Về Nậm Cang, nghe rì rào lúa gọi mùa vàng

31/08/2022

  • lượt xem: 649

Những ngày chớm thu, dừng chân ở vùng đất Nậm Cang (Sa Pa, Lào Cai), du khách sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh tuyệt đẹp về mùa lúa chín ở xứ sở này, lắng nghe được tiếng rì rào lúa gọi mùa vàng.

 Mùa lúa chín, Nậm Cang là điểm dừng chân lý tưởng của du khách mọi miền

Nậm Cang theo tiếng dân tộc Mông nghĩa là “nước trong”, đó là vùng đất cách thị xã Sa Pa hơn 30km, hiện nay đã đổi tên là xã Liên Minh. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của hai dân tộc Dao và Mông. Tuy nhiên, trong tâm hồn du khách mọi miền thì địa danh Nậm Cang vẫn luôn là địa chỉ vẫy gọi con người mỗi khi mùa thu về.

Trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì Nậm Cang đẹp nhất vào mùa thu. Không chỉ bởi tiết trời dịu mát mà cứ chớm thu, những cung ruộng bậc thang ở vùng đất này bắt đầu ngả vàng, báo hiệu một mùa lúa chín đã về. Nậm Cang dần trở thành một thiên đường của lúa, hòa vào tiết se se lạnh của thu như đang cất lên lời mời gọi những tâm hồn thích rong ruổi khám phá vẻ đẹp thu Tây Bắc.

Con đường nhựa từ thị xã Sa Pa dẫn vào trung tâm xã Liên Minh uốn lượn mềm mại tựa như dải lụa đang chuyển động dưới chân những triền núi trập trùng, cao sừng sững. Hai bên đường, không gì khác ngoài những bản làng bình yên nép mình bên sườn núi và những thửa ruộng bậc thang đang chín vàng.

Đồng bào Mông, Dao ở Nậm Cang từ bao đời nay đã dày công chinh phục tự nhiên để làm nên những công trình ruộng bậc thang kỳ vĩ. Ngoài những thửa ruộng dưới thung lũng, bên ven những con suối thì bên sườn núi, đồng bào nơi đây đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn chạy tít tới chân trời.

 Sắc vàng của lúa đang chuyển động dưới những triền núi cao sừng sững

Đứng bên ven đường nhìn lên, những đường viền của lúa như đang lô xô chuyển động, như đang cựa mình để nâng những bông lúa đang trĩu nặng, vàng ươm giữa chốn hoang hoải của núi rừng Nậm Cang. Mùa thu về, sắc vàng của lúa như đang lan tràn khắp sườn núi, khắp thung lũng Nậm Cang, như đang choàng lên những bản làng và cả không gian nơi đây tấm áo vàng kỳ diệu.

Đi rong ruổi giữa hai bên những thửa ruộng đang rực vàng, con người như chìm giữa biển vàng, như đang đi giữa chốn thiên đường trên mặt đất để hòa tâm hồn với đất trời Nậm Cang, để lắng nghe những thanh âm trong trẻo đang cất lên từ biển lúa. Đó là tiếng chim hót, tiếng rì rào của sóng lúa đang rộn về phía chân núi. Tất cả tạo nên một bức tranh kỳ vĩ, tuyệt đẹp về mùa vàng ở Nậm Cang.

Buổi sáng, thung lũng Nậm Cang long lanh dưới nắng vàng rọi chiếu vào những giọt sương còn đọng trên bông lúa khiến cho cả không gian biển vàng trở nên lung linh. Chiều về, mặt trời xuống núi, nắng chiều chênh chếch chiếu những đường nắng thẳng tắp từ đỉnh núi xuống những thửa ruộng tạo thành những đường viền lấp lánh. Khi mặt trời xuống núi cũng là lúc những đám mây trắng tựa bông từ trên cao choàng xuống những ngọn núi, xuống thung lũng lúa vàng Nậm Cang biến không gian nơi đây trở nên bồng bềnh, hư ảo tựa như chốn bồng lai.

 Không gian Nậm Cang mùa lúa chín

Thầy giáo Nguyễn Quốc Đại, người có hơn 10 năm dạy học tại Nậm Cang chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu, lúa chín vàng, Nậm Cang trở nên tuyệt đẹp và là điểm dừng chân của hàng ngàn du khách”.

Vào mùa gặt, Nậm Cang đông vui tấp nập bởi không khí gặt lúa của đồng bào nơi đây. Trên những thửa ruộng, tiếng nói cười, tiếng máy tuốt lúa hòa vào niềm vui của những chủ nhân ruộng bậc thang nơi đây. Tại mỗi thửa ruộng có những lán chòi để trông coi lúa, người dân đốt những đống lửa bên chòi để nấu nước, nấu cơm, làn khói tỏa lan trên nền vàng của lúa làm cho không gian nơi đây tràn ngập sức sống.

Anh Ngô Quốc Tuấn (thị xã Sa Pa) chia sẻ: “Mỗi khi lúa chín, tôi cùng gia đình dù bận đến mấy cũng đều vào Nậm Cang để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ”.

Thật vậy, mỗi khi mùa vàng trở về trong tiếng gọi rì rào của lúa, du khách mọi miền rong ruổi thả hồn mình vào biển vàng Nậm Cang đang chuyển động dưới chân núi. Họ đến đây để chiêm ngưỡng sắc vàng của lúa và khám phá vẻ đẹp của con người, văn hóa nơi đây./.

https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/ve-nam-cang-nghe-ri-rao-lua-goi-mua-vang-618399.html