Chiều ngày 7/7, UBND tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Hưng Yên. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Tư lệnh Quân khu 3; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, Quân khu 3, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong khu vực; đại diện một số cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, một số tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài...
Các đại biểu dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Hưng Yên
Dự hội nghị về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh...
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Ngày 10/6/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 489/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh). Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Hưng Yên, nhằm thông tin tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân về những nội dung cơ bản của Quy hoạch tỉnh, nhất là hệ thống quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các phương án quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành để phát triển tỉnh Hưng Yên nhanh và bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; thuộc nhóm phát triển mạnh, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước đến năm 2030 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tặng hoa chúc mừng tỉnh
Hội nghị cũng là dịp để tỉnh Hưng Yên giới thiệu tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư đến các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và trao các quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thống nhất, không ngừng đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kiên định, kiên trì, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Hưng Yên sẽ thực hiện thắng lợi Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,0%/năm giai đoạn 2021-2030; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 278 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 khoảng 700 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 12 - 13 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng đạt tăng 8,5 - 9,0%/năm giai đoạn 2021- 2030; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60 - 65% và đến năm 2050 khoảng 80%; kinh tế số chiếm 35% GRDP…
Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước. Các hoạt động quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Tỉnh cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược để hiện thực hoá Quy hoạch tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Hưng Yên được phê duyệt đã cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thể hiện khát khao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên trong việc hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ niềm vui mừng, ghi nhận những kết quả nổi bật của tỉnh Hưng Yên, điều này thể hiện tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện của tỉnh. Qua đó, tạo niềm tin của Đảng, Nhà nước với Hưng Yên, niềm tin của các nhà đầu tư với Hưng Yên. Nhờ sự kết nối về giao thông, Hưng Yên hiện nay đã gần với Thành phố Hà Nội hơn một số vùng của Thành phố Hà Nội với Thành phố Hà Nội.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các cấp phải đổi mới và có tầm nhìn chiến lược, phải khai thác tối đa các điểm mạnh, có giải pháp hóa giải khó khăn. Xây dựng quy hoạch phải bám sát thực tiễn, quan tâm các vấn đề toàn cầu, lấy liên kết làm nền tảng phát triển. Chú trọng đặt con người là mục tiêu, có tư duy đổi mới, huy động mọi nguồn lực, bảo đảm tính bền vững, phù hợp xu thế phát triển chung. 5 nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện quy hoạch cần tập trung trong thời gian tới: Xây dựng chương trình, danh mục thu hút đầu tư; huy động nguồn lực xã hội; có tầm nhìn xa, chiến lược; quan tâm quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; khai thác tối đa các nguồn lực về con người, tự nhiên, xã hội, khoa học công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh cần tập trung huy động nguồn lực để thực hiện Quy hoạch tỉnh; tăng cường đầu tư phát triển con người; đầu tư cho kết nối của Hưng Yên với các vùng; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược; phát triển công nghiệp - dịch vụ có chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Để đạt được các mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh, Hưng Yên cần tập trung vào các nhiệm vụ chính: Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; huy động tối đa nguồn lực; tối ưu hóa đầu tư; thúc đẩy chuyển đổi số; chuyển dịch kinh tế theo hướng xanh, bền vững; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; coi trọng xây dựng Đảng; đẩy mạnh truyền thông.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương thường xuyên quan tâm, theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ Hưng Yên trong thực hiện Quy hoạch tỉnh trong thời gian tới. Các nhà đầu tư cần xây dựng chiến lược kinh doanh - dịch vụ lâu dài theo quy hoạch, luôn đồng hành cùng sự phát triển bền vững của tỉnh. Tỉnh Hưng Yên cần lắng nghe, thấu hiểu và cùng đồng hành với doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân toàn tỉnh, Hưng Yên sẽ phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, vươn lên tốp đầu cả nước. Sự thành công của hội nghị hôm nay sẽ là khởi đầu, truyền cảm hứng để thực hiện Quy hoạch tỉnh có hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hữu Nghĩa trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ban, sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, công khai, minh bạch toàn bộ Quy hoạch tỉnh cùng với hệ thống danh mục các sơ đồ, bản đồ quy hoạch để các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân biết, thống nhất thực hiện. Huy động mọi nguồn lực, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là các giá trị con người, truyền thống văn hóa, văn hiến, lịch sử vẻ vang, cách mạng anh hùng quê hương Hưng Yên. Khẩn trương chỉ đạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, quản trị phát triển tỉnh theo đúng Quy hoạch tỉnh.
Tại hội nghị, 24 nhà đầu tư đã được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, với tổng vốn đầu tư 763 triệu USD và gần 10 nghìn tỷ đồng. Thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh giới thiệu với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước về danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư với mong muốn ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế quan tâm, ưu tiên lựa chọn và quyết định đầu tư vào tỉnh.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã đến thăm Công ty TNHH Mektec Manufacturing (Việt Nam) tại Khu công nghiệp Thăng Long II.
*Trước đó, sáng ngày 7/7, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ khánh thành Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2) (viết tắt là Dự án). Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự lễ khánh thành. Cùng dự buổi lễ có các đồng chí Uỷ viên BCH Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành của Trung ương.
Dự lễ khánh thành về phía tỉnh Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh...
Các đại biểu dự lễ khánh thành dự án xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2)
Dự án có điểm đầu tại nút giao giữa QL.39 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (thuộc xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ), điểm cuối nút giao Liêm Tuyền đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (thuộc xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), đoạn qua tỉnh Hưng Yên dài 23,8km. Dự án đi qua 20 xã của 6 huyện trong tỉnh. Phân kỳ thực hiện đầu tư của dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đầu tư quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m thuộc công trình giao thông cấp II, khởi công tháng 8/2011 và hoàn thành năm 2019; giai đoạn 2 đầu tư mở rộng với quy mô 4 làn xe cơ giới, khởi công tháng 11/2021 và hoàn thành tháng 10/2023. Tổng mức vốn đầu tư cả 2 giai đoạn là gần 1,8 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư giai đoạn 2 là hơn 700 tỷ đồng.
Các đại biểu cắt băng khánh thành dự án xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2)
Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được quy hoạch là đoạn tuyến cao tốc Hưng Yên - Thái Bình (CT16) theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án xây dựng đường bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có điểm đầu tại nút giao với nhánh lên trạm thu phí đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (thuộc xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ), điểm cuối giao với QL.38B (thuộc xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND ngày 27/5/2021. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, thuộc công trình giao thông cấp II; đầu tư với quy mô mỗi bên tuyến 2 làn xe cơ giới, mặt cắt ngang 11m; chiều dài 19,68km. Dự án này đã được nhà thầu thi công tích cực, chủ động huy động máy móc trang thiết bị và nhân công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, rút ngắn thời gian triển khai dự án được 8 tháng.
Việc xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ góp phần kết nối giao thông giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL.38, QL.38B, QL.39 và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đồng thời, nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc, giảm tải lưu lượng qua QL.5, QL.1 và cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong đó có tỉnh Hưng Yên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của tỉnh Hưng Yên trong việc triển khai thực hiện dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và dự án xây dựng đường bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đồng chí khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông đối với sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình không chỉ giảm áp lực đối với nhiều tuyến đường như QL.39, QL.1, QL.5 mà còn góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược, nâng tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược của tỉnh trong phát triển giao thông, kết nối vùng, kết nối quốc gia, mở rộng không gian phát triển mới, giá trị gia tăng của đất, mở ra các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ mới, giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, đóng góp cho tăng trưởng bền vững, lâu dài của tỉnh và khu vực.
Dẫn chứng tầm quan trọng của phát triển hạ tầng giao thông tại một số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cho rằng tỉnh Hưng Yên cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển hạ tầng giao thông gắn với phát huy lợi thế của tỉnh. Đồng thời đề nghị các cơ quan làm tốt các thủ tục thanh quyết toán, việc duy tu, bảo dưỡng, khai thác không gian phát triển mới từ dự án, phát triển các khu công nghiệp, khu dịch vụ… Thủ tướng Chính phủ cho rằng trên cơ sở quy hoạch tốt sẽ có dự án tốt, có dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt thì sẽ có hiệu quả tốt.
Trước đề xuất của tỉnh và nhà thầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm nâng cấp tuyến đường thành đường cao tốc; giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp với tỉnh Hưng Yên hoàn thành việc nâng cấp tuyến đường thành đường cao tốc vào cuối năm 2025.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hữu Nghĩa cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, trong đó có việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định, Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Dự án xây dựng đường bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hoàn thành vượt tiến độ thể hiện sự quyết tâm của các cấp, các ngành của tỉnh Hưng Yên, sự nỗ lực của chủ đầu tư và đơn vị thi công. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cho biết, tỉnh sẽ đưa dự án vào khai thác tốt, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Buổi sáng cùng ngày 7/7, UBND tỉnh tổ chức lễ khởi công dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.378). Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự Lễ khởi công. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Dự Lễ khởi công về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh…
Các đại biểu dự Lễ khởi công Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.378)
Theo báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án do đồng chí Nguyễn Lê Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày tại Lễ khởi công: Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh; là loại công trình giao thông cấp II. Quy mô đầu tư: Tuyến chính gồm 2 đường song hành quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h; tuyến nhánh kết nối đường dẫn cầu La Tiến và nhánh thuộc nút đầu tuyến kết nối với QL.38 quy mô đường cấp II đồng bằng, theo TCVN 4054:2005.
Các đại biểu bấm nút khởi công Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan
Dự án có tổng mức đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng, với tổng chiều dài khoảng 29,2km. Dự án được đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Hưng Yên nói riêng, của khu vực nói chung theo quy hoạch được phê duyệt; là bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) diện tích đất nông nghiệp, đất công; đang tổ chức triển khai thực hiện GPMB phần diện tích đất ở, đất nghĩa trang; đã thu hồi đất và bàn giao cho chủ đầu tư đạt 156,36 héc-ta/175,6 héc-ta.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà chủ đầu tư, đơn vị thi công, công nhân thi công dự án
Để dự án được thực hiện thành công, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ: UBND các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ tiếp tục tập trung quyết liệt thực hiện các khối lượng còn lại của công tác GPMB. Đối với các nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án tập trung huy động máy móc, thiết bị hiện đại nhất, lựa chọn đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm nhất để thực hiện dự án; bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng trước ngày 30/9/2025.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan khi hoàn thành sẽ giúp các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ "đi sau về trước", đồng thời chắp cánh để tỉnh Hưng Yên có sự phát triển toàn diện, sự kết nối kinh tế từ Hưng Yên tới các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đồng chí biểu dương các địa phương đã thực hiện tốt công tác GPMB.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng gợi mở một số nội dung về việc tạo cảnh quan cho dự án, bảo đảm sự hài hòa với thiên nhiên. Đối với nhà thầu, cần tập trung cao độ, huy động 3 ca 4 kíp, triển khai bảo đảm tiến độ đi đôi với chất lượng; đồng thời cần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Cấp ủy, chính quyền tỉnh Hưng Yên cần phối hợp chặt chẽ với nhà thầu, thường xuyên đôn đốc, động viên, chia sẻ, kiểm tra, sâu sát, có khó khăn cần tháo gỡ ngay...
Với khí thế sôi nổi hiện nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hưng Yên giữ đà phát triển, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn kết, tập trung, hoàn thành Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan theo đúng tiến độ, tạo động lực để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Phát biểu tại lễ khởi công Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa trân trọng tiếp thu và cảm ơn sự quan tâm, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ với Hưng Yên. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định khi Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan hoàn thành và đi vào sử dụng sẽ phá thế khó, tạo động lực cho sự phát triển của các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ cũng như sự phát triển toàn diện của tỉnh. Tỉnh quyết tâm đầu tư có chất lượng và đúng quy hoạch dự án này cũng như các dự án giao thông trọng điểm khác bảo đảm chất lượng và tiến độ, nhất là tập trung phối hợp với nhà thầu, đạt được các mục tiêu, mốc thời gian của dự án đã đặt ra, hoàn thành công tác GPMB xong trước ngày 30/9 để phục vụ dự án…
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà chủ đầu tư, đơn vị thi công, công nhân thi công dự án.
https://baohungyen.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-du-le-khanh-thanh-du-an-tuyen-duong-bo-noi-duong-cao-toc-ha-noi--3173576.html