Người quản ngục kinh thành

22/10/2021

  • lượt xem: 753

Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, quân Nguyễn vượt sông Gianh tiến đánh Đàng Ngoài chiếm đóng một số huyện thuộc trấn Nghệ An. Tổ tiên họ Huỳnh rời quê hương theo dòng người di cư vào Đàng Trong, đến định cư ở làng Tây Định huyện Tuy Viễn. Họ sống quây quần, khai khẩn đất hoang lập nghiệp. Cuộc sống êm ả trôi qua. Đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, ông Huỳnh Tiềm là trưởng tộc. Số ông hiếm muộn, người vợ ngoài tứ tuần mới hạ sinh một bé gái. Ông nâng niu như ngọc, đặt tên là Uyển Lệ. Huỳnh Tiềm rước thầy giỏi về dạy con học chữ. Uyển Lệ thông minh sắc sảo, học một biết mười. Đến tuổi cập kê, trở thành thiếu nữ dung nhan diễm lệ, kinh sử làu thông. Người làng bảo với Huỳnh Tiềm: “Uyển Lệ là báu vật trời ban cho ông”. Trai làng ao ước má tựa vai kề nhưng nàng chưa ưng thuận ai.

nguoi quan nguc kinh thanh 1 nguyen dang phu 898


Bấy giờ, Quốc Phó Trương Phúc Loan chuyên quyền, triều chính rối ren, tham quan lộng hành, khắp nơi loạn lạc. Trong vùng xuất hiện bọn cướp do tên Nghiệp cầm đầu. Nghiệp lận đận khoa bảng, bất mãn thời cuộc, cậy có chút võ nghệ tập hợp những kẻ đói rách bần cùng, tứ cố vô thân cướp bóc những nhà hào phú lắm của. Một hôm, Nghiệp bày tiệc rượu đãi đàn em. Rượu đang hứng, gương mặt Nghiệp bỗng sa sầm, bèn rút ống tiêu ra thổi. Giai điệu trầm buồn ngân lên. Tiếng tiêu kết thúc. Đám đàn em trầm trồ khen. Nghiệp nói:
- Chúng bay chỉ nghe được thanh âm. Còn phần hồn thì không thể biết.
Một tên trong bọn hỏi:
- Phần hồn là gì?
- Đó là nỗi lòng của tao.

Đám cướp im lặng. Nghiệp nói tiếp:
- Tao muốn lấy con gái lão Huỳnh Tiềm ở làng Tây Định. Nhưng đời nào vợ chồng lão chịu gả. Tao ngày nhớ đêm mong nhưng không biết phải thế nào.
Tên vừa nói lại lên tiếng:
- Có khó gì. Chỉ cần lôi được nàng ấy về đây, ván đã đóng thuyền, mọi chuyện coi như xong.
Nghiệp chép miệng:
- Chỉ còn hạ sách đó.

Cả bọn kéo tới nhà Huỳnh Tiềm. Mấy tên đàn em xông vào. Sau một hồi lùng sục, chúng bắt được Uyển Lệ kéo ra ngoài. Uyển Lệ bị hai tên thảo khấu lực lưỡng khóa chặt hai tay. Nàng vùng vẫy vô vọng. Vợ chồng Huỳnh Tiềm chạy theo, ôm lấy con khóc thảm thiết:
- Trăm nghìn lạy các ông! Xin tha cho con gái tôi.
Nghiệp ôn tồn bảo:
- Đừng lo! Ít hôm nữa, tôi cùng Uyển Lệ sẽ về bái lạy nhạc phụ, nhạc mẫu.
Chợt một tiếng quát như sấm:
- Bọn thảo khấu kia chớ có lộng hành!

Một tráng sĩ cầm đại đao cưỡi ngựa phi tới, theo sau là tốp người gươm giáo chỉnh tề. Tráng sĩ xuống ngựa, trỏ vào mặt Nghiệp mắng:
- Tao truy tìm tụi bay đã lâu. Khôn hồn thả người rồi bó tay chịu trói.
Nghiệp hất mặt cao giọng:
- Hãy hỏi thanh gươm tao có chịu khuất phục không đã.
Hai bên áp vào. Tráng sĩ đánh vài đường đao, Nghiệp đã bị thất thế, loạng choạng ngã sấp xuống mặt đất. Gươm văng ra xa. Tráng sĩ vung đao toan chém. Uyển Lệ quên cả sợ, lên tiếng:
- Thưa ân nhân, không nên giết hắn.
- Tại sao?
- Gây nghiệp ác thì dễ, tích đức thì khó. Người quân tử xưa nay luôn lấy việc tích đức làm đầu. Xin ân nhân đừng hại kẻ sa cơ thất thế.

Tráng sĩ gật đầu:
- Lời nàng vừa nói ngẫm ra cũng đúng. Ta tha cho hắn một mạng vậy.
Bọn đàn em hạ vũ khí xin hàng. Tráng sĩ bảo thuộc hạ trói Nghiệp và đám cướp giải đi. Huỳnh Tiềm cung kính:
- Xin ân nhân cho biết quý danh?
- Ta là Ngô Văn Sở, đang đầu quân dưới trướng trại chủ Nguyễn Nhạc.
- Ông Nhạc ư! Đã nghe tiếng từ lâu, nay mới gặp người của ông ấy. Quả tiếng đồn giúp dân trừ bạo không sai.

Uyển Lệ quỳ thụp xuống:
- Xin ân nhân nhận cho một lạy. Nếu không có người, cuộc đời của tiểu nữ đã bị vùi xuống bùn đen, hoa tàn nhụy rữa rồi còn gì.
Ngô Văn Sở vội vàng đỡ Uyển Lệ đứng dậy:
- Nhiệm vụ của ta là tiễu phạt bọn thổ phỉ để giữ yên hậu phương cho chủ trại, nàng không phải bận tâm.
Uyển Lệ vén tóc ngước nhìn. Ngô Văn Sở sững sờ, ngây ngất, trước vẻ đẹp quyến rũ của nàng, muốn nói điều gì đó mà cứ ấp úng không ra lời… Ngô Văn Sở cáo từ. Huỳnh Tiềm ân cần:
- Khi nào rảnh việc, mời ân nhân ghé thăm tệ xá.
Lên ngựa đi được một đoạn, Ngô Văn Sở quay lại, thấy Uyển Lệ vẫn đứng trông theo, liền nói to:
- Ta sẽ trở lại đấy!

Cơn gió thoảng qua mang lời ấy lan ra cánh đồng lúa mênh mang, xào xạc trên các khóm tre, len vào trái tim thổn thức của người thiếu nữ đang dõi theo bóng người tráng sĩ kiêu hùng khuất dần phía trời xa...
*
* *
Vào buổi trưa mùa hè năm Bính Ngọ, kinh thành Phú Xuân nóng bức. Nóng bởi cái nắng oi nồng thiêu đốt vạn vật, nóng còn vì dư ba những trận giao tranh quyết liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân chúa Trịnh. Thua trận, tàn quân chúa Trịnh bị truy đuổi đến tận bờ bắc sông Gianh. Sáng nay, tại kinh thành, Bắc Bình Vương họp các tướng lĩnh ở doanh trại bàn việc. Ngô Văn Sở dự họp chưa về. Uyển Lệ ngồi bên song cửa, ngóng đợi phu quân. Nàng ngẫm nghĩ, thời gian như bóng câu, mới đó mà đã hơn mười năm rồi. Kể từ lúc Ngô Văn Sở trở lại, bước vào hoa viên nhà nàng, Uyển Lệ biết ông tơ bà nguyệt đã buông dây tơ hồng thắt chặt tình duyên. Nàng còn nhớ những giọt lệ của song thân khi tiễn nàng xuất giá. Hai bóng già liêu xiêu ra tận cổng ngậm ngùi ngó theo kiệu hoa xa dần...

Uyển Lệ được Ngô Văn Sở yêu thương hết mực, ngày đêm quấn quýt, không muốn rời xa. Vừa chiếm được Phú Xuân, Ngô Văn Sở lập tức sai người về Quy Nhơn rước nàng. Ngôi nhà thời thơ ấu của Uyển Lệ bên cạnh dòng sông. Nàng rất yêu dòng sông ấy. Biết vậy, Ngô Văn Sở đã xây ngôi nhà cạnh sông Hương để cho nàng ngắm mà vơi bớt nỗi nhớ quê. Từ lúc về chung sống, phu thê ân ái mặn nồng, lúc rảnh rỗi trao đổi về đạo lí thánh hiền, về chuyện đời, về cách đối nhân xử thế như đôi tri kỉ. Uyển Lệ còn giúp chồng giải quyết công việc. Những việc khó đến đâu, Ngô Văn Sở đem bàn luận với nàng là thông suốt. Có được Uyển Lệ, Ngô Văn Sở dần trở nên điềm đạm, quyền biến... Điều đó làm cho Bắc Bình Vương đánh giá rất cao và càng thêm tin cậy.

Nhưng sự đời không phải lúc nào cũng thuận. Trước đó mấy hôm, đã xảy ra một chuyện không hay. Vũ Văn Dũng thết tiệc rượu đãi các tướng lĩnh Tây Sơn, mừng vì được Bắc Bình Vương phong làm Chiêu viễn đại tướng quân. Ngô văn Sở nói với nàng:
- Các ông ấy biết nàng ở Phú Xuân, bảo ta phải đưa tới dự. Ta đã hứa rồi.

Uyển Lệ vâng lời. Các tướng lĩnh Tây Sơn đến dự đông đủ, có cả các kĩ nữ kinh kì. Tiệc đang diễn ra, tiếng chúc tụng ồn ào, náo nhiệt. Phu thê nàng bước vào, tất cả bỗng im bặt. Nhiều ánh mắt đăm đắm nhìn nàng. Ngô Văn Sở giới thiệu Uyển Lệ. Lần đầu tiên, Uyển Lệ được tiếp xúc với những vị tướng nổi tiếng mà tên tuổi được truyền tụng khắp nơi. Trông họ da đen sạm, gân guốc, sương gió phong trần. Men càng nồng, họ càng ăn nói thô lỗ, bỗ bã, nựng nịu, ôm ấp vuốt ve các kĩ nữ không chút kiêng dè. Ngồi trên nhất là Hữu quân đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh. Ông ta có vẻ cao ngạo. Thỉnh thoảng lại cười mỉm như đang đắc ý điều gì. Ngô Văn Sở giữ kẽ, ăn uống từ tốn. Chợt Vũ Văn Dũng đứng dậy, mặt ngầu đỏ, có vẻ chếnh choáng, trỏ Ngô Văn Sở xách mé:
- Tôi thấy ông không hào hứng lắm với bữa tiệc này. Phải chăng vì mĩ nhân bên cạnh?

Vũ Văn Dũng nhìn Uyển Lệ chằm chằm, giọng sỗ sàng:
- Ta một đời phiêu dạt, đi bốn bể chân trời, chưa từng thấy một nhan sắc mê hồn, hấp dẫn thế này. Được chăn gối với nàng dù chỉ một đêm cũng đủ thỏa mãn một đời.
Ngô Văn Sở giận tái mặt, đập bàn đứng phắt dậy:
- Thằng xấc láo kia! Nếu không có bọn tao khó nhọc liều chết ra đây, mày đã chết rục trong nhà ngục của quận Tạo rồi. Đã không biết ơn còn dám buông lời xúc phạm thê thiếp tao! Nay quyết cùng mày sống chết một phen!

Vũ Văn Dũng cười khẩy:
- Công của mày đã có đại vương ban thưởng. Còn thích đàn bà đẹp là quyền của tao. Được không?
Hai viên tướng toan xông vào nhau. Nhưng mọi người đã kịp can ra. Nguyễn Hữu Chỉnh lên tiếng:
- Các ông quá chén mà nhất thời làm tổn thương hòa khí, ảnh hưởng đến việc lớn. Chúa công mà biết được sẽ xử phạt nghiêm đấy. Chừng đó có hối cũng không kịp. Thôi tất cả giữ kín chuyện này.

Tiệc tan. Mọi người ra về. Ngô Văn Sở và Vũ Văn Dũng vẫn lườm nhau. Uyển Lệ một phen khiếp vía, về tới nhà mà vẫn chưa hết sợ, Ngô Văn Sở phải an ủi mãi. Khi đã bình tĩnh, Uyển Lệ nói:
- Thiếp lo quá. Ông ấy mắt sâu, mày rậm, nói không hở răng. Đó là kẻ bụng dạ hẹp hòi. Phu quân phải cẩn thận đề phòng.
Ngô văn Sở cười ha hả:
- Nàng cả nghĩ rồi. Hắn thì làm gì được ta nào.
*
* *
Một người lính hầu bước vào, vòng tay cung kính:
- Bẩm, mời phu nhân dùng bữa.
- Ta đợi phu quân về cùng ăn.
Người lính dạ một tiếng rồi lui gót. Đó là Nghiệp. Năm xưa, khi Ngô Văn Sở áp giải đám cướp về, chủ trại Nguyễn Nhạc xem xét, tra hỏi. Xong, gọi bọn chúng lại khuyên bảo:
- Ta tha cho một lần. Các ngươi về quê quán lương thiện làm ăn, còn tái phạm thì đừng trách ta đấy. Ai có nghĩa khí, muốn gia nhập nghĩa quân chiến đấu vì đại nghĩa thì cửa quân ta sẵn sàng đón tiếp.
Chúng đều bảo:
- Chúng tôi nguyện sống chết theo chủ trại.

nguoi quan nguc kinh thanh 2 nguyen dang phu 898
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú


Nguyễn Nhạc bảo Ngô Văn Sở:
- Vì nghèo túng quá, chúng làm càn. Nay ta giao chúng cho ông, nhận về mà tập luyện, bảo ban.
Trong quân, Nghiệp thật lòng hối cải, một dạ trung thành, được Ngô Văn Sở tin dùng cho theo hầu bên cạnh. Nghiệp vô cùng cảm phục. Lúc chinh chiến xa nhà, Nghiệp nhận nhiệm vụ ở lại bảo vệ phu nhân. Một đêm trăng, Uyển Lệ bồn chồn không sao chợp mắt. Nàng ra dạo trên vườn hoa. Chợt nghe văng vẳng tiếng tiêu. Những thanh âm dìu dặt vấn vương, tiếc nuối, nhớ mong. Nàng đi về phía đó. Người thổi tiêu là Nghiệp. Uyển Lệ nói:
- Không ngờ tiếng tiêu của ngươi hay quá, mang nặng một nỗi u hoài ủ kín.
Nghiệp xúc động:
- Thế gian này, hiểu được tiếng tiêu của tôi chỉ có phu nhân.
*
* *
Chiều tối, Ngô Văn Sở về, nét mặt căng thẳng. Uyển Lệ hỏi, Ngô Văn Sở đáp:
- Chúa Công quyết đánh ra Bắc Hà. Ngày mai, các đạo quân sẽ xuất phát. Ta lại phải xa nàng.
Uyển Lệ úp mặt vào ngực chồng. Giọt lệ sầu tuôn. Ngô Văn Sở vỗ về:
- Ta cũng muốn cùng nàng hôm sớm vui vầy, uống trà, thưởng trăng. Nhưng khắp nơi loạn lạc, chúa công còn cần đến cây đao của ta để vỗ yên bốn cõi. Nàng đừng muộn phiền. Ta sẽ trở về.

Lại phải mấy năm cách biệt. Mãi tới khi đánh đuổi hai mươi vạn quân Thanh, Bắc Hà tạm yên, Ngô Văn Sở được vua Quang Trung phong tước Ích Quốc công, trấn thủ Thăng Long. Quan Trấn thủ về Phú Xuân nhận mệnh vua nhân tiện đón Uyển Lệ cùng đi. Nghiệp xin theo nhưng Ngô Văn Sở không cho:
- Ngươi theo ta đã bao nhiêu năm rồi. Tấm lòng của ngươi, ta đã hiểu. Nhưng đường ra Thăng Long xa xôi cách trở. Ngươi hãy ở lại Phú Xuân. Ta viết một lá thư giới thiệu ngươi với một thuộc hạ cũ hiện làm quan ở bộ Hình. Có thư ta, ông ấy sẽ hết lòng giúp đỡ.
*
* *
Ở Thăng Long, sống trong nhung lụa, quyền uy, kẻ hầu người hạ, nhưng lòng Uyển Lệ thường trĩu nặng sầu muộn. Nỗi nhớ cố hương quằn quặn. Mỗi độ xuân về, ngắm sắc đào hồng tươi, nàng lại nhớ khóm mai vàng trước ngõ. Nhớ tuổi ấu thơ êm ấm dưới mái gia đình. Song thân đã qua đời, mộ phần ai chăm sóc? Ai đốt nén hương ngày giỗ chạp?... Ngô Văn Sở hiểu được nỗi buồn của vợ. Ông muốn chọn ngày cùng nàng về Quy Nhơn một chuyến. Nhưng ngặt nỗi thành Thăng Long mới yên, lòng người chưa quy thuận. Còn nhiều việc bề bộn phải làm. Tình thế lúc này chưa thể tùy tiện mà đi được...

Giữa lúc đó, Ngô Văn Sở nhận chiếu chỉ dẫn “An Nam quốc vương” sang phương Bắc triều kiến. Sau gần một năm rong ruổi, hoàn thành sứ mệnh, về tới Thăng Long, phu thê đoàn tụ, mừng mừng tủi tủi. Ngô Văn Sở kể cho Uyển Lệ nghe về chuyến đi, phải qua nhiều nơi, bái kiến vua Càn Long ở hành cung nghỉ mát Nhiệt Hà, rồi theo xa giá về dự đại lễ ở Yên Kinh, đến đâu cũng được tiếp đãi nồng hậu, yến tiệc linh đình. Ban đầu, sợ chúng phát giác vua giả, không những hỏng việc lớn mà còn mất mạng. Sau này, mới nhận ra, vua tôi Càn Long đã biết tất tần tật, thế mà chúng vẫn coi như không. Người mà chúng quan tâm nhất trong sứ bộ chính là ông, quan Trấn thủ Thăng Long. Một gã cận thần thân tín Càn Long đến gặp riêng, dùng lời đường mật quyến dụ, hứa hẹn ban chức tước, phẩm hàm, muốn ông trở thành bề tôi cho vua hắn. Nhưng quá hiểu tâm địa đen tối của chúng nên ông khước từ. Hắn không giận, lúc chuẩn bị về nước, còn đến tặng viên ngọc quý, nói rằng vua Càn Long ban cho. Hắn nói viên ngọc này là báu vật ngàn năm có một. Ông từ chối mãi không được.

Ngô Văn Sở lấy một cái hộp nhỏ dát vàng ra, mở nắp hộp, màu xanh biếc kì ảo toát ra từ viên ngọc. Ông nói:
- Ta chưa từng thấy viên ngọc nào như thế này. Nếu có nắng mặt trời chiếu vào, ngọc sẽ phát ra bảy màu óng ánh.
Uyển Lệ cầm viên ngọc đặt lên cái đĩa sứ để ra nắng. Quả như lời chồng nói. Ngắm nghía một lúc, chợt nàng kêu lên:
- Lạ lắm, phu quân ơi!
- Chuyện gì thế?

Mắt Uyển lệ vẫn không rời viên ngọc:
- Phu quân nhìn kĩ xem, viên ngọc này có tì vết. Các màu sắc bao quanh viên ngọc ửng quyện vào nhau lúc ẩn, lúc hiện. Duy chỉ có vệt đen chính giữa bất biến như một hạt sạn góc cạnh.
Vẫn chưa hiểu ý vợ, Ngô Văn Sở hỏi:
- Phu nhân nói rõ hơn xem?
- Theo thiếp nghĩ, vẻ đẹp hào nhoáng các sắc màu chỉ là bề ngoài, vệt đen là bóng tối u ám ẩn chứa bên trong. Trông vệt đen đó, thiếp linh cảm người sở hữu viên ngọc này sẽ gặp phải tai họa.

Ngô Văn Sở nổi tức:
- Nếu đúng thế thì thằng giặc già Càn Long đáng ghét thật. Ai ngờ tặng ngọc mà lại ngầm ý hại ta. Có lẽ hắn muốn trả thù cho bao nhiêu tướng sĩ mất mạng dưới lưỡi đao Ngô Văn Sở này. Ta giận không băm vằm được nó thành trăm mảnh. Nhưng bây giờ ta phải làm sao đây?
Uyển Lệ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Viên ngọc có thể được tìm thấy từ đáy nước. Phu quân hãy ra sông Nhị, tìm chỗ vực sâu ném trả lại cho thủy thần.
- Được rồi, ta sẽ làm theo nàng.
*
* *
Vua Quang Trung đột ngột băng hà, Cảnh Thịnh nối ngôi, vì còn nhỏ tuổi nên việc triều chính do Thái sư Bùi Đắc Tuyên làm chủ. Ngô Văn Sở được triệu hồi về kinh, phong chức Đại đổng lí, tước Quận công. Phu thê về lại ngôi nhà bên bờ sông Hương. Vào triều, qua các phiên chầu, Ngô Văn Sở nhận ra, các đại thần không còn nhớ lời kí thác của tiên đế lúc lâm chung, là phải hợp sức phò tá vua nhỏ. Họ hục hặc, dèm pha nghi kị, tranh giành quyền lực, hãm hại nhau. Dù đã ông cố sức can gián vẫn không ngăn được Thái sư Bùi Đắc Tuyên xử tử Lê Văn Hưng, một danh tướng tài ba bấy giờ; cũng không ngăn được Thái úy Phạm Công Hưng cướp đoạt cơ nghiệp Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc khiến chúa cũ uất ức đến chỗ mệnh vong. Cứ tiếp diễn như thế này rồi có ngày Nguyễn Ánh từ phương Nam kéo ra, tất sẽ chuốc họa bại vong. Ông thở dài não ruột.

Một hôm, Thái sư Bùi Đắc Tuyên gọi Ngô Văn Sở tới trao thánh chỉ của vua đi trấn thủ Thăng Long thay thế Vũ Văn Dũng. Tại Thăng Long, lúc bàn giao công việc, Vũ Văn Dũng đối xử với ông rất lạnh lùng, như chưa từng biết nhau. Ngô Văn Sở nhậm chức chưa được bao lâu, lại có chiếu chỉ triệu gấp về triều. Có việc gì khẩn cấp mà phải thay đổi xoèn xoẹt như thế. Ông nghi ngờ có chuyện không bình thường. Nhưng đã có chiếu chỉ của vua thì phải tuân theo. Vừa tới ngoại thành Phú Xuân, Đại tư đồ Vũ Văn Dũng đã chờ sẵn với đội quân lăm lăm vũ khí. Ông thúc ngựa tới trước chào hỏi. Vũ Văn Dũng không trả lời. Dưới cặp chân mày rộng, đôi mắt sâu hoắm ngùn ngụt hận thù. Nhưng Ngô Văn Sở vẫn bình tĩnh:
- Có thánh chỉ triệu tôi về triều.

Lấy tờ thánh chỉ màu vàng trong người ra đưa cho Võ Văn Dũng. Quan Đại tư đồ cười đắc ý:
- Tờ giấy này là bản án kết tội mày đó.
Ngô Văn Sở tức giận:
- Tội gì?
- Sở hữu báu vật riêng.
Thoáng giật mình, Ngô Văn Sở gặng hỏi:
- Báu vật nào?
- Mày khéo vờ vĩnh. Tao chờ ngày này lâu rồi. Tấm thân ngà ngọc ấy giờ là của tao.
- Đồ chó. Mày chạm đến Uyển Lệ thì có là ma tao cũng về tìm.

Mặt Vũ Văn Dũng đanh lại:
- Dễ thôi. Mày thích làm ma thì tao cho làm. Bay đâu, trói nó lại. Mày và cha con nghịch tặc Bùi Đắc Tuyên sẽ được đoàn tụ dưới âm phủ.
Tốp lính xông vào trói Ngô Văn Sở, gấp rút bỏ lên xe tù áp giải ngay vào nhà ngục.
*
* *
Ngục thất u ám, sáng lờ nhờ từ ngọn đuốc leo lét như ánh ma trơi gắn trên vách buồng ngoài. Hai tên lính gác ngục lim dim gà gật. Ngô Văn Sở bồn chồn, lo lắng không yên. Ông lo cho Uyển Lệ: “Liệu Vũ Văn Dũng sẽ làm gì đây? Ai che chở bảo vệ nàng? Lúc tạm biệt nàng ra Thăng Long, ta hứa sẽ sớm gặp nhau. Như bao lần đã hứa và giữ đúng lời hứa đó. Nhưng lần này chắc âm dương cách trở, mãi mãi biệt li”. Ngô Văn Sở lấy viên ngọc trong thắt lưng ra, cầm trên tay: “Cũng chỉ vì một chút sân si. Đứng trên bờ sông Nhị, tiếc báu vật, không đành vứt đi. Giờ phải rước họa. Nàng đã cảnh báo sự thâm hiểm của tên đê tiện họ Vũ, ta đã bỏ mặc ngoài tai. Lỗi tại ta!”. Ngô Văn Sở lại chua chát: “Tiên đế ơi, thần một đời tận tụy, dốc tấm lòng trung, nay lại mang tiếng phản nghịch. Trách thay, những kẻ cùng ta một đời ngang dọc, vào sinh ra tử, giờ đang chức trọng quyền cao, lại bỏ mặc ta trong ngục tù lạnh lẽo“. Trong lúc Ngô Văn Sở đang than vắn thở dài. Bỗng có tiếng kêu khẽ:
- Bẩm quan!

Một người đứng ngoài cửa ngục. Tối nên không nhìn rõ mặt. Hai tên lính khi nãy không còn ở đó nữa. Ngô Văn Sở hỏi:
- Ngươi là ai?
- Ngài không nhận ra tôi sao?
Không nhầm lẫn được. Ngô Văn Sở bước tới chỗ cửa ngục:
- Nghiệp! Là Nghiệp đấy sao?
- Vâng. Là tôi đây. Quan Đại tư đồ sai bọn tôi đóng cũi sắt, sáng mai sẽ dìm ngài và cha con Thái sư xuống sông Hương. Đêm nay, tôi tới để tiễn biệt.

Cả hai ngồi bệt xuống nền đất. Nghiệp là quản ngục. Khi Ngô Văn Sở về lại Phú Xuân, Nghiệp mấy lần đến thăm chủ cũ. Ngô Văn Sở ngậm ngùi:
- Ngươi là người duy nhất đến với ta trong lúc này. Vậy mà ngày xưa, ta suýt lấy đầu ngươi. Giờ ta là một tử tù, ngươi nói thật lòng, có oán hận gì không?
Nghiệp đáp:
- Ngài đừng nói thế! Lúc đó, tôi chết cũng là đáng tội. Nhưng nhờ lượng khoan dung của ngài, tôi có được ngày hôm nay. Là ơn chứ sao gọi là oán được. Tôi có mang rượu vào đây, kính dâng ngài một chung.

Ngô Văn Sở cầm chung rượu uống cạn, khà lên một tiếng:
- Đây là rượu ngon nhất ta được uống trong đời. Ngươi rót cho ta một chung nữa được không?
- Dạ được.
Ngô Văn Sở uống xong rồi nói:
- Cảm ơn ngươi rất nhiều. Nhưng hiện có việc cần kíp nhờ ngươi giúp.
- Xin ngài cứ dạy.
- Ngươi đến gặp phu nhân ta, đưa nàng về làng Tây Định ngay lập tức. Phải đi nhanh kẻo không còn kịp. Tộc họ Huỳnh sẽ che chở bảo bọc nàng.

Ngô Văn Sở lấy viên ngọc trao cho người quản ngục:
- Người giữ ngọc tất sẽ mang họa. Nhưng nó là báu vật. Ngươi phải bán ngay nó cho thương khách. Sẽ kiếm được khá nhiều tiền. Đây là phần ta đền đáp cho ngươi. Hãy nhớ lời ta.
Nghiệp nhận lời, cầm viên ngọc giắt vào người, bái biệt lần cuối cùng. Ra ngoài thành, Nghiệp phi ngựa như bay tới tư thất Ngô Văn Sở. Nhưng khi đến nơi, một cảnh nhốn nháo diễn ra. Nghiệp hỏi người hầu gái thì được biết khi nãy một tốp quan quân kéo đến định bắt phu nhân. Chúng chưa kịp hành động thì phu nhân đã chạy ra bờ sông nhảy xuống quyên sinh rồi. Nghiệp thẫn thờ ra chỗ Uyển Lệ trầm mình, đứng lặng người một lúc lâu rồi bất ngờ lấy viên ngọc ra ném xuống sông. Trên mặt nước đen thẫm bùng một quầng sáng xanh biếc, hình dạng hao hao một con quái ngư, lượn lờ một lúc rồi biến mất.
*
* *
Sáng hôm sau, Đại tư đồ Vũ Văn Dũng hạ lệnh hành hình cha con Thái sư Bùi Đắc Tuyên và quan Đại đổng lí Ngô Văn Sở bên tả ngạn sông Hương. Có các quan đại thần mặc phẩm phục, đầu đội mũ ô sa và một ít người dân kinh đô biết tin kéo tới chứng kiến. Tám tên lính khiêng cũi sắt nhốt Ngô Văn Sở quăng xuống sông. Gương mặt các đại thần vẫn thản nhiên, trơ trơ như tượng. Nhưng những người dân hiện diện đều xót xa, thương cảm cho bậc anh hùng lỡ vận sa cơ. Dưới sông, Ngô Văn Sở giãy giụa trong cũi, cố ngoi lên như muốn níu kéo chút sự sống cuối cùng cho tới khi chìm hẳn.

Mọi người lục tục ra về. Riêng người quản ngục vẫn đứng bất động trên một mô đất cao, mắt đẫm lệ nhìn mải miết dòng nước êm đềm, lặng lẽ xuôi về hạ bạn. Dưới làn nước sông Hương xanh biếc kia có biết bao khối u uất, căm hờn đau đáu đến muôn đời vạn kiếp không tan.

Nguồn: vannghequandoi.vn