; tích cực, nhiệt tình trao đổi, thảo luận, tranh luận trong học tập, nghiên cứu để Lớp bồi dưỡng đạt kết quả tốt nhất. 

 

Tác giả: Đào Thị Hoàn - Phạm Tuấn Anh