Học tập văn hóa ứng xử của Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

22/10/2021

  • lượt xem: 626

Hồ Chí Minh – Cuộc đời và sự nghiệp; tư tưởng và phương pháp; trí tuệ và đạo đức... tất cả đều hòa quyện và hun đúc tạo nên một giá trị văn hóa ứng xử độc đáo của Người – Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh. Nét chung tạo nên tính nhất quán trong văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh chính là sự chân thành, giản dị, cách ứng xử tự nhiên, ân cần, chu đáo, khoan dung, độ lượng với mọi đối tượng mà Người giao tiếp.

Ở Hồ Chí Minh sự khoan dung, độ lượng bắt nguồn từ bản sắc văn hoá, truyền thống đại nghĩa của dân tộc và một cái tâm trong sáng và tấm lòng rộng mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên đã cảm hoá đối với cả khối óc và trái tim những người đứng bên kia trận tuyến. “Trong thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” ngày 17/9/1945, viết tại Hà Nội, Người cho rằng: "Không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hoá khoan dung”. Trong cuộc đấu trí đó, Người không có kẻ thù riêng nào, buộc tất cả các đối thủ phải kính nể, cảm phục một con người mà họ không thể khuất phục và cuối cùng họ đành phải chấp nhận là người đuối lý, thua cuộc bởi sự cao thượng, nhân ái, khoan dung, độ lượng Hồ Chí Minh. Người thường gặp gỡ, tiếp xúc từ đồng bào trong nước đến bạn bè quốc tế, từ những lãnh tụ hàng đầu của cách mạng thế giới đến những tên thực dân cáo già quỷ quyệt, tùy theo đối tượng và hoàn cảnh mà Người có cách ứng xử phù hợp.

Sự bao dung ấy còn thể hiện trong một lần khi đến thăm trại tù binh trong chiến dịch biên giới, thấy một đại úy quân y Pháp ở trần, đang run lên vì lạnh, Bác đã cởi chiếc áo đang mặc trao cho anh ta. Viên sĩ quan Pháp giơ tay nhận chiếc áo mà cảm động trào nước mắt. Hàng ngàn lá thư của tù binh Pháp đã gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, có người gọi là Bác Hồ, là cha già, họ cảm ơn, hối hận, và thức tỉnh dân tộc họ. Văn hóa ứng xử đó vừa tự nhiên, bình dị, chân thành, vừa ân cần tế nhị, được thể hiện hết sức sinh động và phong phú trong phong cách ứng xử, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.

Đối với nhân dân Việt Nam, Người rất tin tưởng quý trọng nên trong giao tiếp ứng xử, Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trân trọng nhân cách của người ta. Bởi vậy đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, văn hoá ứng xử của Người vừa ân cần, niềm nở, vừa thân ái gần gũi, khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình kịp thời, nghiêm khắc mà vẫn khoan dung, độ lượng, lay động cảm hoá lòng người cao độ.

Lòng nhân từ, đại lượng là giá đỡ cho sự bao dung. Những việc làm của Bác rất cụ thể, thiết thực, xuất phát từ tấm lòng của Người: về thăm nông dân, Bác ra tận ruộng, hỏi han và cùng tát nước, gặt lúa với bà con; Về thăm công nhân Bác xuống tận công xưởng; Bác thăm bộ đội ngay tại trận địa pháo, Bác xuống tận bếp ăn hỏi thăm bộ đội có được ăn no không, cán bộ đại đội, tiểu đoàn có cùng ăn với chiến sĩ không; Bác thăm bệnh xá, hỏi có đủ thuốc cho bộ đội không, bộ đội hay mắc bệnh gì? Có đêm, Bác đi đến từng giường các chiến sĩ trong đội bảo vệ, giắt lại màn cho từng người.

Chính nhờ sự giản dị, tế nhị, lòng nhân ái và bao dung trong phong cách ứng xử, Hồ Chí Minh đã làm cho tất cả mọi người, dù địa vị, thành phần xuất thân, mục đích hoàn cảnh gặp gỡ có khác nhau, nhưng sau khi tiếp xúc với Người, đều lay động và để lại ấn tượng sâu sắc bằng sự nể trọng, chia sẻ, tôn vinh bởi sức cảm hoá cuốn hút từ chính đạo đức, nhân cách, phép ứng xử văn hoá của Người. Hồ Chí Minh luôn tâm niệm, đã là người thì ai cũng có tình người, Người đưa ra một tổng kết từ sự trải nghiệm trực tiếp của cuộc đời mình: “Sông sâu biển rộng bao nhiêu nước cũng vừa, cái đĩa cạn, cái chén nhỏ thì chỉ cần một giọt nước cũng tràn đầy, chỉ sợ mình không có lòng bao dung nhân ái chứ không sợ người ta không theo mình”[1].

Cho nên, chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được các bậc yêu nước lão thành, những trí thức lớn rời bỏ cuộc sống vinh hoa để phục vụ đất nước. Sau một buổi tiếp xúc, Người đã mời và thuyết phục được cụ Huỳnh Thúc Kháng ra đảm nhiệm việc nước; cụ Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai Bắc Kỳ, làm Phó Thủ tướng,và một số trí thức người Việt đã thành danh ở Pháp gồm Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân,… đã cảm phục và cùng Người về nước. Giáo sư Đặng văn Ngữ, một tài năng mà người Pháp, người Nhật, người Mỹ đều muốn sử dụng, nhưng cảm phục và nghe theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1949 ông đã từ Nhật bản về nước tham gia kháng chiến.

Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh còn là sự kết hợp giáo dục bằng ngôn ngữ với thực hành bằng công việc thực tế hàng ngày và bằng sự nêu gương. Cách mạng Tháng Tám thành công, trước nạn đói - một trong 3 thứ giặc đang hoành hành, Bác Hồ vừa kêu gọi đồng bào, cán bộ tăng gia sản xuất, vừa phát động phong trào nhường cơm sẻ áo, 10 ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu giúp người đói và chính Người đã gương mẫu nghiêm túc thực hiện.

Với tất cả những điều đó chúng ta hiểu rằng chỉ có xuất phát từ tấm lòng chân thành, khiêm tốn, giản dị và nhân ái vị tha, mới giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, giữ vững được niềm tin làm chủ chính mình và hoàn cảnh để đi tới mục đích của cuộc sống.

Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, trong đó có phong cách ứng xử của Người vẫn có ý nghĩa thời sự sâu sắc. Học tập phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng cách ứng xử có văn hóa với nhân dân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan, xuất phát từ thái độ yêu thương, quý mến con người, trân trọng con người, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người để có sự ứng xử tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình.