Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, cuốn Truyện ký “Paris+14” của tác giả Cù Thu Hương cho chúng ta thấy một thế giới đã thay đổi rất nhiều bởi đại dịch COVID-19. Những con virus vô hình, nó bay qua, không ai nhìn thấy nhưng làm chúng ta rối loạn.
Ngày 2/12, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội
Nhà văn đã giới thiệu đến công chúng cuốn Truyện ký “Paris +14” của tác
giả Cù Thu Hương viết về đại dịch COVID-19.
Truyện ký “Paris+14” là tác phẩm đầu tay
của tác giả Cù Thu Hương, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành vào quý
4/2020. Cuốn sách này được hình thành trong một tình huống bất ngờ,
chính tác giả cũng không nghĩ mình sẽ viết sách. TS Cù Thu Hương cho
biết, sau khi đón Tết Canh Tý ở Hà Nội, chị quay trở lại Paris ngày
6/2/2020. Lúc đó Việt Nam đã bắt đầu có những trường hợp bị phát hiện
nhiễm COVID-19. Trong khi ở châu Á nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, đang
sôi sục với nạn COVID-19 thì ở Pháp vẫn còn im ắng, nên cảm giác yên tâm
dần dần xâm chiếm chị. Vì suy nghĩ này, cộng với chuyến nghỉ Tết ở Việt
Nam còn nhiều dư âm, nên khi có những người hỏi có ý định quay về Việt
Nam tránh dịch không, tác giả đã lắc đầu.
Trong những ngày ở Pháp, tác giả tiếp
tục theo dõi diễn biến về dịch bệnh trên toàn thế giới qua các phương
tiện truyền thông và chứng kiến những ngày đầu, người Pháp còn khá bình
thản, hầu như chẳng lo lắng. Người Pháp cũng không có thói quen tích trữ
thực phẩm, nên mọi sự vẫn rất bình thường. Họ cũng không có thói quen
đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn… Điều đó làm chị không còn
tin tưởng ở phương pháp chống dịch tại Pháp. Chính cảm giác vừa lo sợ,
vừa cô quạnh cứ xâm chiếm, muốn cái gì đó ấm áp, bao bọc, bảo vệ, TS Cù
Thu Hương quyết định quay về Việt Nam.
|
Cuốn Truyện ký “Paris +14” của tác giả Cù Thu Hương |
Từ những trải nghiệm đặc biệt của mình
trong đại dịch COVID-19, tác giả Cù Thu Hương đã ghi lại một cách chân
thực những điều chị chứng kiến - qua góc nhìn và thông tin mà chị thu
nhận được. Những cung bậc cảm xúc, lúc vui, khi buồn, thậm chí lo lắng,
hoảng sợ… đã xuất hiện trong hành trình di chuyển được chị ghi chép lại,
đôi chỗ khiến độc giả cảm động đến phát khóc.
Tuy nhiên, ngay từ đầu, TS Cù Thu Hương
không có ý định viết sách mà chỉ viết những trải nghiệm của mình để đưa
lên trang facebook cá nhân. Nhưng những lời bình luận, khuyến khích của
nhiều bạn bè trên mạng đã khiến chị quyết định ra mắt cuốn sách này.
Trong thời gian 14 ngày ở khu cách ly, tác giả viết thêm 6 phần nữa, và
một bài thơ. Sau đó, để hoàn thành cuốn sách, tác giả đã viết thêm những
phần khác, để thành một cuốn sách gồm 12 phần.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội
Nhà văn Việt Nam đánh giá, tác giả Cù Thu Hương đã có cuộc trở về tìm
nơi an toàn, để được che chở và tìm lại cảm giác bình yên. "Paris+14" là
cuốn sách văn xuôi viết về đại dịch COVID-19 đầu tiên, cho chúng ta
thấy toàn bộ không khí đó. Tác giả Cù Thu Hương vừa là nạn nhân, vừa là
nhân chứng của một cuộc xáo trộn. Những trang viết rất chân thực, rung
động. Những đặc điểm trong văn hóa truyền thống của người Việt đã hiện
lên trong trang sách đó. Dân tộc Việt trong thời bình có thể thấy bình
thường nhưng khi có một thách thức nào đó, vẻ đẹp của sự mạnh mẽ kiên
cường mới được bộc lộ. “Trong đại dịch này, sự chia sẻ, yêu thương, đùm
bọc được bộc lộ trên toàn quốc. Chính vì thế, cuốn sách viết về đại dịch
nhưng lại gửi thông điệp tới tất cả mọi người về con người, số phận,
tình yêu thiên nhiên, về những lầm lạc” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
khẳng định.
Tác giả Cù Thu Hương là TS Tâm lý học,
sinh năm 1963 tại Hà Nội. Chị được tuyển chọn là lưu học sinh đi học tại
Nga năm 1981 chuyên ngành Tâm lý Tổng hợp tại khoa Tâm lý, Trường Đại
học Tổng hợp Leningrad, Cộng hòa Liên bang Nga. Sau đó, chị làm nghiên
cứu sinh và nhận bằng Tiến sĩ Tâm lý, chuyên ngành Tâm lý Xã hội năm
1991. Hiện chị làm trong lĩnh vực thương mại, thời trang, chuyên gia tư
vấn tâm lý các vấn đề về: kỹ năng sống, giao tiếp, ngôn ngữ hình thể,
cảm xúc, giới tính, hướng nghiệp…/.
Nguồn:https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/ra-mat-truyen-ky-paris-14-cua-tac-gia-cu-thu-huong-569088.html