Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc lan tỏa thông tin tích cực

26/09/2023

  • lượt xem: 313

Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của các mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường, các lực lượng thù địch tăng cường nhiều phương thức, thủ đoạn mới để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Trong đó, chúng đã lập hàng nghìn trang web, hàng trăm loại báo chí, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước,… để xuyên tạc nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng ta. Qua đó, chúng phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong các cuộc chiến tranh đã qua và trong công cuộc đổi mới. Trong quản lý xã hội, những sơ hở thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong dân tộc, tôn giáo nhằm kích động, lôi kéo các tầng lớp Nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội, nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, ngày 22/10/2018 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên để góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong là thực hiện lan tỏa những thông tin tích cực, những gương người tốt, việc tốt…  với phương châm: “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.

Hầu hết chúng ta nghe và nói rất nhiều về việc lan tỏa thông tin tích cực, nhưng thế nào là thông tin tích cực hay trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong vấn đề này như thế nào thì không phải ai cũng hiểu rõ.

Trên thực tế, trước khi đặt ra vấn đề trách nhiệm của mình thì các cán bộ, đảng viên trong vai trò của một công dân cũng luôn quan tâm đến việc lan tỏa thông tin để góp phần làm cho cuộc sống xã hội tốt đẹp hơn.

* Thế nào là thông tin tích cực?

- Hiểu một cách phổ biến, thông tin tích cực là thông tin đúng đắn, chính xác về một sự việc, một nhân vật, một mô hình, một giải pháp hay, có ý nghĩa, có giá trị.

Thông tin đó có thể gieo cho người đọc những nhận thức, tình cảm tốt đẹp, có thể thúc đẩy người tiếp nhận có suy nghĩ tích cực, từ đó có hành vi tích cực, cung cấp cho người đọc những kiến thức, nhận thức đúng đắn, phù hợp, có ý nghĩa thiết thực…

 Ví dụ: Ổ bánh mì Hạnh Phúc của thầy, cô giáo tặng em nhỏ học sinh người dân tộc Bana ở trường Tiểu học & THCS Đinh Núp ở “Hốc Pờ Tó” xã Pờ Tó, Huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Ổ bánh mì chỉ có 3000 đồng (Không phải những ổ bánh mì kẹp thịt, xúc xích, hay trứng mà là những ổ bánh mì “không người lái”) lại là niềm vui mỗi ngày, là cái cầu bắc qua cho các em gần hơn con chữ.

Hay câu chuyện về một em bị ung thư hạch khi bố mẹ đã cao tuổi, bố lên Hà Nội chạy xe ôm ở cổng bệnh viện vừa để kiếm tiền chữa bệnh, vừa để chăm sóc cho em. Biết được hoàn cảnh của em tập thể y, bác sĩ đã góp tiền tặng em một khoản chi phí để khám chữa bệnh; một chị điều dưỡng đã mang toàn bộ số tiền nhận được từ danh hiệu “chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” tặng lại em để chữa bệnh…

Câu chuyện như vậy hẳn sẽ thúc đẩy suy nghĩ tốt đẹp, lương thiện trong hầu hết người tiếp nhận.

- Có khi, đó là thông tin xác định rõ một vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau hoặc bác bỏ một thông tin sai trái đang được lưu truyền, hoặc là thông tin giải đáp được thắc mắc, nghi vấn của nhiều người về một vấn đề nào đó.

- Do đó, nhìn rộng ra, thông tin tích cực chính là các thông tin giúp củng cố lòng tin đối với tổ chức, cá nhân, dư luận xã hội…

* Chọn thông tin tích cực để lan tỏa.

- Mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm trong việc chia sẻ thông tin tích cực, cả ở khía cạnh phải chọn thông tin phù hợp và thường xuyên thực hiện việc lan tỏa các thông tin đó. Mỗi người trước khi chia sẻ phải tư duy phản biện, thẩm định, đánh giá, phân tích, đối chiếu, so sánh…

- khi tiếp nhận thông tin. Không phải thông tin nào được lan truyền rộng rãi, được nhiều người đọc và chia sẻ cũng là thông tin chính xác, đúng đắn.

Do đó, cần thiết phải tìm cách khẳng định tính xác thực của thông tin chứ không dễ dàng tin theo và làm lan tỏa thông tin đó khi chưa biết rõ mức độ tin cậy của thông tin. Tuyệt đối không nên xác tín theo cách “thông tin do mạng A nói”, “do ông X trên mạng B nói”… mà phải căn cứ trên những nguồn thông tin chính thức, chính thống.

- Đồng thời, phải chú ý chọn thông tin nào mà mình tin là đúng, cảm nhận được cái hay, cái đẹp, bản thân được truyền cảm hứng. Mỗi người phải luôn ý thức rằng thông tin của mình sẽ có người đọc và ít nhiều chịu tác động, nên chọn thông tin tốt nhất, hay nhất, có ích nhất, ý nghĩa nhất.

- Không chỉ vậy, là cán bộ, đảng viên còn phải luôn nghĩ đến liệu thông tin có gây hiểu lầm hoặc thúc đẩy ai đó nhận thức sai lệch không , nếu cảm thấy có thì không chia sẻ.

* Gợi ý cách lan tỏa thông tin tích cực

- Mỗi cán bộ, đảng viên có thể sử dụng tài khoản mạng xã hội hoặc trang mạng internet cá nhân của mình để chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho người khác, cho xã hội và đất nước. Điều này hiện có thể được thực hiện dễ dàng bởi hầu hết chúng ta đều có ít nhất một tài khoản mạng xã hội; một số người còn có nhiều tài khoản đồng thời ở facebook, instagram, zalo, twitter…

- Chúng ta cũng có thể đăng trên các trang diễn đàn (trên mạng internet hoặc các nền tảng mạng xã hội), trang cộng đồng (fanpage), nhóm (group)… những thông tin mà mình có căn cứ xác thực cho là đúng đắn, chính xác để có độ lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn. Chẳng hạn, khi có căn cứ bác bỏ một thông tin chưa đúng, chúng ta có thể đưa thông tin đó vào các trang, nhóm có đông người theo dõi để tạo sự lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn.

- Trong điều kiện của mình, mỗi cán bộ, đảng viên nên tuyên truyền, động viên để nhiều người khác hiểu rõ và thực hiện các quy chuẩn, quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội. Với các cơ quan có quy chuẩn thì nên khuyến khích mọi người thực hiện theo quy chuẩn đó, hoặc gợi ý mọi người những cách thức sử dụng đúng pháp luật, văn minh, tiến bộ, hợp lý bằng các hình thức dễ hiểu, dễ thực hiện.

- Trên trang mạng xã hội của mình, mỗi cán bộ, đảng viên nên tích cực kêu gọi, động viên mọi người chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách, các cuộc vận động, nhất là các nội dung có tính thời sự, đang cần sự tham gia của đông đảo người dân, các vấn đề đang có ý kiến khác nhau…

Đồng thời, tích cực giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, thông tin tốt, có ích về địa phương, cơ quan, đơn vị, và đất nước…,làm lan tỏa những gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn…

- Việc góp phần lan tỏa những thông tin tốt, hình ảnh đẹp, câu chuyện hay đó không chỉ giúp người khác thưởng lãm mà còn có thể tác động đến suy nghĩ, tình cảm, hành động của họ, từ đó có thêm những hành động tích cực khác.

- Sau cùng, chúng ta nên luôn gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn, đăng tải hình ảnh, chia sẻ thông tin… trên mạng internet và mạng xã hội. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên nên luôn ý thức rằng mỗi thông tin, mỗi status mình đưa lên “có ích gì cho ai không”, chứ không phải nghĩ đến câu hỏi “có hại gì cho ai không”. Bởi trách nhiệm của chúng ta là đồng thời phải làm lan tỏa thông tin tích cực và tìm cách hạn chế, đẩy lùi các thông tin tiêu cực, thông tin xấu độc./.

Ths. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa XDĐ