Lớp Trung cấp LLCT KA-13 (2021-2023) thị xã Mỹ Hào nghiên cứu thực tế tại tỉnh Ninh Bình

08/09/2022

  • lượt xem: 876

Thực hiện Kế hoạch số 37-KH/TCT ngày 19/8/2022 của Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh về việc tổ chức cho học viên lớp Trung cấp LLCT KA-13 (2021-2023) thị xã Mỹ Hào đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Ninh Bình.

Đoàn đi gồm có: Đồng chí Ninh Thị Hồng Hạnh - Trưởng khoa Xây dựng Đảng; đồng chí Phạm Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học, giáo viên chủ nhiệm lớp và 55 học viên của lớp.

Hình ảnh: Đoàn nghiên cứu thực tế tại khu di tích Đền Vua Đinh-Vua Lê thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

 

Trong 2 ngày công tác, Đoàn đã dâng hương tại khu di tích Đền Vua Đinh - Vua Lê thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đoàn nghiên cứu thực tế được giới thiệu về Cố đô Hoa Lư là quần thể di sản quốc gia đặc biệt của Việt Nam, đồng thời là một trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận. Hệ thống di tích ở Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ trong lịch sử. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều Vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ … Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch 13.87 km² thuộc tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

Điểm đến tiếp theo, đoàn nghiên cứu thực tế tại Khu sinh thái Thung Nham nằm trong quần thể danh thắng Tràng An. Với tổng diện tích rất rộng, lên tới 334,2ha. Nơi đây hội tụ sinh sống của hơn 5000 tổ chim các loại, thuộc 46 loài như vạc, cò, diệc, mòng két, chích chòe lửa… và những loại chim quý như hồng hạc hay phượng hoàng được ghi vào sách đỏ. Tại đây, sẽ được ngắm nhìn bầy chim bay rợp trời quanh những dãy núi đá vôi to in bóng dưới làn nước trong xanh.

Hình ảnh: Đoàn nghiên cứu thực tế tại Vườn chim Thung Nham

Điểm đến cuối cùng là Quần thể danh thắng Tràng An, vốn được gọi là thành Nam của kinh đô Hoa Lư xưa. Có diện tích 2.168ha là một vùng núi non hùng vĩ, tráng lệ được tạo bởi các thế núi muôn hình vạn trạng có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn khúc nối liền hàng trăm hang động, các thung lũng hoang sơ, kỳ bí. Nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014.

Chuyến nghiên cứu thực tế về nguồn đã thành công tốt đẹp, mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, mở mang hiểu biết, gắn kết, góp phần nâng cao hơn nữa khả năng học tập, nghiên cứu thực tế, khả năng vận dụng những kiến thức, những kinh nghiệm thực tế vào thực hiện hiệm vụ được giao và trong cuộc sống của học viên đạt hiệu quả cao. Qua kết quả nghiên cứu thực tế của lớp Trung cấp LLCT KA-13 (2021-2023) thị xã Mỹ Hào, một lần nữa khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng không thể thiếu của phần học nghiên cứu thực tế trong chương trình đào tạo trung cấp LLCT.

Phạm Thị Thu Hương

                                          Phó Trưởng Phòng QLĐT và NCKH