Truyện ngắn dự thi. HỒ TĨNH TÂM
Tuấn
được điều về một chốt trên hòn đảo nhỏ, vùng biển Tây Nam, cách đất
liền hơn chục cây số, thuộc đồn biên phòng BTN. Vậy là thành lính đảo.
Ôi giời, phen này thì cái Hài phải biết nhé. Lính biên phòng trên biển,
có phải ai nằm mơ cũng được đâu. Xem thử nó còn dám trêu người ta là dân
phố thị, công tử bột, không chịu nổi sóng gió trùng khơi nữa không. Mới
một năm mà hạ sĩ biên phòng, chẳng phải bỡn đâu. Tốt nghiệp lớp mười
hai vào lính, qua khóa tân binh được phong binh nhất, sáu tháng huấn
luyện lên hạ sĩ, chức vụ tiểu đội trưởng, oách lắm đấy. Cùng một đợt
nhập ngũ, phố Hẹ mấy đứa được thế. Tuấn từng nói với Hài. Tớ là tớ phải
cám ơn bố tớ, biết chọn đúng mẹ tớ mà cưới. Rồi còn phải cám ơn mẹ tớ đã
nhận lời chọn bố tớ làm chồng. Một nửa của tớ thuộc bố. Một nửa thuộc
mẹ. Hai nửa ấy hợp lại, thành ra hạ sĩ tiểu đội trưởng biên phòng Nguyễn
Anh Tuấn. Nếu ngày ấy mẹ tớ không chịu cưới bố tớ, biết giờ này tớ ở
đâu. Cái gì cũng có duyên số. Đố ai biết trước được. Cuộc đời luôn là
những bài toán có những ẩn số khó lần. Có khi bạc đầu còn chưa giải nổi.
Tuấn kể với Hài. Cuối 1975, Miền Nam giải phóng đã nửa năm, vậy mà bố
Tuấn vẫn chưa được về thăm nhà vì còn phải lên trấn giữ biên giới sông
Trăng. Ở tút tít mụ mị giữa Đồng Tháp Mười, chỉ có muỗi cỏ và rắn rít
làm bạn, bộ đội vẫn tổ ba người tự nấu lấy cơm, cùng nhau mò tôm mò cá
về mà ăn. Thư muốn gởi về nhà cũng khó. Mỗi tháng, một người được ba con
tem quân đội, anh em phải dùng thuốc lá ru bi xanh đổi thêm để gởi thư
về nhà. Bố Tuấn là đại đội trưởng, thương lính hòa bình chưa được về
quê, có con tem nào cũng nhường cho lính. Huynh đệ chi binh đến cả từng
con tem, nên ở nhà ông bà Tuấn khóc đỏ con ngươi, cứ tưởng con trai mình
đã nằm xuống đâu đó trên những nẻo đường chiến trận. Bà Tuấn tưởng con
trai đã hi sinh như hai anh, đòi lập bàn thờ cho đứa con trai cuối cùng,
chứ đâu giải phóng đã hơn nửa năm mà bằn bặt không có lấy một chút tin
tức gì. Ông nội gạt phắt đi hết. Ông bảo, quân giải phóng người ta có tổ
chức chặt chẽ từ bộ tư lệnh xuống từng tổ ba người, chưa có giấy báo tử
nghĩa là vẫn sống, thỉnh thoảng phố Hẹ vẫn có người từ trong Nam quảy
ba lô về thăm làng đấy thôi. Mà nó là con trời, bà đã dâng nó lên chùa
sau sự ra đi của anh nó là gì. Tôi là lính đánh Điện Biên, từng ăn mèn
mén của người Mông, thắng cố người Giáy, uống rượu ngô người Pa Dí, tôi
sống được là nhờ có đức tin, tôi chờ thằng Minh nó về sinh cho mấy đứa
cháu nội... Ông nội sống như thế. Ông nội nói như thế. Từng lời cứ như
đinh đóng cột. Còn bố Tuấn ấy à, chẳng những là con Đức Thánh Trần, bố
Tuấn còn là đứa con trời đánh không chết. Năm 1966, mới mười bảy tuổi,
bố Tuấn đã là dân quân trực chiến 14,8 li của phố Hẹ. Vào một đêm mùa
hạ, mưa sầm sập nghiêng trời trút nước, sấm nổ ầm ầm như bom dội, sét
quất nhoáng nhoàng, bố từ trong điếm hộ đê sông Lục, chụp cái nón cối
lên đầu cùng hai người nữa chạy băng ra đồng vì sợ mưa giông làm sập bờ
đất quanh khẩu 14,8 li. Đến giữa đồng thì một tia sét bủa xuống xanh lè,
nổ một tiếng kinh thiên động địa, hất văng ba người. Cây gạo cổ thụ chỗ
họ vừa chạy tới bị xẻ dọc, nứt toác ra, gãy gục cả ngọn, vậy mà cả ba
sống nhăn. Họ cùng với mấy người trực bắn tàu bay ngoài đồng bảo vệ an
toàn cho khẩu cao xạ.
Bố tớ ấy à. Bố tớ là Nguyễn Tuấn Minh, học vừa xong lớp tám thì có giấy
gọi lên đường nhập ngũ. Khám sức khỏe thiếu nửa cân phải ăn gian, nhét
đá vào túi quần. Đi bộ đội chống Mĩ phải ăn gian thêm cân, dân Bắc Giang
mình nhiều người thế lắm. Chính ông nội tớ thời xung phong vào vệ quốc
đoàn, cũng phải ăn gian văn hóa đấy. Sợ không thuộc mấy chữ i tờ, ông
nội tớ phải trốn vào đình Nghè, ôm cột đình nhẩm đi nhẩm lại: O tròn như
quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ là thêm râu. Thế mà đội kiểm tra văn
hóa, họ lại chỉ vào chữ K chữ H hỏi là chữ gì. Ông ngoại tớ lúc đó đứng
bên ngoài móc mánh, giả vờ nhịp chân hát. Xòn xòn đô xòn. Xòn xòn xòn đô
rê. Ta vui ca hát thật vui. Thế là ông nội tớ một chữ cắn đôi không
biết, cũng bớp lấy, ưỡn ngực nói ngay rằng chữ K chữ H. Còn bọn tớ mà
không biết cốt cộng cốt bằng hai cốt cốt, thì đừng có hòng được tuyển
đấy nhé. Đến trai gái yêu nhau còn phải biết hai đường thẳng song song
nhất định phải gặp nhau ở một điểm vô cực nữa là.
Nói chung là tớ rất tự hào về dân phố Hẹ, về bố Nguyễn Tuấn Minh của tớ.
*
* *
Nguyễn
Tuấn Minh đúng là dân phố Hẹ đích thực. Nghĩ gì làm gì cứ ngay tăm tắp,
cứ thẳng đuôn đuỗn, cứ trôi xuôi một dòng như sông Lục. Cuối năm 1976,
trung đoàn 207 ưu tiên cho một số sĩ quan được nghỉ phép đợt một, trong
đó có Hùng C trưởng C2, bạn nối khố cùng phố Hẹ. Minh xin phép nghỉ hai
ngày, đi bộ từ Ba Gò ra chợ xã Tân Thành. Chẳng là, sau hơn bảy năm biền
biệt, anh đã có cái bi đông inox và cái bật lửa zippo làm quà cho bố,
giờ muốn mua cho mẹ món gì đó thật ý nghĩa. Cởi quần dài, tháo giày đeo
lên cổ, sau bốn tiếng giang nắng mùa khô hừng hực, căm cắm một mình lội
ruộng băng đồng ra chợ xã. Khát cháy cổ, đói cồn cào, anh ghé vào một
quán nước bên sông, gọi cho mình một trái dừa, một gói Hero. Khi sờ vào
túi áo, mới sực nhớ, khi thay bộ quân phục vải gabadin mới cáu vừa được
cấp phát, vội quá, anh quên béng mất số tiền dành dụm cắc ca cắc củm còn
ở trong túi áo lính trận đã bạc màu. Cũng là lính trận đánh giặc trời
gầm, làm tới đại đội trưởng mà đoảng. Quên gì không quên, đi mua quà cho
mẹ lại quên tiền. Con trai phố Hẹ chuyện gì cũng giỏi, mỗi chuyện tiền
nong là không. Mừng quá, lo lắng quá, con người ta hay sinh ra đãng trí
thì phải. Thấy anh tự nhiên ngồi ngẩn tò te, lúng túng như gà mắc tóc,
mặt mày tự nhiên thộn ra, bà chủ quán biết liền. Chú bộ đội quên tiền
chứ gì. Có mỗi trái dừa với gói thuốc, tôi biếu chú đấy. Hòa bình rồi,
ai cũng về nhà mà mấy chú còn lên trấn giữ biên giới, sống chết mỗi
ngày, tôi không lấy tiền đâu. Nếu cần mua sắm gì đó, tôi cho chú mượn,
mơi mốt trả lại tôi cũng được. Xương máu mấy chú còn không tiếc, tôi
tiếc gì mấy đồng bạc. Chồng con tôi cũng là lính của trung đoàn 207, hi
sinh ở Đá Biên năm 1973 đấy. Ra là vậy. Trận quyết tử tháng 10 năm 1973 ở
Thạnh Hóa - Long An thì Minh quên thế nào được. Trận ấy, trung đoàn
hành quân cả đêm thì đến được rừng tràm Đá Biên. Bộ đội phần lớn là sinh
viên mới ngoài Bắc bổ sung vào, lần đầu tiên biết mùa nước lớn Đồng
Tháp là gì. Cả một vùng ngập sâu lút đầu người, chỉ những ngọn tràm là
nhô lên đen thẫm. Sợ lộ giữa đồng nước nên trung đoàn dừng lại ém quân
trong rừng tràm. Sau một đêm dài hành quân ròng rã, ai nấy mệt nhoài,
rét run cầm cập; dù đã có lệnh phải giấu quân hết sức bí mật, anh em vẫn
chủ quan cởi quần áo giăng mắc trên ngọn tràm. Chính điều ấy khiến OV10
phát hiện gọi phản lực đến dội bom. Sau đó là pháo dàn từ các chi khu
thi nhau chụp về. Cả mấy cánh rừng tràm Đá Biên ngập chìm trong lửa đạn,
Rồi trực thăng đổ quân, sư đoàn 7 thiện chiến vây tứ bề. Bộ đội ta bám
trên các cây tràm, đứng chìm dưới nước ngập đến cổ, kiên cường đánh trả.
Tiếng đạn nhọn rít điên cuồng. Mảnh pháo rít vù vù veo véo. Máu loang
đỏ nước. Xác lập lềnh, có người tay vẫn còn nắm chặt báng súng, lựu đạn.
Suốt một ngày, trung đoàn mới mở được đường máu ra ngoài. Minh quật
sức, vác Hùng - cùng dân phố Hẹ, đang bị thương tới dòng kinh 79, khi
bầu trời trận địa đỏ bầm máu đã hoàn toàn im tiếng súng. Từ một con
rạch, có chiếc ghe máy cole 4 trờ tới, cô gái cầm lái tự xưng là dân
Thạnh Phước, giúp Minh đưa Hùng lên sạp ghe. Thấy Hùng mất quá nhiều
máu, người lả ra mềm oặt như chiếc lá, cô liền phóng ghe chạy hút về
phía mặt trời đã chìm trong biển nước. Màn đêm Đá Biên dang rộng vòng
tay chở che cho hai chàng trai phố Hẹ...
Cái bà xồn xồn ấy, dân Tân Thành gọi là bà Ba Bánh Ú, vì bà tròn lăn
lẳn, ú nu ú núc, lại còn gói bánh ú bán mỗi ngày. Khi nghe Minh bịa
chuyện đi tìm mua cau gởi về quê cho mẹ ăn trầu, vội quá nên quên đem
tiền theo, bà phẩy tay nói thủng thẳng. Ôi dào, tưởng gì chứ cau ăn
trầu, nhà tôi nhiều vô thiên lủng, chú muốn lấy bi nhiêu tôi cho bi
nhiêu, chỉ sợ chú vác không nổi. Để tui nói thằng Tửng chặt xuống cho
chú. Buồng cau ở xứ không ăn trầu quý báu gì, nhưng ở phố Hẹ cả đống
tiền cơ đấy. Người ta cho thì mình nhận.
Khổ nỗi khi về lại Ba Gò, thấy đồng đội đã nhét đầy căng cả ba lô quà
cáp, Minh đâm lưỡng lự. Chỉ định mua cho mẹ cái khăn len, bộ quần áo,
giờ lại hóa buồng cau. Đeo cả cái ba lô con cóc to bè, lại còn thêm
buồng cau, có phải thánh đâu mà vác nổi. Ấy vậy mà Hùng nói như đinh
đóng cột. Mày bị thương bắp đùi, còn vác tao băng qua đồng nước, lẽ nào
tao không vác được buồng cau về quê cho mày. Mọi chuyện vậy là xong,
nhưng sự đời luôn có những bất ngờ, chẳng ai biết trước được gì. Về tới
buổi trưa, buổi chiều Hùng đem buồng cau tới nhà Minh, nói là quà Nam
Bộ. Chỉ chừng đó mà bố mẹ Minh mừng tới phát khóc. Họ khóc vì biết rằng
thằng quý tử, thằng con trai của Đức Thánh Trần còn sống. Bà thắp hương
vái lạy sì sụp trước bàn thờ. Vừa lạy vừa khóc, nấc lên đứt quãng. Bà
ơi! Ông ơi! Ông bà về mừng cho thằng cháu còn sống này! Long ơi! Dũng
ơi! Chúng mày sống khôn chết thiêng, chúng mày về đón quà Miền Nam của
em nó còn sống này! Ông ngồi thần ra trên ngạch cửa, một tay cầm điếu
cày, một tay cầm que đóm nang tre đã tắt lịm từ lúc nào, nói như nói với
ai. Mẹ nó khóc mà làm gì. Lo mổ gà mời chú Hùng ở lại xơi cơm. Nhớ dặn
con Thắm mua thêm mấy cút rượu ngang nữa đấy. Lính tráng với nhau, tôi
với chú Hùng hôm nay phải nhắm rượu tơi bời một bữa. Biết là ở nhà đã
sửa soạn cơm chiều, đã mời bà con chú bác, nhưng Hùng làm sao mà dứt áo
bỏ đi cho được. Thế rồi ông, bà nghe sao đấy, tai phải ra tai trái, lại
nghĩ thằng con gởi cau về quê để kiếm vợ cho mình. Ông bảo con gái chạy
đi mời người bạn nối khố từ thời đánh Điện Biên với nhau lại nhà. Chả gì
cũng đã luộc gà, rán cá, xào rau muống với thịt lợn; chả gì cũng phải
mừng thằng con trai còn sống. Ngồi gật gù bên mâm rượu, ông mới đặt vấn
đề kết làm sui gia với bạn. Rượu ngà ngà, ông bạn chém tay vào không khí
thề. Ngay sáng hôm sau, ông, bà ăn mặc chỉnh tề qua nhà ông bạn, xin
phép hỏi cưới con gái họ về làm dâu. Khổ nỗi cô gái kia, y sĩ phố Hẹ lại
đã có người yêu trên tỉnh từ thời còn học ở trường trung cấp y tế với
nhau. Nhưng cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Chữ hiếu thảo ngoan hiền phải
được trọng làm đầu. Trạm xá chỗ cô gái kia làm việc còn mua cả quà cưới,
gởi trước mừng hạnh phúc của anh lính vinh quang trở về, với cô nàng
hậu phương ba đảm đang. Lệ tục truyền đời như sợi dây thòng lọng, dẫu
khóc đầy mấy thau nước mắt thì cô gái kia vẫn phải vâng lời bố mẹ.
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Nhờ
Hùng mà Minh biết chuyện ấy. Giải phóng quân mà không giải phóng được
cho tình yêu đôi lứa thì giải phóng cái gì. Minh gởi thư về, nói thẳng
với bố mẹ mình rằng, không thể cưới được người mà mình chưa hề quen
biết, nếu bị ép quá, sẽ xin ra đảo làm lính biên phòng. Đất chẳng chịu
trời thì trời phải chịu đất. Hai ông bà đành thở dài chấp nhận.
Rồi cũng đến lượt Minh được nghỉ phép. Xe về tới trạm K vào chiều tối
hôm trước, hừng sáng hôm sau Minh đã khấp khởi khoác ba lô, hăm hở về
nhà. Đi bộ được hơn bảy cây số, thấy quán nước bên đường, Minh định ghé
vào, nhưng khi tới nơi, nhìn thấy có cô gái trẻ đẹp đang ngồi vừa quạt
vừa uống nước, tự nhiên Minh ngại. Cái ghế dài ghép bằng hai đoạn tre
ngắn như vậy, chẳng lẽ hai người lại ngồi sát bên nhau. Đánh đồn, chống
càn không sợ, nhưng lính 207 lại sợ gái. Thấy Minh ngập ngừng, cô gái
nhìn anh cười đon đả. Anh bộ đội ơi. Anh về đâu? Vào đây nghỉ ngơi uống
cốc nước rồi em cho đi nhờ. Em về tận phố Hẹ đấy. Được lời như cởi tấc
lòng. Minh đặt ba lô đặt xuống đất, ngồi sát bên cô gái. Họ uống nước,
ăn kẹo dồi, chuyện trò thoải mái, cứ như đã quen biết từ lâu. Rồi cô gái
ôm ba lô ngồi sau, Minh gò lưng trên yên xe, ra sức đạp. Những câu
chuyện lăn dài theo vòng bánh xe quay rào rạo trên mặt đường. Minh kể
chuyện bố mẹ đi dạm hỏi cho mình, cô gái cười ngặt nghẽo, phải vòng một
tay ôm lấy lưng Minh cho chắc. Rồi cô hỏi, nếu gặp một người chưa có
người yêu như em anh dám cưới không? Minh trả lời chắc nịch. Cưới chứ.
Cô tuyệt thế này làm sao mà không cưới. Nếu cô đồng ý, tôi chở thẳng về
nhà ra mắt rồi cưới luôn theo kiểu thời chiến cho gọn. Lính tráng bọn
tôi cái gì cũng cấp tập, không rề rà được đâu. Chỉ có vậy. Thế mà chưa
đầy một tuần, họ đã nhờ chi đoàn thanh niên nơi cô giáo cấp một đang dạy
học đứng ra làm lễ tuyên hôn. Nghĩa là cái bảng đen của lớp học có thêm
dòng chữ bằng phấn màu, trăm năm hạnh phúc, vui duyên mới không quên
nhiệm vụ. Rồi thì nước chè xanh, thuốc lá Sông Cầu, kẹo Hải Hà thoải
mái. Cô dâu đùn chú rể đứng ra phát biểu. Chú rể vừa lọng ngọng gãi tai
vừa nói. Thưa bà con, cô bác, các đồng chí! Lâu lâu chúng tôi mới cưới
nhau một lần, mong bà con, cô bác, các đồng chí cứ góp ý thoải mái, để
lần sau chúng tôi rút kinh nghiệm làm tốt hơn. Mọi người cười nghiêng
ngả.
*
* *
Nheo
nheo con mắt trái, Tuấn nói với Hài. Nhờ mấy chuyện tình yêu như thế mà
tớ mới ra đời. Cám ơn tình yêu là phải quá đi chứ. Ngày mai tớ lên
đường vào Nam ra đảo, cậu phải thưởng thứ gì thật xứng đáng là dân phố
Hẹ chứ. Không phải là khăn tay với sổ tay đâu, phải thứ gì nhớ đời ấy.
Hài cũng hấp háy mắt trả lời. Tớ biết tỏng là cậu thích gió mát sau lưng
rồi. Một nụ hôn phố Hẹ, được chưa nào. Nói xong Hài chu môi hôn đánh
chụt lên má của Tuấn. Đem theo nụ hôn ấy, Tuấn lên tàu hỏa vào Nam, ngồi
ô tô xuống Kiên Giang, ngồi ghe chài ra đảo nhỏ thành lính biên phòng
giữ đảo. Cứ tưởng như Trần Đăng Khoa nói, đảo nhỏ đúng là nhỏ thật, ới
một tiếng là hết, nhưng khi đặt chân lên, Tuấn sững cả người. Có núi
nhé. Có rừng nhé. Có mấy ngôi nhà của lính, với người với lợn và cả mấy
con chó. Ấy vậy mà tuyệt nhiên nước ngọt thì không. Nước là báu vật phải
chở ra từ đất liền. Kể cũng lạ. Cách đất liền chỉ hơn mười cây số, thế
mà lính phải nhận nước cấp phát để rửa mặt đánh răng buổi sáng, để tắm
táp mỗi tuần một lần. Nói theo kiểu dân miền Tây là tắm xà tón. Lính
được phát mỗi người một xô nước, đổ mấy ca vào xoong quân dụng, nhúng
khăn vào đấy cho ướt, rồi lau chùi kì cọ, rồi đứng trên bệ xi măng, cẩn
thận rưới từng ca cho trôi bụi ghét. Vừa rưới vừa nghe tiếng nước chảy
tỏng tỏng vào cái hố xi măng dưới đất. Nước ấy là nước dùng đấy. Không
phải dùng để ăn uống mà để tưới rau. Lính có thể khát nước, chứ rau thì
không. Rau trên đảo chang chang nắng, lồng lộng gió, chỉ thiếu nước một
ngày là khô quắt lại, lả xuống như người chết khát. Nước vo gạo dùng để
nuôi lợn. Lợn cũng có tiêu chuẩn cấp phát nước mỗi ngày. Nước đái lợn,
nước đái người, nước gì cũng phải giữ lại mà tưới rau. Nước trên hòn đảo
nhỏ quý hơn cả vàng ròng. Ai nói ở đảo nhớ tiếng con gái, còn Tuấn nhớ
dòng sông Lục đến nao cả người. Nước cứ dào dạt suốt ngày đêm tuôn chảy
về biển, vậy mà biển vẫn mặn, đảo nhỏ khát từng giọt nước. Cứ mỗi tuần
tàu hải quân chở nước ngọt ra đảo một lần, lính lại được một bữa liên
hoan nước ngọt. Nước rửa mặt buổi sáng, nước tắm giặt tăng gấp đôi. Lính
ta ai cũng đẹp ra nhờ mặt mũi sáng hẳn lên. Nhưng đẹp ở đây cũng chỉ để
cho biển nó ngắm chứ chẳng để làm gì. Tuấn thèm được chạy ù vào đất
liền, xin Hài hôn cho lần nữa. Giời ạ, nụ hôn là gì mà thơm quá, nồng
nàn quá, rạo rực quá. Ra đảo đã mấy tháng rồi mà nụ hôn của Hài còn đọng
lại trên má Tuấn, như dấu ấn thơm tho của dân phố Hẹ. Nhưng lính đảo mà
cứ vương vấn mãi nụ hôn thì còn gì là lính đảo. Tuấn ước được làm lính
207 như bố, đi khắp mọi nơi. Nhưng ở đảo chỉ có biển mênh mông đầy sóng
và gió. Ban ngày mặt biển cong vồng lên dưới ánh nắng mặt trời, sáng ánh
lên lấp lóa, nhức cả mắt. Ban đêm nó kéo dài ra hun hút, vô tận vô
cùng, dính liền với bầu trời đen nhanh nhánh, cả vòm sao lung linh kéo
tuột dải Ngân Hà xuống mặt nước. Tuấn chưa thấy những con sóng lưỡi búa,
những con sóng bạc đầu, bởi mùa bão giông chưa đến. Tuấn ra đảo vào mùa
biển lặng, chỉ mới gặp đảo chìm trong ong ong nắng lửa. Nắng nóng nung
chang chang đảo nhỏ mười hai tiếng một ngày. Thế mà lạ lùng thay, lính
tráng vẫn hồn nhiên hát những bản tình ca, cây rừng vẫn xanh um nỗi đợi.
Thế rồi trung úy Tấn Cường phân công Tuấn lên rừng chặt cây về làm củi.
Gì chứ việc lên rừng lấy củi thì Tuấn thạo lắm. Từ phố Hẹ lên rừng dẻ,
rừng lim chỉ vài cây số. Dân phố Hẹ lên rừng chặt củi hay lượm hột dẻ,
cũng chỉ đi từ lúc mọc mặt trời đến quá trưa là về. Nhìn những đống phân
trong rừng, Tuấn biết là rừng có con gì, nó còn ở quanh đây hay đi nơi
khác. Nhìn gốc cây trầy xước, Tuấn biết đó là lợn rừng hay hoẵng đến chà
lưng. Nhìn vỏ thân cây bị xước, Tuấn biết đó là gấu chó hay gấu ngựa.
Tuấn còn biết xem cả dấu trăn bò, biết ngửi mùi thơm để tìm đến nơi đâu
có tổ ong đang làm mật. Xa như rừng Quèn ngoài quê mà Tuấn mới mười hai
tuổi đã dám một mình đi lấy măng vầu, măng giang, măng nứa. Rừng ở trạm
BTS chỉ sát sau nhà, cây cối mọc trườn lên đỉnh núi cao hơn hai trăm
mét, mọc trượt xuống bốn xung quanh. Trên núi mọc cây gì chưa biết,
nhưng dưới núi thì bàng mọc lấn ra cả biển. Muốn có than nướng cá, nướng
cua, nướng mực, thì phải chặt những cây có thân gỗ chắc. Bởi vậy đi lấy
củi lần này, Tuấn sẽ khám phá rừng trên đảo cho biết. Hết sức ngạc
nhiên khi nhìn thấy phía bắc mạn đảo có vết trầy xước dưới gốc cây do
lợn rừng đến cạ lưng gãi ngứa, vậy là Tuấn lần theo dấu vết, gặp được
một bãi đất khoảng vài trăm mét vuông, mọc đầy lùm bụi. Tại nơi thấp
nhất, Tuấn nhìn thấy một bãi đất rộng khoảng bằng hai cái giường của
lính, bị xới tung lên, phơi ra màu nâu sẫm nhóng nhánh dưới ánh mặt
trời. Biết chắc đây là nơi lợn rừng đến ủi để uống nước. Dùng dao đào
lên một lỗ to và sâu bằng cái thau thì nước ứa một lúc là đầy ngập,
trong vắt và ngọt lịm. Quá trưa một chút, Tuấn vác một bó củi khô về
trại, báo cáo với Tấn Cường là đã tìm thấy nguồn nước ngọt trên đảo. Anh
em ra đó thay nhau đào được cái giếng rộng chừng hơn một mét, sâu hơn
hai mét, miệng giếng chất đá núi cao lên chừng nửa mét, bốn phía rào
bằng cây rừng chắc chắn, rồi mở một con đường mòn từ chỗ ở, vòng qua
chân đảo để đến đó. Đảo nhỏ đã có nước ngọt để ăn uống, tắm giặt và tưới
rau thoải mái. Giếng đó gọi là giếng Anh Tuấn. Tuấn viết thư cho Hài,
khoe anh được bằng khen chiến sĩ thi đua, đã được phong lên trung sĩ.
Cuối lá thư kí tên trung sĩ Nguyễn Anh Tuấn đàng hoàng. Oách quá đi chứ.
Chưa đầy một năm đã trung sĩ. Nếu không là dân phố Hẹ, không là con bộ
đội trung đoàn 207, sao được như thế.
*
* *
Đúng
là chuyện đời không ai biết trước được điều gì. Cũng như chuyện Nguyễn
Tuấn Minh, bố của Nguyễn Anh Tuấn, bắn cháy tàu bay vậy. Trong trận đánh
đồn Gãy Kinh Nhứt, chỉ chớp mắt chưa đầy hai chục phút, tiểu đoàn 1
chiếm lĩnh toàn bộ đồn. Xông vào tấn công không một ai hề hấn gì, nhưng
khi rút ra, một trái đạn pháo 155 li nổ quá gần, đất cát văng theo hơi
đạn pháo vù vù, miểng pháo chém gió ràn rạt chẳng làm ai bị thương,
nhưng hơi pháo lại làm Nguyễn Tuấn Minh bị rách giác mạc, băng kín cả
hai mắt, phải chuyển về viện quân y tiền phương của trung đoàn. Lính 207
bị mảnh bom pháo xẻ rách bắp tay bắp chân chỉ là chuyện thường. Rách
giác mạc lại càng thường hơn, nhưng không thấy đường thì làm sao mà ra
trận. Vậy là Minh được về viện tiền phương điều trị, được nghe mấy cô
quân y ca bình bán, kim tiền. Lỗ tai thì sướng, chứ con mắt có thấy gì
đâu mà sướng. Các cô hát chay không đàn, đệm theo hò xang xê cống, giọng
con gái miền Nam ngọt lịm như mía lùi, Minh chỉ ước gì được tháo băng
để nhìn cho sướng hai con mắt. Thế nhưng khi bỏ băng ra, người đầu tiên
Minh nhìn thấy lại là ông Vũ Trung Kiên ở ban tham mưu trung đoàn. Nghe
ông Kiên nói trung đoàn vừa được bổ sung vũ khí mới, vậy là Minh quên
phắt việc ngắm mấy cô. Minh năn nỉ xin ông Kiên cho riêng đại đội mình
một khẩu RPD. Vớ được khẩu súng mới cáu cạnh chiều hôm trước, sáng hôm
sau Minh đã theo tay trợ lí quân lực tiểu đoàn lên đường về đơn vị. Anh
hớn hở tới mức quên béng cả việc chào hỏi mấy cô quân y. Đeo chéo băng
đạn trên người, vác khẩu RPD trên vai, Minh cùng anh trợ lí tiểu đoàn 1
đến được kinh Đất Sét thì trời đã xế trưa. Hai người ngồi dựa gốc cây me
keo lôi lương khô ra ăn. Đang ăn thì có chiếc OV10 vè vè bay tới quần
đảo trên đầu. Minh nói. Mình bắn nó cũng như mình nghi binh cho tiểu
đoàn, tiện thể tôi khai trương khẩu súng. Bắn xong mình đi tiếp thì sợ
gì đạn pháo từ An Hữu dập xuống. Thế là tay trợ lí đứng xổng lưng cầm
càng khẩu trung liên để Minh ngắm bắn. Minh xiết cò một tràng mười viên,
chiếc máy bay xịt khói cuồn cuộn, rơi chúi xuống phía kinh Dương Văn
Dương, nổ đùng một tiếng, chết nhanh như con ó bị bắn trúng đầu.
*
* *
Tuấn
tự hào về chuyện bố Tuấn Minh bắn rơi OV10 lắm. Còn chuyện Tuấn tìm ra
nguồn nước ngọt trên hòn đảo nhỏ thì có thấm tháp gì, bõ bèn gì; chỉ là
ăn may nhờ mấy con lợn rừng xuống núi tìm đất ướt đằm mình tránh nóng.
Tuấn vừa đứng cho lợn ăn trưa vừa vắt óc ra nghĩ, tối nay sẽ viết cho
Hài một bức thư kể chuyện đêm trăng trên biển đẹp thế nào. Đang miên man
trong đầu thì phía chòi canh có tiếng kẻng báo động. Kiểu đánh dồn dập
từng tiếng một liên tục như vậy là hiệu lệnh báo có tàu lạ xuất hiện.
Trung úy Tấn Cường lệnh cho Tuấn cùng ba người nữa xuống ca nô ra biển.
Đây cũng là chuyện thường của trạm biên phòng BTN. Cứ vài ngày họ lại
phải phóng ca nô ra xét hỏi những con tàu lạ, nếu có vấn đề thì điện báo
về đất liền xin ý kiến. Đó thường là tàu thuyền vượt biên hoặc tàu buôn
hàng lậu; cùng lắm là tàu của ngư dân chết máy dạt vào xin giúp đỡ.
Lính biên phòng trên biển nhiều người biết cả nghề sửa máy tàu. Tuấn
cũng là một tay cự phách, nên có chuyện gì với ngư dân ngoài biển, trung
úy trạm trưởng cũng gọi chàng trai phố Hẹ đi theo. Nhưng lần này thì
khác. Vừa thấy ca nô của biên phòng lao ra, chiếc tàu lạ đã quay đầu bỏ
chạy. Tấn Cường ra lệnh cho ca nô mở hết tốc lực, còi lệnh hú dóng dả
liên hồi và bắn pháo hiệu dừng tàu lên trời. Nhưng tàu lạ vẫn ngoan cố
bỏ chạy, đuôi nước xòe ra ngàu ngàu bọt sóng. Ca nô nhảy chồm lên như
bay trên mặt biển. Khoảng cách giữa chiếc tàu với ca nô cứ rút gần lại,
gần lại. Khi khoảng cách dưới một trăm mét, trên tàu lạ có chớp đạn lóe
lên, rồi một quả đạn lửa vun vút bay tới. Thượng sĩ lái ca nô ngoặt trái
rất nhanh, ca nô nghiêng hẳn một góc gần hai mươi độ, nước bắn tung lên
ràn rạt. Trung úy Tấn Cường dùng loa điện cảnh cáo, yêu cầu tàu dừng
lại. Chiếc tàu lạ chẳng những vẫn chạy mà người vừa bắn quả đạn lửa còn
kê súng lên lan can tàu. Từng học đi săn chồn cáo từ năm mười hai tuổi,
từng là người nổi danh bắn súng kíp giỏi nhất phố Hẹ, chỉ cần có lệnh,
Tuấn nổ súng, anh sẽ hạ gục kẻ ngoan cố dám liều mạng bắn trả kia. Một
chớp lửa nữa lại lóe lên. Chiếc ca nô ngoặt phải, ngoặt tiếp sang trái,
rồi chồm lên vừa xé nước trắng xóa, vừa nhảy tung mình ầm ập trên sóng.
Quả đạn lửa nổ ngay phía sau đuôi ca nô. Bụi nước mù mịt, đổ ập xuống ào
ào như bão. Dù đôi mắt bị nhòa nước mặn, Nguyễn Anh Tuấn vẫn nhìn rõ
mục tiêu. Anh xiết nhẹ cò khẩu 14,8 li. Kẻ trên tàu gục xuống. Khẩu súng
dài hơn nửa mét trên vai của hắn rơi xuống biển. Liền đó, Tuấn thấy đau
nhói bên ngực phải, buông tay ngã ngồi xuống ca nô. Một tràng đạn AR15
của kẻ khác trên tàu đã bắn trúng anh. Người trung sĩ đồng đội xốc nách
Tuấn ra phía sau băng bó. Hai chiếc tàu hải quân từ trong bờ đang xé
sóng lao tới. Tiếng còi tàu hú vang lộng óc.
*
* *
Tuấn
tỉnh dậy. Người đầu tiên anh nhìn thấy là cô y sĩ mặc áo bờ lu trắng
xóa. Người đứng bên cạnh thì Tuấn không tin nổi, vì chính đó là cái Hài
phố Hẹ. Có lẽ Hài đã khóc nhiều lắm, thức nhiều lắm. Hai con mắt vốn đen
như nhung của cô rướm đỏ, xung quanh thâm quầng, nhưng gương mặt vẫn
hồng hào, vẫn đẹp ngời ngợi như hoa bưởi trong vườn. Còn người đàn ông
tóc bạc ngồi ở cuối giường, Tuấn thấy quen quá. Gương mặt hiền từ, nhưng
từng nét vẫn rắn rỏi kiên nghị. Khi ông đứng dậy bước lại gần thì Tuấn
nhận ra ngay. Chính là bố Tuấn Minh - người cựu chiến binh trung đoàn
207, người từng bắn hạ một chiếc OV10 ở Ba Gò. Từ từ đưa bàn tay phải
lên nắm chặt tay bố, Tuấn mở to mắt nhoẻn miệng cười. Anh nghe rất rõ
tiếng của Hài ngay bên cạnh.
Em đây anh Tuấn ơi! Hài phố Hẹ - Bắc Giang đây, Tuấn ơi!
Nhắm nghiền hai mắt lại, Tuấn thấy cả ba bố con xuống ghe chài của ngư
dân Kiên Giang ra đảo. Trung úy Tấn Cường trạm trưởng BNT, cùng với hơn
mười người lính biên phòng của đảo, dẫn bố Tuấn với Hài ra thăm giếng
nước xây bờ đá duy nhất của đảo. Nước ngọt lịm, trong vắt, soi bóng mây
trời biển Tây Nam lồng lộng
Trại sáng tác Đà Nẵng, tháng 5/2018
Nguồn: vannghequandoi.vn