Một vài trao đổi về giảng dạy môn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị

28/12/2023

  • lượt xem: 261

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là một pho lịch sử vàng của dân tộc Việt Nam. Việc nghiên cứu và học tập môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam một cách có hệ thống và sâu sắc sẽ góp phần làm sáng tỏ kho tàng quý báu đó.

          Đặc thù của các môn lý luận chính trị nói chung, bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng là môn học mang tính chính trị, tính khoa học và tính thực tiễn sâu sắc, với mục đích là góp phần hình thành thế giới quan, phương pháp luận, củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

          Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”. Cùng với xu hướng phát triển của thời đại về các lĩnh vực khoa học - công nghệ, sự bùng nổ về thông tin, giáo dục - đào tạo trong thời gian qua có bước phát triển mới. Trong những năm gần đây, giáo dục - đào tạo nước ta có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp. Để đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực có trình độ và năng lực phục vụ sự phát triển của xã hội, việc đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những yêu cầu bức thiết hiện nay.

          Ngày 21/01/2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ra Quyết định số 292/QĐ-HVCTQG về ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở (Hệ Trung cấp lý luận chính trị). Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/5/2021 và thay thế Quyết định số 1479-QĐ/HVCTQG ngày 21/4/2014 về việc ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Chương trình Trung cấp lý luận chính trị có tổng số 13 môn học. Trong đó, môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (trước là môn “Những vấn đề cơ bản về đảng cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản sản Việt Nam”) do khoa Xây dựng Đảng đảm nhiệm giảng dạy, gồm 04 bài:

          Bài 1: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

          Bài 2: Những thành tựu chủ yếu của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay.

          Bài 3: Những bài học kinh nghiệm lãnh đạo của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

          Bài 4: Những bài học kinh nghiệm lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

          Môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị có sự thay đổi tương đối lớn về kết cấu và nội dung. Các kiến thức mang tính thông sử được rút gọn, bổ sung nội dung thành tựu và đi sâu vào kinh nghiệm. Đặc biệt, trong các bài về thành tựu và kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng Việt Nam có bổ sung thêm những nội dung mang tính lý luận. Cách tiếp cận mới trong biên soạn giáo trình sẽ giúp người học nắm bắt các kiến thức về lịch sử Đảng ở tầm khái quát, mạch lạc, vừa có chiều sâu; qua đó hình thành kỹ năng tư duy, kỹ năng phân tích, đánh giá và liên hệ thực tiễn tốt hơn. Sự thay đổi này hoàn toàn phù hợp với trình độ học viên và yêu cầu của việc dạy học lý luận chính trị hiện nay.

          Tuy nhiên, những nội dung trên cũng đặt ra cho giảng viên những yêu cầu mới về tri thức và phương pháp giảng dạy.

          Về tri thức, nội dung giáo trình môn “Những vấn đề cơ bản về đảng cộng sản và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính dành phần lớn dung lượng cho phần thông sử nên giảng viên chỉ cần nắm vững kiến thức lịch sử Đảng cũng có thể giảng dạy tốt. Tuy nhiên, giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị bổ sung nhiều nội dung lý luận, vì vậy, bên cạnh vốn tri thức thông sử, đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức lý luận vững chắc. Nếu không có nền tảng kiến thức kinh điển, bài giảng sẽ thiếu chiều sâu, dễ rơi vào tình trạng minh họa lý luận bằng những kiến thức lịch sử đơn lẻ, rời rạc. Hơn nữa nội dung cúng có phần trùng lặp giữa các bài, đòi hỏi giảng viên cần nghiên cứu, tìm hiểu cả 04 bài trong chương trình, để từ đó lựa chọn, khai thác nội dung giảng dạy phù hợp.

          Về phương pháp giảng dạy, đòi hỏi giảng viên thay đổi một cách căn bản. Ở đây, phương pháp giảng dạy không chỉ đơn thuần là việc vận dụng các phương pháp giảng dạy tích cực nhằm tạo hứng thú và nâng cao vai trò trung tâm của người học, mà còn là phương pháp, kỹ năng chuyển tải nội dung bài học của giảng viên. Nội dung chương trình mới đặt ra cho giảng viên những yêu cầu mới về phương pháp, kỹ năng giảng dạy. Cụ thể:

          Theo kết cấu giáo trình mới, toàn bộ kiến thức mang tính thông sử kể từ khi Đảng ra đời năm 1930 đến nay được rút gọn trong 01 bài (12 tiết) - trước gồm 06 bài (28 tiết). Việc này đặt ra thách thức lớn cho giảng viên trong việc cân bằng giữa thời gian phân phối với khối lượng kiến thức tương đối lớn của bài học. Giảng viên cần có kỹ năng khái quát, tổng hợp tốt, giúp cho học viên nắm được kiến thức lịch sử Đáng một cách đầy đủ và hệ thống. Ở đây cần lưu ý, việc rút ngắn thời lượng và nội dung thông sử không có nghĩa là cắt bỏ một cách cơ học, mà vẫn phải đảm bảo sự liên kết, tính liền mạch của khối kiến thức. Vì vậy, giảng viên cần dẫn dắt bài học theo logic vận động của lịch sử; đồng thời chắt lọc những kiến thức trọng tâm; tập trung phân tích, làm rõ các chủ trương, đường lối để học viên thấy rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.

          Bên cạnh đó, giảng viên cần có kỹ năng phân tích, đánh giá, phản biện tốt. Đây là những kỹ năng giảng dạy rất cần thiết nhằm giúp học viên nhận thức đúng đắn về giá trị của các thành tựu cách mạng; sự khác nhau giữa kết quả và thành tựu cũng như tính đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt trong chủ trương, đường lối của Đảng. Bằng lập luận chặt chẽ, logic trên từng luận điểm, giảng viên không chỉ giúp học viên nâng cao nhận thức chính trị, chủ động trong nhận diện luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, mà còn trang bị cho học viên kỹ năng, phương pháp luận trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây cũng chính là mục tiêu một trong những mục tiêu cần hướng đến trong công tác giảng dạy lý luận chính trị hiện nay.

          Kết cấu nội dung giáo trình mới cũng đặt ra thách thức cho giảng viên trong việc xác định phương pháp tiếp cận và triển khai bài giảng. Để làm rõ thành tựu và các bài học kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng trong bài 2, 3, 4, giảng viên cần sử dụng kiến thức của bài 1. Nếu không có phương pháp tiếp cận phù hợp, học viên sẽ có cảm giác nội dung các bài lặp đi lặp lại, gây khó khăn cho việc tiếp thu bài giảng. Vì vậy, giảng viên cần xác định rõ, trong tổng thể môn học, về cơ bản bài 1 cung cấp kiến thức thông sử ở mức độ nhận biết, giúp học viên nắm được tiến trình lịch sử Đảng và các chủ trương, đường lối của Đảng. Bài 2, 3, 4 cung cấp những kiến thức ở mức độ cao hơn, giúp thông hiểu, phân tích, tổng hợp, đánh giá - tức học viên có thể diễn giải các khái niệm liên quan; vận dụng kiến thức để giải thích, so sánh, chứng minh, tranh luận, khái quát hóa… các vấn đề về lịch sử Đảng. Với sự phân chia tương đối đó, giảng viên sẽ chủ động “ước lượng” mức độ nông - sâu; hướng liên hệ, mở rộng của từng nội dung bài học.

          Như vậy, Chương trình Trung cấp lý luận chính trị có sự thay đổi tích cực trong cách tiếp cận biên soạn giáo trình nhằm đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục lý luận chính trị và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên hiện nay. Đối với môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thay đổi lớn về kết cấu, nội dung đặt ra những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi giảng viên phải có vốn kiến thức sâu rộng, có phương pháp giảng dạy linh hoạt. Vì vậy, giảng dạy tốt chương trình mới cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, hơn hết là khẳng định được “tầm” của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.

Vương Thị Thúy