Những hạn chế, khó khăn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng ở các trường chính trị hiện nay

22/10/2021

  • lượt xem: 1548

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị còn một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế; trong đó có cả những tác động của yếu tố khách quan và chủ quan. Đó là:

Thứ nhất, chương trình đào tạo Trung cấp LLCT, TCLLCT-HC chậm được đổi mới và cập nhật những kiến thức mới, chủ trương, đường lối, chính sách mới trên nhiều lĩnh vực. Giảng viên tự cập nhật lại tùy thuộc vào trách nhiệm, trình độ, năng lực của mỗi người nên không bảo đảm sự thống nhất về kiến thức chung trong cả nước. Hiện nay có bài trong chương trình phải thay đổi, cập nhật từ 30 đến 40 % kiến thức.

Các chương trình bồi dưỡng theo chức danh do Bộ Nội vụ biên soạn quá chậm, các chương trình bồi dưỡng khác còn thiếu. Vì vậy, nội dung một số lớp bồi dưỡng mở tại trường chủ yếu do nhà trường phối hợp với các đơn vị liên quan chọn và biên soạn theo yêu cầu công việc phối hợp liên kết với các đơn vị khác mở lớp.

Thứ hai, về phương pháp giảng dạy trong nhà trường vẫn còn nặng về thuyết trình, chưa áp dụng một cách thực sự hiệu quả phương pháp giảng tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên. Một số giảng viên chưa biết cách tổ chức thảo luận cho thật sự hiệu quả, chưa đưa ra được những bài tập tình huống về kỹ năng lãnh đạo, quản lý phù hợp với yêu cầu hiện nay. Trong khi đó, nhiều học viên còn rất thụ động trong quá trình lên lớp cũng như thảo luận. Một số học viên chưa xác định đúng động cơ, mục đích học tập, có biểu hiện học để đủ điều kiện đề bạt, bổ nhiệm; học cho có bằng cấp để chuyển ngạch, lên lương. Điều đó cũng tác động không nhỏ đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.

Thứ ba, đội ngũ giảng viên nhà trường - lực lượng quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thiếu về số lượng, đa số còn trẻ, hạn chế về kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy…còn khoảng 50% giảng viên trẻ chưa được đào tạo về Cao cấp LLCT. Một số giảng viên chưa thật sự chuyên tâm, tận tụy, trách nhiệm đầu tư cho nghiên cứu, soạn giáo án và rèn luyện kỹ năng, phương pháp sư phạm; chưa thường xuyên cập nhật kiến thức thực tiễn, đường lối, chính sách mới, chủ trương mới vào bài giảng.

Thứ tư, hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên để bổ trợ kiến thức cho bài giảng, góp phần tổng kết thực tiễn và giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương. Điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị phải không ngừng nâng cao nhận thức về trách nhiệm của bản thân đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, không ngừng nâng cao chất lượng đề tài nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào bài giảng.Tuy nhiên, việc tham gia của giảng viên chưa đồng đều, chất lượng nghiên cứu khoa học còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ năm, về hình thức đào tạo, bồi dưỡng, do yêu cầu của nhiều huyện, thị, Đảng ủy trực thuộc, nhà trường mở nhiều lớp hệ không tập trung đặt tại các địa phương, đơn vị; số lớp đào tạo tập trung tại Trường còn ít (thậm chí không có). Do đó, việc quản lý quá trình học tập của học viên gặp nhiều khó khăn, ở một số nơi chưa có biện pháp phối hợp quản lý tích cực, hiệu quả nên ảnh hưởng không nhỏ đến cả chất lượng dạy và chất lượng học.

Thứ sáu, về chế độ, chính sách đối với cán bộ, giảng viên Trường chính trị tỉnh, thành phố chưa thỏa đáng, còn nhiều vướng mắc và bất hợp lý do các quy định của Trung ương và Chính phủ dẫn đến tình trạng: Phụ cấp ưu đãi ngành 45% không còn đúng với ý nghĩa ưu đãi; bộ phận cán bộ, nhân viên ở các phòng của Trường Chính trị ngoài phần hỗ trợ của nhà trường không có bất cứ một chế độ nào khác trong khi vẫn phải thực hiện mọi nhiệm vụ như một công chức bình thường ở các cơ quan khác. Cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường chưa thật sự yên tâm và tự bươn chải, tự lo thêm cuộc sống phần nào cũng chi phối đến hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập vừa thiếu, vừa lạc hậu, xuống cấp, thư viện nhà trường chưa được đầu tư tương xứng.

Thứ bảy, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan có lúc, có nơi, có việc thiếu chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất; còn chồng chéo do chưa phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Việc phối hợp trong công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm vừa chậm, vừa chưa đồng bộ và thống nhất dẫn đến bị động trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cũng như chất lượng công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Một số cơ quan, đơn vị có cán bộ đi học chưa kết hợp chặt chẽ với nhà trường trong quản lý học viên.

Thứ tám, về tổ chức bộ máy: Các tổ chức đoàn thể, Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ nữ công trong chừng mực nào đó còn mang nặng tính cơ cấu, đảm bảo hài hoà ở các cơ sở do vậy một số cán bộ chủ chốt chưa thực sự đủ năng lực và sự tín nhiệm cao phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo và quản lý trong Nhà trường.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và hạn chế yếu kém nêu trên; đề án tập trung đề xuất giải pháp vào các vấn đề sau:

- Về phương pháp giảng dạy: làm rõ những yêu cầu và biện pháp đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo hướng: Áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, phát huy vai trò của người thầy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên, gắn lý luận với thực tiễn, học với hành.

Về xây dựng nguồn nhân lực: Việc xây dựng đội ngũ giảng viên cần có những giải pháp gì để xây dựng đội ngũ giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phong cách đạo đức cách mạng trong sáng, có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, có kiến thức thực tiễn và có kỹ năng, phương pháp giảng dạy tốt. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên các phòng, khoa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

- Quản lý đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường: Đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện các quy chế, quy định; các hình thức mở lớp, cách thức quản lý giảng viên và học viên trong quá trình giảng dạy và học tập để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

- Công tác phối hợp: Đánh giá, đề xuất các giải pháp tăng cường công tác phối hợp giữa Trường Chính trị tỉnh với các cấp, các ngành trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, sẽ khắc phục tốt những hạn chế, khuyết điểm đang tồn tại nêu trên, đồng thời sẽ là động lực, cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị cấp tỉnh trong cả nước. Góp phần nâng cao vị thế của trường chính trị cấp tỉnh đúng nghĩa của nó.

Trần Sông Thương

Phó trưởng Phòng Đào tạo