Tây Nguyên, tháng 3 năm ấy

31/05/2024

  • lượt xem: 348

Nếu như tháng 3 năm ấy Bộ Tổng tư lệnh không quyết định tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, mà là Pleiku hay Kon Tum thì diễn biến của Chiến dịch Tây Nguyên sẽ theo hướng nào?

Nếu không có thắng lợi từ Chiến dịch Tây Nguyên thì Chiến dịch Hồ Chí Minh có diễn ra sớm hơn dự định, và sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước có hoàn thành vào tháng 4/1975 hay không? Có lẽ là không. Bởi thời gian đã chứng minh, trận tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột như một cú điểm huyệt làm rúng động cả hệ thống chính trị Việt Nam Cộng hòa khiến Nguyễn Văn Thiệu phải ra lệnh “triệt thoái Tây Nguyên”, đưa toàn bộ lực lượng từ cao nguyên Trung phần về lập tuyến phòng thủ ở duyên hải Trung Bộ, ngăn bước quân giải phóng. Nhưng cuộc rút lui theo kế hoạch đã bị chặn đánh tan tác trên đường số 7.

Tất nhiên, cuộc đấu trí và các quyết sách mang tính chiến lược của hai bên tôi chỉ được biết sau khi ra khỏi cuộc chiến. Chứ ngày đó tôi chỉ là lính dưới đơn vị (Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320), nhận lệnh là chiến đấu, không hề biết mình đang vinh dự được tham gia vào một chiến dịch mang tầm vóc lịch sử như thế.

Tôi không nhớ là khi hành quân từ Gia Lai về Đắk Lắk chúng tôi trú quân tại đâu trên bản đồ. Chỉ biết đó là một cánh rừng rậm, rất nhiều lồ ô, có những dốc cao, có con suối to nhưng ít cá. Đang mùa khô nên rừng đẹp và sạch sẽ. Tết xong, ngày 25/2/1975 chúng tôi hành quân di chuyển ra áp đường 14. Trong tuần lễ ấy chúng tôi căng người vì phải giữ bí mật. Chặt cây phải dùng cưa tay để không phát ra tiếng động. Ho phải khẽ, nói phải khẽ. Không ai được rời khu vực đóng quân, chỉ suốt ngày gói buộc thủ pháo, hết họp tiểu đội đến họp trung đội, đại đội, chi đoàn, liên chi đoàn để hạ quyết tâm chiến đấu.

Bộ đội giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy giải phóng Buôn Ma Thuột, tháng 3 năm 1975. Ảnh: TL

Những cuộc họp đều có cán bộ cấp trên xuống dự, động viên rất chu đáo. Anh Phan Thế Phái, người Thái Bình, Trưởng ban Tuyên huấn trung đoàn bảo tôi: Luân có viết thư về cho gia đình không, đưa mình gửi hộ. Tôi hiểu ngay là mình có thể hi sinh trận này. Gửi anh ấy lá thư rồi tôi cứ bần thần cả ngày, nghĩ đến mẹ cha và lũ em ở nhà.

 

Ngày 5/3/1975.

Xuất kích. Tất cả chúng tôi bỏ lại ba lô, chỉ mang theo cái bồng có chiếc võng, chiếc tăng và đạn. Đường đi không xa. Vượt qua dông đồi sang bên kia là nhìn thấy đường 14. Chúng tôi dừng chân trên núi. Thằng Tiêu trinh sát trèo lên một cây to nấp vào cả tảng hoa phong lan đầy muỗi và ong, nhòm ra đường. Chúng tôi được lệnh ăn gạo rang. Theo quy định thì gạo rang chỉ được ăn đến hai lạng mỗi lần. Quá trưa nghe tiếng xe chạy rầm rầm. Cả tiểu đoàn như cái lò xo bị nén sắp bật lên. Tôi xoáy liều phóng vào quả đạn B40, vạch lá nhìn xuống đường. Gần hai chục xe GMC chở lính xen lẫn thiết giáp. Chúng chạy lầm lũi và rất trật tự. Không có lệnh đánh. Lính ngồi im chịu muỗi vắt bu.

Đoàn xe đi rồi. Cánh rừng trở lại lặng im. Chúng tôi sau phút nén căng thì bây giờ xì ra. Mệt nhoài. Tiểu đoàn trưởng bảo: “Thế là hoàn thành một nhiệm vụ. Để cho bọn Trung đoàn 45 ra khỏi Buôn Ma Thuột chạy lên Pleiku là hay rồi.” Chúng tôi nghe thì biết vậy chứ mãi sau này mới hiểu Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 đã xây dựng một kế hoạch nghi binh tinh vi khiến tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân khu 2 kiêm Tư lệnh Quân đoàn 2 Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã điều các đơn vị mạnh từ Buôn Ma Thuột về tăng cường phòng thủ Pleiku.

Trời tối hẳn, có lệnh rút. Trên đường rút chúng tôi thấy những khẩu pháo 85mm vẫn chúc nòng xuống đường. Cả mấy khẩu pháo 37mm của Trung đoàn 593 vẫn trong ụ. Những khẩu pháo này sẽ khạc lửa chặn lực lượng địch từ Pleiku về giải cứu Buôn Ma Thuột.

 

Đêm 8/3/1975.

Ăn cơm nắm xong, chúng tôi quay lại dông đồi phía đông. Nhiệm vụ của chúng tôi là đánh cắt đường 14 đoạn phía bắc Buôn Hồ để đơn vị bạn đánh Buôn Ma Thuột. Đất ở đây mềm, đào hầm rất nhanh. Chỗ tôi làm hầm gần ngay khẩu pháo 37mm. Tôi mò sang đấy xin thuốc lá. Lính 37mm lúc nào cũng tươm hơn cánh bộ binh chúng tôi. Xong hầm hào vào khoảng 4 giờ sáng, mệt quá chưa kịp nghỉ thì có lệnh rút toàn bộ. Chúng tôi vội vã tụt xuống núi. Bọn pháo binh kéo pháo ra mới khổ. Trời sáng, toàn bộ trận địa đã im ắng như chưa hề có ai đặt chân đến.

Hành quân trong trạng thái hai ngày hai đêm không nghỉ ngơi, căng thẳng đợi chờ nổ súng, nên lính ta mệt mỏi, ngủ gật, chả ai muốn nói với ai. Trời nắng, chúng tôi đi dưới tán rừng thật đẹp. Đơn vị này gặp đơn vị kia đông ngàn ngạt. Tôi ngước nhìn mặt trời biết chúng tôi đang đi về phía Nam. Chiều ấy, nằm cách Buôn Hồ chừng 3-4 cây số, anh nuôi được lệnh nấu cơm và vắt cho mỗi người hai nắm to. Số chiến sĩ nào đang sốt thì ở lại, dồn đạn cho những người khỏe.

5 giờ chiều lại hành quân. Đường trong rừng đông như hội. Tôi gặp thằng Nhân bạn cùng làng ở Tiểu đoàn 16 vác cái bầu nòng 12,7mm ì ạch. Chả có gì cho nhau, nhưng nó sướng quá, vồ lấy tôi kể vội vã về lá thư mới nhận. Chỉ thế rồi lại phải vượt lên bám đội hình. Ngoái nhìn, thấy nó đầu chúi xuống khuất sau cái nòng súng mà thương.

 

Đêm 9/3/1975.

Áp sát quận lị Buôn Hồ. Sương mù dày đặc. Tiểu đoàn đào hầm chiến đấu trên một dải nương lúa đã gặt, loang lổ vạt rừng non.

Sáng. Đã 7 giờ rồi mà sương chưa tan. Không nhìn rõ nhưng vẫn nghe tiếng xe máy, ô tô rộn rã. Chừng 8 giờ mặt trời lấp ló. Nhìn qua một thung lũng thấy quận lị Buôn Hồ xanh ngắt và những mái nhà đẹp như trên phố. Phía trước chúng tôi, cánh rừng cà phê hoa trắng mươn mướt, thoai thoải xuống những ruộng lúa nước. Trận địa pháo Buôn Hồ rõ mồn một. Đúng lúc sương tan thì có lệnh: bỏ lại những vật dụng nặng không cần thiết, rút toàn bộ trung đoàn về phía tây. Lệnh tất cả vận động.

Chúng tôi chạy trên những ngọn đồi sim mua. Chân phồng rộp, ăn uống thiếu, mang vác nặng, mỗi bước chạy chỉ được chừng 40 cm. Những lính mới bổ sung í ới gọi nhau. Địch phát hiện gọi pháo từ Buôn Hồ bắn. Nhưng hai đại đội cối của Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 vẫn chưa rút, họ bắt đầu cạch đạn vào trận địa pháo địch cầm chân cho chúng tôi rút về tập trung quân cách Buôn Hồ chừng 6 cây số.

Trưa nắng như rang, đơn vị lại nhận lệnh tối hành quân về đánh Đạt Lý. Trong lúc bộ đội nấu cơm ở ven nương khoai lang cạnh một thung lũng đầy chuối tây thì nhiều máy bay địch vội vã bay về phía Buôn Ma Thuột. Nhìn những đốm pháo phòng không bắn máy bay sao mà giống những năm còn ở miền Bắc thế. Cũng những tiếng nổ lụp bụp sau những cụm khói trắng bung ra, có lúc rộ lên, có lúc ắng lại. Ruột gan chúng tôi bồn chồn, quần áo bết mồ hôi và bùn. Tôi không muốn ăn cơm mà muốn ngủ. Chặt hai tàu lá chuối rải lên bờ ruộng, nằm ngửa, úp lên người một tàu lá chuối nữa, tôi ngủ ngay. Chỉ mười lăm phút nghe anh em gọi dậy. Lại lên đường. Chiều vàng ôi ối, đại bác từ Buôn Hồ rải đạn dọc đường 14. Máy bay địch từ phía Buôn Ma Thuột ngược lên Pleiku rồi lại hối hả về Buôn Ma Thuột. Chúng tôi cứ bám dọc đường 14 mà đi.

7 ngày 8 đêm liên tục di chuyển, chân tôi bị rộp phồng lên rồi vỡ ra. Chỗ lở loét ấy đầy bùn và máu mủ thối khẳm, máu và mồ hôi thấm ra dép cao su trơn nhuồi nhuội, phải dừng lại lấy đất bột rắc vào dép cho nó đỡ trơn, rồi xỏ bít tất vào chân mới đi được. Trưa nắng mà cả tiểu đoàn không kịp cắt đường nữa, cứ trên đường 14 mà vận động đánh Cư Pao. Các mũi chiến đấu chạy giữa những rẫy ngô khoai của đồng bào cũng trống trải. Tôi nghĩ, ăn pháo đến nơi rồi. Quả thật, đội hình đang vận động thì pháo địch bắn. Chỉ một loạt thôi. Không ai chết, chỉ mấy người bộ phận vận tải bị thương. Chúng tôi áp vào chân đồi. Chưa bao giờ trong một trận đánh mà tôi nhìn thấy cả mấy đại đội cùng hành tiến như thế. Nhìn sang Đại đội 5, Đại đội 6 thấy chúng nó cũng lom khom bò lên ngọn đồi đầy gai xấu hổ. Rồi đồng loạt hơn chục quả B40 bay lên. Cối 82mm đồng loạt rót lên đỉnh đồi. Chẳng thấy địch chống trả gì. Tiểu đoàn phó đi cùng tôi kêu, này Luân, mày theo tao. Hai thầy trò vừa nổ AK vừa chạy lên đỉnh đồi. Chúng tôi lao vào lô cốt. Một bao thuốc lá vất trên cái hòm đạn. Nhìn xuôi ra phía đông cách chừng hơn cây số, thấy địch đang chạy trên một triền đồi. Hai khẩu pháo 155mm nòng vẫn quay về hướng bắc, hướng chúng tôi xuất kích…​

 

Ngày 17/3/1975.

Những ngày ấy trời nắng. Nắng tháng ba Tây Nguyên như mật. Hoa cà phê trắng muốt, thơm nức nở. Ngay chỗ chúng tôi náu quân có một đội xe của Đoàn 559 thì phải, lâu lắm rồi tôi mới lại nhìn thấy một cô bộ đội miền Bắc, đầu đội mũ cối, khăn bông trùm mặt. Lính ta vác về một cây ghi ta sau trận đánh đồn Buôn Hồ. Tôi rúc vào ven rẫy cà phê bập bùng, lừng phừng mấy bài hát Nga thuở đi học, mặc pháo địch bay xoèn xoẹt trên đầu. Đồng đội có anh ngồi băng chân, có anh lau súng, mặt rười rượi buồn. Cô bộ đội đi với đoàn xe lau mắt.

2 giờ chiều. Lệnh phát ra. Địch đã bỏ Pleiku rút chạy về Phú Bổn theo đường số 7. Nhiệm vụ của sư đoàn là phải bôn tập khẩn trương chặn đánh không cho chúng rút về phía biển.

Tất cả hành quân. Tiểu đoàn trưởng đeo ba lô vượt ra đầu nương cà phê. Ông nói rõ to. “Tiểu đoàn 9 đã đánh địch ở Cheo Reo rồi. Chúng ta phải chạy thật nhanh lên chặn địch ở phía nam thị xã”. Bộ đội ồn ào, vội vã tràn ra đường 14. Chân đã lở loét lại càng nặng trình trịch vì ba lô và súng đạn. Nắng vẫn vàng sau lưng, mồ hôi ướt nhoáng cả trên nòng cối 82mm và trên những khẩu DKZ. Nhìn bọn hỏa lực thập thiễng khiêng đế cối, rạp lưng vác bầu nòng 12,7mm li mà thương...

Xe ô tô ào đến, đón lượt đầu rồi lượt hai quân Tiểu đoàn 7, chạy ngược về hướng Bắc. Còn Tiểu đoàn 8 bọn tôi vẫn hành quân bộ. Cứ thẳng đường 14 mà chạy. Lính hỏi: “Sao cứ cho chạy giữa đường nhựa thế này nhỡ máy bay nó đến đánh thì sao?” Tiểu đoàn trưởng nói rõ to: “Kệ nó, việc đánh máy bay đã có Trung đoàn 593 và 234 lo. Việc của ta là phải đến Cheo Reo trong nửa đêm nay”.

Kể từ lúc rời Buôn Hồ chúng tôi đã đi tới hơn chục cây số. Ven đường là những cây thông và những bụi lau có những bông lau trắng rõ là to. Trời tháng ba nóng như sấy ba lô. Hơi thở ra mà cứ như cốc nước sôi kê lên miệng.

Chừng 5 giờ chiều thì đoàn xe bụi ngầu đỏ, tơi tả lá ngụy trang quay lại đón. Thì ra xe chạy cuốn chiếu. Ôi chao, chen chúc lên xe rồi, tôi ngủ luôn. Chắc được chừng non hai tiếng đồng hồ thì giật mình vì nghe pháo nổ. Gần 7 giờ tối, nắng đã tắt mà trời vẫn sáng mờ mờ. Rừng cứ hồng hồng cái màu rất sợ. Cái màu hồng trước khi tím sẫm lại. Hơi bom, pháo khét lẹt cả cánh rừng. Đạn rơi trên sườn núi đá, khói nghèn nghẹt. Tiếng nổ vang vọng bên này sang bên kia oang oang. Kệ, cứ cố mà ngủ. Đã hơn mười ngày tác chiến, đi liên tục, không có một đêm ngủ, không có một nơi trú quân lấy nửa ngày. Chân sưng lên, mắt hõm xuống. Bụi đỏ nhuốm trên tóc. Bụi chui vào họng, vào mũi, dính khin khít. Họng lính lúc nào cũng như sắp nghẹn, mắt đứa nào cũng có hai cục rỉ to như con nhặng, đến khiếp.

Xe đổ quân ngay chân ngọn núi đá cao ngất có một con suối rất đẹp. Trời sám quánh lại. Địch bắn pháo qua núi chặn đường tiến của quân ta. Nghe tiếng nổ vang dội, đập vào vách núi, biết phía bên kia là Cheo Reo. Cả tiểu đoàn không theo đường chính nữa, mà sẽ vượt ngọn núi này, lao tắt ra, chặn ngay phía nam thị xã. Trong lúc lội suối để sang chân ngọn núi phải trèo, cán bộ nói là Tiểu đoàn 9 đã đi trước, đang chặn địch ngoài đường rồi. Còn Tiểu đoàn 7 giờ này thì đang xuống núi, chỉ có chúng tôi bây giờ mới bắt đầu trèo lên. Lúc ấy là 8 giờ tối ngày 17/3.

Bốn mươi năm sau, đã hai lần tôi theo các chỉ huy Sư đoàn 320 vào Suối Đá, đứng nhìn ngọn núi sẫm xanh chắn ngang con đường từ Cheo Reo đi Buôn Ma Thuột. Trong tôi cứ bồi hồi về cái đêm leo núi, cắt đường ra cầu Cây Sung. Đêm ấy, súng đạn, ba lô thít chặt vào ngực, có những lúc tưởng như không thể bò lên được.

Nhật kí tôi ghi:

“Đêm 17/3/1975. Mười hai giờ khuya chúng tôi mới lên đến đỉnh núi. Nhìn xuống thung lũng Cheo Reo lửa đỏ rực, đạn vạch thành những đường đan chéo nhau đỏ vùn vụt. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống thị xã bùng nhùng chuyển động những khối lửa. Những loạt chớp nhoa nhóa, những vạch lửa như bắn pháo hoa. Từ trên cao chỉ nghe thấy tiếng súng lớn.

Mệt quá, mà không được nghỉ. Lúc thì chui trong rừng cây rậm rạp, lúc thì tụt xuống vách đá hun hút. Khi leo lên đã vất, nhưng vẫn còn dễ hơn lúc tụt xuống. Tối như hũ nút, tối như bưng mắt. Cứ tụt bằng mông. Đến lượt bàn tay bám đá toe toét máu. Liên tục cán bộ giục nhanh lên. Chậm, lực lượng địch chạy mất thì ra bã. Tôi cũng đang đi nhanh đấy, hành quân bằng chân, bằng tay, bằng cả đầu đấy thôi. Nghĩ vậy mà chẳng ai nói một lời. Lính bộ binh mỗi người phải vác thêm một quả cối cho bọn hỏa lực. Cậu Chức người Thanh Ba, Phú Thọ, lần đầu vào trận, ôm trước bụng quả cối 82, mếu máo “Tay trái em trèo cây ổi bị gẫy từ hồi bé, không ôm được quả đạn, nó cứ tụt xuống anh ạ”. Tôi bảo nó, đưa khẩu súng AK mình vác hộ. Lúc ấy nó mới khóc được. Khóc một lúc hình như nó khỏe ra, đòi lại khẩu súng”.

 

18/3/1975.

Trời sáng thì chúng tôi xuống đến chân núi. Cánh rừng từ đây ra đường 7 còn tám cây số nữa. Rừng thưa, bằng phẳng hơn, nhưng đầy đá và suối cạn. Cỏ mùa khô vàng hoe, cao đến gối, rặt những khoọc và loại cây có gai ô rô. Tiếng súng nghe càng rộn rã, bộ đội chạy cuống quýt, cán bộ giục rối rít suốt hàng quân. Ròng một đêm leo núi, bây giờ lại chạy. Người cứ lủng lẳng muốn lăn quay ra đất. Thỉnh thoảng đại bác lại xoe xóe qua đầu. Có tiếng pháo nã ngay phía sau làm cho lính như khỏe ra, chạy hăng hẳn.

Cách đường 7 chỉ một cây số thì Tiểu đoàn 8 đụng địch từ trong rừng nhô ra, cả lính và xe tăng. Chúng bị ta đánh ngoài đường, chạy dạt vào. Có thằng không kịp quăng ba lô. Chúng tôi nổ súng đánh ngay. Mấy đứa 12,7mm giá súng nhanh thế, cứ nổ đùng đùng. B40, B41 nã loạt đầu chả có xe tăng nào cháy, chúng quay ngoặt lại, hoặc ngoắt hướng khác tháo chạy. Lá rừng đổ rào rào. Cành cây kêu rôm rốp. Có tiếng la hét. Một xạ thủ B40 vừa phang một quả trúng vào tụm địch 5-6 thằng. Cánh rừng cỏ đẹp thế mà đã mươi cái xác lính. Giá vào lúc khác thì bọn tôi đã khốn đốn vì lũ tăng rồi, nhưng vì Tiểu đoàn 9 bắn cháy nhiều xe ngoài đường quá nên chúng hoảng loạn, chạy thục mạng vào rừng. Cánh quân này lại chạy vào đúng Sở chỉ huy Trung đoàn 64.

Tiểu đoàn 8 chúng tôi được lệnh bố trí đánh địch trong rừng bảo vệ trung đoàn bộ và khối trực thuộc. Vội vàng tổ chức trận địa. Chả kịp đào hầm nữa. Bộ đội đói. Nắm cơm từ hôm qua khô như quả bưởi Đoan Hùng ngày tết chưa kịp gọt. Nước hết. Nấp sau tảng đá, bụi cây, chúng tôi gặm cơm nắm. Ngoài đường chắc đánh dữ lắm. Tiếng xe tăng, tiếng B40, tiếng lựu đạn, phóng lựu... lúc òa lên rộ rạt, lúc ắng xuống. Máy bay gầm rú thả bom ngoài bờ sông Ba, phía đông trận địa của bọn tôi. Hướng nào cũng mù mịt khói, cũng la hét.

Cho tới chiều, đã mấy đợt đánh bằng súng bộ binh những cánh quân địch tràn vào cánh rừng trung đoàn bộ và các đại đội trực thuộc mà lính Tiểu đoàn 8 vẫn chưa được lệnh ra đường. Tôi mò xuống con suối cạn khô đầy đá và bướm trắng. Không thể tưởng tượng nơi này đông người thế. Hàng trăm, hàng ngàn người dân di tản thất thần, nước mắt ngắn dài, ôm nhau chúi vào từng hốc đá. Đại đội 24 quân y đang tất bật đun nước sôi khử trùng y cụ, tiêm cấp cứu cho dân, băng bó cho những người bị thương. Trong một cái lều căng bằng mấy tấm ni lông bộ đội có tiếng trẻ oe oe. Gặp Đinh Ngọc Sỹ, nó bảo, bọn y tá đang đỡ đẻ cho dân dưới lòng suối cạn.

Lòng suối chẳng có một giọt nước, chẳng có một ngọn cỏ, được cái nó sâu và dài, đầy cát vàng rất sạch, có rất nhiều đá cuội to như quả bưởi đều nhau, nhẵn thín. Hòn nào cũng có thể làm đá nén vại cà được. Cái rãnh khổng lồ ấy chứa hàng ngàn con người tránh bom tránh đạn, hàng ngàn mảnh đời bất hạnh.

Chừng 5 giờ chiều, Đại đội 7 của tôi hành quân gấp ra thay trận địa cho Đại đội 3 ở cầu Cây Sung. Chúng tôi chỉ mất 15 phút là ra tới nơi. Trên cầu ùn hàng chục xe, cả tăng thiết giáp, xe Dodge và GMC. Đoạn đường 4 cây số từ đấy lên cầu Sông Bờ cũng đầy rẫy xe trúng đạn. Nhiều cái còn đang cháy dở, đạn trong xe nổ đùng đoàng. Vừa bàn giao trận địa chúng tôi đã phải nổ súng đánh những toán địch liều chết vượt cầu. Cây cầu đã gục thành chữ V xuống dòng sông cạn. Ở cái đít chữ V ấy là ba xe GMC chúi vào nhau.

 

Lúc ra đến đường tôi gặp ngay thằng Tạ Cư người Lâm Thao, Phú Thọ, cây đơn ca của đội văn nghệ trung đoàn. Nó bảo, chết nhiều quá mày ạ. Tôi hỏi, quân xê mày chết nhiều à? Không thấy Cư trả lời. Nó đi về phía sau.

Đại đội trưởng bố trí đội hình. Các trung đội trưởng bò đi quan sát khu vực đoạn đường chừng vài trăm mét. Tiểu đội tôi được bố trí cách cầu 100 mét, sau hai cây me chua. Hai cây me nằm cách đường mươi mét, gốc bằng đầu gối. Dưới gốc cây là ba xác lính ngụy và một xác dân thường. Tối nhoang nhoáng, tôi kéo một chiếc đệm từ cái xe đò vỡ toang, đắp lên mấy cái xác xấu số. Chúng tôi đào hầm sau hai cây me. Đất đá gan gà cứng quá. Mà quái lạ, sao chả thấy cái hầm nào của Đại đội 3 để lại? Sau này hỏi, chúng nó bảo, đã kịp đào đâu mà có hầm, mờ sáng ra đến đường là nổ súng liên miên cho tới lúc chúng mày vào thay đấy.

Đêm ấy, chỉ vài lần nổ súng với những toán lính địch liều lĩnh vượt cầu. Chúng tôi chả ai dám ngủ, cứ thức bải hoải. Cây me cũng thức. Nó chứng kiến những sinh mạng kia lúc lìa đời, nó chứng kiến những chiếc xe tăng M41, M48 sáng nay biến thành cỗ quan tài lửa, và chính nó bây giờ cũng tả tơi cành lá vì mảnh pháo. Nhưng nó vẫn sống, đêm nay nó cũng nghẹn ngào ngậm những giọt đêm, nhọc nhằn che sương cho cả những người lính phía bên kia, và cho cả tôi đỡ lạnh...

Tôi thao thức ngước nhìn về phía trung tâm thị xã Cheo Reo. Con đường 7 xuyên qua thị xã này để về Phú Yên đã thành một cái nút thắt mấy cây số mà cả trung đoàn tôi đánh tan nát trong hai ngày nay. Tiểu đoàn 9 đánh chặn cầu Sông Bờ phía Bắc còn Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 của tôi đánh chặn cầu Cây Sung phía Nam. Từ cầu sông Bờ đến cầu cây Sung chỉ có 4 cây số thôi mà hàng mấy trăm xe quân sự, mấy chục xe tăng bị bắn cháy.

Rừng Cheo Reo vàng râm ran, vàng nhức nhối vì ve kêu và bụi đất. Rừng cháy, nhà cháy, bụi bazan cũng cháy, khiến không khí cả thung lũng này có mùi ngòn ngọt quện mùi của thuốc đạn cay xè khiến mắt bộ đội lúc nào cũng rỉ ngoèn, ngưa ngứa. Ngửa mặt lên giời, mây trắng tinh từng vạt mỏng như khăn voan bay dập dìu về phía biển Tuy Hòa. Tháng ba năm ấy sao mà trời xanh đến thế. Xanh đến buốt lòng.

 

Sáng 20/3/1975.

Lệnh trung đoàn: Các đơn vị gấp rút giải quyết thương binh tử sĩ để khẩn trương truy kích địch theo đường số 7. Tiểu đoàn 8 đi đầu tiếp theo là Tiểu đoàn 7 rồi đến Tiểu đoàn 9. Chúng tôi gói buộc lại ba lô thật gọn và lau vội súng đạn. Thằng nào cũng đi nhặt vài quả lựu đạn Mĩ đeo quanh người.

Sau chặng hành quân, đại đội tôi dừng chân ven đường núp dưới bóng những cây me cọc cằn. Nắng chói chang. Tôi xuống suối múc nước. Suối nhiều xác người. Có một chiếc xe đầu rúc vào bụi gai cũng đầy xác chết. Tôi cố không nhìn vào đấy. Cán bộ dặn, đào vũng ven bờ để nước suối ngấm qua cát vào mà gạn nước.

Bỗng có tiếng trẻ khóc. Tôi ngoái lại, một đứa bé chừng hai tuổi bò trên những cái thây người xám đen từ hôm qua. Nó rất tỉnh táo. Mắt ráo hoảnh. Tôi nhìn lên đường thấy anh Chới người Chương Mỹ, Hà Tây, liền gọi. Anh Chới chạy xuống ào vào cái xe cháy thui. Đứa trẻ bu lên anh. Anh Chới kêu: “Ối giời ôi sao mà mày còn sống được hả cháu!” Cái quần của đứa bé két đen máu, anh Chới lột vứt đi, nó chỉ còn cái áo. Con bé đang tuổi tập nói. Nó í éo, mắt long lanh sáng. Nó đói lắm. Nó cấu chắc vào tay anh Chới. Anh Chới bế nó xuống suối rửa chân tay và lau mặt nó rồi bế lên đường cho nó ăn miếng lương khô. Lính xúm vào đứa bé. Bọn Trung đội 2 bắt được một thằng sĩ quan tâm lí chiến. Nó bảo nó người Huế và từng là cử nhân văn chương. Nó nói đến là nhiều, cả về chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ và cam đoan rằng chủ nghĩa cộng sản các anh sẽ thua chúng tôi. Anh Chới bế đứa trẻ lại đưa cho nó. “Này, mày là cử nhân cử tỏi cũng được. Nhưng giờ việc của mày là bế đứa trẻ này đi về hướng rừng xanh kia. Ở đấy có người của quân Giải phóng. Họ sẽ nuôi đứa bé và cho mày nhập vào đội hình của chúng mày”. Đứa trẻ khóc ré lên, ôm chặt lấy anh Chới. Anh Chới cũng khóc. Anh vỗ vỗ con bé. “Đi với nó để mà sống con ơi. Chú còn phải đi đánh nhau bây giờ.” Cả đội hình đại đội tôi nghèn nghẹn.

Đêm ấy hành quân qua đèo Tu Na. Lúc chập choạng tối. Anh Kế đại đội trưởng nói oang oang: “Chúng ta sẽ đánh Phú Túc tiếp sau đây.” Nghe biết vậy, chả thằng nào nói gì. Mệt quá rồi thì chỉ cần ngủ. Cả trung đội hơn hai chục thằng ngồi một xe. Trời sáng suông, tôi ngủ chừng đến 9 giờ tối thì sờ không thấy quả US ở thắt lưng. Tôi nói to: “Đừng thằng nào ngọ ngoạy, tao làm rơi quả US gẫy một ngạnh đấy!” Cả xe nín thở. Tôi mò mẫm sờ thấy quả lựu đạn ngay dưới mông, lấy dây cao su quấn lại xong cười hề hề. Từ lúc ấy cả xe không ngủ nữa.

Nửa đêm. Xe dừng lại cho đội hình Tiểu đoàn 7 vượt lên, có cả mấy xe K63 chạy rầm rầm. Đại đội trưởng bảo: “Họ đánh Phú Túc, ta hành quân vọt lên đánh Củng Sơn”.

Nhật kí của tôi ghi:

“24/3/1975.Đêm qua ra chặn một khúc đường lúc nửa đêm.

Chừng 1 giờ sáng có 7 chiếc xe Jeep chạy qua. Không có lệnh đánh. Trời sáng, đại đội được lệnh đào hầm chiến đấu tại chỗ. Nóng và nắng, ăn cơm nắm không nuốt được. Khát nước kinh khủng. Cả tiểu đội chỉ còn nửa bi đông nước. Tôi dựa vách hầm nông choèn thiu thiu ngủ thì nghe tiếng xe tăng địch. “Đánh rồi!” Tôi hô rồi vác B40 lao xuống đường. Tôi thò ra khỏi rừng cây gặp ngay xe tăng địch lao tới, phải lùi lại tránh. Bốn năm chiếc xe tăng đã vượt qua. B41 của thằng Mật người Tản Hồng bắn cháy một chiếc. Đạn nổ rầm trời. Thằng Cóong Cao Bằng cũng nổ một quả. Vừa lúc chiếc xe tăng chất đầy bao gạo bao cát xung quanh lao tới. Tôi bắn quả đầu, đạn cày ngay xuống đất gần mép xích rồi chạy sang ụ mối bên cạnh. Thì ra vội quá tôi không kịp giương thước ngắm. Bắn quả thứ hai. Đạn nổ. Chiếc xe tăng nổ bung tóe trắng những gạo. Nó khựng lại rồi chạy tiếp đến quãng rừng gần bờ sông thì bọn chúng bỏ xe đấy, thoát thân.

Tôi dẫn một tổ đuổi theo xe tăng chạy trong rừng khộp chừng vài trăm mét thì quay về. Tiểu đội lạc đâu mất hai thằng. Thằng Mão người Đông Kinh Thái Bình bị đạn 12,8mm bắn vào đầu nằm duỗi hai tay, một tay đang cầm cái bi đông. Chắc nó khát nước.”

Giữa trưa. Trận đánh căng nhất ở phía Đại đội 6. Đạn pháo tăng và B40 hòa vào nhau như sấm sét. Lệnh tiểu đoàn cho Đại đội 7 của tôi bám theo tiêu diệt xe tăng. Bộ phận bám địch chỉ có Đàm trung đội phó, tôi và hai lính Cao Bằng. Vũ khí có một phóng lựu và hai B40 với một khẩu AK. Hàng đàn máy bay trực thăng bay sát ngọn cây bắn rầm rầm. Chúng tôi cứ nấp vào sau những cây cổ thụ, chạy sâu đo từ gốc cây này sang gốc cây kia chừng hai cây số thì ra tới ngầm Củng Sơn, thấy bốn chiếc tăng địch đang lội sông. Chúng nhìn thấy chúng tôi liền quay nòng 12,8mm bắn như vãi đạn. Bốn thằng chúng tôi lăn xuống đất. May là chúng tôi trên cao lại khuất bờ sông dựng đứng và rặng tre. Đạn cứ ăn sàn sạt trên trán. Pháo tăng nổ điên đầu nhưng đều vượt vào rừng cổ thụ phía sau. Chừng 15 phút sau, không thấy xe tăng địch lên, lúc ấy cối 82mm của tiểu đoàn mới vận động tới. Đạn nổ tung tóe dưới sông. Địch bỏ xe chạy hết.

Chiều tối Tiểu đoàn 8 lên bố trí trận địa ngay khúc sông này, cách ngầm Thành Hội 2 cây số. Ở phía ngầm có chừng hơn ngàn tên địch và vài trăm xe của dân. Tiểu đoàn cho đào công sự chiến đấu chống phản kích. Lúc này trung đoàn còn đang ở thị trấn Củng Sơn, sau chúng tôi 6 cây số.

Tôi được đại đội giao cho dẫn một tổ lội qua sông Ba kiểm tra xe tăng địch bỏ lại. Khuya lắm, nước sông lạnh, chúng tôi trèo lên xe, mò mẫm. Trăng lành lạnh. Gió từ trận địa thổi tanh tanh...

 

Ngày 30/3/1975.

Đơn vị đuổi địch về tới Tuy Hòa, Phú Yên. Đêm chiếm lĩnh trận địa chúng tôi lội trên đồng lúa ven biển. Tôi ngửi thấy mùi hoa sen hoa súng, mùi bùn và cả mùi đòng đòng. Có lúc cả đoàn quân lội qua một quãng đầm sen đang lác đác nở hoa. Mùi thuốc súng quyện hương sen khiến những gương mặt sạm sụa của một tháng trời chiến đấu bỗng chốc bần thần.

Ngày 2/4/1975 sư đoàn tôi giải phóng toàn bộ tỉnh Phú Yên và quay về đường 7, nhập vào đội hình của Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) vừa mới được thành lập, một trong năm cánh quân chính tiến vào Sài Gòn…

http://vannghequandoi.com.vn/van-xuoi/tay-nguyen-thang-3-nam-ay_15889.html