Thủ tướng báo cáo tình hình KT-XH năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH 2018

22/10/2021

  • lượt xem: 297

Sáng 23/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH 2018. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo nói trên.


Thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các vị khách quý,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thưa đồng bào, cử tri cả nước,

Theo chương trình kỳ họp, Chính phủ đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) và 40 tờ trình, báo cáo chuyên đề khác. Thay mặt Chính phủ, tôi xin trình bày trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu như sau:

A.KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017

Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong năm 2017 là tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, có đối sách, biện pháp chỉ đạo phù hợp, kịp thời.

Trước tình hình GDP quý I đạt thấp, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, chỉ đạo xây dựng kịch bản hàng quý cho từng ngành, lĩnh vực; thảo luận, thống nhất tại phiên họp Chính phủ hàng tháng và yêu cầu các cấp, các ngành điều hành quyết liệt, có biện pháp cụ thể, phát triển mạnh các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về tín dụng, thuế, phí, đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, xuất nhập khẩu; cắt giảm điều kiện kinh doanh; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời hơn kiến nghị của doanh nghiệp, người dân.

Tổ chức Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp và nhiều hội nghị, diễn đàn về phát triển kinh tế ngành, vùng, xúc tiến thương mại, đầu tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài. Chỉ đạo rà soát, cắt giảm chi phí, trong đó giảm lãi suất, chi phí vốn, phí BOT và nhiều loại chi phí khác.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, quyết liệt chỉ đạo xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ nhân dân; phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về kinh tế

Trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Đã thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế tại tất cả các địa phương. Tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định[1]; đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Tập trung chống thất thu NSNN, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế[2]; tăng cường kiểm soát, triệt để tiết kiệm chi; ước cả năm tổng thu NSNN tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm 2016; bội chi 3,5% GDP, bằng mức Quốc hội thông qua. Kỷ luật tài chính - NSNN được tăng cường; từng bước chấn chỉnh sai phạm trong sử dụng tài sản công. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm[3].

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008 (ngày 20/10/2017 đạt 826,84 điểm); mức vốn hóa đạt trên 93% GDP[4]; đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm khoảng 33,4% GDP, tăng 12,6%.

Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tăng 20%, trong đó rau quả tăng 43,4%, hạt điều tăng 25,6%, thủy sản tăng 19,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 41,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 29,7%; điện thoại và linh kiện tăng 23,6%[5]. Nhập khẩu tăng 22,7%; xuất siêu 328 triệu USD. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.

Trong 9 tháng có gần 94 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4%; tổng vốn đăng ký tăng 43,5%; có trên 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 2,1 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Phần lớn doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn[6]. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2017 - 2018 tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%[7], ước cả năm đạt 6,7%. Đạt được kết quả này là nhờ cả 3 khu vực tăng trưởng khá đồng đều: Nông nghiệp tăng 2,78% (gấp hơn 4 lần cùng kỳ), trong đó thủy sản tăng cao 5,42%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cả năm đạt 35 tỷ USD. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008. Thu hút khách du lịch đạt kỷ lục, khách quốc tế đạt 9,45 triệu lượt, ước cả năm 13 triệu lượt, tăng 30%; khách trong nước đạt 57,9 triệu lượt, ước cả năm 75 triệu lượt, tăng 12%.

Ban hành và chỉ đạo tích cực triển khai các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN); phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công và Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế.

Tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, ưu tiên các dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế. Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tổ chức thực hiện Phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và Đề án tổng thể cơ cấu lại DNNN đến năm 2020. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực hiện tổng kiểm kê nguồn lực quốc gia. Quyết liệt xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, thất thoát và đạt được kết quả bước đầu[8]; đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục rà soát, chấn chỉnh trong toàn bộ hệ thống DNNN.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, tăng cường hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản[9]. Việc chuyển đổi một phần đất lúa sang nuôi trồng khác, bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là nuôi tôm giá trị tăng khoảng 4,5 lần[10]. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; đến nay có 38 đơn vị cấp huyện và 31,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch đề ra (31%).

Ban hành và triển khai nhiều Đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch vụ; khuyến khích đổi mới, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phát triển các ngành chế biến, chế tạo[11]. Công nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng; xuất khẩu điện thoại thông minh và phần mềm tăng mạnh (năm 2017 riêng xuất khẩu phần mềm ước đạt trên 3 tỷ USD); phổ cập wifi miễn phí ở nhiều trung tâm du lịch, thành phố lớn. Tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp đạt trên 56,1% (năm 2016 là 54,5%). Cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch tích cực; tăng cường liên kết, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng. Xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Qua thực tiễn chỉ đạo điều hành 9 tháng đầu năm, việc đạt kết quả tăng trưởng khả quan cho thấy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí[12]. Chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) năm 2017 ước đạt 44,1%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011 - 2015 (33,6%)[13]. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9/2017 đạt 53,3 điểm, cao nhất trong ASEAN[14].

2. Về văn hóa, xã hội

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc trên phạm vi cả nước nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tích cực giải quyết hồ sơ tồn đọng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm; trong 9 tháng tạo việc làm cho 1,24 triệu người, tăng 3,48%, trong đó đưa gần 93 nghìn người đi lao động ở nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý, đến nay còn 2,21%. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%, còn khoảng 6,7 - 7,2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Xuất cấp gần 71 nghìn tấn gạo cứu trợ đột xuất và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu.

Xây dựng, trình Trung ương các Đề án về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; phát triển y học dân tộc, dược liệu. Phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng 10 bệnh viện mới với quy mô gần 5.500 giường. Đẩy nhanh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, tỷ lệ bao phủ đạt 83%[15]. Tiếp tục kết nối liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội, giám định thanh toán bảo hiểm y tế. Đấu thầu mua thuốc tập trung, từng bước giảm giá thuốc[16]. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm và đạt kết quả bước đầu[17]; thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm và thanh tra chuyên ngành tại một số địa phương.

Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, bảo đảm nghiêm túc, an toàn, thuận lợi, giảm áp lực và chi phí; 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi. Các đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế đạt kết quả cao[18]. Thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; triển khai một số dự án công nghệ cao quy mô lớn. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2017 tăng 12 bậc, xếp thứ 47/127 quốc gia, vùng lãnh thổ, cao nhất từ trước đến nay.

Tập trung chỉ đạo phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh vai trò đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội được chấn chỉnh. Thể dục thể thao có bước tiến bộ; Việt Nam xếp thứ 3 tại Sea Games và thứ 4 tại Para Games với nhiều thành tích nổi bật[19]. Công tác người cao tuổi, gia đình, trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ và chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm chỉ đạo. Cai nghiện ma túy được đổi mới, tăng cường tự nguyện, mở rộng điều trị bằng thuốc thay thế.

Thông tin truyền thông được đẩy mạnh; cung cấp kịp thời các thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật và sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, các vấn đề dư luận quan tâm và gương người tốt, việc tốt; bước đầu chấn chỉnh, xử lý thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, phản động trên mạng xã hội[20].

3. Về tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu

Tăng cường quản lý tài nguyên, đất đai, khoáng sản. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 96,3%. Thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Chỉ đạo quyết liệt xử lý tình trạng khai thác đá, cát sỏi, chặt phá rừng trái phép. Tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh trồng rừng. Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường, kiên quyết dừng chủ trương đầu tư đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường. Sản xuất kinh doanh, khai thác thủy sản, du lịch, đời sống người dân sau sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã ổn định và phát triển trở lại; Nhà máy Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động và được kiểm soát chặt chẽ về môi trường.

Tổ chức Hội nghị và ban hành Nghị quyết của Chính phủ với nhiều giải pháp cấp bách, chiến lược về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứngbiến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác quốc tế về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu.

Mặc dù chúng ta đã chủ động phòng chống thiên tai, nhưng bão lũ nghiêm trọng vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần “tương thân, tương ái”, chia sẻ những mất mát, chung tay hỗ trợ, giúp đồng bào khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất. Đây là một nghĩa cử cao đẹp cần được gìn giữ và phát huy.

4. Về cải cách hành chính, phòng,chống tham nhũng, lãng phí

Tập trung xây dựng, hoàn thiện pháp luật, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành[21]; đã thông qua 12 Luật, ban hành 112 Nghị định, trong đó chú trọng rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh[22]. Kết nối cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước; tổ chức tiếp nhận thông tin, lắng nghe và giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp qua Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ[23]và của các Bộ ngành, địa phương. Đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính. Tập trung chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, về nguyên tắc không quá 01 lần/năm. Công khai chỉ số cải cách hành chính của các Bộ ngành, địa phương. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; khắc phục một bước tình trạng thiếu kỷ luật kỷ cương, nói không đi đôi với làm[24].

Tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đã cơ bản hoàn thành việc ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế, đã giảm được 3% biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước[25]. Tập trung chỉ đạo, xử lý những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch; trong đó đã xử lý nghiêm một số cán bộ lãnh đạo và công khai kết luận, tạo niềm tin trong Nhân dân. Thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, cấm uống bia, rượu trong giờ làm việc, buổi trưa; cấm biếu quà lãnh đạo trong dịp Lễ, Tết; cấm sử dụng xe công đi lễ hội; chấn chỉnh việc cấp biển số xanh cho ô tô doanh nghiệp và nhận ô tô do doanh nghiệp biếu tặng.

Nghiêm túc triển khai kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các cuộc họp Lãnh đạo chủ chốt và các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, đưa ra xét xử công khai các vụ án lớn, dư luận quan tâm[26]; thu hồi tài sản có tiến bộ[27]. Chú trọng công tác thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực và các vụ việc gây bức xúc. Tổ chức tiếp trên 352 nghìn lượt công dân[28]; giải quyết khoảng 84% vụ khiếu nại, tố cáo.

5. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Tập trung chỉ đạo công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Theo dõi sát, xử lý kịp thời, phù hợp các tình huống phát sinh, nâng cao năng lực của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; tăng cường xây dựng đường tuần tra biên giới.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng của đất nước. Chủ động ngăn chặn mọi âm mưu chống phá, không để bị động, bất ngờ; xử lý nhiều vụ việc phức tạp, gây rối, tụ tập đông người; trấn áp tội phạm. Thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tai nạn giảm cả 3 tiêu chí[29].

Các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước được tổ chức chu đáo, đạt kết quả thiết thực. Làm tốt vai trò nước chủ nhà, đã tổ chức nhiều hoạt động và đang tích cực chuẩn bị để bảo đảm thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các diễn biến, tình huống nhạy cảm phát sinh trong quan hệ quốc tế. Xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác phát triển. Hoàn thành Đề án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới với Lào; tiếp tục thúc đẩy phân giới cắm mốc với Cam-pu-chia. Chủ động tham gia, đóng góp tích cực trên các diễn đàn đa phương và các hội nghị quốc tế quan trọng. Tăng cường bảo hộ công dân, nhất là ngư dân, tàu thuyền bị bắt cóc, bắt giữ[30].

II. HẠN CHẾ, YẾU KÉM

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao[31]. Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp. Quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm[32]. Nợ công cao; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn[33]; cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đạt thấp. Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của DNNN chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng thành lập mới khá cao nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, gắn kết với khu vực FDI còn hạn chế. Tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở một số vùng, địa phương triển khai chậm, lúng túng, chưa gắn với thị trường. Quản lý phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà, phức tạp. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phân bón giả, kém chất lượng, lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen... vẫn xảy ra.

Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Phát triển thị trường khoa học công nghệ còn khó khăn; số doanh nghiệp tham gia còn ít, quy mô nhỏ. Tình trạng trốn, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được khắc phục hiệu quả. Dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng lan rộng, diễn biến phức tạp. Còn xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, vi phạm trong quản lý dược, mất an toàn thực phẩm, ngộ độc đông người. Đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình. Vẫn xảy ra nhiều vụ trẻ em bị tai nạn, đuối nước. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng còn bất cập; chưa có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng lợi dụng mạng xã hội đưa tin xấu, độc; còn nhiều sai phạm trong hoạt động báo chí.

Tình trạng chặt phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi; quản lý khai thác khoáng sản, tài nguyên nước còn lãng phí, bất cập. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng. Việc giám sát, thực thi pháp luật về môi trường còn nhiều hạn chế; chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng ô nhiễm, xử lý rác thải ở nông thôn, làng nghề, lưu vực sông. Còn xảy ra ngập, úng tại một số thành phố lớn. Thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống[34].

Thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao. Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập chưa theo kịp yêu cầu. Còn những yếu kém trong công tác cán bộ; đã phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Chưa chú trọng thanh tra công vụ, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành trên một số lĩnh vực ở nhiều Bộ ngành, địa phương còn thấp, nhất là cấp cơ sở. Xây dựng Chính phủ điện tử chậm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, phần lớn liên quan đến đất đai.

Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn diễn biến phức tạp. Xảy ra nhiều vụ trọng án, tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng[35].Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có chủ trương, biện pháp phù hợp trong thời gian tới.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra[36]. Đây là một thành công lớn của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch. Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạokhông khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao(Liên Hợp Quốc đánh giá Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ[37]).

Từ nay đến cuối năm, chúng ta tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất quán mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC; chú trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

B.KẾ HOẠCHPHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2018

Năm 2018, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn năm 2017 nhưng không đồng đều và còn nhiều rủi ro[38]; xu hướng bảo hộ vẫn gia tăng. Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với chúng ta. Ở trong nước, nền kinh tế còn nhiều tồn tại, yếu kém. Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ ngày càng hạn hẹp. Việc cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực trọng yếu đòi hỏi nguồn lực và thời gian thực hiện. Nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp.

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu tổng quát:Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnhtranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

a) Về kinh tế:Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

b) Về xã hội:Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 - 60%,trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạotừ 3 tháng trở lêncó văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23 - 23,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%.

c) Về môi trường:Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế

Điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa; nâng cao hiệu quả phân tích, dự báo và ứng phó kịp thời với những biến động trong nước và quốc tế để bảo đảm ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về lao động, việc làm, NSNN, vốn đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, an ninh lương thực và năng lượng. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất; bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên gắn với kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống; quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối.

Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN ở tất cả các ngành, các cấp. Tạo chuyển biến rõ nét trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá. Triệt để tiết kiệm chi; gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực; khoán chi hành chính, sử dụng xe công; đẩy mạnh đấu thầu, đặt hàng trong cung cấp dịch vụ công. Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi trả nợ; phấn đấu giảm bội chi NSNN; đẩy nhanh cải cách khu vực sự nghiệp công gắn với tinh giản biên chế; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công; chú trọng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay về cho vay lại, khắc phục tình trạng các khoản vay bị tăng chi phí do chậm tiến độ và hạn chế tối đa cấp bảo lãnh mới theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực NSNN gắn với huy động tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA; có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực ngoại tệ trong xã hội. Quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công; tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng; kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm. Tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT. Tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ đầu tư ngoài nhà nước phát triển hạ tầng, bảo đảm tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là kiểm tra chuyên ngành, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động hội nhập hiệu quả, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo thị trường. Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu; điều hành phù hợp theo hướng giảm nhập siêu, hướng đến cân bằng thương mại bền vững. Phát triển mạnh hệ thống bán lẻ; thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa, có giải pháp phù hợp bảo vệ sản xuất trong nước; triển khai hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế, giáo dục, điện... gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý giá cả, thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường. Rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai thực hiện Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 với trên 700 thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện theo tinh thần các Nghị quyết 19, 35, 36a của Chính phủ. Phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao và các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp hỗ trợ.

Yêu cầu tất cả các cấp, các ngành có kế hoạch cụ thể, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ; phấn đấu năm 2018 cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, nhất là nhóm các chỉ tiêu còn thấp để tiếp tục nâng ca