Một vài quan điểm cơ bản của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh về quyền con người

22/10/2021

  • lượt xem: 521

Quyền con người là một trong những vấn đề có lịch sử lâu đời cả về phương diện thực tiễn cũng như lý luận, luôn là mối quan tâm của nhân loại ở mỗi thời kỳ lịch sử của nó. Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh giai cấp, cách mạng, xã hội, phản ánh quá trình nhân loại tự giải phóng mình – vấn đề nóng của cuộc đấu tranh giai cấp.

Hồ Chí Minh là một trong số rất ít người Việt Nam đã tiếp cận sớm nhất và sâu rộng nhất vấn đề quyền con người, và chính bản thân Người đã phấn đấu hy sinh suốt đời cho việc thực hiện quyền con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự kế thừa và kết tinh những giá trị tư tưởng nhân văn truyền thống của dân tộc ta và tư tưởng nhân quyền tiến bộ của nhân loại.

Vậy tư tưởng của Người về nhân quyền có những nét cơ bản gì?

Trước tiên có thể khẳng định, Hồ Chí Minh đã tiếp cận, am hiểu và sử dụng khái niệm quyền con người từ rất sớm.

Năm 1923, chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã kể lại với nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam rằng: "Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe 3 chữ Pháp: "Tự do, Bình đẳng, Bác ái".

Những năm đầu thập kỷ 1920, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu kỹ và nắm vững nội dung một văn kiện rất quan trọng về quyền con người là Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Cách mạng tư sản Pháp. Vì thế mà trong năm 1924, Người đã viết 2 bài báo tố cáo 2 viên đại diện chế độ thực dân Pháp ở 2 thuộc địa của Pháp là Việt Nam và Marốc đã trắng trợn vi phạm và chà đạp quyền con người. Thuật ngữ: "Quyền con người" trong hai bài báo này đã được Hồ Chí Minh sử dụng nhiều lần với sự am hiểu sâu sắc về nội dung tư tưởng để lên án sự giả nhân giả nghĩa, "một tội đại bất kính", "trơ trẽn tuyệt vời" đối với "bản văn thiêng liêng nhất, cao quý nhất của Đại cách mạng Pháp" là Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền.

Hồ Chí Minh đã nêu lên tư tưởng quyền con người: "Người ta sinh ra và mãi mãi tự do và bình đẳng về quyền. Các quyền ấy là: Tự do, tư hữu, an ninh và chống áp bức". Từ đó, Người đã động viên, kêu gọi những người dân nô lệ ở các xứ thuộc địa: "Để xứng đáng với quyền Con người và quyền Công dân, họ còn phải làm bổn phận của họ là những Con người và những Công dân nữa, nghĩa là phải tổ chức nhau lại và đấu tranh để giành lấy các quyền đó...".

Thứ hai, xuất phát điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là lòng yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Trong Di chúc Người viết: "Đầu tiên là công việc đối với con người". Sở dĩ như vậy vì con người có vai trò quan trọng bậc nhất trong xã hội, như có lần Người khẳng định: "... Vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả". Chữ “người” ở đây, theo Hồ Chí Minh, bao hàm cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng: "Nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỉ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quí, kính trọng, giúp đỡ... Phải thực hành chữ Bác ái".

Theo quan niệm truyền thống của dân tộc ta, Hồ Chí Minh thường nêu lên 3 yếu tố trong hoạt động xã hội là Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà. Theo Người, ba yếu tố đó đều quan trọng cả, nhưng quan trọng nhất là nhân hoà, nghĩa là mọi người đồng tâm nhất trí. Nói đến nhân hoà là nói đến con người, nói đến nhân dân. Hồ Chí Minh đã khẳng định một tư tưởng có tính triết lý sâu xa: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn dân...Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân.

Thứ ba, quyền con người ở mỗi cá nhân gắn liền với quyền thiêng liêng của cả dân tộc.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn Độc lập (1776 - Mỹ) và một câu trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền (1789 – Pháp) về quyền con người của mỗi cá nhân. Người khẳng định: "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được". Nhưng không dừng lại ở đó Hồ Chí Minh đã mở rộng và nâng cao hơn, Người long trọng tuyên bố: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Về nỗi đau của người dân nước thuộc địa, Bác đã nhiều lần đau buồn thốt lên: "Thân phận người An Nam chỉ là thân phận người nông nô". "Chúng tôi chẳng có quyền gì cả, trừ quyền đóng thuế cho "mẫu quốc" Pháp... Chúng tôi là những người bị đô hộ. Chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa...". Đặc biệt trong tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo mạnh mẽ và lên án đanh thép về những tội ác tày trời chà đạp quyền con người của thực dân Pháp và chủ nghĩa thực dân nói chung trên mọi lĩnh vực ở Việt Nam và các thuộc địa khác của chúng. Do đó, chỉ khi giành được độc lập dân tộc thì quyền dân tộc tự quyết và bình đẳng mới được thực hiện. Ngay từ những năm 1919 trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm gửi đến các nước Đồng minh thắng trận tại Hội nghị Vécxây đã thể hiện một khát vọng lớn bao trùm là: "Nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự".

Gắn quyền độc lập dân tộc thiêng liêng với tự do và quyền cơ bản của mỗi con người là một quan điểm đúng đắn, sáng tạo và là một cống hiến lớn của Hồ Chí Minh vào sự phát triển tư tưởng lý luận quyền con người.

Thứ tư, quyền con người được bảo đảm và thực thi bởi nhà nước pháp quyền tiến bộ.

Tư tưởng Nhà nước pháp quyền vì con người ở Việt Nam đã được bắt đầu từ Hồ Chí Minh. Người đã sớm nhận thức được vai trò của pháp luật trong việc ghi nhận và bảo đảm thực thi quyền con người. Từ năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam có nói tới điều 7: "Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật". Bản Yêu sách này sau đó đã được Hồ Chí Minh chuyển thể thành bài Việt Nam yêu cầu ca dưới dạng văn vần để cho mọi người Việt Nam lúc bấy giờ dễ học, dễ nhớ, dễ tuyên truyền.

Tại Đại hội quốc dân Tân Trào (8/1945), dưới sự chỉ đạo của Người, Đại hội đã thông qua một nghị quyết có ý nghĩa lịch sử, trong đó "Ban bố những quyền của dân cho dân" bao gồm các lĩnh vực cơ bản: "Nhân quyền; Tài quyền; Dân quyền. Suốt triến trình lịch sử sau này, qua các bản Hiến pháp năm 1946, 1959 đã thể hiện rất nhiều nội dung quan tâm tới nhân quyền. Ngoài 2 bản Hiến pháp nói trên, với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Hồ Chí Minh đã từng bước xây dưng hệ thống pháp luật, công bố 16 đạo luật và gần 1.300 văn bản dưới luật khác nhằm bảo đảm thực thi ngày càng có hiệu quả quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội.

Thứ năm, độc lập dân tộc gắn liền với tự do hạnh phúc của nhân dân, gắn với dân chủ và chủ nghĩa xã hội là tư tưởng tiến bộ về quyền con người phù hợp với xu thế của thời đại mới.

Sau khi nước VNDCCH được thành lập, ngày 17-10-1945, Hồ Chí Minh đã nói trong thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng: "Nếu nước có độc lâp mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Chính vì vậy, "nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" là sự "ham muốn tột bậc" của Hồ Chí Minh.

Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người thì không thể không nói đến tư tưởng dân chủ của Người. Dân chủ chính là sự thể hiện quyền con người của cá nhân và cộng đồng ở mức độ cao nhất. Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ của dân"; "Đảng ta là Đảng cầm quyền phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"; các cơ quan Đảng và Nhà nước là những "công bộc" của dân. "Đầy tớ", "công bộc" là những người phải biết và chỉ biết trung thành, tận tụy, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

Năm 1927, trong tác phẩm Đường kách mệnh Hồ Chí Minh đã kết luận: "Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mạng tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân tộc, kì thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa". Từ đó Người cho rằng, chúng ta đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm cho đến nơi, để khỏi hy sinh nhiều lần, để giao quyền cho dân chúng số nhiều, để bảo đảm cho dân chúng được hạnh phúc. Cách mạng "làm cho đến nơi" chính là cách mạng vô sản, cách mạng XHCN - con đường duy nhất để cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, bảo đảm thực hiện quyền con người.

Vương Thị Thúy

Giảng viên khoa Xây dựng Đảng