Đánh giá công lao to lớn của Ph.Ăngghen đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới, V.I.Lênin viết: “Sau bạn ông là C.Mác, Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền C.Mác và Ph.Ăngghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ”.
|
Ph. Ăngghen - Nhà lý luận và chiến sĩ cách mạng vĩ đại
(Ảnh tư liệu) |
Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen (Ph. Ăngghen) là
nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế
kỷ XIX, người cùng với C. Mác đã sáng lập học thuyết Mác - học thuyết
khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế
giới. Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ph.Ăngghen (28/11/1820 - 28/11/2020) là
dịp để tôn vinh, tri ân công lao, đóng góp vĩ đại của Ph.Ăngghen đối
với kho tàng lý luận của nhân loại và phong trào công nhân, cách mạng vô
sản thế giới; qua đó tiếp tục khẳng định sự kiên định vận dụng sáng tạo
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn
cách mạng Việt Nam của Đảng và Nhân dân ta.
Tạo lập nền tảng tư tưởng và hoàn thiện lý luận cho học thuyết cách mạng
Từ sau cuộc gặp gỡ C.Mác năm 1844,
Ph.Ănghen đã trở thành người bạn, người đồng chí gần gũi thân thiết của
C.Mác, xây đắp nên một tình bạn cảm động và vĩ đại nhất của các lãnh tụ
giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Toàn bộ học thuyết của C.Mác và
Ph.Ăngghen là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc
và đồ sộ, giải đáp được nhiều vấn đề mà nhân loại đặt ra. Kế thừa những
trào lưu tư tưởng tốt đẹp nhất của loài người đến thế kỷ XIX (triết học
Đức, kinh tế chính trị Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp) và tổng kết thực
tiễn trong thời đại mình, Ph.Ăngghen cùng C.Mác đã sáng tạo ra một học
thuyết hoàn chỉnh, chặt chẽ và chính xác, trong đó tính khoa học thống
nhất với tính cách mạng triệt để. Công lao vĩ đại của C.Mác và
Ph.Ăngghen, đó là: Đã bảo vệ và phát triển triết học duy vật, sáng tạo
ra chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, mở ra một
bước ngoặt căn bản trong triết học, cung cấp cho loài người một cách
nhìn mới mẻ, một vũ khí sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới. Chủ
nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành quả vĩ đại của tư tưởng khoa
học, đã phát hiện ra tính quy luật của sự phát triển xã hội và tính tất
yếu của sự chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái
kinh tế - xã hội khác cao hơn. Đã dựa vào kinh tế chính trị học cổ điển,
tạo ra một học thuyết kinh tế mới, đem lại một cuộc cách mạng thực sự
trong kinh tế chính trị học. Với việc tìm ra quy luật giá trị thặng dư,
C.Mác đã tìm ra những phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa, luận chứng
một cách có căn cứ khoa học về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản
và sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa cộng sản.
Qua việc phân tích, mổ xẻ chủ nghĩa tư
bản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện ra những quy luật vận động và phát
triển của nó, trên cơ sở đó dựa vào sự phát triển của xã hội tương lai,
chỉ ra lực lượng xã hội có khả năng trở thành người sáng tạo xã hội mới
là giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Giai cấp công nhân
phải tiến hành một cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ để lật đổ chủ nghĩa
tư bản. Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai
cấp. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội mác-xít là chủ nghĩa xã hội khoa học, khác
hẳn chủ nghĩa xã hội không tưởng ở Pháp trước đó.
Cống hiến trong học thuyết giá trị thặng dư - phát hiện vĩ đại thứ hai của học thuyết Mác
Những cống hiến khoa học của Ph.Ăngghen qua các công trình đầu tay:Lược khảo phê phán khoa kinh tế chính trị;Tình cảnh giai cấp công nhân Anh,
cùng những bài viết về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Anh lúc bấy
giờ đã bác bỏ những quan điểm lý luận tôn sùng chế độ tư hữu nói chung,
chế độ sở hữu tư sản nói riêng, vạch trần bí mật của chế độ bóc lột, áp
bức, chế độ cạnh tranh vô chính phủ, nạn khủng hoảng và thất nghiệp, nạn
bần cùng đói khổ, địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân trong
xã hội tư bản. Trên cơ sở dự báo có tính khoa học và cách mạng mang bản
chất nhân văn sâu sắc, Ph.Ăngghen truy tìm nguyên nhân sâu xa của những
tệ nạn xã hội, những nỗi thống khổ của giai cấp công nhân:đó là chế độ sở hữu tư nhân tư sản.
Trong chế độ sở hữu này, lực lượng sản xuất công nghiệp đã phát triển
và tạo ra nhiều của cải nhưng “nạn giàu - nghèo, đau khổ do chính từ sự
thừa thãi đẻ ra” lại ngày càng tăng lên.
Với những phát hiện và những tư tưởng,
quan điểm thể hiện trong các công trình nghiên cứu ngay từ thời gian đầu
của Ph.Ăngghen, như C.Mác nhận xét, đã gợi mở và tạo cảm hứng cho C.Mác
một hướng nghiên cứu mới, đúng đắn về xã hội tư bản, hướng nghiên cứu
chuyển từ triết học và luật học sang nghiên cứu kinh tế chính trị học.
Từ đó, C.Mác đã phát hiện ra quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư
bản -quy luật giá trị thặng dư. Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã vạch rõ
quá trình phát sinh, phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa, nêu lên những mặt tiến bộ và vạch rõ những khuyết tật, mâu thuẫn
của chủ nghĩa tư bản; từ đó đã chỉ ra rằng, phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa tất yếu sẽ bị thay thế bởi phương thức sản xuất mới, cao hơn,
tiến bộ hơn, đó là phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.
Phát hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân
Từ bỏ vị trí xuất thân của mình,
Ph.Ăngghen đã lăn lộn, gắn bó với phong trào công nhân, với tấm lòng
trung thành vô hạn và lập trường kiên định, với trí tuệ thiên tài và sự
mẫn cảm về chính trị, Ph.Ăngghen đã quan sát, cảm nhận trực tiếp nhu cầu
bức thiết của một giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất trong xã hội
tư bản và phát hiện ra lực lượng xã hội có vai trò chủ đạo trong cuộc
đấu tranh nhằm xóa bỏ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ
nghĩa cộng sản - đó là giai cấp công nhân.
Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen không chỉ
phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, theo V.I.Lênin đó
là “điểm trọng yếu trong học thuyết Mác”, mà còn góp phần vạch ra vai
trò của đội tiền phong (chính đảng) của giai cấp công nhân. Cùng với
C.Mác, Ph.Ăngghen luôn luôn gắn lý luận và thực tiễn đấu tranh của giai
cấp công nhân vừa với tư cách nhà bác học, vừa với tư cách người thầy
của giai cấp công nhân thế giới. Ph.Ăngghen đã cống hiến toàn bộ nghị
lực phi thường, trí tuệ uyên bác và trái tim nồng nhiệt của mình cho sự
nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, sự nghiệp xây dựng và củng cố
các đảng của giai cấp vô sản. Với tinh thần cách mạng triệt để của chủ
nghĩa Mác, Ph.Ăngghen nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Chủ nghĩa xã hội
từ khi trở thành khoa học, đòi hỏi phải được đối xử như là một khoa
học”. Đứng trên lập trường ấy, Ph.Ăngghen đã cùng C.Mác đấu tranh không
mệt mỏi khuynh hướng phản khoa học và không tưởng trong phong trào công
nhân, từ chủ nghĩa cộng sản không tưởng của Vai-tơ-rinh, chủ nghĩa xã
hội tiểu tư sản của Pru-đông, đến chủ nghĩa vô Chính phủ của Ba-cu-nin,
từ chủ nghĩa của người trong Đảng xã hội dân chủ Đức; chống lại các trào
lưu phi vô sản như chủ nghĩa Sô-vanh, chủ nghĩa cơ hội “hữu” khuynh và
“tả” khuynh; chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái, những
âm mưu chia rẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Cống hiến của Ph.Ăngghen đối với phong
trào công nhân quốc tế được thể hiện sinh động thông qua 10 năm tồn tại
của Quốc tế I và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế cho đến
tận cuối đời. Sau khi Quốc tế I ngừng hoạt động, rồi Quốc tế II ra đời,
vấn đề thống nhất phong trào công nhân quốc tế, đặc biệt là sự thống
nhất tư tưởng của phong trào được Ph.Ăngghen hết sức quan tâm. Ông đấu
tranh mạnh mẽ, kiên quyết chống những khuynh hướng tư tưởng ảnh hưởng
xấu đến phong trào công nhân, nhất là đấu tranh chống chủ nghĩa cải
lương và chủ nghĩa vô chính phủ, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng
của chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân.
Khi đánh giá công lao to lớn của
Ph.Ăngghen đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản
thế giới, V.I.Lê-nin viết: “Sau bạn ông là C.Mác, Ph.Ăngghen là nhà bác
học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn
thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền C.Mác và Ph.Ăngghen
thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung
của họ. Cho nên muốn hiểu Ph.Ăngghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì
phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của C.Mác đối với sự
phát triển của phong trào công nhân hiện đại”.
Góp phần làm cho chủ nghĩa Mác luôn có giá trị khoa học và cách mạng
Cũng như C.Mác, Ph.Ăngghen không bao giờ
coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi
người phải dập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận
thông qua nghiên cứu thực tiễn, tổng kết thực tiễn. Ông kiên quyết bác
bỏ những mưu toan giáo điều của học thuyết Mác, biến học thuyết đó thành
một mớ những công thức bất biến; đồng thời đấu tranh với bất cứ người
nào coi thường sự tiến bộ của khoa học, coi thường những điều kiện và
những nhu cầu xã hội mới nảy sinh. Khi tình hình thay đổi và cuộc sống
thực tiễn đặt ra những vấn đề mới, Ph.Ăngghen dũng cảm xem xét lại ngay
cả những quan điểm của mình. Ph.Ăngghen thẳng thắn thừa nhận sai lầm của
mình và C.Mác trong thời kỳ bão táp cách mạng (1848 - 1852) khi nhận
định về tình hình thế giới, về chủ nghĩa tư bản, về phương pháp, sách
lược cách mạng của phong trào công nhân... Ngay cả một số nhận định
trong“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”sau này
đã được Ph.Ăngghen cùng với Mác thừa nhận: Nếu được viết lại thì cũng
cần bổ sung và yêu cầu những người cộng sản “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc
nào, việc áp dụng những nguyên lý đó phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử
đương thời, và do đấy không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng
nêu ra ở cuối chương II”.
Là một nhà tư tưởng quân sự thiên tài,
Ph.Ăngghen còn là người có công đặt nền móng xây dựng và phát triển học
thuyết mácxít về quân đội, về chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng.
Những đóng góp của Ph.Ăngghen trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật quân
sự đã góp phần làm phong phú, sâu sắc hơn di sản lý luận của chủ nghĩa
Mác trong kho tàng tri thức, văn hóa nhân loại, một mẫu mực về sự vận
dụng sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử
vào nhận thức, giải thích một lĩnh vực đặc biệt phức tạp là chiến tranh
và hòa bình, quân sự và quốc phòng, khởi nghĩa vũ trang và đấu tranh
cách mạng, xây dựng quân đội cách mạng và bảo vệ Tổ quốc./.
Nguồn: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Ph.Ăngghen của Ban Tuyên giáo Trung ương