Đánh giá đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận Chính trị tại Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh thông qua Thao giảng, Hội giảng giảng viên dạy giỏi lý luận chính trị

12/04/2024

  • lượt xem: 92

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của trường chính trị Nguyễn Văn Linh luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm.

Có nhiều cách thức nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, một trong những cách làm đem lại hiệu quả cao và có sức lan tỏa rộng rãi là việc nhà trường tổ chức hội giảng giảng viên dạy giỏi lý luận chính trị cấp trường hàng năm. Đây được xem là cách thức rèn luyện, bồi dưỡng, đánh giá giảng viên giảng dạy lý luận chính trị đảm bảo khách quan, sâu sắc.

Thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm Ban giám hiệu nhà trường cụ thể hóa bằng các kế hoạch của mình chỉ đạo thực hiên kế hoạch tổ chức Thao giảng cấp khoa, Hội giảng cấp trường giảng viên dạy giỏi lý luận chính trị, là dịp để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn trường, tạo sự chuyển biến về chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị của nhà trường trau rồi kiến thức, được cọ xát, học hỏi kinh nghiệm trong công tác giảng dạy lý luận chính trị, góp phần nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng giảng dạy của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.

Trên cơ sở, kết quả đánh giá của việc tổ chức thực hiện thao giảng ở các khoa, các đơn vị lựa chọn cử giảng viên tham gia Hội giảng cấp trường, các giảng viên tham gia hội giảng thực hiện một nội dung của bài học trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn theo quy định. Hội giảng cấp trường gồm 2 phần chính bao gồm: Chấm soạn giáo án bài giảng; thực giảng tại lớp học giả định theo quy định của Học viện. Kết quả hội giảng là điểm trung bình cộng của 2 phần tham gia. Căn cứ kết quả đạt được của từng giảng viên Ban giám khảo sẽ chọn ra giảng viên đạt loại Xuất sắc, giỏi, khá, trung bình.

Thông qua hội giảng cấp trường hàng năm có thể khái quát một số kết quả đạt được như: Hội giảng ngày càng được đổi mới, như là các quy định của hội giảng, thể thức chấm  giáo án, chấm thi giảng bài qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm thông qua tổ chức hội giảng.

Số lượng và chất lượng giảng viên tham gia hội giảng ngày càng được nâng cao. Công tác tổ chức hội giảng được đổi mới và ngày càng bài bản, khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các phòng tham mưu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hội giảng cấp trường còn một số tồn tại hạn chế việc triển khai kế hoạch tổ chức hội giảng của nhà trường giữa các khoa, phòng còn bị động, do đó, không đảm bảo số lượng giảng viên tham gia thao giảng theo quy định để rèn luyện về chuyên môn, rèn luyện kỹ năng giảng dạy.

Một số đơn vị khoa, phòng của nhà trường chưa tổ chức tốt công tác thao giảng cấp đơn vị để sàng lọc giảng viên tham gia hội giảng cấp trường. Có đơn vị với tâm lý cử luân phiên giảng viên tham gia hoặc ưu tiên cho những giảng viên đã có nhiều năm kinh nghiệm tham dự để đạt thành tích cho đơn vị, đôi khi, việc tổ chức đánh giá thao giảng ở đơn vị khoa còn tiến hành qua loa, hình thức, dẫn đến kết quả hội giảng chưa đạt được như kỳ vọng.

Hội giảng giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cấp trường hàng năm có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để lựa chọn giảng viên đi dự thi giảng viên dạy giỏi lý luận chính trị toàn quốc do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ba năm một lần thông qua thao giảng, hội giảng của nhà trường còn là dịp để các giảng viên, đảng viên hoạt động thiết thực công tác tuyên truyền thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, khắc phục tình trạng lười học, ngại học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay. Qua đó, cũng là dịp để đánh giá đúng chất lượng của đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, tiếp tục đưa ra các giải pháp phù hợp, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị của nhà trường hiện nay đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn./.

Chu Đức Nghĩa