24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 93.671 ca nhiễm mới và 6.943 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tới thời điểm hiện tại là 2.180.003 ca nhiễm và 145.417 ca tử vong tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: Xinhua) |
Theo bảng số liệu do trang web thống kê
worldometers.info công bố sáng 17/4 thì Mỹ, Tây Ban Nha và Italy vẫn
tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong
24 giờ qua, một số nước châu Á gồm: Trung Quốc, Nhật Bản,
Campuchia…không ghi nhận thêm ca nhiễm mới hay tử vong nào. Tại một số
nước trên thế giới, dịch bệnh đã có dấu hiệu chững lại, song việc nới
lỏng các biện pháp để kiềm chế sự lây lan của virus vẫn được khuyến cáo
thực hiện một cách thận trọng.
Mặc dù số ca tử vong do virus SARS-CoV-2
được ghi nhận tại bang New York – “điểm nóng dịch bệnh” tại Mỹ trong 24
giờ qua ở mức thấp nhất trong 10 ngày liên tục, song Thống đốc Andrew
Cuomo, ngày 16/4 đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa ở bang này đến
ngày 15/5 tới vì cho rằng số ca nhiễm COVID-19 cần giảm nhiều hơn nữa
trước khi các lệnh nới lỏng phong tỏa được áp dụng. Hiện đã có 7 bang
Đông Bắc Mỹ tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa tới thời điểm nêu trên.
Ngày 16/4, Giám đốc Tổ chức Y tế thế
giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge lên tiếng cảnh báo cho biết dù một
số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 đã ghi nhận
những dấu hiệu lạc quan, nhưng số ca nhiễm mới vẫn đang tăng lên và sắp
chạm mốc 1 triệu người chỉ riêng ở châu Âu.
Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến từ
Copenhagen (Đan Mạch), ông Kluge nhấn mạnh châu Âu vẫn đang là "tâm
bão" của dịch bệnh khi số ca nhiễm trên toàn châu lục tiếp tục tăng.
Trong vòng 10 ngày qua, số ca nhiễm ở châu Âu đã tăng gần gấp đôi, sắp
chạm ngưỡng 1 triệu người. Điều này có nghĩa rằng châu Âu đang gánh 50%
gánh nặng toàn cầu về dịch COVID-19 khi hơn 84.000 người ở châu lục này
đã tử vong vì virus SARS-CoV-2. Qua đó, quan chức này của WHO kêu gọi
chính phủ các nước châu Âu cần hành động trong bối cảnh nhiều người dân
tại khu vực này đã tỏ ra mất cảnh giác và xem các biện pháp về giãn cách
xã hội hay phong tỏa là điều kéo dài, gây mệt mỏi.
Nhấn mạnh rằng “không có chiến thắng
nhanh chóng” trong việc đẩy lùi đại dịch, ông Kluge đã liệt kê 6 điểm
chính trong bản hướng dẫn mới do văn phòng của ông đưa ra để khuyến cáo
chính phủ các nước châu Âu khi cân nhắc nới lỏng phong tỏa. Các hướng
dẫn sẽ được công bố đầy đủ trong tuần tới, song được ông Kluge tiết lộ
là mang những nội dung chính như sau: (1) Có những bằng chứng cho thấy
việc lây lan COVID-19 đã được kiểm soát; (2) Các hệ thống y tế và chăm
sóc sức khỏe cộng đồng có năng lực để sẵn sàng xác định, cách ly, xét
nghiệm, lần theo các mối tiếp xúc và thực hiện các biện pháp kiểm dịch;
(3) Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các khu vực dễ bị tổn thương như các
trung tâm dưỡng lão, các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần và các khu
vực đông dân cư cần được hạ xuống mức thấp nhất; (4) Thực hiện các biện
pháp phòng ngừa dịch bệnh tại nơi làm việc, bao gồm giãn cách, rửa tay
và các khuyến cáo về hô hấp; (5) Khả năng ứng phó với các nguy cơ lớn;
(6) Vai trò tham gia của cộng đồng. Theo quan điểm của ông Kluge thì nếu
các nước chưa thể bảo đảm việc thực hiện những khuyến cáo nêu trên
trước khi cân nhắc tới việc nới lỏng các biện pháp hạn chế thì cần “suy
nghĩ lại”.
Trong một thông báo đưa ra ngày 16/4,
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thông báo Anh sẽ tiếp tục thực hiện các
biện pháp phong tỏa ít nhất trong vòng 3 tuần nữa để chặn đứng sự lan
rộng của COVID-19. Theo quan điểm của ông Raab thì các biện pháp giới
hạn đang phát huy hiện quả, song vẫn còn quá sớm để buông lỏng. Tính đến
sáng 17/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Anh là 103.093 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, Anh ghi nhận thêm 861 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng
tổng số ca tử vong tại quốc gia châu Âu này lên ngưỡng 13.729 trường
hợp.
Ngày 16/4, chính phủ Nhật Bản đã thông
báo tiếp tục kéo dài thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch
COVID-19 bùng phát trên toàn bộ đất nước. Các biện pháp này sẽ có hiệu
lực đến ngày 6/5 tới.
Trong cuộc họp trực tuyến với các nhà
lãnh đạo nhóm G7, ngày 16/4, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shizo đã thông báo
vắn tắt về những nỗ lực của nước này trong việc đẩy lùi COVID-19, gồm cả
việc đưa ra một gói kinh tế và kéo dài thời gian áp đặt lệnh tình trạng
khẩn cấp. Ông Abe Shinzo cho biết, Nhật Bản có ý định cung cấp thuốc
Avigan – được cho là có khả năng làm dịu các triệu chứng của COVID-19
sang các nước khác và mở rộng thử nghiệm lâm sàng với loại thuốc này./.
Nguồn: http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-ghi-nhan-them-hon-90000-ca-nhiem-moi-covid-19-553000.html
|
|