Mùa hè năm 1965, chúng tôi tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chưa bao giờ cuộc đời lại vui và đẹp như những ngày đó. Vẫn căn phòng và cái giường sinh viên chúng tôi đã ở, đã nằm mấy năm trời, nhưng từ giờ không còn sinh viên nữa, mà sắp thành cán bộ nhà nước ở cương vị mà bao người thèm muốn.
Chả
là trường Tổng hợp Hà Nội là trường đại học danh giá nhất của Miền Bắc,
học sinh giỏi nhất các vùng mới dám thi vào, và khi ra trường, nói theo
ngôn ngữ ngày nay, cung bao giờ cũng quá ít so với cầu. Dạo đó, tốt
nghiệp khoa Toán Tổng hợp là của hiếm, nên cán bộ tổ chức của các trường
đại học, của viện Toán, trực tiêp đến tận kí túc xá gặp chúng tôi để
thuyết phục, có khi như năn nỉ để xin về giảng dạy ở trường hoặc nghiên
cứu ở cơ quan của họ. Có ngày mỗi người chúng tôi phải tiếp đến ba, bốn
cán bộ tổ chức của các trường đại học khác nhau, người nào cũng tha
thiết mong chờ một cái gật đầu của các “tân cử nhân”. Chưa bao giờ chúng
tôi cảm thấy mình “có giá” đến thế. Mặc dù vẫn tiếp tục ăn cơm bếp sinh
viên, nhưng ý nghĩ của những chàng trai mới ngoài hai mươi tuổi này đã
vượt xa kí túc xá, bay bổng về trường nọ, viện kia, khi mình là cán bộ
giảng dạy hoặc nghiên cứu. Nhưng sự thật không diễn ra như dự định. Nhà
trường có chỉ thị mới: Dừng lại việc phân công công tác, tạm thời không
tiếp cán bộ tổ chức các nơi về trường liên hệ việc xin cán bộ, tất cả
các sinh viên vừa tốt nghiệp đều đi khám sức khoẻ để nhập ngũ! Chốc lát
không khí chùng xuống. Không phải thất vọng, nhưng trái với những dự
định. Tuổi trẻ vốn xa lạ với sự yên ắng, nên chỉ mấy tiếng đồng hồ sau
lại râm ran, sôi nổi tranh luận nhưng chủ đề không phải các trường đại
học, các viện nghiên cứu mà là chiến cuộc. Từ đầu năm 1965, cuộc chiến
tranh phá hoại của giặc Mĩ đã lan ra Miền Bắc, máy bay chúng không chỉ
đánh phá vùng Vĩnh Linh, Quảng Bình mà ra tận Nghệ An, Thanh Hoá. Ở Miền
Nam, Mĩ ồ ạt đổ quân vào, thực hiện cuộc chiến tranh đặc biệt. Không
một chút đắn đo, cả lớp hăm hở đi khám sức khoẻ, và cảm thấy tò mò, sung
sướng khi biết nơi tuyển dụng chúng tôi là một đơn vị đặc biệt của quân
đội, cần các nhà khoa học hoặc những người giỏi toán để thực thi một
nhiệm vụ quan trọng và hết sức bí mật phục vụ cuộc kháng chiến chống Mĩ
cứu nước. Lớp tôi có 75 sinh viên vừa tốt nghiệp, lớp khá đông vì cả
khoá chỉ có một lớp, kết quả chọn được hơn ba mươi người nhập ngũ. Sau
này tôi mới biết rằng, hầu hết những người không trúng tuyển là do lí
lịch “có vấn đề”, chứ không phải vì sức khoẻ yếu như lí do đã được nêu
ra.
Ngày
15 tháng 11 năm 1965, những người trúng tuyển có lệnh lên đường. Đó là
một buổi sáng, không nắng, không mưa, trời se se lạnh. Chúng tôi tập
trung tại Cơ sở I của trường, 19 Lê Thánh Tông. Trước khi giao quân,
Giáo sư Nguỵ Như Kontum, Hiệu trưởng trường tiếp và nói chuyện ở giảng
đường tầng hai. Tôi nhớ hai ý chính là, chiến tranh bây giờ rất cần
những người tinh thông khoa học kĩ thuật, nên chúng tôi, những người
giỏi toán, vào bộ đội là rất đúng chỗ. Thứ hai, đây là điều động vào
phục vụ trong quân đội, chứ không phải đi nghĩa vụ quân sự. Tôi nhớ, số
bạn học không trúng tuyển tiễn chúng tôi cùng có mặt hôm đó, đứa nào
cũng thấy chúng tôi thật may mắn.
Khoảng
mười giờ sáng tiến hành cuộc giao quân giữa trường Đại học Tổng hợp và
Quân đội. Lúc đó chỉ biết phía đón chúng tôi là Quân đội chứ không rõ
một quân, binh chủng cụ thể nào. Hơn ba chục tân binh xếp thành hàng hai
trên sân xi măng, thầy hiệu trưởng nói lời bàn giao, và thầy không quên
nhấn mạnh đây là những sinh viên ưu tú vừa tốt nghiệp của trường gửi
vào Quân đội. Đại diện Quân đội là một người mặc quân phục mùa đông đã
hơi nhạt màu, không mang quân hàm, người thấp đậm, da hồng hào, trán
cao… bước từng bước chững chạc ra đón chúng tôi. Sau khi nói lời tiếp
nhận với Giáo sư Hiệu trưởng, ông quay về phía chúng tôi, dõng dạc hô:
“Tất cả… Nghiêm… Bên phải quay… Đi thường bước!”. Mặc dù thời sinh viên
cũng có tập đội ngũ, nhưng sau các khẩu lệnh đó, chúng tôi thực hiện khá
lộn xộn. Khi nghe khẩu lệnh “Đi thường bước”, tôi cứ nghĩ ông cho đi
vòng quanh sân trường để xem đội ngũ ra sao, nhưng không phải thế, vì
ông dẫn chúng tôi đi ra phía cổng trường. Bạn bè đưa tiễn lúc đầu chỉ
đứng nhìn, sau đó thấy chúng tôi đi ra đường Lý Thường Kiệt, mới biết là
đi thật, nên nhiều đứa chạy đi theo. Cái may là lúc đó chúng tôi vẫn
mặc thường phục, ông chỉ huy thì đi trước dẫn đường, nên rất đông bạn bè
đi tiễn nhập vào đội ngũ, ông cũng chẳng phân biệt được ai là tân binh,
ai là người đưa tiễn. Dọc đường chúng tôi rì rầm nói chuyện với nhau,
thỉnh thoảng ông chỉ huy lùi lại nhắc nhở rằng khi đi trong hàng ngũ
không được nói chuyện. Nhưng khi ông đi lên phía trước, chúng tôi lại rì
rầm, rì rầm. Nội dung chủ yếu những lời rì rầm đó là hỏi nhau đang đi
về đâu, một câu hỏi không có lời giải đáp. Còn câu hỏi thứ hai cũng
không có lời giải đáp là ông ấy cấp gì. Chúng tôi đoán già, đoán non là
cấp tướng, vì có cấp tướng thì vị thế của người nhận quân mới tương xứng
với người giao quân là Giáo sư Hiệu trưởng của trường, hơn nữa trông
màu da đỏ đắn thế kia, không phải cấp tướng làm gì có được!
Niềm vui của chiến sĩ hậu cần - Ảnh: Thành Duy
Đi
đến cuối đường Lý Thường Kiệt, rẽ trái theo đường Nam Bộ, cả đoàn cứ
tưởng vào ga Hàng Cỏ để lên tàu nhưng không rẽ vào ga mà đi thẳng, đến
đường Khâm Thiên mới rẽ phải. Đi đâu nhỉ? Có người đoán là ông ta cho đi
bộ một vòng để loại đi những đứa yếu sức khoẻ, sau đó mới cho số còn
lại lên xe ô tô chở về đơn vị. Cái phỏng đoán vô căn cứ đó không ngờ có
tác dụng, vì từ đó đứa nào cũng muốn tỏ ra mình là người sung sức nên
bước thật mạnh, những bước chân kiểu bộ đội mà cả thời sinh viên chúng
tôi không bao giờ có. Khi qua Ô Chợ Dừa, tiến vào Đê La Thành, tôi thấy
chân mỏi lắm rồi. Mặt khác, dép cao su bị tuột mất một quai, nhưng tôi
không dám tụt lại sau, cố bước cho thật hiên ngang. Tôi nhớ khi đi trên
Đê La Thành được chừng nửa cây số, Hoàng Phong Oanh, một sinh viên đưa
tiễn, hỏi trống không:
- Có… Ban Cơ đi không?
Ai
cũng ngạc nhiên vì câu hỏi lạ lùng đó. Lớp Toán chúng tôi có nhiều ban,
ví như Ban Xác suất, Ban Vận trù, Ban Đại số, Ban Cơ… và số sinh viên
trúng tuyển nhập ngũ lần này không hề phân biệt ban nào cả. Sau hỏi lại
mới biết ý của Oanh muốn hỏi là có “mang bàn cờ tướng đi không”, nhưng
vì cậu ta quê ở Sơn Tây, lại đi bộ quá mệt nên đã đánh rơi mất chữ
“mang” và cả hai dấu huyền, biến bàn cờ thành Ban Cơ! Đi càng lâu đội
ngũ càng rời rạc, không ra hàng đôi cũng không thành hàng một. Khi đến
đường Nguyễn Chí Thanh ngày nay, lúc đó là con đường nhỏ, chưa có tên
gọi, ông chỉ huy yêu cầu những người đưa tiễn dừng lại (sự thật lúc đó
cũng chỉ còn vài người, tôi nhớ có Hoàng Phong Oanh và Đặng Hấn) còn
chúng tôi rẽ trái xuống dốc, đi tiếp. Chân đứa nào cũng mỏi nhừ, thầm
khen “ông Tướng” kia đi bộ giỏi thật. Bấy giờ đứa nào cũng sợ đây là
chuyến đi để thử sức, vì có xu hướng đi ra đường Láng, rẽ về Ngã Tư Sở…
rồi vòng về 19 Lê Thánh Tông, nếu như thế lo chân không bước nổi. Nhưng
may thay, đi trên đường đó một đoạn thì ông chỉ huy cho rẽ phải, đi vào
cổng Đài khí tượng Láng. Địa điểm này chúng tôi chẳng lạ lùng gì, vì
nhiều đứa trong lớp đã thực tập ở đây. Khi tới một khoảng sân rộng, ông
cho chỉnh đốn lại đội ngũ, rồi báo rằng đã đến doanh trại, tất cả giải
lao, nhận phòng, rửa chân tay, mười lăm phút nữa sẽ ăn trưa.
Ai
từng trải qua những năm sinh viên mới thấm thía cái đói dai dẳng hành
hạ những con người đang tuổi lớn. Tiêu chuẩn gạo mười lăm cân một tháng,
lại còn phải trừ cháy lại cho nhà bếp chăn nuôi… Có những lần xem nhà
bếp chia cơm, thèm mảng cháy dính nồi gang, chưa kịp ngỏ lời xin thì
nghe “xèo” một tiếng: người ta đã đổ một xô nước gạo vào, hơi nước bốc
mờ lòng chảo tiêu tan bao niềm hi vọng! Cơm chiều bếp sinh viên ăn từ
bốn giờ rưỡi, tự học tại phòng đến tám giờ tối đói, ra vào không có gì
có thể cho vào miệng được, bèn cắp sách vở lên hội trường giải bài tập,
vì những bài toán khó có công dụng khiến người ta phải tập trung cao độ,
quên cả lời nhắc nhở của dạ dày.
Tiêu
chuẩn lương thực của lính khi ở trường huấn luyện là 24 cân gạo, lại có
hội đồng quân nhân giám sát chuyện cân đong đầy đủ, không có chuyện trừ
cháy để chăn nuôi, nên xoong cơm một mâm sáu người mới hoành tráng làm
sao! Dạo ấy thường độn ngô, mà ngô thì rất nở, nên xoong cơm đầy vun
ngọn, khiến chỉ bê được bằng quai xoong, ngón tay phải không được chạm
vào trong, nếu không cơm sẽ rơi ra. Thời ấy bát sứ rất hiếm, sinh viên
cũng dùng bát sắt tráng men, một bát to vừa đựng cơm và thức ăn, rồi
dùng thìa xúc. Bát sắt của quân đội là bát ăn cơm, còn thức ăn thì đựng
chung ở đĩa, nhưng bát đó cũng khá to, lính vẫn gọi là bát B52! Thế mà
không “ông cử” nào chịu ăn dưới năm bát, không hiếm người ăn một bữa
bảy, tám bát. Có một lần liên hoan văn nghệ đại đội, hát đồng ca bài
Tiểu đoàn 307, gồm những người ăn mỗi bữa từ bảy bát trở lên, thế mà dàn
đồng ca đông tới mười mấy người!
Đây
là một lớp huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt. Đặc biệt như thế nào chẳng
nên nói ở đây, chỉ biết rằng kiến thức toán học duy nhất được sử dụng là
Xác suất thống kê. Chúng tôi được biên chế thành từng tiểu đội và liên
tiếp nhận được những sự bất ngờ. Bất ngờ thứ nhất là quân hàm của ông
chỉ huy mà chúng tôi tin là cấp tướng ấy, khi về tới đơn vị ông đeo lên
ve áo, chỉ có một gạch hai sao: Trung uý! Chả trách gì ông không đeo
quân hàm này khi đi nhận quân, vì tự ông cũng thấy không tương xứng với
bên giao quân. Điều ngạc nhiên thứ hai là chúng tôi tin chắc sẽ được
phong quân hàm thiếu uý như bạn bè tốt nghiệp đại học vào các đơn vị
khác, nhưng sự thật là chỉ được phong thượng sĩ mà thôi. Thượng sĩ không
có thâm niên, mỗi tháng hưởng mười hai đồng phụ cấp, hơn binh nhì bảy
đồng, thua hạ sĩ bình thường!
Sự
thật những ngày chiến tranh ấy, nếu bảo nhập ngũ làm binh nhì, chúng
tôi cũng không hề thoái thác, nhưng vì đã lầm tưởng được phong thiếu uý
như tin đồn, hi vọng được mặc chiếc áo mùa đông bốn túi, với quân hàm có
một gạch bạc và một sao bạc đứng ngoài hàng như một cán bộ chỉ huy, nay
nhận quân phục chiến sĩ, “được thêm cái đai, mất hai cái túi”, quân hàm
có những ba sao nhưng nằm trên gạch vải… nghĩ cũng buồn. Mà lúc ấy
chúng tôi vẫn mang phong cách sinh viên, thích gì nói nấy, chứ đâu có
biết “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” như sau này học được. Bởi thế mà
khi ngồi khâu quân hàm lên ve áo, cái quân hàm thượng sĩ có ba sao nằm
trên gạch vải ấy, tự nhiên tôi nhớ khổ thơ kết trong bài Núi Đôi của Vũ
Cao, nhại lại rồi ngâm nga:
Anh đi bộ đội sao trên gạch
Mãi mãi là sao đứng giữa đường.
Mấy
ông bạn “khôn sớm” nghe có vẻ thích, nhưng chỉ cười thầm, còn Phí Văn
Trân, một thằng bạn quê Thái Bình, vốn cùng ban Đại số với tôi, không
những cười thoải mái mà còn đọc thêm:
Hồn thượng sĩ gió ù ù thổi
Mặt cử nhân trăng dọi dọi soi
Cử nhân Thượng sĩ mấy người…
Tôi nói to: Hơn ba mươi thằng chứ đâu mấy người, hỡi bà Đoàn Thị Điểm!
Lúc
đó ông T., Trung uý, phụ trách đại đội học viên, đi dọc thềm, dừng lại
phút chốc bên cửa sổ, nghe chúng tôi đùa thế, mặt ông đỏ tía lên rồi đi
thẳng. Tối hôm sau, sinh hoạt đơn vị, ông T. công bố nội quy, giờ giấc.
Tôi ngồi nghe, nhẩm nội quy và thấy rằng, từ năm giờ mười lăm sáng dậy
tập thể dục, đến chín giờ rưỡi tối lên giường nằm ngủ, nhất nhất phải
làm theo quy định tập thể, không hề có một phút nào cho cái riêng của cá
nhân. Bây giờ, sau hơn bốn mươi năm nhìn lại thì nội quy này hoàn toàn
đúng đối với một đơn vị tân binh, nhưng lúc đó, sau nhiều năm làm sinh
viên được tự do, cái tôi cá nhân được phát triển, tôi thấy không thể
chấp nhận nội quy đó được, nên đứng dậy hỏi lại Chính trị viên:
-
Như nội quy đồng chí vừa nêu đó, chắc muốn biến người lính thành những
cái máy, nên từ mờ sáng đến tối đi ngủ, chúng tôi không được một tí thời
gian nào làm của riêng?
Nhiều
khuôn mặt quay về nhìn tôi ngụ ý trách móc tại sao lại nói dại thế. Chỉ
có Phí Văn Trân có vẻ ủng hộ, nhưng cậu ta chưa kịp nói gì thì ông T.
đã đứng dậy, mặt đỏ bừng, nhìn thẳng vào tôi, nói thật to:
-
Phải cắt ngay cái đuôi tiểu tư sản trước khi vào Quân đội. Kỉ luật là
sức mạnh của Quân đội, điều sơ đẳng đó đồng chí không biết hay sao? Đồng
chí dựa vào đâu mà dám bảo những người lính có kỉ luật là những cái
máy? Hôm trước, khi nhận quân hàm, tôi đã nghe đồng chí nói những lời
tiêu cực. Đồng chí coi thường quân hàm Thượng sĩ đến thế kia à? Đồng chí
biết có bao người lính chiến đấu đến hi sinh tính mạng của mình mà chưa
đạt tới quân hàm Thượng sĩ không? Thử nghĩ lại xem, vừa mới nhập ngũ,
đồng chí đã làm được gì cho Quân đội, mà Quân đội đã cung cấp cho đồng
chí bao nhiêu thứ: Chăn, màn, quân phục đông, quân phục hè… Từ cái khăn
mặt cho đến quần áo lót… Tất tất Quân đội lo hết, cả ăn ngày ba bữa no
nê, gia đình đồng chí có phải lo một tí nào không?
Tôi
định đứng lên cãi lại, nhưng đảo mắt nhìn quanh, thấy hình như không ai
ủng hộ tôi cả, kể cả Phí Văn Trân cũng cúi nhìn đất. Chắc là nó nghĩ
xong phần tôi, ông chỉ huy sẽ quay sang nó vì cái tội “hồn Thượng sĩ gió
ù ù thổi” hôm qua, mà chắc ông ta đã nghe. Nhưng sau khi chỉnh cho tôi
một bài, ông chỉ huy chuyển sang vấn đề khác, người sướng nhất là thằng
Trân, chứ không phải ai khác!
Sau
khi nhận chăn màn và hai bộ quân phục hạ sĩ quan, chúng tôi gói ghém
mấy bộ quần áo thường phục để gửi cho anh em ở quê. Cũng chẳng nhiều
nhặn gì, chỉ vài ba bộ tuềnh toàng, vì dạo ấy vải phải mua theo phiếu,
mỗi năm bốn mét, cũng chỉ may được một bộ quần áo, ai có tiền cũng không
biết mua vải hoặc quần áo ở đâu, huống chi sinh viên, tiền học bổng may
lắm đủ nạp tiền ăn ở bếp kí túc xá và tiền ăn sáng. Đại đội trưởng lệnh
cho tất cả chúng tôi phải gửi quần áo thường phục đi, và đôn đốc các
cán bộ trung đội, tiểu đội giám sát việc thực hiện, không phải ông đại
đội trưởng thương người thân của lính ông thiếu thốn quần áo, mà cái
chính là lo lính ông không thực hiện đúng nội quy ở trường huấn luyện:
hạ sĩ quan không được mặc thường phục, kể cả trong giờ nghỉ ở trong cũng
như ngoài doanh trại.
Ngày
ấy tôi cảm thấy quy định như vậy là vô lí. Giờ nghỉ sao lại bắt người
ta mặc quân phục? Ra và vào cổng doanh trại có người gác, bắt chỉnh đốn
trang phục, xem giày mũ, quân hàm quân hiệu đó đủ chưa, nếu không thì
không được qua cổng, kể cả ra lẫn vào. Sự thật bộ quân phục chẳng có gì
đáng chê, dù là quân phục hạ sĩ quan, nhưng khổ nhất là cái quân hàm
thượng sĩ sao trên gạch ấy, ở trong doanh trại thì không sao, chứ trình
ra với “bàn dân thiên hạ” là điều mấy “ông cử” không muốn một chút nào.
Có lần tôi đã hỏi:
-
Thưa đồng chí Trung uý - Đại đội trưởng! Như vậy là khi qua cổng gác,
phải quân phục, quân hàm chỉnh tề. Nếu như khi qua cổng gác rồi, tôi ghé
nhà người quen thay quân phục, mặc thường phục (mà tôi gửi ở đó) để đi
chơi phố thì có vi phạm nội quy Quân đội không?
Tôi
hỏi điều này vì có chuyện đã xảy ra với mình khi ra khỏi trạm gác, tôi
cho quân hàm Thượng sĩ vào túi áo rồi đi dạo phố, không ngờ hai đồng chí
kiểm tra quân nhân cánh tay đeo băng đỏ gọi lại, bắt trình giấy tờ, bắt
tôi tự tay cài cài quân hàm mà tôi đã giấu lên ve áo, doạ lần sau mà vi
phạm nữa thì sẽ phản ảnh về đơn vị. Lúc ấy tôi đã thực hiện nghiêm
chỉnh những điều họ yêu cầu, nhưng thầm nghĩ: “Tớ mà mặc thường phục thì
các cậu chẳng dám động tới đâu nhé”.
Ông
Đại đội trưởng lặng yên khi nghe câu hỏi, mặt ông vốn đỏ lại càng đỏ
thêm, hai má giật giật. Tôi quan sát, biết ông đang khó xử vì một điều
chưa từng quy định trong nội quy Quân đội. Mấy chục khuôn mặt cùng nhìn
về phía ông, có người nhìn tôi như thầm trách: “Sao cậu lại đặt câu hỏi
lạ lùng như vậy để Thủ trưởng… bí”. Nhưng Trung uý T. không bí. Ông đứng
dậy, đi lại gần, nhìn thẳng vào mặt tôi, thay trả lời bằng một câu hỏi:
- Đồng chí nghĩ như thế nào về bộ quân phục mà lại phải hành động như thế?
Tôi
không thể trả lời được câu hỏi của ông, biến thành người bị động. Gần
nửa thế kỉ trôi qua, tôi vẫn nể ông về câu hỏi thay câu trả lời ấy. Từ
câu trả lời của đồng chí Đại đội trưởng lúc đó, tôi rút ra cho mình một
bài học trong đối thoại giao tiếp: nhiều khi câu trả lời hay nhất lại là
một câu hỏi!
Những
ngày đầu tiên làm lính của tôi là vậy, kể ra cũng chẳng xuôi chèo mát
mái gì. Lúc đó cứ nghĩ rằng, cái tạng tôi chẳng hợp với đời lính, chỉ ở
một vài tuần cũng khó, thế mà, ngoảnh đi ngoảnh lại đã trên bốn mươi
năm, quân hàm Đại tá hai mươi mấy năm nay đã thế chỗ cho quân hàm Thượng
sĩ ngày nào. Bạn bè tôi lần ấy không trúng tuyển, bây giờ hầu hết là
Giáo sư, Tiến sĩ. Hàng năm lớp Toán cũ vẫn gặp lại nhau, và không ai nói
ra, nhưng hình như tất cả đều thấy sự hài hoà tương xứng giữa Giáo sư,
Tiến sĩ và Đại tá, chứ không có sự thiên lệch quá đáng như giữa Giáo sư,
Hiệu trưởng và… Trung úy!
V.T
Nguồn: http://vannghequandoi.vn/van-xuoi/ngay-dau-lam-linh_8760.html