Không rõ trước đây địa danh ấy, dân bản địa gọi là gì, chỉ biết khi đơn vị công binh đầu tiên tới, nó vẫn là cánh rừng đại ngàn xanh biếc. Khi thông tuyến, xuyên đèo, máy bay địch phát hiện. Chúng tìm mọi cách chặn đứng trọng điểm chi viện của ta từ phía Tây Trường Sơn tỏa đi các ngả với hàng ngàn lượt máy bay các loại liên tục thay nhau quần đảo, trút dội bom đạn, đào bới, lật tung. Ngọn đèo trơ ra một màu đất đen kịt. Từ đó cánh lái xe gọi nó là Đèo Xám.
Không
rõ trước đây địa danh ấy, dân bản địa gọi là gì, chỉ biết khi đơn vị
công binh đầu tiên tới, nó vẫn là cánh rừng đại ngàn xanh biếc. Khi
thông tuyến, xuyên đèo, máy bay địch phát hiện. Chúng tìm mọi cách chặn
đứng trọng điểm chi viện của ta từ phía Tây Trường Sơn tỏa đi các ngả
với hàng ngàn lượt máy bay các loại liên tục thay nhau quần đảo, trút
dội bom đạn, đào bới, lật tung. Ngọn đèo trơ ra một màu đất đen kịt. Từ
đó cánh lái xe gọi nó là Đèo Xám.
Một
ngày tháng tám cuối những năm sáu mươi, sau khi bọn F4 quăng xuống ba
quả bom từ trường nổ chậm, chúng tạm thời “nghỉ”. Với ba quả bom này,
chỉ cần một vật thể kim loại nhỏ tới gần là tự động phát nổ. Kẻ địch tin
vào vũ khí mới thử nghiệm. Tin dưới bao tầng bom đạn thì làm gì còn sự
sống ở con đèo này nữa. Vậy nhưng, đội hình mười xe chở vũ khí của chúng
tôi vẫn được lệnh phải vượt trọng điểm với sự trợ giúp của công binh.
Thường ngày, trọng điểm này không lúc nào ngớt tiếng động cơ máy bay,
các loại bom B52, tọa độ, bom bi, mìn vướng, sôi sục nóng bỏng như cái
lò nung khổng lồ, lính công binh, lái xe vĩnh viễn nằm lại trên ngọn đèo
này chẳng thể nào đếm xuể, thế nên, không biết từ đâu mới có câu truyền
khẩu: Ở nhà em lấy chồng đi/ Anh qua Đèo Xám biết khi nào về. Nhưng hôm ấy, tự nhiên im ắng lạ thường.
Chờ
mãi vẫn chưa có lệnh của đơn vị công binh cho vượt đèo, không thể kiên
nhẫn hơn, tôi xăm xăm bước vào trạm barie. Bên trong, một chiến sĩ nhấp
nhổm không yên, còn người kia chắc là chỉ huy đang nói chuyện điện
thoại. Qua lời đàm thoại và báo cáo, tôi sơ sơ hiểu được tình thế. Công
binh chưa thể tìm ra cách khắc chế loại bom này và cách duy nhất để vượt
đèo là dùng xe chạy qua kích cho từ trường phát nổ. Đội hình vào đang
ùn tắc hơn năm chục xe, đội hình ra gần ba chục, tình hình rất căng
thẳng, nếu để B52 dội bom xuống thì tổn thất thật khó lường. “Tôi tên
Lâm. Trung đội trưởng chỉ huy đội hình xe. Bao giờ thông đường được hả
đồng chí?”. Khuôn mặt vị chỉ huy thoáng mừng rồi lại chùng ngay xuống,
giọng vừa đủ nghe, pha chút buồn buồn. “Chào đồng chí! Tôi tên Đô. Đại
đội phó công binh, đang định đi tìm đồng chí. Đồng chí Tham mưu trưởng
lệnh tôi và đồng chí phải bám vị trí, lấy trạm barie làm nơi chỉ huy.
Lấy tinh thần xung phong của đội xe, “cảm tử” lái xe lên cao điểm phá
bom từ trường...”
*
* *
Màn
đêm im lặng bủa xuống. Tôi bước về phía đội xe trong tâm trạng nặng nề,
ngổn ngang trong đầu bao câu hỏi. Ai sẽ là người thực hiện nhiệm vụ? Dù
là ai thì tổn thất về con người vẫn là nỗi đau lớn nhất. Những đồng đội
như lớp măng non đang vươn giữa bầu trời đã phải sớm đối mặt với cuồng
phong. Trong đầu tôi, từng gương mặt thân thương trong trung đội hiện
lên, Hải, Trung, Hoàng Kỷ... Mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh,
nhưng tất cả đều như anh em một nhà, không chỉ ngọt bùi mà còn cả sinh
tử... Ai sẽ lãnh cái trách nhiệm đến chín chín phần trăm xác định hi
sinh?
Cuộc
họp trung đội kết thúc với nhiều cánh tay xung phong, nhưng cuối cùng
quyết định được đưa ra: Người lái xe cảm tử sẽ là Trung bởi Trung là
người bản lĩnh, thông minh, có kinh nghiệm vượt bom, là tay lái cứng của
trung đội nên phần trăm hi vọng sẽ cao hơn. Thường ngày, Trung sống
dung dị cởi mở, bộc trực mang phong cách của người vùng mỏ. Mọi người
thích nhất tiếng cười của Trung. Tiếng cười thật sảng khoái, vô tư như
chẳng có điều gì vướng bận. Hôm ấy cũng vậy, Trung cũng nhoẻn cười bắt
tay tất cả cùng lời trấn an sẽ vượt qua an toàn trước khi cùng tôi đi
lên chỗ đơn vị công binh để hiệp đồng.
Người
sĩ quan công binh trải tờ sa bàn xuống nền nhà thùng. Ba người chụm đầu
nghiên cứu kĩ từng chi tiết, dự tính tốc độ trên từng đoạn dốc khúc
cua, đánh dấu vị trí mỗi quả bom, thống nhất phương án xuất kích sao cho
hiệu quả nhất. Theo yêu cầu của Trung, phải dùng đèn pha chiếu sáng để
phát hiện vị trí bom. Đội hình xe phải sơ tán vào vị trí an toàn, đề
phòng máy bay địch oanh kích. Chiếc Zil 130 đã chờ sẵn. Loại xe này có
ưu điểm thân ngắn, tốc độ cao, tay lái nhẹ giúp cho người lái cơ động
nhanh, xử lí tình huống vào cua gấp dễ dàng.
Ngắm
người chiến sĩ trẻ hồn nhiên chuẩn bị bước vào trận, trong tôi chợt dấy
lên niềm cảm mến chàng trai vùng mỏ tươi vui, nhanh nhẹn. Nhìn tấm áo
Tô Châu đã bạc thếch, tôi ôm lấy vai Trung. “Không đi thế được. Áo cậu
đã cũ mèm. Ra trận cũng phải tác phong đĩnh đạc. Lấy chiếc áo còn mới
của mình mặc vào”. Tôi cởi chiếc áo đang mặc, tự tay quàng và nai nịt áo
giáp, mũ sắt cho Trung. Hai anh em ôm chặt lấy nhau không nói được câu
nào.
Đã
đến giờ xuất phát. Tôi tập hợp trung đội để phổ biến nhiệm vụ. “Các
đồng chí. Lúc này, tại trọng điểm Đèo Xám nơi “túi bom” ác liệt. Chiến
sĩ Nguyễn Thành Trung, quê vùng Đông Bắc, trước tình huống khẩn cấp đã
không chần chừ xung phong lái xe trực tiếp phá bom khai thông tuyến.
Chúng ta thay mặt đơn vị, nén nỗi đau tiễn biệt đồng chí vào trận đánh”.
Lần lượt từ Đại đội phó Đô, tôi, đến các chiến sĩ lặng lẽ ôm chặt Trung
trong vòng tay. Trung nhìn kĩ, ghi nhớ từng khuôn mặt đồng đội rồi nhảy
lên buồng lái, khởi động máy và lao vút vào khu rừng chết, nơi đại ngàn
không còn màu xanh vì chất độc hóa học. Những thân cành đứng trơ trụi
như những bộ xương cánh tay khô khốc tua tủa xòe ra tứ phía.
Tại
trạm barie phía bắc, tôi và Đại đội phó Đô cùng mấy chiến sĩ nín thở
dõi theo chiếc xe hút dần chờ từng tiếng bom nổ. Sau tiếng nổ thứ ba mọi
người vỡ òa, rồi sững lại. anh Đô vồ lấy điện đàm. “A lô. Trạm barie
phía nam khẩn cấp điều lực lượng lên cấp cứu lái xe, thông đường ngay
tức khắc. Trung nguy rồi”.
*
* *
Chiếc
xe sau khi phá bom xong, lao xuống dốc không phanh, bẹp dúm, Trung văng
xa hơn chục mét, nằm bất động bên bờ suối. Được băng bó sơ cứu và tiêm
một mũi trợ tim, một mũi giảm đau an thần. Thật bất ngờ, sau khi thăm
khám tổng thể bác sĩ kết luận Trung chỉ bị đa chấn thương phần mềm, máu
me be bét, ghê gớm thế nhưng không hề gì. Trừ một vết thương gẫy kín ở
xương trụ cẳng chân trái, bó bột ba ngày sau có thể chống nạng tập đứng
được, ba tuần sau có thể phá bột, chịu khó tập luyện sẽ đi lại bình
thường.
Nửa tháng sau, trên đường quay ra tôi mới có điều kiện ghé thăm Trung và nghe kể chi tiết về cuộc “giỡn mặt tử thần”.
Hôm
ấy, sau khi lên xe, Trung tăng hết số, ga sát ván lấy đà phốc lên con
dốc dựng ngược rồi giảm tắt về số hai, giảm tiếp số một rì rì bò lên,
vừa trườn qua đỉnh dốc một thân xe, Trung lấy đà vút tăng số ba, tăng số
năm, mồi ga “bum bum”, miết hết ga. Chiếc xe bay trên mặt đường xóc
nẩy. Trung như con thạch thùng đu trên vành tay lái, đầu thúc lên nóc ca
bin. Kia rồi. Mảnh dù trắng báo hiệu quả bom thứ nhất cắm nghiêng dưới
chân taluy sát mép đường bên phải. Vèo qua như cơn lốc, tiếng nổ rầm
vuốt đuôi, đất đá bay rào rào phía sau, toàn thân xe rung lên bần bật
như muốn vỡ bung. Đi tiếp, khoảng hơn hai trăm mét, mục tiêu thứ hai
xuất hiện. Nó cài lơ lửng trên “taluy dương” ba mét. Tốc độ xe bay là là
trên mặt đất. Rầm... Trái núi tưởng chừng sập xuống. Những tảng đá vun
vút đuổi theo trút xuống thùng ben choang choác. Hai lốp sau bị nhấc
bổng lên như muốn lật ngửa xe. Cánh cửa bật tung, hất ra đập vào, quạt
gió phầm phập như đôi cánh đại bàng xối xả bay trong cơn bão. Xe lao
xuống dốc, mảnh dù trắng còn lại chờn vờn thách thức. Quả bom cắm sát
mép vực bên trái gần vệt xe chạy, sát mỏm “cua tay áo”. Mọi lần chạy
chiếc Zil ba cầu vào cua này, Trung phải đệm phanh giảm tốc độ nếu không
sẽ vọt xuống vực thẳm. Nhưng trong giờ phút sinh tử ấy, Trung quyết
định phải tăng tốc, nếu chậm một tích tắc bom nổ cả người và xe đều tan
xác.
Xe
lao xé gió. Trung ngoắt vành tay lái dẻo chuẩn xác tới từng xăng ti
mét. Hai bánh sau rẹt rẹt quăng đít xe rê theo đầu “ôm” khít đường cua
rất ngọt. Rầm. Tiếng nổ dội lên phía bên kia mỏm cua. Thắng rồi. Trung
sung sướng reo lên. Giờ ung dung vào mấy đường cua nữa xuống hết dốc là
an toàn. Trung mỉm cười từ từ rà phanh. Giật mình, lo sợ ập đến. Tổng
phanh hoặc tuy ô dẫn hơi bị hỏng. Xe lao xuống dốc không phanh, tốc độ
vun vút như phản lực. Cánh cửa bên trái bị dứt ra bay thẳng xuống vực,
gió thốc vào buồng lái rít veo véo qua mang tai. Đoạn dốc cuối cùng dài
khoảng trăm mét cắm thẳng xuống lòng khe cạn, nền đá cứng. Không có lực
ghìm, chiếc xe rơi tự do như quả bóng nện xuống nền đá tung lên quật
xuống. Hông Trung tê dại. Cú nện xuống thứ hai, chiếc xe lật ngửa. Trung
văng ra và không biết gì nữa.
Sau
khi chia tay, tôi về trung đội và tiếp tục trên những cung đường ác
liệt. Hòa bình, tôi có ý tìm, hỏi thăm tin tức của Trung, nhưng người
thì bảo Trung đã hi sinh khi vượt một con ngầm. Người lại nói Trung bị
thương rất nặng bởi bom napan, có gặp cũng không thể nhận ra và đang ở
một trại điều dưỡng thương binh. Cũng có tin, Trung làm một cấp gì đó
khá to nhưng bị kỉ luật suýt phải vào tù... Nhưng dù thế nào, hình ảnh
Trung trong tim tôi vẫn mãi là hình ảnh của một người lính gan dạ, mưu
trí không run sợ trước những thử thách hi sinh.
Nguồn: http://vannghequandoi.vn/van-xuoi/deo-xam_8694.html