Thảm họa động đất gây thương vong lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Tổng thống Mỹ đọc Thông điệp liên bang lần 2, EU triệu tập Hội nghị thượng đỉnh bất thường thảo luận về Ukraine... là một trong những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua (6-12/2).
Thảm họa động đất gây nhiều thương vong ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
|
Một phụ nữ ngóng chờ tin thân nhân kẹt dưới đống đổ nát ở Iskenderun, Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2. Ảnh: AFP. |
Trận động đất lớn xảy ra trong ngày 6/2 với cường độ ngang 32 quả bom nguyên tử đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Con số thương vong không ngừng tăng lên theo từng ngày. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế vẫn đang nỗ lực không ngừng để tăng cường cứu trợ cho hai quốc gia này nhằm tránh các hậu quả thảm khốc tiếp theo có thể xảy ra.
Theo hãng tin CNN, tính đến sáng 12/2, tổng số người chết do động đất ở hai quốc gia tính đến thời điểm hiện tại là 28.192 người. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ có 24.617 người thiệt mạng, còn Syria có 3.575 người. 5 ngày sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter tàn phá hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, các đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những nạn nhân có thể vẫn còn sống sót dưới đống đổ nát. Theo một một sĩ quan liên lạc của Liên hợp quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hộ "đang tiến gần đến những cơ hội cuối cùng để tìm kiếm và cứu nạn". Khả năng sống sót của các nạn nhân đang dần thu hẹp lại bởi thời tiết giá lạnh, nạn nhân có thể bị đa chấn thương, hơn nữa lại bị mắc kẹt trong nhiều giờ mà không có cả thức ăn và nước uống.
Trước tình trạng đói rét và tuyệt vọng đang bủa vây hàng trăm nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất hôm 6/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về mối đe dọa dịch bệnh có thể là một thảm họa khác, đẩy nhiều người vào tình cảnh còn nghiêm trọng hơn nếu cộng đồng quốc tế không có hành động ngay lập tức. Trong khi đó, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho rằng, công tác cứu trợ nhân đạo cho thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng. CNN trích lời ông Jamie LeSueur, người đứng đầu các hoạt động ứng cứu khẩn cấp của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho biết, quá trình cứu trợ các nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã bước vào giai đoạn tiến hành các biện pháp nhân đạo.
Tổng thống Mỹ J.Biden đọc Thông điệp liên bang
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp liên bang lần thứ hai trước lưỡng viện Quốc hội tại Washington (Mỹ). |
Sáng 8/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đọc Thông điệp Liên bang lần thứ hai trước lưỡng viện Quốc hội, đánh dấu nửa chặng đường trong nhiệm kỳ của ông. Đây là lần thứ hai ông J.Biden đọc Thông điệp liên bang trong nhiệm kỳ Tổng thống và được dư luận đặc biệt chú ý vì đây được coi như "bước chạy đà" để ông chuẩn bị tuyên bố tái tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Trong bối cảnh cơ quan lập pháp này bị chia rẽ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 năm ngoái, vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đã đưa ra thông điệp hy vọng và đoàn kết trong bài phát biểu dài 73 phút với nhiều chủ đề khác nhau, với tầm nhìn lạc quan về tương lai của xứ sở Cờ hoa, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa hợp tác để cùng nhau đạt được các thành tựu mới trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Joe Biden nói về các vấn đề trong nước và quốc tế, từ cuộc xung đột ở Ukraine, sự cạnh tranh với Trung Quốc, cho đến bạo lực súng đạn, chăm sóc sức khỏe, biến đổi khí hậu và không thể thiếu vấn đề kinh tế. Ông Joe Biden đã khắc họa một quốc gia đã cải thiện đáng kể so với hai năm trước, khi ghi nhận các chính sách của mình đã giúp đưa đất nước thoát khỏi hố sâu của đại dịch COVID-19, mở ra mức tăng trưởng việc làm kỷ lục và củng cố nền dân chủ. Với việc đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Hạ viện, ông chủ Nhà Trắng đã chỉ ra những lĩnh vực mà lưỡng đảng đã đạt được tiến bộ trong hai năm đầu tiên ông nắm quyền, bao gồm cả cơ sở hạ tầng quan trọng của các bang và ngành sản xuất công nghệ cao.
Tổng thống Joe Biden nêu bật những thành quả nước Mỹ có được từ sự đoàn kết và hợp tác lưỡng đảng, cho biết từ khi nhậm chức, "ông đã vinh dự" được ký tới 300 đạo luật lưỡng đảng, đồng thời cũng không quên nói rằng nếu Quốc hội không hành động, thì những vấn đề nóng, như nhập cư sẽ không được khắc phục. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, đã có lúc, đảng Dân chủ phải hành động một mình, song cũng có nhiều thời điểm các thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã xích lại gần nhau để thực hiện các mục tiêu, trong đó có bảo vệ một châu Âu mạnh hơn và an toàn hơn và thông qua luật cơ sở hạ tầng, xây dựng những cây cầu để kết nối đất nước và người dân Mỹ…
Hội nghị thượng đỉnh bất thường EU cam kết ủng hộ tối đa Ukraine
|
Người dân Ukraine sơ tán khỏi thành phố Mariupol. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Hội nghị thượng đỉnh bất thường Liên minh châu Âu (EU) trong ngày 9/2 đã thảo luận về tình hình Ukraine và các biện pháp nhằm duy trì sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế châu Âu. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng tập trung vào những diễn biến gần đây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và việc EU tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Cho đến nay, EU và các quốc gia thành viên đã cung cấp viện trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine.
Cuộc họp lần này của Hội đồng châu Âu diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine lần thứ 24 vào ngày 3/2. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức sau khi xảy ra cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine và kể từ khi EU trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine vào tháng 6/2022.
Tổng thống Ukraine nhắc lại yêu cầu được nhận thêm vũ khí để tự vệ, thúc giục trừng phạt Nga, đề nghị khởi động đàm phán gia nhập châu Âu ngay trong năm nay. Những yêu cầu này là không mới và ông Volodymyr Zelensky đã từng nêu ra vào cuối tuần trước khi họp thượng đỉnh với lãnh đạo châu Âu tại thủ đô Ukraine. Trong cuộc họp vào ngày 9/2 tại Brussels (Bỉ), phía châu Âu không đưa ra cam kết gì thêm ngoài những điều đã đưa ra hôm 3/10, cùng tuyên bố tiếp tục hỗ trợ tối đa Ukraine tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ và người dân.
Biểu tình cải cách hưu trí tại Pháp
|
Biểu tình phản đối cải cách hưu trí ở Pháp diễn ra lần thứ 3. Ảnh: Le Monde. |
Trong tuần qua, các cuộc biểu tình và đình công để phản đối cải cách hưu trí tiếp tục diễn ra trên toàn nước Pháp, trong khi chính phủ của nữ Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne vẫn nỗ lực tìm kiếm đồng minh để đảm bảo dự luật được thông qua với đa số phiếu tại Quốc hội. Số liệu thống kế cũng cho thấy phần lớn người tham gia đến từ các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất như nhân viên đường sắt, giáo viên, công nhân các nhà máy lọc dầu hay nhân viên bưu điện…
Người biểu tình tiếp tục gương các khẩu hiệu công kích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phản đối chính sách cải cách hưu trí của chính phủ là không công bằng, đặc biệt là trong việc nâng độ tuổi về hưu lên 64 và bãi bỏ các chính sách hưu trí đặc biệt đối với các nghề nặng nhọc. Tổng thư ký Tổng Công đoàn lao động Pháp ông Philippe Martinez cảnh báo sẽ hành động cho đến khi chính phủ nhượng bộ: “Nếu chính phủ không chịu thay đổi trước các hoạt động phản đối thì chúng tôi sẽ nâng cao cấp độ phản ứng với các hành động mạnh mẽ hơn, dài hơn, các cuộc đình công sẽ lớn hơn, đông hơn và sẽ diễn ra đồng loạt và liên tục”.
Trước đó, trong một động thái được cho là nhượng bộ đầu tiên nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của đảng “Những người Cộng hoà” (LR) cánh hữu để dự luật cải cách hưu trí có thể được thông qua với đa số phiếu tại Quốc hội, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết sẽ sửa đổi giảm độ tuổi về hưu cho những công dân bắt đầu làm việc trong độ tuổi từ 20 đến 21 xuống còn 63 tuổi. Theo người đứng đầu chính phủ Pháp, việc sửa đổi này sẽ khiến ngân sách công tiêu tốn 600 triệu cho đến 1 tỷ euro mỗi năm và phần nào ảnh hưởng mục tiêu cân bằng ngân sách các quỹ hưu trí vào năm 2030.
Trong khi đó, các đảng cánh tả, cực tả và cực hữu tiếp tục chỉ trích và đưa ra hàng nghìn yêu cầu kiến nghị sửa đổi trong các buổi thảo luận tại Quốc hội. Theo dự kiến, dự luật cải cách hưu trí sẽ được tranh luận tại Quốc hội trong vòng 2 tháng trước khi được đưa ra bỏ phiếu vào cuối tháng 3/2023 tới.
Thế giới có hơn 677 triệu ca nhiễm COVID-19
|
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN |
Tính đến sáng 12/2, thế giới ghi nhận 677.425.605 ca nhiễm COVID-19 và 6.781.871 ca tử vong do dịch bệnh này. Ngoài ra, hiện toàn thế giới có 649.977.344 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 20.666.390 ca bệnh đang điều trị, có 20.625.122 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 41.268 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 229 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 245.321.390 ca, trong đó có 2.011.442 ca tử vong và 240.987.630 ca được điều trị khỏi. Trong khi đó, châu Á ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 là 213.574.966 ca.
Hiện Bắc Mỹ có 123.970.760 ca mắc bệnh, trong đó có 1.604.608 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực với tổng số 104.764.296 ca nhiễm và 1.140.015 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nam Mỹ có 67.841.560 ca nhiễm COVID-19, với 1.348.643 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 39.932.532 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 12/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 12.782.639 trường hợp, trong đó có 258.538 ca tử vong và 12.066.361 ca bình phục. Hiện Nam Phi đang đứng đầu khu vực về tổng số ca nhiễm COVID-19 với 4.057.211 ca.
Hiện châu Đại Dương có 13.933.569 ca nhiễm COVID-19, với 25.715 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực với 11.330.342 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 2.191.215 ca./.
https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-tuan-qua-tham-hoa-dong-dat-o-tho-nhi-ky-va-syria-631479.html