Xanh xanh sắc núi một màu
Hỏi chàng du tử đi đâu cho đành
(Trương Hán Siêu)
Với tôi, Ninh Bình luôn là điều gì đó vừa thật thân quen, gần gũi lại vừa lạ lẫm, mơ hồ, huyền bí. Vùng đất ấy, ngỡ nằm trong tâm trí, như máu thịt nhưng lại chỉ như thoáng qua. In đậm trong kí ức tuổi thơ của tôi là con sông nhỏ ở phía đông gần nhà và dãy núi đá vôi màu xanh chì nhấp nhô, sừng sững dựng phía tây cao vọi, dài tít tắp chắn tầm nhìn. Dãy núi ấy luôn là sự ngưỡng vọng, mơ hồ xa xăm về một lần được lướt dọc trên đỉnh đến điểm mút mà nó chồn chân. Điều ấy, mỗi lần hỏi, tôi luôn nhận được một câu trả lời qua loa cho xong chuyện của người lớn: Ờ thì nó chạy vào tít tận Ninh Bình… Nhưng con sông thì lại khác, dù chỉ rất bé với vài ba sải bơi đã có thể sang bờ bên kia (thậm chí trong con mắt của vợ tôi rồi nhiều bạn bè sau này ghé thăm, nó chỉ là một con mương nhỏ) thì lại luôn gợi lên trong trí tưởng tượng của một thằng bé nhà quê vùng đồng chiêm trũng quanh năm lũ lụt chả mấy khi được bước chân ra khỏi lũy tre làng là tôi, chiều kích của vùng đất kinh đô Hoa Lư rộng dài những dấu ấn, những đổi thay của lịch sử nước nhà. Không ít lần tôi cảm giác mình có thể nhìn thấy và sống trong không gian lịch sử của vùng đất ấy qua các huyền tích và lăng tẩm, miếu mạo liên quan đến hai vị vua Đinh - Tiền Lê dày đặc hai bờ con sông ấy.
Quê tôi là một làng thuần nông thuộc xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Con sông mà tôi nói ở trên là sông cổ, có cái tên Kinh Thủy (bây giờ nhiều người không còn biết đến cái tên ấy nữa). Thuở nhỏ, nhà tôi kéo vó bè ở sông Kinh Thủy nên buổi tối, tôi thường theo bố lên ngủ ở lều, kéo đỡ quãng thời gian đến gần khuya và giữ vó cho ông chèo thuyền ra đổ thời vào quãng giữa đêm. Cái thời gian buổi tối ấy, tôi thường được bố tôi kể cho nghe những huyền tích liên quan đến hai vị vua Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Đặc biệt, có một ngôi miếu thành hoàng sát bờ sông của thôn Ninh Tảo ngay phía trên thôn tôi thờ Chi hậu nội nhân Đỗ Thích, người mà trong Đại Việt sử kí ghi đã đầu độc vua Đinh Tiên Hoàng và con trai cả Đinh Liễn rồi bị tùng xẻo ở sân rồng. Bố tôi bảo, thực ra ông Đỗ Thích không chết vì theo các cụ già của làng Ninh Tảo kể thì cụ Đỗ Thích bị giáng về đây lập làng trồng cỏ, hàng năm, khi vua Lê Hoàn về thăm ngôi mộ “Hổ táng” (mả Dấu) của ông nội Lê Lộc ở chân núi Cõi, cụ sẽ cùng dân làng mang cỏ sang cho ngựa. Chính vì thế, vào dịp đầu xuân, khi đền Lăng bên thôn Cõi (gần mả Dấu), xã Liêm Cần huyện Thanh Liêm thờ vua Đinh vua Lê và quần thần mở hội, thì thôn Ninh Tảo bên này, nơi đền thành hoàng thờ cụ Đỗ Thích, bà con đánh trống khua chiêng để ngăn cản không cho quân sĩ của vua Đinh ở bên kia sông sang bắt ông thành hoàng Đỗ Thích. Bố tôi còn kể, trước đây, trai gái của hai làng đó không bao giờ lấy nhau và bao giờ hai cái lễ hội ấy diễn ra cũng thu hút những người quanh vùng nhiều nhất.
Sau này, có một thời gian mấy năm tôi đóng quân ở Ninh Bình rồi mới chuyển đi nơi khác, thi thoảng ghé về Ninh Bình tôi vẫn gọi bạn bè ra quán ngồi tán dóc, cùng lang thang nơi này, nơi nọ nhưng lạ kì, cái cảm giác thoáng qua giống như tuổi thơ ngày nào đó vẫn luôn hiện hữu để rồi sau khi rời khỏi lại tâm niệm: Chắc chắn một ngày mình sẽ trở lại để đủ hiểu và ngấm. Tôi cũng đã đi nhiều vùng đất, một lần có, vài lần có, vùng đất mới có, đất cổ có, cố đô có… nhưng lúc nào đến cũng cảm giác “mới thoáng qua” như Ninh Bình thì hầu như ít gặp. Có lẽ nó xuất phát từ ấu thơ và đã ăn sâu trong tôi chăng? Hay Ninh Bình có quá nhiều bí ẩn mà không phải ngày một ngày hai có thể khám phá?
Lần này tôi cũng về Ninh Bình với nguyên vẹn cảm giác ấy. Trở lại đúng dịp tỉnh chuẩn bị kỉ niệm ba mươi năm tái lập, được chứng kiến một vùng đất đầy năng động và đang khát khao vươn mình mạnh mẽ nhưng cái cảm giác khẽ chạm vào Ninh Bình với tôi thì vẫn như xưa.
Vùng đất của những giá trị di sản đang được đánh thức
Nhắc đến Ninh Bình không thể không nhắc đến vùng đất là kinh đô của hai triều vua Đinh - Tiền Lê và buổi đầu nhà Lý. Một triều đại đóng đinh nhà nước đầu tiên của chế độ phong kiến trung ương tập quyền vào lịch sử Việt Nam, đóng đinh thời kì tự chủ đầu tiên đứng đầu bởi một Hoàng đế. Triều đại tiếp theo nổi tiếng với việc “phá Tống, bình Chiêm”, gần như cùng lúc dẹp tan hai thế lực xâm lược ở hai đầu đất nước. Di sản chính trị của hai ông để lại chính là nền móng cho các triều đại phong kiến sau này phát triển tạo nên hình hài của dân tộc ta như bây giờ. Hơn một ngàn năm trôi qua, dấu ấn thành quách, kinh đô, đền đài, cung điện… đã bị phủ lớp bụi dày của thời gian. Cái hiện hữu đang nhìn thấy được cơ bản là ở thế kỉ mười bảy, giai đoạn nhà Lê Trung Hưng trùng tu, tôn tạo, xây dựng đình chùa đền miếu trên cả nước. Chưa hài lòng với những thông tin ít ỏi từ chính sử và các huyền sử đẫm màu hư ảo về đế đô xưa, lại được những gợi ý quan trọng từ các nghiên cứu khảo cổ học gần đây, Ninh Bình đã và đang tìm cách “đánh thức di sản cố đô”. Chia sẻ với tôi, nhà văn Vũ Thanh Lịch - Trưởng phòng Quản lí di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình cho biết: Vừa qua Ninh Bình thực hiện một số nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu lịch sử quanh vùng đất ngã ba sông Bôi đến cố đô Hoa Lư và đã có những kết quả khá tích cực. Các di tích mộ gạch, dấu tích, di tích, di vật ở lưu vực sông Bôi và Cố đô Hoa Lư, các tư liệu Hán Nôm, văn hóa dân gian, tư liệu truyền miệng... cho thấy vùng đất Ninh Bình ở giai đoạn mười thế kỉ đầu Công nguyên đã có những hoạt động sôi nổi và sớm trở thành một trong những trị sở của chính quyền cai trị phương Bắc. Trước đây, các nghiên cứu ở khu vực Quần thể danh thắng Tràng An và một số điểm ở Cúc Phương, Mán Bạc… đã cho thấy đây là nơi tụ cư của con người từ rất sớm (cách ngày nay khoảng hơn ba vạn năm), cư trú lâu dài và liên tục qua các giai kì lịch sử. Những phát hiện khảo cổ học gần đây là điểm kết nối, bổ sung thêm mắt xích lịch sử còn thiếu để hoàn thiện bức tranh lịch sử văn hóa Ninh Bình. Rồi như muốn chứng minh điều mình vừa nói, nhà văn Vũ Thanh Lịch chỉ tay về phía cánh đồng xa xa: “Trong năm 2021, chúng tôi đã khai quật tổng diện tích 900m2 ở cánh đồng phía nam Đền thờ vua Lê Đại Hành và cánh đồng Nội Trong. Kết quả khảo cổ đã tìm thấy và phân tách được những dấu tích của ba lớp kiến trúc cung điện thuộc hai thời kì Đinh - Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau, trong đó kiến trúc thời Tiền Lê có quy mô đồ sộ nhất. Những di tích, di vật trong các hố khai quật đã ghi nhận vùng đất Ninh Bình có một thời kì Tiền Hoa Lư vượt qua thời Tùy Đường và kéo đến thời Hán từ đầu Công nguyên với những dấu tích của một châu trị lớn, một kinh đô Hoa Lư có quy hoạch hết sức nghiêm cẩn,...”. Nói đến đây, giọng chị chợt sôi nổi hẳn lên. “Sau khi khai quật mới thấy, nghệ thuật Hoa Lư đã thoát khỏi khuôn mẫu của nghệ thuật Bắc thuộc và bắt đầu hình thành những yếu tố mới định hình cho nghệ thuật Đại Việt ở các giai đoạn sau. Đặc biệt, hình tượng cá hóa long tìm được ở Cố đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê góp phần minh xác nghệ thuật trang trí hình rồng đã xuất hiện từ thế kỉ X. Những phát hiện khảo cổ này đã thay đổi một số nhận thức từ trước đến nay cho rằng quy mô của Hoa Lư rất nhỏ bé như sứ giả nhà Tống đã mô tả trong Tống sử”. Nhà văn Vũ Thanh Lịch cho biết, trong tương lai khu vực kinh đô này sẽ được quy hoạch, bảo tồn với sự tương tác giữa cuộc sống của người dân với Cố đô, để hài hòa giữa nhiệm vụ bảo tồn và phát triển như nhiều vùng cố đô trong khu vực và trên thế giới.
Vâng, cái thuở xa xưa ấy, chuyện của lịch sử luôn là khoảng mờ mịt với vô vàn truyền thuyết trong dân gian lưu truyền lại, thực thực, hư hư. Chẳng hạn như câu chuyện ông Đỗ Thích. Cũng ở quê tôi, ngoài chuyện về khai khẩn làng trồng cỏ còn lưu truyền tích sau khi bị chém, ông một mình một ngựa với cái đầu dính tí da trên cổ chưa đứt lìa phi một mạch từ Kinh đô Hoa Lư về. Đến đầu làng tôi (làng Khớm), ông dừng hỏi bà hàng nước, “thế này có sống được không” rồi mới tịch. Lại có tích đầu của ông trôi từ Hoa Lư về sông Kinh Thủy chỗ thôn Ninh Tảo, dân làng vớt thế nào cũng không được. Đến khi có người bảo, “nếu thực sự chịu oan khiên gì thì vào đây”, khi đó cái đầu mới trôi lại và được vớt lên chôn rồi lập miếu thờ… Vậy nên chỉ có những công trình nghiên cứu khảo cổ học mới tìm ra được những căn cứ khoa học, từng bước giải ảo lịch sử, từng bước tìm lại lầu xưa gác cũ, tìm lại dấu vết tiền nhân. Những gì nhà văn Vũ Thanh Lịch chia sẻ, nếu thành hiện thực, chắc chắn sẽ là điểm nhấn quan trọng cho vùng đất này, tạo ra một vùng văn hóa cố đô không chỉ cho Ninh Bình mà cho mọi người dân đất Việt khi tìm về cội nguồn tâm thức văn hóa dân tộc.
Một góc thành phố Ninh Bình từ núi Dục Thúy
Ý thức nội tại gìn giữ những ưu đãi của thiên nhiên
Ngày 23 tháng 6 năm 2014 Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản thế giới hỗn hợp về văn hóa và thiên nhiên - Di sản thế giới kép đầu tiên không chỉ của Việt Nam mà cả Đông Nam Á. Nó không chỉ khẳng định giá trị về vẻ đẹp thiên nhiên, và các trầm tích văn hóa của vùng đất Ninh Bình mà còn là sự khẳng định việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị đó trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, sự tương tác của những người con cố đô với môi trường, văn hóa, lịch sử đang hiện hữu quanh mình. Trong cái bình lặng ngăn ngắt của sông nước vùng lõi Tràng An, những bông đuôi chồn nghiêng đầu chải tóc dưới đáy nước, những chú chim le le vô tư lự kiếm mồi, và từ vách đá dựng đứng lởm chởm, bạc phếch màu thời gian, một chú chim đột nhiên vút lên như chui ra từ đá, thấp thoáng bóng chú voọc quần đùi trắng mới được đưa về từ khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Gia Viễn, Ninh Bình), và những đàn dê thong dong nhặt lá non, yên bình và thư thái đến lạ lùng... ông lái đò tên Dương Văn Biên, nhà ở thôn Tràng An, Trường Yên với đôi tay rắn chắc như lim nhưng lại hết sức mềm mại dù tuổi đã cao, vừa quạt đôi mái chèo vừa nhẩn nha kể những huyền tích hang động khi đò đi qua mà ông được ông bà mình kể cho nghe từ thuở chăn trâu, cắt cỏ. Ông bảo, trước ở đây, người dân quanh vùng, trong đó có gia đình ông, ở phía ngoài, vẫn vào đây để cấy lúa. Lúa chỉ cấy được vụ chiêm bởi khi đó nước thấp và các loại giống lúa thân phải dài. Hồi đó nhiều trần hang còn chưa được điều chỉnh nên chỉ cần mưa xuống một chút, thuyền đã khó qua được nên cơ bản phải… bám đuôi trâu mà vào. Mỗi khi qua hang, cơm nắm muối vừng, quần áo cởi ra quấn hết lên đầu, một tay cầm đuốc, một tay nắm chặt đuôi trâu. Chú trâu vừa dẫn đường, vừa kéo chủ đi. Cũng có những trường hợp trâu đi lạc vào ngách, cả người và trâu loay hoay mãi mới ra được. Thường khi vào đây, người dân sẽ ở lại trong thung làm ruộng đến lúc nào xong hết mới ra, có khi đến mấy ngày. Sản vật trong thung khá phong phú. Hoa quả, mài, măng của rừng, cá tôm cua ốc dưới ruộng, ở các ngách hang, nhiều nhất là cá rô và ốc nhồi. Cá rô ở đây rất to, nhiều con gần bằng bàn tay, nặng đến cả cân. Ốc nhồi cũng vậy, ruột ốc béo múp, đen nhánh, mềm thanh, ngọt đến nức mũi, chưa kịp đưa vào miệng, nước miếng đã tứa ra. Ngày đó trong hang có nhiều rùa, ba ba, toàn những con to. Ông Biên bảo, ngày trước, cũng chẳng có ai dặn dò, nhắc nhở cấm đoán và cũng chả phải ý thức gì, như một điều tự nhiên, tất cả mọi người vào đây hầu như cá, tôm, cua, ốc dưới sông chỉ bắt con to, con nhỏ đều thả lại, còn cây trên bờ không ai mảy may có ý nghĩ chặt phá. “Ơi này, đi tuyến nào về đấy? Tuyến một. Thế thị quả đã chín chưa? Thị đã chín nhưng mà từ năm trước”. Câu đối đáp vui vẻ của hai người chèo đò, một trên bờ, một sắp vào bến về cây thị nghìn năm ra hai loại quả tròn và dẹt ở đền Khống, nơi tương truyền bảy vị quan trung thần, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, sau khi đưa linh cữu vua đi an táng họ đã vào hang cùng uống chung li rượu độc tuẫn tiết để mang theo bí mật về ngôi mộ thật của ngài cũng là lúc kết thúc hành trình. Chúng tôi lên bờ để cả ông lái đò và tôi, chuẩn bị cho một hành trình khác.
Tìm hiểu kĩ hơn về lịch sử, văn hóa Hoa Lư, chúng tôi tìm đến Trung tâm du lịch cộng đồng Tràng An cổ ở thôn Tràng An, Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình để gặp một người đang nỗ lực góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa của quê hương đến du khách gần xa. Trong tiếng nước lóc bóc vỗ mạn của chiếc thuyền nhỏ do chính tay ông - Nguyễn Văn Son, chèo đi vào hang Luồn, nơi có bài thơ của chúa Trịnh Sâm khắc trên vách đá với những câu răn mình, Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ/ Lòng dân đáng sợ chớ nên quên, khi đi tuần thú cõi tây quay thuyền trở về qua đây, tôi được ông kể cho nghe về cái duyên của mình với vùng Tràng An này. Ngôi nhà nhỏ, thấp nằm kín đáo dưới khoảng tán cây rộng bên kia bờ sông Sào Khê gần cửa hang Luồn là nơi ông bà, bố mẹ ông Son sinh sống, cũng là nơi chôn rau cắt rốn của ông. “Khoảng hõm vào ngay cửa hang được che bởi vách đá kia, hồi nhỏ các cụ tôi thường ngồi trên thuyền bàn luận về chuyện vua Đinh, kể những chuyện về nhà vua. Buổi trưa người đi làm ruộng, đi rừng kiếm củi, lấy măng, đi kiếm cá dưới sông, trước khi qua hang Luồn họ đều dừng chân ở cái cửa Luồn bên này vì nó mát hơn. Sau khi nói chuyện xa chuyện gần bao giờ họ cũng hỏi nhau đi thung nào, hang nào, làm cái gì. Chuyện nọ chuyện kia quanh quẩn bao giờ cũng quay về chủ đề lịch sử, thung đó có phủ đền thờ ông ấy, ông nọ, tích của nó ra sao... Tất cả những thứ đó ngấm vào tôi tự nhiên như nước lên xuống ở hang, vì thế, các huyền tích lịch sử của nó tôi đều thuộc. Với tôi, vùng đất này như da, như tóc, như máu thịt của mình”.
Khu Bảo tồn sinh thái Thung Nham, Ninh Bình ngày càng có nhiều loài chim về sinh sống
Nói về ý thức gìn giữ những giá trị thiên nhiên ban tặng của người Ninh Bình không thể không nói đến việc bảo tồn chim ở khu sinh thái Thung Nham cũng nằm trong vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An. Trong tiếng kêu ồn ã, những cánh trắng, cánh nâu lả la rợp trời của bồ nông, sáo đá, le le, cò, hạc… trở về tổ trên những ngọn tre, cây cối, bờ bụi cuối buổi chiều ở Thung Nham, người lái đò tên Đinh Quang Phượng người thôn Hải Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình cho tôi biết, gia đình anh đã ba đời sinh sống ở khu vực này. Trước đây, Thung Nham là một vùng sình lầy lau lách, chỉ những chú trâu mới đủ sức để mở lối vào. Người dân chủ yếu vào đây đào củ, lấy cây thuốc và kiếm cá, tôm, săn bắn chim thú… Rồi anh hào hứng: Hồi còn nguyên sơ cũng có chim, thú, nhưng không nhiều lắm. Khi Thung Nham được khai thác thành khu bảo tồn, lượng chim về nhiều hẳn lên, xuất hiện nhiều loài trước đây không có về cư trú. Đất lành chim đậu mà! Quả thật, ai đã từng đến Thung Nham những năm trước giờ đây phải ngạc nhiên vì số lượng chim ngày càng nhiều lên theo năm tháng. Giờ thì anh Phượng cũng như nhiều người dân khác ở Ninh Hải mưu sinh bằng công việc chèo đò đưa khách tham quan và làm những công việc liên quan đến bảo tồn chim, vừa có thu nhập lại vừa có ý nghĩa đồng hành bảo tồn di sản. Mỗi người dân Ninh Bình đã đóng góp một phần vào sự phát triển bền vững của vùng đất Cố đô như thế.
Và câu chuyện ở vùng đất mở
Chúng tôi xuống Cồn Nổi, thuộc huyện Kim Sơn vào buổi sáng trời hiu hiu lạnh. Trên quãng đường 6km cầu biển, gió mang vị mặn tinh khiết ùa vào lồng ngực đầy sảng khoái. Ai cũng cảm thấy mặt mình giãn ra, những múi cơ căng lên đón hương vị của biển. Đang khi triều xuống, hai bên cầu kéo xa ra đến ngút tầm mắt là cát lẫn phù sa màu nâu tươi điểm xuyết những vệt nước loáng lên dưới ánh sáng hưng hửng của bầu trời mùa xuân. Anh Nguyễn Xuân Trường, Phó trưởng phòng Quản lí di sản văn hóa của Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, người dẫn chúng tôi đi thực tế, hào hứng chia sẻ, mỗi năm Ninh Bình được của “hồi môn” lấn ra biển ở khu vực Cồn Nổi này từ 80 đến 100 mét. Cồn Nổi nằm giữa hai cửa sông lớn là sông Đáy và sông Càn nên đất bồi ở đây rất giàu phù sa, màu mỡ. “Thế bao giờ thì những đất bồi ở đây có thể sử dụng bình thường?”, tôi hỏi. Theo đúng quy trình từ ngàn đời nay thì - Trường cười trả lời thắc mắc của tôi - để rửa mặn, đầu tiên sẽ trồng sú vẹt như thế kia, anh lấy tay chỉ về đám rừng xanh mờ phía sau xe, sau đó thì trồng cói và cuối cùng mới thau chua rửa mặn để trồng lúa. Còn bây giờ, những đoạn xa biển, sẽ cho các gia đình quanh vùng thả ngao để thu hoạch. Về tương lai, tỉnh Ninh Bình dự định sẽ quy hoạch từ đê Bình Minh 2 ra đến Cồn Nổi, đến năm 2040 sẽ trở thành khu đô thị.
Hết đoạn cầu biển, chúng tôi xuống xe bước vào dãy nhà khá rộng được xây trên các trụ bê tông giống kiểu nhà làm tại các vùng lũ. Tiếp chúng tôi là Thiếu tá Đinh Công Kiên, nhân viên kiểm soát hành chính của Trạm kiểm soát Cồn Nổi, đồn Biên phòng Kim Sơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình. Toàn bộ tầng trệt của hai dãy nhà để trống, chỉ là những chân cột bê tông. Hỏi sao nhà phải làm cao thế, anh bảo để tránh sóng biển khi bão lũ đánh vào. Đinh Công Kiên ra Trạm kiểm soát Cồn Nổi công tác từ năm 2015, công việc chính của trạm là bảo đảm an ninh, tuần tra kiểm soát vùng đất mới bồi đắp. Chỉ tay về phía rừng phi lao xanh chắn sóng trước mặt phía biển anh bảo, chỉ mấy năm trước nó còn ở tít phía trong kia, giờ đã ra tận ngoài này bởi gió bão, đất bồi. Dẫn chúng tôi ra phía chân sóng, anh chỉ tay về phía xa, nơi con đê biển mới được xây dựng chưa lâu bảo sẽ chẳng mấy, đất bồi sẽ lan ra đến đó. Con đê ấy sẽ giúp quá trình bồi nhanh hơn bởi khi phù sa theo sóng vào khi rút ra đi qua con đê ấy, phù sa sẽ được giữ lại. Cách quai đê lấn biển này là người Kim Sơn được kế thừa từ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, người có công đầu đi mở đất, lập nên huyện Kim Sơn ngày nay. Tưởng nhớ công ơn ông, người Kim Sơn đã không ngừng làm giàu, làm đẹp, làm sang, làm rộng lớn thêm cho vùng đất mở được ông ví như “núi vàng” (cách hiểu nôm na của chữ Kim Sơn) này. Di tích quốc gia đền thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các vị chiêu mộ ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn là một trong những điểm nhắc nhớ về những người mở đất để người dân và du khách tỏ lòng kính ngưỡng.
Cồn Nổi - vùng đất mới của tỉnh Ninh Bình
Ninh Bình hôm nay vẫn nhè nhẹ, từng bước tiến về phía biển. Những năm 1990, từ khoảng phù sa bồi đắp theo thời gian, huyện Kim Sơn đã thành lập thêm ba xã mới là Kim Đông, Kim Hải, Kim Chung. Bởi thế, dù Ninh Bình chỉ có 18km bờ biển, nhưng biển Kim Sơn đã tạo nên cảnh sắc và sự đa dạng địa chất tự nhiên, đa dạng sinh học cho tỉnh cũng như góp phần mở ra những vùng đất mới tiếp nối truyền thống từ hàng trăm năm trước.
*
* *
Trước khi chia tay Ninh Bình, tôi trở lại núi Cánh Diều, hay còn gọi là núi Ngọc Mĩ Nhân nằm ở trung tâm thành phố Ninh Bình, nơi ngày xưa, một tổ quan sát phòng không của chúng tôi từng đóng ở đó. Tương truyền, Cao Biền, người được quân Nam Chiếu của Trung Hoa xưa phong làm Tiết độ sứ cai quản xứ An Nam, với tài phong thủy, trấn yểm nước Nam, bước chân ma thuật của ông ta trải từ Bắc vào Nam đã thất bại tại đây khi bị rơi cánh diều trấn yểm tại ngọn núi này. Hồi ấy, chúng tôi hay bàn chuyện Cao Biền rồi lí giải, sở dĩ Cao Biền bị rơi diều ở đây, không thể tiếp tục trấn yểm nước Nam là do pháp sư và nhân dân vùng này biết kết hợp giữa mềm và cứng, cầu siêu, đã làm phép để mái tóc của Ngọc Mĩ Nhân bung xõa giữa không trung làm cho diều vướng vào như gà mắc tóc khiến Cao Biền trở tay không kịp và bị bắn hạ. Câu chuyện tự nghĩ ra ấy là của cậu trung đội trưởng người Tràng An. Cậu luôn tự hào với chúng tôi, chẳng thơm cũng thể hoa nhài, người Ninh Bình hào hoa, thông minh linh lợi, quyết liệt nhưng cũng vô cùng cởi mở mềm mại. Câu chuyện ấy chỉ là chuyện vui của những người lính trực chốt, nhưng giờ ngẫm lại thấy cũng là một ý nghĩ thú vị.
Đưa mắt ngắm toàn cảnh núi Ngọc Mĩ Nhân, dải núi mang hình hài một cô gái vẫn bình thản nằm đó qua bao tuế nguyệt, tôi khẽ mỉm cười một mình và chợt nhận ra, Ninh Bình luôn luôn thế, và lần trở lại này cũng thế, vẫn như thể mình mới thoáng qua, mới chạm vào mà thôi. Ở mảnh đất với bề dày văn hóa, với những trầm tích lịch sử này, mỗi một khám phá, mỗi một lần giở cũng chỉ là một lần chạm khẽ. Những lớp dấu tích cung điện thời Đinh - Tiền Lê thì việc khảo cổ có thể gọi tên, nhưng còn những lớp huyền tích, huyền sử mơ hồ ở độ lùi hơn một nghìn năm mây bay gió thổi, sương phủ trăng mờ kia sẽ mãi mãi là những bí ẩn của lịch sử.
http://vannghequandoi.vn/van-xuoi/ninh-binh-them-mot-lan-khe-cham_13135.html