Đại dịch COVID-19 và nghịch lý cung - cầu vaccine ở Mỹ

22/10/2021

  • lượt xem: 1147

Trong 4 tháng đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mở rộng, nhu cầu vaccine tại Mỹ luôn vượt quá khả năng cung ứng. Tuy nhiên, một nghịch lý giờ lại xảy ra, đó là vaccine có thừa còn người tiêm thì lại thiếu. Điều đáng nói là nghịch lý này ở Mỹ khác xa phần còn lại của thế giới, khi vẫn còn quá nhiều người đang mong mỏi có được một liều vaccine.

Nghịch lý cung, cầu vaccine ở Mỹ

Một hộp đựng lọ vaccine Pfizer đã sử dụng tại Mỹ. Ảnh:AP.

Theo lập luận của Tiến sỹ Anthony Fauci – chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, việc bảo đảm một tỷ lệ cao người được tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc đóng vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát những nguy cơ đại dịch đối với sức khỏe cộng đồng, từ đó giúp khôi phục đầy đủ các hoạt động kinh tế. Theo tính toán, cần tới 70-85% dân số Mỹ tiêm vaccine mới tạo được kháng thể cộng đồng. Trong khi việc tiêm chủng vaccine ở tỷ lệ 50-60% tổng dân số như ở Anh và Israel đã làm được, sẽ giúp giảm đáng kể các số ca nhiễm COVID-19 và cho phép Mỹ kiểm soát được sự lây lan của virus.

Tính đến ngày 5/5, 32% tổng dân số (khoảng hơn 107 triệu người) Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ, trong khi số người được tiêm lần 1 là khoảng 47%. Đây là một phần trong chiến dịch mà Tổng thống J.Biden đã đề ra, đó là hoàn thành việc tiêm chủng vaccine mũi 1 cho khoảng 70% người trưởng thành đại diện cho 54% tổng dân số Mỹ vào ngày 4/7 tới.

Vào những ngày cao điểm, cứ mỗi ngày lại có tới 3,2 triệu người dân Mỹ được tiêm chủng. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm trong vài tuần qua — với một phần nguyên nhân xuất phát từ việc Chính phủ liên bang tạm dừng phân phối vaccine Johnson & Johnson để cân nhắc nguy cơ đông máu, một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng đối với những người được tiêm vaccine. Nguyên nhân còn lại là do sự sụt giảm đáng kể số người đi tiêm vaccine mỗi ngày.Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy cứ 4 người Mỹ được hỏi thì có 1 người từ chối tiêm vaccine. Nhiều người có tâm lý chờ xem liệu vaccine có thực sự hiệu quả, hay các tác dụng phụ của vaccine có đáng lo ngại không.

Thực tế cho thấy, những người đã được tiêm chủng có nguy cơ rất thấp mắc COVID-19, thậm chí ngay cả khi bị nhiễm virus thì tình trạng bệnh cũng nhẹ hơn nhiều và ít có nguy cơ truyền virus cho người khác. Tuy nhiên, khi chỉ một phần dân số được tiêm chủng thì mối đe dọa cộng đồng vẫn còn hiện hữu. Vào đầu tháng 5/2021, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, tỷ lệ mắc COVID-19 tại nước này vẫn còn cao, trong khi tỷ lệ số ca mắc mới tại một số tiểu bang cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng từ tháng 4 do sự xuất hiện của các biến thể virus có khả năng lây lan mạnh hơn, đi kèm theo đó là việc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, gồm cả giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Bên cạnh những mối đe dọa về sức khỏe người dân, sự thất bại trong kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng còn kìm hãm triển vọng phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới. Dưới tác động của dịch bệnh, một số ngành công nghiệp như giải trí, khách sạn, các môn thể thao dành cho khán giả sẽ không thể phục hồi hoàn toàn cho tới khi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hoàn toàn được đẩy lùi.

“Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”

Ấn Độ đang điêu đứng vì đại dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

Việc phát triển thành công một số loại vaccine hiệu quả ngừa COVID-19 trong vòng chưa đầy một năm thực sự là kỳ tích của nhân loại. Tuy nhiên, cũng vì thế mà bức tranh đối lập giữa nước giàu và nước nghèo được khắc họa rõ nét hơn. Trong khi giới chức Mỹ đau đầu ứng phó với cuộc khủng hoảng thừa vaccine và thậm chí là kén chọn vaccine thì rất nhiều quốc gia khác từ châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh… vẫn đang trong “cơn khát” vaccine và bấu víu vào nó để thoát khỏi đại dịch.

Đầu tháng trước, Mỹ đã quyết định tạm dừng sử dụng vaccine Johnson & Johnson (J&J) chỉ sau báo cáo về 6 trường hợp đông máu trong gần 7 triệu liều được phân phối, J&J cũng quyết định dừng triển khai loại vaccine của họ trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, phần lớn các nước nghèo không có lựa chọn chứ đừng nói gì tới việc kén chọn "xa xỉ". Các loại vaccine công nghệ mRNA, như Pfizer hay Moderna đang được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, thường đắt gấp ba, bốn lần so với AstraZeneca, hay vaccine một mũi tiêm J&J.

Hiện Mỹ đã chia sẻ một lượng nhỏ vaccine AstraZeneca, loại chưa được cấp phép sử dụng ở Mỹ, cho hai nước láng giềng Mexico và Canada, nhưng sẽ không chia sẻ rộng rãi cho tới khi nguồn cung của họ được đảm bảo. Báo cáo của Đại học Duke ước tính Mỹ thừa khoảng 300 triệu liều vaccine tính tới cuối tháng 7.

Trong cuộc họp trực tuyến với các thống đốc bang ngày 11/5, Tổng thống J.Biden cho biết, gần một nửa các nhà lãnh đạo trên thế giới đã liên hệ với ông để đề nghị Washington hỗ trợ mua vaccine ngừa COVID-19.

“Mọi quốc gia trên thế giới đang nghĩ tới chúng ta để bổ sung cho tình trạng thiếu hụt năng lực sản xuất của họ hoặc để mua vaccine… Đúng là đã có gần 40% các nhà lãnh đạo trên thế giới gọi điện cho tôi và đề nghị chúng ta giúp đỡ họ” – ông J.Biden nói.

Tổng thống J.Biden khẳng định Mỹ sẽ cố gắng hỗ trợ các nước khác, song không nêu tên cụ thể những quốc gia đề nghị giúp đỡ.

Dưới sức ép ngày càng gia tăng từ đảng Dân chủ và hơn 100 nước khác trên thế giới, đầu tháng này, Tổng thống Mỹ J.Biden cũng đã bất ngờ tỏ rõ quan điểm ủng hộ miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine COVID-19, động thái gỡ bỏ rào cản để hướng tới việc mở rộng sản xuất vaccine trên thế giới.

Sau khi phải chật vật chống đại dịch COVID-19 với số ca mắc và ca tử vong vì bệnh này cao hàng đầu thế giới, nước Mỹ bắt đầu có dấu hiệu kiểm soát được tình hình dịch, với nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Những động thái của người đứng đầu Nhà Trắng được kỳ vọng là sẽ giúp Mỹ thể hiện được vai trò trong các vấn đề toàn cầu mà nổi bật là nỗ lực tiêm chủng ngừa COVID-19, vừa vì lợi ích của siêu cường số 1 thế giới, vừa vì lợi ích của nhân loại.

Đâu là giải pháp?

Hơn 1 năm trước, không ai ngờ rằng Mỹ trở thành tâm điểm của đại dịch COVID-19. Ngày nay, những tiến bộ đạt được trong điều chế và tiêm chủng vaccine đã giúp Mỹ từng bước đẩy lùi được dịch bệnh và khôi phục kinh tế. Tạp chí phố Wall dự báo Mỹ sẽ hoàn tất mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số nước này vào tháng 9 tới nếu duy trì được mức độ tiêm chủng hiện tại. Tuy nhiên, sự chần chừ và lưỡng lự đang hiện hữu trong một bộ phận người dân đối với chiến dịch tiêm chủng có nguy cơ đảo ngược thành tựu của Mỹ trong đẩy lùi dịch bệnh.

Hiện chính quyền nhiều bang và thành phố đang áp dụng các sáng kiến lôi kéo người dân đi tiêm chủng. Tại New Jersey, bất kỳ cư dân nào trên 21 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 sẽ đủ điều kiện nhận bia miễn phí nếu xuất trình thẻ tiêm chủng tại các điểm bán bia tham gia chương trình do chính quyền liên bang khởi xướng, Detroit phát thẻ quà tặng 50 USD cho bất kỳ ai đưa được một người khác đến điểm tiêm chủng… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đang lo ngại sự chần chừ bám rễ sâu và thái độ do dự của một số không nhỏ người dân có thể khiến nước Mỹ không đạt được mục tiêu đã đề ra, trong khi đây không phải là điều có thể dễ dàng cởi bỏ chỉ đơn giản bằng các khoản tiền thưởng hay bất cứ thứ gì tương tự.

Để bảo đảm chương trình tiêm chủng COVID-19 sẽ được tiếp cận với đông đảo người dân Mỹ, giai đoạn tiếp theo của phản ứng đại dịch sẽ cần đến các biện pháp khuyến khích mạnh mẽ hơn, cùng các sáng kiến nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận, nhất là đối với những người không có xu hướng tự tìm kiếm vaccine.

Đó là giải pháp tháo gỡ tình thế mất cân đối cung cầu vaccine tại nước Mỹ. Còn bài toán phân bổ vaccine toàn cầu để củng cố hy vọng dập tắt đại dịch không chỉ cần tới vai trò tham gia của nước Mỹ mà còn nhiều nước khác nắm trong tay những tiến bộ, thành tựu về sản xuất vaccine. Tuy nhiên, một vấn đề gây tranh cãi hiện nay là sự hỗ trợ sẽ được thực hiện theo hình thức ra sao cho hiệu quả.

Hiện ý kiến của Mỹ nhằm ủng hộ từ bỏ quyền sáng chế vaccine đang là vấn đề gây tranh cãi. Có nước đã bày tỏ quan điểm ủng hộ ý tưởng này, song cũng có người tỏ ra lo ngại rằng, ngay cả khi các bằng sáng chế được miễn, thì các nhà sản xuất thuốc ở những nơi như châu Phi hiện không được trang bị để sản xuất vaccine COVID-19, vì vậy nên thay thế biện pháp này bằng việc tặng vaccine.

Tuy nhiên, dù là hình thức nào, xóa bỏ bản quyền vaccine – tức trao “cái cần câu” để các nước tự học hỏi công nghệ, cách thức điều chế vaccine hay trực tiếp hỗ trợ vaccine – tức là trao “con cá” để các nước có sẵn vaccine sử dụng thì đây cũng là điều cần hành động cấp bách khi mà số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 trên thế giới vẫn liên tiếp thiết lập các cột mốc bi thương mới./.

Nguồn:https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/dai-dich-covid-19-va-nghich-ly-cung-cau-vaccine-o-my-580357.html