Nguời đàn bà giặt chiếu

22/10/2021

  • lượt xem: 820

Truyện ngắn dự thi. ĐOÀN NGỌC HÀ

Chị Thơm xách làn lệnh chệnh đi giữa đám đàn bà tăm tắp bước. Họ vào sân nhà tôi. Ồn ã. Có người còn xỉa răng. Có người còn quất quất quay mái tóc vừa gội. Khổ quá đi mất, cứ như thổi cơm thi. Chết tiệt cái bà này, đi Thăng Long dự hội non sông mà lại mang cơm nắm? Một bà vừa vuốt mép nhai trầu vừa bảo, ở Hà Nội, ăn bát phở mất đứt yến gạo, các cô có tin không? Mấy bà nhao nhao hùa vào. Ối người ăn cơm nắm, ối người đi chân đất vào Hà Thành! Này nhé! Đất lề, quê thói, ta cứ lể thể nhà quê mà hóa hay! Bà ơi, cho cháu lõ lưỡi vào một tí nhé, một cô gái trẻ ỏn thót, đừng chửi cháu đấy! Thế bà mặc yếm hay đeo coóc-xê đi Hà Thành đấy!? Bố cái tông môn nhà cô!... Nổ ra một trận cười như nắc nẻ. Họ đấm nhau thùm thụp. Ờ nhỉ! Ai nấy để ý đến việc ăn mặc của mình và của cả đám. Này, như cái “của kia” thì cần gì son phấn mà vẫn lác mắt thiên hạ! Người vừa bị đẩy ra có vẻ bẽn lẽn liền kéo vội đứa cháu vào lòng, cúi mặt, em í à, em chổi cùn, rế rách vứt đi được rồi, các bà bảo em nói thế có phải không? Nói xong, chị vơ vẩn nhìn quanh, cặp má ửng lên một chút.

Nhà tôi tiện đường, người ta đến để chờ xe. Nghe đâu vợ chồng nhà Bạ làm ăn phát đạt, thuê hẳn một chuyến xe khách cho bà con cùng đi. Cũng phải, Bạ là tay chơi phải biết. Chị Thơm cùng đi chuyến này với gia đình Bạ, ồ thế là mừng, người ta đã bỏ qua mọi nỗi thù tức để đến với nhau! Ngày hội non sông mà.

Dễ đến một tháng nay, cái làng Cầu Đất của tôi cứ rộn rịch cả lên. Nhà khá giả thì gói bánh, đồ xôi, túc mục con cháu đi làm ăn xa về đưa bố mẹ, ông bà đi dự hội ngàn năm cố đô Thăng Long. Đến như lão Thổ Câm cũng còn gác vó, bò đi từ hôm kia. Việc Bạ sùng sục về đưa vợ con đi xem hội, vợ tôi trù mỏ bảo, rõ dơ quá, bố mày xem thiên hạ có cái thứ đàn ông nào chó dái như lão Bạ không? Bạ có xưởng cưa to lắm ở Sơn La kia mà! Tôi bảo vợ thế để khơi chuyện. Quả nhiên, bà ấy sồn sồn lên, ấy thế, giàu có đâm ra rửng mỡ, cứ xoành xoạch về để ngửi gái, lại còn bảo chuyến này về là để đưa “dì hai” đi dự hội Thăng Long, thế có thối chuyện không? Tôi hiểu “dì hai” ở đây là ai và cười to, lão Bạ chả chớt í mà! Vợ tôi chồm lên, cũng nanh nọc như mấy bà nạ dòng hàng xóm. Ừ “chả chớt” mà xé giậu, chui gầm phản, rúc chuồng trâu, chán mớ đời! Đàn bà thôn mạc vẫn thế, hễ ghét ai thì họ thầm thào, ngấm ngoáy, chửi bới cho rõ thật tệ. Toàn những chuyện vặt vãnh, vô lí đến tàn nhẫn. Thì như chuyện ông Thổ Câm, người đàn ông này đã câm lại điếc, lại dở hơi, khai khú, hình thù hết sức kì dị, đi gần như bò, cô thân, ở một góc vườn, vậy mà thỉnh thoảng lại hu hơ khóc rống lên vì những đứa ăn trộm gà cứ đem lông đến vườn nhà ông, còn đám đàn bà thì tiếp tục gánh chuyện Thổ Câm ăn cắp đi đổ vào tai cả làng. Người câm làm sao mà kêu oan được, ông phải ra rệ sông sống với một túp lều vó như cái tổ chim dập dềnh trên mặt nước. Ấy thế, còn con vợ Bạ thì đến tam tứ phen chửi bới chị Thơm. Có lần nó cùng cánh đàn bà túm được tóc chị quấn vào gốc tre, lột áo, bôi cứt gà vào vú rồi tát cho sưng mặt.

Mà nào chị Thơm có tội tình gì, chỉ có một tội là đẹp, đẹp đến xiêu lòng mấy gã đàn ông trong làng. Trong số đó, Bạ là kẻ “chết mệt” chị nhất. Bạ có xưởng cưa trên Sơn La nhưng thỉnh thoảng lại mò về tìm mọi cách tiếp cận chị Thơm. Đêm, Bạ xé giậu, lẻn vào được căn nhà tối om. Chị Thơm ngủ trên phản. Bạ chờ chị Thơm ngáy thì hành sự. Nó chồm lên lột quần, đánh úp. Người đàn bà khỏe vật ngã được thằng đàn ông cưa xẻ rồi kêu dậy làng nước mất trộm. Làng nước đổ đến thấy chị còn để truồng, bảo “trộm của hay trộm cái kia đấy?”. Rồi cười như đổ lò gạch và kéo nhau ra về. Lại một bận khác, Bạ để xe mãi ngoài quốc lộ rồi lò rò như con vạc ăn đêm. Sau khi thám thính “trận địa”, gã bò theo kiểu nằm ngửa, đẩy gót, chui vào bếp chị Thơm. Lúc ấy, chị đang quấn cá, quài tay ra lấy rơm thì quờ ngay phải cái thổ tả. Lần này, rút kinh nghiệm, chị Thơm không kêu làng mà nắm ngay lấy cái “củ từ” của nó mà luận tội: “Này, can cớ gì mà anh tệ với tôi như thế? Hôm nay, tôi quyết chết với anh để làng nước họ biết bụng dạ gái này!”. Nói xong, chị rút cái liềm đánh roạt!

Sau lần bạt vía, kinh hồn ấy, Bạ không còn dám mon men đến chị Thơm nữa. Nhưng gã vẫn còn tơ tưởng đến khốn khổ. Lần nào về, gã cũng thẩn thơ trên bờ ao làng ngắm cảnh, thực ra là để được thỏa thuê ngắm chị Thơm giặt chiếu.

Chị Thơm giặt chiếu! Không chỉ bây giờ, giời đất ạ, chị giặt chiếu từ ngày mới lấy chồng, rồi chờ chồng. Sáng ra, người ta đã thấy chị Thơm mang chiếu ra ao làng giặt. Chị đi thư thả. Tóc cũng thư thả buông. Hông đu đưa. Chân nhón nhẹ. Chị bắt đầu dìm cặp đùi. Nước loang ra những vòng căng, những vòng căng sáng do nước da trắng nõn của chị ánh lên cộng hưởng với ánh nắng sớm, vẽ lên trên mặt nước những mịn màng, lênh láng. Bỗng chị lắng người, tóc đổ sang một phía, vòng eo thon bật lên như một vòng cung, thả xuống tiếng nổ rung mặt ao, vọng tít lên mây, vọng ra bốn phía làng nước yên tĩnh. Đoạn, chị mang cái chiếu ướt lên bờ, mới thật kì thú, đôi chân ngọc ngà, ướt át, được ánh bình minh tưới hồng rực lên như một pho tượng thần. Ngày còn chiến tranh, làng nước cứ nghe tiếng chiếu dội lên thì biết ngay là của chị Thơm. Có người chép miệng. Tội quá đi mất! Con bé ngày nào cũng giặt chiếu là sao? Kẻ ghét bỏ thì bảo. Rõ con đĩ chưa, lại chán chê, mê mẩn với thằng nào nên mới giặt chiếu sớm thế! Làng còn “đứa nào” đâu! Chẳng qua chỉ là mấy ông lão phì phò trồng cây, mấy anh thợ mộc đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới ngó qua nhà một chút.

Dần dần tiếng giặt chiếu của chị Thơm được thêu dệt nên ối chuyện. Mấy người đàn bà nanh nọc trong xóm rủ nhau đi rình. Vợ Bạ bảo, thế nào cũng có đêm tóm được ếch bắt đôi trên giường cho mà xem! Trời tối như bưng mắt. Đêm chiến tranh. Thỉnh thoảng phía góc trời tung lên những chùm đạn vàng hoa cải săn máy bay cùng những tiếng nổ ì ầm. Họ bò vào vườn nhà chị Thơm. Họ triển khai đội hình theo hàng dọc. Người nọ trông vào mông đít người kia nhổm lên mà tới. Cửa nhà chị Thơm vẫn im ỉm đóng. Cóc ngóe kêu ran rá. Lúc quay ra, họ thấy lù lù một bóng đen! Bóng đen từ mảnh vườn bên kia bò sang. Mấy bà bấm nhau. Biết mà, đêm nào chả có trai đến nhà nó. Chả trách sáng nào cũng giặt chiếu sớm! Mỡ để miệng mèo mà mèo không liếm à? Hay là thằng hùm vồ nhà tôi vẫn sang hú hí với con đĩ? Thôi nào! Họ cấu vai nhau, ghé sát vào nhau hơn nữa. Tôi nghi lắm, đàn ông làng ta không có người lùn tịt mà lưng dài ngoẵng thế kia. Thằng chết dịch này ở đâu mới đến? Bây giờ thì nó đã tiến vào đến hè nhà Thơm. Nghe chừng nó bò khoan thai lắm, vừa bò vừa lắng nghe, cảnh giác. Vừa bò vừa rung rung đĩ đởm. Cha bố thằng khốn nạn! Cái lưng cứ rập rình, võng cả xuống đất, đen đặc lại. Quái!?... Bỗng nó lồm ngồm, rùng rùng cả một khối đen ngòm. Lưng bật lên. Cổ roãi ra, nghển lên, cào riết vào cánh cửa. Oẳng! Một đám chuột lao bắn như tên vào chân mấy bà. Hú vía! Mấy bà vội vã bò thục mạng ra ngoài. Một con chó! Con chó Tây sợ tiếng đạn phòng không, lạc từ trên phố xuống lang thang trong làng mấy bữa nay.

Quả thật, ngày ấy, Thơm không hề hay biết về việc mấy bà hàng xóm đêm đêm vẫn đi rình chị. Chị vẫn thản nhiên đi giặt chiếu. Sau sự việc Bạ đểu cáng gây ra, chị càng cẩn mật hơn. Từ chập tối đã đóng chịt cửa, cài then rõ chắc. Chị nhận thêm ba mẫu bèo dâu. Ngày nào, chị cũng ngâm mình đến ngực ở ruộng bèo. Phong trào làm bèo toàn xã được nhân lên. Người ta đề đạt chị là chiến sĩ thi đua tiêu biểu, rồi anh hùng lao động! Ôi dào! Anh hùng cái gì không biết, chị chỉ muốn làm được thật nhiều để xứng đáng với anh Thuấn. Tội thân, ngày mới lấy, vợ chồng ăn ở với nhau chưa đầy tháng. Ngoài công việc của Hội phụ nữ, chị còn đi trực chiến. Nhà chồng đông anh em nên cưới xong thì gia đình cho ra ở riêng. Chiến tranh biết thế nào được, họ quý từng phút khi bên nhau. Sáng nào, Thơm cũng dậy sớm đi giặt chiếu. Giặt chiếu như một niềm tự hào của người phụ nữ chiều chồng! Mãi sau này, khi anh Thuấn đã hi sinh, chị vẫn giữ mãi cái công việc thầm lặng mà thấm đẫm tình yêu ấy. Giặt chiếu là để được nhớ, được khóc, được thương. Có dịp nhớ anh quá, chị giặt chiếu liền trong cả tháng.
nguoi dan ba giat chieu thanh chuong
Minh họa: Thành Chương

Xã chuẩn bị cho hội nghị điển hình làm bèo dâu toàn tỉnh. Hợp tác xã mổ lợn đón tiếp. Thơm được vinh dự lên báo cáo. Công việc chuẩn bị hết sức khẩn trương. Phòng Thương nghiệp huyện phân phối năm mét vải để cô ăn mặc cho lịch sự, tươm tất. Khách chưa về. Nồi nước xuýt réo ùng ục. Chủ nhiệm Tuân bảo đánh lấy mươi bát tiết canh đãi khách. Thơm ôm bộ quần áo mới gói trong chiếc khăn vuông, len lén chui tọt vào cái ngách nhà kho hợp tác. Nhà kho nhờ nhờ tối. Khi buông hết mọi thứ trên người, Thơm hoảng hồn suýt kêu lên bởi quay lại thấy chủ nhiệm Tuân đứng lù lù ở phía sau. Thơm vội ngồi thụp xuống lấy bộ quần áo mới che thân. Tiếng Thơm nén nghẹn đến phát khóc:
- Anh ra ngoài kia đi. Xấu hổ lắm!
- Xấu hổ lấy rổ mà che. Tôi đi tìm cái cân móc hàm con lợn!
- Rõ khổ thân em đến thế này!

Tiếng Thơm thít lên. Vừa lúc ấy, tiếng xe cấp trên đã sình sịch ngoài sân cỏ. Cánh cửa nhà kho hợp tác bật tung...
Người ta đi đến một vụ án tày trời. Chiến tranh càng ác liệt, tính chất vụ án càng trở nên nghiêm trọng. Về lí, người ta đã bắt quả tang. Buồng kín. Nam và nữ. Nữ trong trạng thái trần truồng. Chủ nhiệm Tuân bị kỉ luật, phải bỏ quê đi làm ăn xa. Thơm ở diện chính sách, người ta nương nhẹ hơn, chỉ giao cho Hội phụ nữ nhắc nhở. Thơm nói với chị Hội trưởng, hãy kỉ luật em này này, vì em là con gái nhưng không có ý tứ, giữ gìn, đừng kỉ luật anh Tuân, tội cho anh ấy! Người cán bộ phụ nữ hực lên. Chết thôi! Em nói thế tức là em đã thụ lí tội lỗi về mình! Thơm nói trong nước mắt, chị ơi, đàn ông, ai không thế, hả chị, nếu có tội thì chỉ là cái tội dòm trộm con gái là cùng. Oan cho anh Tuân, bởi trong nhà kho, anh ấy vẫn đứng, y trang quần áo. Anh ấy chưa hề động đến em một tí tẹo nào gọi là có. Còn em, chị biết rồi. Em đang thay quần áo để lên báo cáo. Chị Hội trưởng nghiêm mặt. Kỉ luật để răn đe, yêu cầu của chiến trường, ở cuộc đọ sức căng thẳng giữa ta và địch lúc này, rất cần trừng trị bất cứ kẻ nào dám xâm phạm đến vợ liệt sĩ, dẫu chỉ nhìn ngắm họ, em hiểu chứ! Thơm giãy nảy, giời ơi, vì em mang tội đến người, em có còn vác cái mặt vinh hạnh là vợ liệt sĩ đi họp hành làng trên xã dưới nữa hay không? Em là gì mà cứ được hưởng bao nhiêu lời vinh danh trong khi để người ta khổ? Chị bảo em nói thế có phải không? Thôi! Người lãnh đạo gay gắt chỉ thị. Để bảo toàn là người vợ liệt sĩ vinh quang, chị quán triệt em ở hai điều. Một, em không được ân hận gì về vụ tên Tuân nhòm em. Nó là thằng địch cài vào phá hoại ta! Âm mưu dùng “cái của thằng đàn ông” để tiến công ta! Hai, em còn trẻ quá mà đẹp nữa nên phải ý tứ, giữ gìn và phải tuyệt đối xa đàn ông, nhất là những kẻ chớt nhả, những thằng đàn ông háu gái, rõ chưa!

Chiến tranh lan rộng. Vẫn tiếng chiếu vỗ mặt ao làng vào những buổi sáng. Dần dần, người ta không còn để ý đến nó nữa. Một mình một bóng, đêm nào Thơm cũng dậy thắp hương gọi chồng. Anh Thuấn! Anh có hiểu cho em không? Nào em có làm gì nên tội? Ai biết được nỗi lòng Thơm bây giờ? Thề có nhật nguyệt chứng giám, Thơm biết bổn phận của mình là vợ một liệt sĩ. Thơm quyết giữ trọn vẹn. Thơm đau đớn thờ phụng người chồng, trước hết là tấm lòng của một người đàn bà phẩm hạnh và hơn thế, Thơm tự hào khi cô đã hiến một người thân yêu nhất cho tổ quốc. Dẫu vậy, Thơm muốn người ta đối xử, chia sẻ với mình ở những tâm tình, ở nỗi đau chứ không phải là ở những bài bản vinh danh tráng lệ, ầm ĩ! Thơm không muốn thế. Thơm chỉ muốn lặng lẽ nhận nỗi đau, lặng lẽ sống nỗi khát trong trẻo của một đàn bà không chồng. Trời hỡi! Thơm không chồng! Khổ thân Thơm chưa? Trong khi mỗi ngày Thơm như bông hoa khai mãn đầy đủ, nỗi khát khao dâng chật, nhức nhối, Thơm phải cố nén, cố chịu đựng thì người ta lại đẩy Thơm đến những cô đơn não ruột hơn, bi khốc hơn. Sau vụ Tuân, Thơm rơi tõm vào một thế giới lạnh vắng khủng khiếp của cõi người. Những người đàn ông vốn rất tốt với Thơm đều xa lánh. Trong các cuộc họp, họ quen quén dịch đít rõ xa Thơm, để cuối cùng, Thơm ngồi một mình trơ trọi bên những hàng ghế đàn ông im lìm.

Càng cô đơn, Thơm càng buồn bã, đêm một mình một bóng, hết xuống bếp lại lên nhà. Có lúc thẩn thơ ở vườn sau. Có khi ra cầu ao múc nước dội lên người, xong rồi mới nhận ra rằng một đêm mình đã tắm đến mấy lần! Thật ra, mỗi lần như thế là một lần được nhớ Thuấn. Nhớ bàn tay anh dội nước và nâng niu, kì cọ cho Thơm. Tưởng làm thế sẽ đỡ nhớ, ai ngờ cái nhớ lại tăng thêm.

Dần dà, Thơm chợt nhận ra sự vô lí, tại sao mình cứ phải đóng cửa, cài then quá kĩ? Đời một người đàn bà có được là bao, thời xuân sắc lại càng có hạn. Thơm cần mở cửa đón nhận ánh trăng, đón nhận gió mát. Tội tình gì mà Thơm phải đóng cửa? Vả lại, bây giờ, ai còn có gan ngó tới Thơm nữa. Thơm thấy chua chát, thấy tủi thân, thấy nhơ nhuốc. Đàn ông! Đàn ông! Không! Dẫu họ tới thì Thơm vẫn giữ trọn là Thơm kia mà. Đàn ông! Đàn ông! Thơm bỗng nhớ mùi đàn ông nồng nàn, nhớ hơi thở, giọng nói của Thuấn quá. Nhớ đến nỗi, Thơm phải lấy chiếc áo còn lại duy nhất của Thuấn đắp lên ngực. Mê man, Thơm với chiếc giành tích trùm tấm áo của Thuấn lên để được ôm ấp, thổn thức. Mãi tới khi nước từ cái tích làm ướt nóng cả ngực, Thơm mới vùng dậy bật khóc. Tội thân, Thơm phải há miệng để khóc không thành tiếng. Tiếng lá xào xạc, không phải bóng người, ngoài vườn trăng sáng lồng lộng. Dường như không còn giữ nổi mình và cũng chẳng hiểu tại sao, giữa khuya khoắt, Thơm một mình ra đồng, tìm đúng chỗ đã cùng ngồi với Thuấn, nơi Thuấn trao nụ hôn đầu tiên. Vật mình xuống cỏ, Thơm ôm lấy thân đê, cào vào đất, cắn vào cỏ, lăn giãy. Khi thấy lạnh, Thơm biết mình đã rơi xuống rệ sông tự lúc nào. Một chiếc thuyền nhỏ chỉ cách chỗ Thơm nằm chừng mấy mét. Men bờ cỏ, Thơm đi tới. Cả một trời trăng đổ xuống. Đẹp quá! Nhẹ nhàng, Thơm leo lên thuyền, nằm ngửa trên sạp đung đưa. Mặt nước bồng bềnh thêu bạc, nâng Thơm lên, hạ Thơm xuống, cho đến khi chiếc thuyền dào nước...

Tỉnh dậy, Thơm thấy mình nằm trong một căn lều tồi tàn. Một người đàn ông đen trũi, râu tóc rũ rượi như một con gấu đang hớt hải bò toài, tìm cách đặt Thơm vào chiếc chiếu rách. Người đàn ông tìm một cái gối gỗ kê đầu cho Thơm. Rũ từ cái bao tải ra một bộ quần áo đàn ông nhàu nhìa, lặng lẽ, ông ta ngồi xuống, lần cúc, cởi cái áo ướt cho Thơm. Hơi thở của người đàn ông gấp gáp, nồng oi, hôi hám nhưng nó là hương vị đàn ông, lâu lắm Thơm mới gặp lại một cách hiện hữu chứ không phải trong mơ. Rõ ràng, ông ta rất lúng túng để mặc chiếc áo khô cho Thơm. Chết nỗi! Sao Thơm cứ thấy có cái gì dìu dịu, lan tỏa thế này? Thơm cảm thấy cả người ông ta run lên khi cài cúc ngực cho Thơm. Yên lặng, ông ta ngồi thu lại như một hòn đất thổ. Phải mất một lúc lâu gù gừ, gục gặc, co ruỗi, ông ta mới dám quỳ xuống kéo chiếc quần ướt của Thơm để thay chiếc quần khô. Không còn biết trời đất là đâu nữa, không biết Thơm đã lạc đi đâu? Chỉ biết, hình như lúc ấy, Thơm nắm lấy tay người đàn ông kéo xuống.
Vầng trăng chín mọng như một cái rá vàng lúc lắc treo ngay trước cửa lều...
*
* *
Bây giờ thì trong sân nhà tôi, người trong xóm đi dự hội Thăng Long đã đến khá đông. Chị Thơm vào phòng làm việc của tôi xin chút nước cho cháu bé. Vui vẻ, tôi bảo chị, vợ chồng nhà Thủng nó cho cháu đi dự hội với bà nội là phải quá! Nét mày chị buông xuống. Khuôn mặt người đàn bà ngoại sáu mươi đã nghiêng về chiều nhưng vẫn còn phảng phất nét đẹp thời thanh nữ ở cặp mắt có hàng mi rợp, cặp môi dịu dàng, mịn chín. Lát sau, chị mới sẽ sàng, chú giáo này, kể được như chú nói thì tôi đã mừng lòng nhưng sự đâu có thế hả chú. Chú tính, con bé này, tôi bế ẵm, chăm chút từ lúc lọt lòng, vậy mà vợ chồng thằng Thủng vẫn coi như không. Ừ thì, con bé này là con nó nhưng là cháu nội của tôi, chú bảo tôi nói thế có phải không? Sáng nay, tôi sang, chồng nó đi chạy công nông, tôi bảo vợ nó, chị cho con Thắm nó đi chơi với tôi một ngày cho con trẻ nó biết thủ đô Hà Nội. Nó sưng sỉa quyết không cho cháu bé đi, phải mấy người trong xóm nói giúp, nó mới cho cháu tôi đi với tôi đấy chú ạ!

Chị Thơm! Tôi là một anh giáo quê, chẳng giúp gì cho chị. Sau ngày chị có con với lão Thổ Câm ngoài lều vó, lí đương nhiên người ta chuyển giao chế độ liệt sĩ cho nhà chồng. Vợ liệt sĩ chửa hoang thì còn ai mà chấp nhận nổi nữa! Cái đó đã là gì so với sự hắt hủi, ghẻ lạnh của làng nước. Chị nuôi con một mình trong ngôi nhà nhỏ. Người ta gọi đứa con chị là thằng Thủng. Ừ. Đời chị còn gì đâu mà chẳng thủng. Những mong có đứa con để bù đắp nhưng tội thay, càng lớn thằng Thủng càng được tắm tưới đủ những ác tâm của kẻ xấu. Sau ngày có vợ, thằng Thủng hầu như không còn thừa nhận chị là mẹ nó. Cõi đời này tội lắm! Trong chiếc làn đi dự hội của chị chỉ có vẻn vẹn thẻ hương và tấm di ảnh của anh Thuấn. Chị bảo sẽ đặt di ảnh của anh dưới chân Lý Thái Tổ mà khấn đức vua che chở cho anh...

Lúc ấy, tiếng xe đã giòn giã ngoài đê. Người ta đã kéo nhau lên xe. Thằng Thủng ở đâu chợt về, nhảy từ công nông xuống, hằm hằm bế thốc lấy đứa con. Chị Thơm túm được áo nó. Trời hỡi! Tôi đã trông thấy hình ảnh này. Chị Thơm quỳ xuống đất, chắp tay xin nó cho đứa cháu đi. Nó hất chị ngã và ôm đứa con thui thúi chạy vào ngõ.

Ngoài đê, tiếng xe vẫn nổ máy chờ. Rất nhiều cánh tay vẫy. Chị Thơm đứng sững nhìn theo đứa bé đang cuống cuồng gọi bà. Cả người chị rung lên theo tiếng khóc. Chị khóc đến nỗi mớ tóc bị xổ ra bay lên rối loạn như một vuông lụa đen gặp bão. Nhưng đau khổ nào quật ngã được chị? Kia! Vừa gạt nước mắt chị vừa bước những bước mạnh mẽ ra xe.
Đức vua sẽ dang tay đón chị. Chị Thơm ơi!.

Nguồn: vannghequandoi.vn