Kỳ họp bất thường diễn ra nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.
Sáng 4/1, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Tới dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành, các đồng chí lão thành cách mạng, các vị khách quốc tế, các vị đại biểu Quốc hội…
|
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành, các đồng chí lão thành cách mạng, các vị khách quốc tế, các vị đại biểu Quốc hội… tham dự Kỳ họp. Ảnh: TH. |
Xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế -xã hội
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước. Để góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, kỳ họp diễn ra nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (riêng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội).
Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.
Đúng 9 giờ, Quốc hội khóa XV họp phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Phát huy trí tuệ và trách nhiệm, đảm bảo chất lượng cao nhất
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước và công tác chuẩn bị, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
|
Khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TH. |
Tại Kỳ họp bất thường này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng sau đây:
Thứ nhất, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích, làm rõ: Cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách và tổng thể các chính sách, sự phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; các quan điểm, định hướng lớn cần quán triệt để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu các kế hoạch 5 năm, hằng năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Quy mô cụ thể các nguồn lực huy động cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; khả năng huy động, mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cụ thể và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, những lĩnh vực và địa bàn trọng tâm sao cho kịp thời, khả thi và hiệu quả; Phạm vi, thời gian thực hiện chính sách; Các giải pháp để tổ chức thực hiện nhanh, dễ kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách và trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan trong việc triển khai thực hiện, giám sát, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện chương trình.
Thứ hai, Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Theo Chủ tịch Quốc hội, giao thông là mạch máu của nền kinh tế, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, việc sớm triển khai thực hiện dự án càng có ý nghĩa thiết thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tác dụng lan tỏa, củng cố liên kết vùng. Do đó, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ và trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc tình hình thực hiện dự án trong giai đoạn 2017-2020; chỉ rõ những hạn chế, bất cập của giai đoạn trước làm bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo…
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp. Ảnh: TH. |
Thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Đây là dự án Luật có tính chất đặc biệt, sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều Luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau, các quy định có tính chất tương đối độc lập.
Thứ tư, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ.
Ngoài ra, tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ gửi báo cáo bổ sung: (1) Về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, nhất là việc ứng phó với biến chủng mới Omicron; những vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung và tại Công ty Việt Á. (2) Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo trên, dự lường những vấn đề lớn có thể phát sinh trong thời gian tới, hiến kế cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội những quyết sách, giải pháp cụ thể, để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Nêu rõ kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri, Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi; thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc, cầu thị trong tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và sớm ban hành để kỳ họp thành công thực chất, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.
“Diễn ra trong những ngày đầu năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kỷ niệm 76 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2022), cùng với thành công của Kỳ họp thứ nhất và Kỳ họp thứ hai, những kết quả đạt được tại Kỳ họp bất thường lần này sẽ góp phần rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 – 2025”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
* Trước khi khai mạc Kỳ họp, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
nguồn tin: https://dangcongsan.vn/thoi-su/khai-mac-trong-the-ky-hop-bat-thuong-lan-thu-nhat-quoc-hoi-khoa-xv-601281.html