Sáng 4/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc trọng thể Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII họp Hội nghị lần thứ năm để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các nội dung: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; và một số vấn đề quan trọng khác.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã sớm thành lập các ban chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết, xây dựng các báo cáo, đề án về những nội dung nêu trên để báo cáo Bộ Chính trị thảo luận, cho ý kiến và trình Trung ương xem xét, quyết định. Các ban chỉ đạo đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như tình hình thực tiễn của đất nước, khu vực và thế giới để tiến hành tổng kết, nghiên cứu, xây dựng các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo các nghị quyết trình Trung ương.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã nghiêm túc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để xây dựng các báo cáo trình Hội nghị Trung ương lần này.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung của các báo cáo, đề án, có tính chất gợi mở để Trung ương quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.
Thảo luận thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
|
Hình ảnh tại Hội nghị. |
Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gửi xin ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tiếp thu, hoàn thiện Đề án. Qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và cũng đã dự thảo các văn bản liên quan.
Tại Hội nghị lần này, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Góp ý nội dung kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
|
Các đại biểu dự Hội nghị. |
Thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII, trong tháng 01 năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 3 ngày để tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể và cá nhân từng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với việc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tổng Bí thư cho biết, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này đã được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, theo quy chế, quy trình từng bước hợp lý. Các báo cáo kiểm điểm đều được chuẩn bị theo đúng quy định, hướng dẫn. Không khí kiểm điểm theo tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm túc, thẳng thắn, dân chủ, đoàn kết, chân tình. Các đồng chí được góp ý đã tiếp thu nghiêm túc, cầu thị, coi đây như là cơ hội quý để học tập, chia sẻ lẫn nhau. Trong quá trình kiểm điểm, từng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã liên hệ đến trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực được phân công, thấy rõ những ưu điểm để phát huy, nhận ra những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục.
Qua kiểm điểm tập thể và cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Năm 2021, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn luôn đoàn kết, thống nhất, bình tĩnh, kiên định, sáng suốt trước khó khăn, thử thách, có nhiều đổi mới và sáng tạo, bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối, cụ thể hoá các nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã có các quyết sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tổ chức triển khai thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có những dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, bạn bè thế giới đánh giá cao.
Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng còn một số hạn chế, khuyết điểm. Công tác dự báo chiến lược, hoạch định đường lối, chính sách và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có lúc, có việc chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Trong phòng, chống dịch bệnh có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn có những hạn chế, bất cập trong nghiên cứu, dự báo, phân tích tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản và kịp thời các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, bảo đảm vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các hoạt động bình thường.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm, những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gắn với thực hiện Kết luận Trung ương 4 khoá XIII trên các lĩnh vực. Đặc biệt, cần chỉ rõ những nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp tích cực khắc phục trong thời gian tới.
Tổng Bí thư khẳng định, những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất lớn, rất khó và rất hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu như: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới;... Tổng Bí thư đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp./.
https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/khai-mac-hoi-nghi-lan-thu-5-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-609287.html