Giảng viên trường chính trị rèn luyện phong cách diễn đạt theo tấm gương phong cách Hồ Chí Minh.

22/10/2021

  • lượt xem: 1074

Việc học tập, rèn luyện làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của người giảng viên trường chính trị tỉnh Hưng yên cho đến nay là việc làm thường xuyên đã đi vào nề nếp.Trong đó rèn luyện theo phong cách diễn đạt trong nói và viết của Người là một trong những nội dung cần thiết để người giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. thực sự xứng đáng là nhà giáo chân chính. Việc rèn luyện như thế nào? Chúng ta phải học tập, nghiên cứu, tư duy để nhận thức được đúng, sâu sắc, từ đó mới có thể thực hành rèn luyện bằng việc làm trong thực tiễn.

Theo Giáo sư, tiến sĩ Mạch Quang Thắng: Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc điểm riêng có, cái độc đáo, có tính hệ thống trở thành nền nếp ổn định được phản ánh trong toàn bộ cuộc sống của Người. Phong cách đó thể hiện cái riêng của Hồ Chí Minh nhưng lại rất gần gũi với người dân Việt Nam yêu nước, vì vậy mang tính lan tỏa tích cực tới hành động của mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước chúng ta, trở thành tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, gồm 5 nội dung chủ yếu: Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; phong cách làm việc; phong cách diễn đạt; phong cách ứng xử; phong cách sinh hoạt. Trong đó phong cách diễn đạt khi nói và viết là một trong những phong cách độc đáo vừa phản ánh nét tinh hoa bản sắc dân tộc Việt Nam, vừa mang tính đặc sắc của người trải nghiệm hoạt động trên nhiều lĩnh vực cương vị công tác trong không gian rộng lớn gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh. Luận điểm này có thể thấy rõ khi nghiên cứu di sản của Người cũng như những bài nói, bài viết, băng video với những dẫn chứng xác thực về phong cách diễn đạt của Bác. Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện ở những đặc trưng cơ bản:

Một là,cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực. Khi nghiên cứu tác phẩm đường cách mệnh, ở ngay lời mở đầu Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ… đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả…Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh! Cách mệnh!” ( Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 283). Mục đích nói và viết theo Người là làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người.

Hai là, cách diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao.Người viết ngắn, có khi rất ngắn, nhiều câu đúc kết như châm ngôn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”… Nên tư tưởng lớn của Người dễ nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động. Đó là điều ước muốn của mọi nhà tư tưởng và lý luận chân chính mà không phải ai cũng đạt tới được.

Ba là, cách diễn đạtsinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh, cụ thể.Khi nói, khi viết Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với quần chúng.

Bốn là,phong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng, nêu gương sáng bằng hành động, nói đi đôi với làm. Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói, viết và hành động phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung thể hiện. Khi đanh thép với những số liệu rõ ràng, khi sôi nổi, khi thiết tha, ân cần,…Đặc biệt toàn bộ cuộc sống hoạt động cống hiến cho dân, cho nước của Người đó là phong diễn đạt mẫu mực, tấm gương sáng nhất để chúng ta cần phải vươn tới. Phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên tính khoa học, hiện đại và ngày càng phát huy giá trị trong thực tiễn.

Từ nhận thức trên về phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh, là giảng viên trường chính trị tỉnh chúng tôi cho rằng, cán bộ giảng viên trường chính trị tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục học tập, rèn luyện theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh bằng một số giải pháp:

Thứ nhất, không ngừng tiếp tục nâng cao nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, phong cách diễn đạt nói riêng là việc làm cần thiết, quan trọng để chúng ta sống tốt hơn, cống hiến được nhiều hơn và làm gương cho học viên và quần chúng nhân dân noi theo. Bởi, có nhận thức đúng, sâu sắc, mới củng cố được niềm tin vững chắc và dẫn tới việc làm đúng đắn, khoa học của người giảng viên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Như chúng ta đã biết, giảng viên trường chính trị có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở cho tỉnh Hưng Yên nên đòi hỏi bên cạnh sự am hiểu sâu sắc lý luận, những tri thức khoa học liên quan đến chuyên môn cũng như am hiều thực tiễn thì điều đặc biệt quan trọng đó là diễn đạt như thế nào để học viên, đồng nghiệp, quần chúng dễ đọc, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng vào thực tiễn công tác… Đó là một nghề rất khó. Đã là một nghề thì đòi hỏi tính khoa học rất cao. Nên người giảng viên phải học nghiêm túc về khoa học sư phạm và rèn luyện phong cách diễn đạt theo phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ hai, Muốn rèn luyện được phong cách diễn đạt khi nói và viết cần xác định rõ và trả lời được đúng những yêu cầu mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Nói và viết cho ai; nói và viết để làm gì; Nói và viết cái gì; nói và viết như thế nào. Đây là một yêu cầu bắt buộc mà giảng viên trường chính trị phải thực hiện.

Đối tượng đọc và nghe chúng ta viết và nói chủ yếu là học viên, đồng nghiệp. Do đó chúng ta viết và nói để như thế nào để họ đọc, nghe, hiểu, vận dụng tốt, biến lý luận thành việc làm trong thực tế công tác của mình. Nội dung cần chuyển tải là Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những tri thức khoa học, những kỹ năng thực hiện nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, đơn vị…

Sau khi xác định đúng đối tượng, mục đích, nội dung việc trả lời câu hỏi nói và viết như thế nào và làm theo là một trong những trọng tâm của việc rèn luyện theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh.

Thứ ba, rèn luyện phong cách diễn đạt khi viết trong soạn giáo án, viết nội san, viết đề tài khoa học…Khi viết công trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi cần phài chuyển tải rõ mục đích, nội dung, trình bày theo logic khoa học với lập luận luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, chính xác, cụ thể, khách quan, lý luận phải gắn liền với những vấn đề thực tế cần nghiên cứu và phải có giá trị thực tiễn, dùng từ ngữ diễn đạt khoa học trong sáng…

Riêng khi viết bài cho nội san nghiên cứu trao đổi, thì cần phải rèn sao để diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, khúc chiết, trong sáng và dễ hiểu nhưng phải có hàm lượng thông tin cao. Ví dụ, với bài nội san nghiên cứu trao đổi: Giảng viên trường chính trị rèn luyện phong cách diễn đạt theo tấm gương phong cách Hồ Chí Minh. Cần xác định: Đây là bài nghiên cứu ngắn nhưng phải có giá trị thực tiễn cao, viết để cho mình, cho đồng nghiệp, cho học viên và mọi người cùng tham khảo, trao đổi kinh nghiệm, cùng học tập trong quá trình thực hiện chỉ thị 05 của BCT. Vậy nên viết ngắn ngọn, cô đọng, cụ thể, sát thực, đủ thông tin cần thiết, dễ hiểu, dễ vận dụng trong thực tiễn cuộc sống công tác; Nội dung trình bày mấy vấn đề: Lý do lựa chọn chủ đề; trình bày nhận thức của bản thân về nội dung này; các biện pháp rèn luyện, học tập cụ thể như thế nào; đưa ra kết luận khái quát ý nghĩa thực tiễn của bài viết…

Khi soạn giáo án càng cần phải rèn luyện cách diễn đạt sao cho rõ ràng chính xác, lập luận cũng phải hết sức chặt chẽ lôgic thể hiện được đầy đủ, cụ thể nội dung, lý luận gắn liền với thực tế, hết mỗi phần phải có tiểu kết chuyển phần, dùng từ ngữ diễn đạt khoa học phổ thông trong sáng, dễ hiểu…Soạn giáo án, chúng ta càng viết rõ ràng, sáng tạo, chi tiết cụ thể nhưng không rườm rà thì chúng ta lên lớp giảng bài càng tự tin và chuyển tải tốt, chất lượng cao.

Thứ tư, rèn luyện phong cách diễn đạt khi lên lớp giảng bài. Diễn thuyết như thế nào đề đi vào lòng người đối với người thầy thực sự là một khoa học đòi hỏi phải tự rèn luyện phong cách diễn đạt. Rèn luyện theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là đạt tới cách diễn đạt luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng trên cơ sở thống nhất về mục đích viết và diễn giảng tới học viên.

Giảng viên tác động tới học viên trong giờ học thông qua ngôn ngữ nói kết hợp với ngôn ngữ cơ thể (ánh mắt, nụ cười, điệu bộ, động tác…). Trong quá trình diễn giảng bằng ngôn ngữ nói phải thể hiện ngữ điệu phong phú, biến hoá, lúc bổng, khi trầm, có sự tác động của âm thanh, cường độ nói vừa phải. Nghệ thuật giảng bài là tạo sự hấp dẫn, gây ấn tượng bằng giọng nói, điệu bộ, ngôn ngữ. Giọng nói phải rõ ràng, mạch lạc, sáng sủa, ấm áp truyền cảm, thuyết phục. Hết sức tránh lối nói đều đều. Giọng nói, âm lượng thay đổi theo nội dung, nhấn mạnh vào những điểm quan trọng. Nói đủ, không dài dòng “lời ít, ý nhiều”, quá thời gian. Tư thế tự nhiên, linh hoạt, ánh mắt, nụ cười, điệu bộ, động tác phù hợp với nội dung và giọng nói có tác dụng kích thích sự chú ý của học viên. Trong một ý, một câu cần có từ, cụm từ, nội dung cần được nhấn người giảng viên diễn giảng cần thay đổi theo diễn biến nội dung, đưa số liệu cụ thể, sự kiện chính xác phù hợp để minh hoạ, nên đặt câu hỏi để tăng sự chú ý của học viên, cần biết phát huy vai trò thông tin truyền cảm của ngôn ngữ bằng cách sử dụng chính xác, đúng mức thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ chuyên ngành và ngôn ngữ bình dân. Việc sử dụng hợp lý, chính xác ý từ, hình ảnh trong kinh điển, thơ văn, ví von, so sánh, ca dao, tục ngữ, kết hợp sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, các phương tiện trực quan… Vào bài giảng cũng làm tăng tính hấp dẫn.

Có thể khẳng định trong thời gian vừa qua, đội ngũ giảng viên trường chính trị tỉnh luôn rèn luyện, tư dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tự hoàn thiện mình làm tấm gương sáng cho học viên, đồng nghiệp noi theo thực hiện lời dạy của Bác: Một tấm gương sáng có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn, tuyên truyền. Đặc biệt chúng ta cần tiếp tục học tập, rèn luyện theo phong cách diễn đạt của Chủ Tịch Hồ Chí Minh khi nói và viết trong suốt cuộc đời làm nghề giáo của mình để thực hiện tốt lời dạy của Người:“Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tuởng và lòng ước ao của quần chúng”.(HCM: toàn tập,sđd,t5, tr345)

Đàm Thị Hoài