Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng nông dân

22/10/2021

  • lượt xem: 845

Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nho giáo yêu nước sống ở nông thôn vào buổi chiều hoàng hôn của chế độ phong kiến Việt Nam. Ngay từ nhỏ, Người đã gắn bó với xóm làng và người nông dân, vì vậy sớm có tình cảm và hiểu biết về người nông dân. Lớn lên, Hồ Chí Minh ra nước ngoài tìm đường cứu dân, cứu nước. Người đi khắp bốn châu lục, gặp gỡ nông dân ở nhiều nước thuộc địa và tư bản, Người càng thấu hiểu và thương xót người nông dân ở xứ mình.

Người nhận thấy rõ thực tế cuộc sống cơ cực và số phận của người nông dân Việt Nam. Thế kỷ XVIII, các triều đại phong kiến tiếp tục duy trì tổ chức công xã bằng việc hủy bỏ chế độ phong cấp ruộng đất cho đại thần và hoàng tộc, thay vào đó là ban cấp bổng lộc dưới hình thức thu tô, thuế làng xã. Suốt mấy thế kỷ bị bóc lột tô, thuế nặng nề làm cho người nông dân vô cùng khổ ải. Vì vậy, Hồ Chí Minh nhận xét “Chế độ phong kiến tức là chế độ địa chủ bóc lột nông dân. Địa chủ chiếm tư liệu sản xuất, tức là ruộng đất, nông cụ làm của riêng, nhưng họ không cày cấy. Nông dân buộc phải mướn ruộng của địa chủ, phải nộp tô cho địa chủ, lại còn phải hầu hạ và lễ lạt địa chủ. Nông dân không khác gì nô lệ, nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn, đầu tắt, mặt tối, nhưng vẫn nghèo khổ. Địa chủ thì không nhắc chân động tay, mà lại nhà cao, cửa rộng, phú quý phong lưu… Đặc điểm của chế độ phong kiến là: nông dân sản xuất một cách rời rạc, địa chủ bóc lột một cách tàn tệ. Nhà nước phong kiến là Nhà nước của giai cấp địa chủ. Nó lấy vua chúa làm trung tâm. Nó dùng mồ hôi, nước mắt của nông dân để nuôi một bầy quan lại và quân lính, áp bức bóc lột nông dân. Trải qua mấy nghìn năm, nông dân nhiều phen nổi lên chống chế độ phong kiến địa chủ, nhưng kết quả thất bại vì họ không biết tổ chức chặt chẽ. Nông dân cần có một giai cấp tiên tiến lãnh đạo - tức là giai cấp công nhân, thì mới chắc chắn được giải phóng”(1).

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, vì quyền lợi của ngai vàng, của hoàng tộc, triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã kháng cự yếu ớt, từng bước đầu hàng rồi đi đến đầu hàng hoàn toàn, biến nước Việt Nam độc lập thống nhất, có chủ quyền thành một nước thuộc địa của thực dân Pháp. Từ đây nhân dân ta, trước hết là nông dân phải sống dưới ách thống trị dã man chưa từng có. Vào năm 1924, Hồ Chí Minh nhận xét: “Người An Nam nói chung đều phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, bóc lột, tước đoạt, là phá sản”(2). “Họ bị đóng đinh câu rút bởi bốn thế lực liên hiệp là: Nhà nước, tên thực dân, Nhà thờ và tên lái buôn”(3). Ruộng đất với người nông dân như hình với bóng. Vậy mà dưới ách thống trị thực dân, người nông dân bị đủ các thế lực cướp giật ruộng đất. Người nông dân An Nam đã biến thành nông nô và buộc phải cày cấy ruộng đất của chính mình cho bọn địa chủ nước ngoài.

Còn đối với “Những người nông dân bị cướp bóc, phá sản và bị đuổi đi nơi khác lại tìm cách khai khẩn để làm ruộng. Nhưng khi đất mới vừa khai khẩn xong thì chính quyền lại chiếm lấy và buộc nông dân phải mua theo giá chính quyền định. Ai không đủ sức mua thì bị đuổi đi một cách tàn nhẫn”(4). Buộc họ phải rời bỏ quê hương vào làm thuê cho các đồn điền với đồng lương chết đói, gia đình ly tán “Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ. Anh chạy vào đất đỏ làm phu. Bán thân đổi mấy đồng xu. Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”.

Hồ Chí Minh còn chỉ ra: “Bên cạnh các thế lực phần đời ấy còn có những đấng cứu thế phần hồn nữa. Các đấng này trong khi đi truyền bá đức nghèo cho người An Nam, cũng không quên tìm cách làm giầu bằng mồ hôi và máu của người bản xứ”(4). Lịch sử cũng cho thấy: “ở đâu có cuộc nổi dậy, có khởi nghĩa thì nơi đó cha cố biến thành mật thám, nhà thờ Chúa bị biến thành nơi tra khảo”(5). Có thể thấy, “người nông dân An Nam bị hành hình bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của giáo hội sa đọa làm ô danh Chúa”(5).

Bởi vậy, “nông dân thì nghèo khổ đã sẵn, lại bị sưu cao thuế nặng. Địa chủ lấy địa tô quá nặng, cho vay cắt họng, làm cho người nông dân nhiều khi phải bán vợ đợ con. Nếu gặp hạn hán là chết đói đầy đường”(6).

Theo thống kê, địa chủ, phong kiến Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945 chỉ chiếm 2% dân số, nhưng lại chiếm tới 51% diện tích ruộng đất canh tác. Nông dân chiếm 90% dân số, nhưng chỉ có 36% diện tích ruộng đất, trong đó gần 60% số hộ hoàn toàn không có ruộng đất. Ruộng đất còn lại trong tay người nông dân là loại đất xấu, rất cằn cỗi và bọn cá mập Pháp đánh vào những mảnh ruộng đó những thứ thuế vô lý gấp trăm lần thuế đất thời phong kiến. Dưới ách cai trị của thực dân Pháp, nhân dân ta phải sống trong một xã hội nô lệ tàn bạo nhất, trong đó “quần chúng nông dân bị bóc lột nhất và cùng khổ nhất”.

Trước sự áp bức, bóc lột của thực dân, địa chủ phong kiến, trong lịch sử đã có nhiều phong trào nông dân nổ ra nhưng sớm thất bại mà nguyên nhân là do chưa có tổ chức lãnh đạo; chưa có đường lối đấu tranh chung khoa học, đúng đắn; chưa có sự đoàn kết, tập hợp nông dân lại để đấu tranh và giai cấp nông dân không có hệ tư tưởng riêng nên dễ bị lôi kéo, mua chuộc.

Trước cuộc khủng hoảng con đường giải phóng của dân tộc ở đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã tự quyết định cho mình một hướng đi mới để về giúp đồng bào. Ngày 5/6/1911, Người rời Tổ quốc thân yêu và Hồ Chí Minh đã tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lênin là: “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”(7). Người kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(7). Dân tộc Việt Nam, nông dân Việt Nam muốn được độc lập, tự do, hạnh phúc chỉ có một con đường làm cách mạng theo chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin.

Hồ Chí Minh cũng thấy rõ, để phát huy sức mạnh của nông dân phải tập hợp, đưa họ vào một tổ chức có sự lãnh đạo, đường lối đấu tranh chung, khoa học và cách mạng. Năm 1927, trong cuốn “Đường cách mệnh” Hồ Chí Minh viết: “Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng ấy, thì phải tổ chức nhau để kiếm đường giải phóng”. Từ đó, Người thành lập tổ chức của người nông dân. Người đặt tên tổ chức đó là “Nông hội”. Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, cuối năm 1926 đầu năm 1927, nhiều địa phương thành lập “Nông hội đỏ”chỉ đạo cuộc đấu tranh của nông dân đấu tranh chống thực dân, địa chủ phong kiến và tư sản, đòi quyền dân sinh, dân chủ cho nông dân.

Khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cương lĩnh đầu tiên do Hồ Chí Minh soạn thảo xác định: “Đảng chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Người cũng phân tích: vấn đề nông dân là nền tảng của vấn đề dân tộc. Và nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là vấn đề nông dân.

Ngày 14/10/1930, Nông Hội đỏ được thành lập – tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam.Từ đây, người nông dân Việt Nam có một tổ chức, đường lối cách mạng khoa học và có sự đoàn kết, tập hợp để đấu tranh mà Người sáng lập, rèn luyện, lãnh đạo là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực hiện Di chúc của Bác, làm theo lời Bác, vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân đã được đặt lên bàn nghị sự và ngày 5-8-2008, Nghị quyết số 26- NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời, đã xác định rõ “Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển”. Theo đó, một loạt vấn đề về nông nghiệp - nông thôn - nông dân đã trở thành những vấn đề thời sự, được quan tâm hàng đầu trong chủ trương, chiến lược phát triển của đất nước ta giai đoạn hiện nay.

(1)Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NxbCTQG, H.1996, tr.203-204

(2)Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, NxbCTQG, H.1995, tr.227

(3)Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, NxbCTQG, H.1995, tr 211

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, NxbCTQG, H.1995, tr 285

(5)Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, NxbCTQG, H.1995, tr 229

(6)Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, NxbCTQG, H.1995, tr 84

(7)Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, NxbCTQG, H.1995, tr. 268

ThS Trương Thị Hương Lan

Phó Trưởng khoa Dân vận