Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) vừa đồng loạt trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga trong một diễn biến mới nhất cho thấy những căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Moscow và các nước phương Tây liên quan tới vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh cách đây hơn 3 tuần.
Đại sứ quán Nga tại Washington, Mỹ. (Ảnh: TASS)
Phát
biểu trong một cuộc họp báo đặc biệt ngày 26/3, một quan chức của Mỹ
cho biết, các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Mỹ bao gồm 48 nhân
viên Lãnh sự quán Nga tại Seattle và 12 người làm việc tại phái bộ
thường trực của Nga tại Liên hợp quốc. Chính quyền Mỹ hiện đang cáo buộc
những nhân viên này của Nga tại Liên hợp quốc đã lạm dụng "đặc quyền
đặc lợi" theo một thỏa thuận của Liên hợp quốc để có những hành vi khiêu
khích trên lãnh thổ Mỹ. Những quan chức ngoại giao Nga thuộc diện bị
trục xuất sẽ có 1 tuần để rời khỏi Mỹ
Trong
khi đó, một tuyên bố của Nhà Trắng cũng cho biết, Lãnh sự quán Nga tại
Seattle đã bị đóng cửa do “nằm gần” với một trong những căn cứ tàu ngầm
của Mỹ và hãng Boeing.
Tuyên
bố trên nêu rõ: “Mỹ đưa ra hành động này dựa trên cơ sở phối hợp với
các nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và
các đối tác trên toàn thế giới, nhằm phản ứng trước việc Nga đã sử dụng
vũ khí hóa học cấp độ quân sự trên lãnh thổ Anh…
Cùng
với Mỹ, một số nước thành viên của EU gồm: Đức, Pháp và Ba Lan đã đưa
ra những động thái tương tự khi mỗi nước đã quyết định trục xuất 4 nhà
ngoại giao Nga liên quan tới những lý do tình báo. Cộng hòa Séc và Litva
cho biết sẽ trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga. Trong khi đó, Đan Mạch,
Italy và Hà Lan – mỗi nước tuyên bố trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga.
Ukraine – một nước không nằm trong khối EU cũng tuyên bố trục xuất 13
nhà ngoại giao Nga còn Canada cho biết sẽ đưa ra hành động tương tự đối
với 4 nhà ngoại giao Nga tại nước này.
Trong
một phản ứng mới nhất, Nga tuyên bố sẽ đưa ra động thái đáp trả “tương
xứng” với từng nước một và sẽ thông báo về vấn đề này trong vài ngày
tới. Cho tới nay, chính quyền Moscow đã nhiều lần bác bỏ vai trò liên
quan trong vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Skripal, đồng thời khẳng
định rằng, Anh vẫn chưa đưa ra một bằng chứng đơn lẻ nào cho thấy Nga
đứng đằng sau vụ việc.
Ngày
4/3, cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal (66 tuổi) và cô con gái
Yulia Skripal (33 tuổi) đã được phát hiện trong trạng thái bất tỉnh trên
ghế băng bên ngoài một trung tâm mua sắm ở thành phố Salisbury thuộc
miền Nam nước Anh.
Trong
một tuyên bố liên quan đưa ra ngày 14/3, Thủ tướng Anh Theresa May cáo
buộc Nga đã “sử dụng vũ lực phi pháp” nhằm chống lại nước Anh. Thủ tướng
Anh cho rằng, có thể Moscow đã “mất kiểm soát đối với lượng độc tố dự
trữ được sử dụng trong vụ tấn công nhằm vào bố con cựu điệp viên
Skripal”. Cụ thể, nhà lãnh đạo này nhận định hai bố con cựu điệp viên
Skripal đã bị đầu độc bởi chất gây độc thần kinh thuộc nhóm hóa chất
Novichok được phát triển dưới thời Liên bang Xô viết.
Bà
May quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và tuyên bố các quan
chức Anh sẽ vắng mặt trong trận chung kết giải vô địch bóng đá thế giới
2018 dự kiến diễn ra tại sân vận động Luzhniki ở thủ đô Moscow. Ngoài
ra, Thủ tướng May tuyên bố lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thực
hiện chuyến thăm đáp lễ sang Anh cũng bị rút lại, đồng thời mọi cuộc
tiếp xúc cấp cao đã được lên kế hoạch giữa hai nước cũng bị tạm gác lại.
Ngay
lập tức, Nga đã đưa ra hành động “ăn miếng trả miếng” khi trục xuất 23
nhà ngoại giao Anh về nước, đồng thời đóng cửa Tổng lãnh sự quán Anh tại
St.Petersburg và Hội đồng Anh tại nước này. Chưa dừng lại ở đó, Nga
cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa tiếp theo nếu như còn có thêm
các hành động “thù địch” nhằm chống lại Moscow./.
Nguồn: dangcongsan.vn