Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế

22/10/2021

  • lượt xem: 865

HĐBA gồm 15 thành viên: 5 thành viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) bầu.

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: UN

Là một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc (LHQ), Hội đồng Bảo an (HĐBA) được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế (đoạn 1 Điều 24, Hiến chương LHQ). Theo Điều 4 và 25 của Hiến chương LHQ, tất cả các nước thành viên LHQ đồng ý chấp nhận và thực thi các quyết định của HĐBA. Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với các chính phủ của các quốc gia thành viên, các quyết định và nghị quyết của HĐBA theo chương VII, Hiến chương, khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.

HĐBA gồm 15 thành viên: 5 thành viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng LHQ bầu. 10 ghế không thường trực HĐBA được phân theo khu vực địa lý. Mỗi thành viên thường trực và không thường trực nắm một lá phiếu, tuy nhiên, chỉ 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết (phiếu chống của một thành viên thường trực đối với một quyết định mang tính thực chất của HĐBA).

Theo thủ tục hoạt động tạm thời của HĐBA, các quyết định về các vấn đề mang tính thủ tục cần đạt tối thiểu 9/15 phiếu ủng hộ các quyết định về các vấn để thực chất cần đạt tối thiểu 9 phiếu ủng hộ và không bị bất kỳ thành viên thường trực nào phủ quyết.

Để hoàn thành trách nhiệm chính là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chức năng, nhiệm vụ và biện pháp triển khai của HĐBA được quy định chi tiết tại các Chương VI, VII, VIII của Hiến chương LHQ như sau:

- Kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình (Điều 33); đưa ra các khuyến nghị cách thức giải quyết nếu các bên ưng ý (Điều 38);

- Điều tra các tranh chấp, tình huống để xác định có đe đọa hòa bình, an ninh quốc tế hay không (Điều 34), Xác định các mối đe dọa hòa bình, phá vỡ hòa bình và hành động xâm lược (Điều 39);

- Đưa ra các biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn tình hình diễn biến xấu đi (Điều 40);

- Trong trường hợp có đe đọa, xâm phạm hòa bình hay hành động xâm lược, HĐBA có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế nhằm duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế (Điều 41). Các biện pháp này có thể bao gồm lệnh trừng phạt hoặc áp dụng hành động quân sự. Lệnh trừng phạt có thể áp dụng đối với cá nhân, tổ chức hoặc công ty, hạn chế thương mại đối với một số lĩnh vực hoặc hàng hóa, cấm vận vũ khí giao dịch tài chính, hạn chế ngoại giao, vận tải, hàng không...

Trường hợp các biện pháp hòa giải và trừng phạt không thành công, HĐBA có thể áp dụng hành động quân sự theo Chương VII. Hành động quân sự được chia thành 2 loại chính: đầu tiên là các hoạt động gìn giữ hòa bình do LHQ triển khai; loại thứ hai là các hoạt động quân sự được LHQ cho phép và được triển khai bởi bên thứ ba.

Quyết định triển khai các hoạt động gìn giữ hòa binh LHQ: Tuy không được quy định trong Hiến chương LHQ, hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ đã thành công cụ được HĐBA sử dụng thường xuyên nhằm duy trì và khôi phục hòa bình an ninh quốc tế.

- Điều phối các hoạt động duy trì hòa bình thông qua các dàn xếp khu vực và hợp tác với các tổ chức khu vực (Chương 8 Hiến chương LHQ);

- Khuyến nghị Đại hội đồng LHQ về việc bầu Tổng thư ký LHQ (Điều 97), bầu Thẩm phán Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và xem xét đơn xin gia nhập LHQ của các nước./.

Nguồn: dangcongsan.vn