Ngày 17/6, Tổng thống Mỹ D.Trump đã gia hạn các lệnh trừng phạt hiện nay với Triều Tiên thêm 1 năm, trước những hành động mà Washington xem là “mối đe dọa bất thường” từ Bình Nhưỡng.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters) |
Trong thông báo gửi lên Quốc hội, Tổng
thống D.Trump cho biết, ông muốn tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp
quốc gia liên quan tới vấn đề Triều Tiên, lần đầu được tuyên bố vào ngày
26/6/2008, thông qua sắc lệnh 13466. Dưới thời ông D.Trump, sắc lệnh
này đã được mở rộng hơn so với các chính quyền tiền nhiệm, kêu gọi trừng
phạt Triều Tiên liên quan tới các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn
đạo của nước này.
Thông báo của ông D.Trump đã giải thích
rõ lý do ông kéo dài thời hạn duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia sau
ngày 26/6 là bởi “sự hiện hữu và nguy cơ phổ biến nhiên liệu phân hạch
có thể sử dụng để chế tạo vũ khí trên bán đảo Triều Tiên, cùng các hành
động và chính sách của chính phủ Triều Tiên đang tiếp tục đặt ra mối đe
dọa bất thường đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền
kinh tế Mỹ”.
Trong bức thư gửi kèm tới Quốc hội, ông
D.Trump cho rằng, những hành động và chính sách của Triều Tiên gây mất
ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời gây nguy hiểm cho các lực
lượng vũ trang Mỹ, các đồng minh và các đối tác thương mại trong khu
vực. Bức thư từ người đứng đầu Nhà Trắng cũng cáo buộc Triều Tiên không
chỉ theo đuổi chương trình tên lửa và hạt nhân mà còn có các hành động,
chính sách khiêu khích, gây bất ổn khác.
Theo nhận định của các nhà quan sát,
việc Mỹ gia hạn trừng phạt Triều Tiên không phải là điều mới mẻ vì cũng
đã nhiều lần từng diễn ra trong quá khứ. Tuy nhiên, điều đáng nói là
quyết định này lại được ông D.Trump đưa ra trong bối cảnh tình hình trên
bán đảo Triều Tiên đang trở nên căng thẳng sau những lời cảnh báo quân
sự từ phía Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc. Ngày 16/6, Triều Tiên đã cho nổ
văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc tại thị trấn biên giới Kaesong do
cáo buộc Seoul không hành động để chấm dứt việc những người Triều Tiên
đào tẩu giải truyền đơn chống Triều Tiên ở khu vực biên giới liên Triều
theo như thỏa thuận mà hai bên đã đạt được vào năm 2018. Trong thông báo
phát đi ngày 18/6, Triều Tiên cho rằng đây chỉ là “màn dạo đầu” và Hàn
Quốc có nguy cơ sẽ phải đối mặt với biện pháp trả đũa tiếp theo với mức
độ “vượt xa cả sự tưởng tượng”.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng
Triều Tiên đang có động thái gia tăng sức ép để có thêm nhượng bộ từ
phía Mỹ nếu như hai bên còn có thể tiếp tục ngồi lại đàm phán về phi hạt
nhân hóa. Tuy nhiên, những hành động gần đây của Triều Tiên cũng có
nguy cơ “phản tác dụng” khi đã xuất hiện những ý kiến kêu gọi Mỹ gia
tăng sức ép trừng phạt và quân sự nhằm vào Triều Tiên nhằm tỏ rõ thái độ
sau việc Triều Tiêu cho nổ văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc.
Trong hai năm 2018 và 2019, Tổng thống
D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã 3 lần gặp gỡ, với kỳ
vọng tiến tới việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên để đổi
lấy những nhượng bộ từ phía Mỹ. Tuy nhiên, việc tồn tại nhiều bất đồng
chưa được hóa giải đã khiến mọi nỗ lực đàm phán bị ngừng trệ kể từ sau
sự đổ vỡ của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra vào tháng 2/2019./.
Nguồn: http://dangcongsan.vn/thoi-su/my-gia-han-trung-phat-trieu-tien-557279.html