Truyện ngắn dự thi. LÊ QUANG TRẠNG
Núi
âm u, mây trôi thấp chìm trong um tùm cây lưng dốc. Tiếng xào xạo như
ai đang chạy khiến Tịnh lạnh sống lưng. Không ai nói bất cứ điều gì
nhưng trong mắt mọi người vẫn hiện lên sự bất an... Trước khi sang vùng
đất lạ này, đơn vị có dừng lại ở Ba Chúc. Nhìn từ xa, ngôi làng sơn cước
heo hút này mang màu quan tái trầm ngâm và buồn bã với những vệt trắng
bay là đà quấn đầu ngọn cây, đầu núi, không thể phân biệt là mây hay
khói. Trên không, những con chim to vừa bay đảo vừa kêu “eng éc” tiếng
lợn bị chọc tiết. Khi vào làng, dưới mặt đất, những mảnh xương vụn vẫn
còn vương vãi ở gốc cây, hốc đá. Rờn rợn mùi thi thể đang trong quá
trình phân hủy bốc lên, xộc vào mũi. Lành lạnh màu máu người trên bức
tường chùa quét vôi vàng, bê bết vết bàn tay be bé chồng lên nhau oằn
oại... lẫn dấu đạn chi chít. Mỗi lần nhìn vào đấy, Tịnh lại thấy như có
trăm nghìn đứa trẻ khiếp hãi, hai tay bụm mắt, bụm miệng, run rẩy như
bầy dơi quạ đang treo ngược mình trước ánh thép nòng súng sắc lạnh.
Đơn vị của Tịnh đóng ở Ba Chúc hai hôm. Đêm, tiếng gió lạ phía những
cành lá khô vì bị pháo phạt rơi đứt đọt khiến Tịnh không sao ngủ được.
Tiếng gió kì quặc, lúc như réo, âm u, ù ù, lành lạnh; lúc lại nhẹ, trầm
như tiếng rên không dứt. Nửa đêm, có tiếng bước chân lại gần, rồi một
người mặc đồ bà ba, quấn khăn rằn xuất hiện, giới thiệu tên là Ba Lai,
du kích của làng còn bám trụ lại. Tịnh gợi về tiếng gió lạ, Ba Lai cười.
“Chú mầy đừng sợ, đồng bào mình không à, oan ức về tỉ tê vậy thôi chứ
không hù dọa hay hại chú mầy gì đâu”. Tịnh nghe ơn ớn sau ót. Ba Lai
hỏi: “Chú mầy năm nay bao nhiêu tuổi?”. Tịnh rụt rè, giọng có chút gì đó
rung rinh: “Dạ, em mười chín tuổi ta”. “Ừ, tụi lính bên kia thì nhỏ hơn
chú mầy nhiều. Toàn con nít. Bữa thấy một thằng mới mọc lông măng, cái
tay nhỏ xíu bị xích vào báng súng”.
Ba Lai ngồi trước đống củi. Tịnh nhớ lúc đó gió bay ngang, lửa chợt cháy
sáng. “Tụi nó gan dạ, chiến thuật ghê gớm lắm sao mà chiếm đất mười mấy
bữa đã giết sạch cả làng mình vậy anh?”. “Chiến thuật gì đâu. Nhưng
sang mình đông. Đi tới đâu tụi nó hét la vang dội tới đó, dễ làm mình
hoảng loạn. Chú mầy hễ nghe nó la “chô, chô” (xung phong, xung phong)
thì đừng có sợ. Cứ bình tĩnh, tìm nơi nào đó nép mà bắn tỉa”. Tiếng Ba
Lai lẫn trong tiếng lép bép của củi cháy.
Ba Lai đột nhiên móc từ túi ra, đưa Tịnh một mặt dây chuyền cũ kĩ, dính
đầy đất. “Món này để trong túi, làm vật tin. Chú mầy qua bên kia có gặp
ai tên Duyên, quê ở Chắc Cà Đao, làm cứu thương thì đưa cho cô ấy giùm,
nhắn rằng Ba Lai vẫn còn chờ. Khi nào đi về ngang Vĩnh Điều thì hãy tìm
anh, anh đợi”. Nói xong, Ba Lai đứng dậy. Tiếng đi nhẹ như gió, rồi nhập
vào sự im lặng của đêm, lạ thường như khi xuất hiện.
Lúc đó Tịnh ngờ ngợ về Ba Lai, người đến bất chợt, nói vài câu như thân
quen từ bao giờ rồi đi cũng bất chợt. Tịnh cứ phân vân mãi, sao Ba Lai
lại tin tưởng mình đến như vậy? Suy nghĩ xếp nếp đến gần hừng đông thì
đơn vị có lệnh rút đi, vì thế lúc đó Tịnh không biết hỏi ai về Ba Lai.
Anh chỉ tiếc đêm qua quên hỏi coi nhà Ba Lai ở đâu, để khi về ghé thăm.
Tịnh lục túi tìm mặt sợi dây chuyền nhưng không thấy. Tìm trong võng và
cả nơi nằm đều không gặp. Không hiểu nó rớt nơi đâu. “Hồi hôm ông Ba Lai
lại nói chuyện với tao, đưa cái mặt dây chuyền, tụi bây thấy đâu
không?”. Nghe Tịnh hỏi, mấy thằng tròn mắt nhìn anh, lắc đầu. Sau một
ngày đi đường, đêm quá mệt, cả bọn nằm lăn ra ngủ như chết. Lại đang gấp
gáp chuẩn bị hành quân nên chẳng ai hỏi Tịnh gì thêm.
Qua kinh Vĩnh Tế một đoạn xa, bọn Tịnh được thông báo là đã bắt đầu bước
ra khỏi đất mẹ. Cả bọn vẫn chưa tin. Trước giờ cứ nghĩ biên giới là một
nơi như thế nào đó, chẳng hạn có hàng rào sắt cao, phân định hai bên
bằng hai màu sắc khác nhau rõ rệt như trên bản đồ chứ không nghĩ nó
không hình thù, không có bất cứ gì khác lạ ngoài một cánh đồng lau như
một sợi dây vô hình, mỏng te nằm vắt trên đó chia ra hai phía.
Đêm đầu tiên, Tịnh thấy không khí không có gì khác so với ở Ba Chúc bên
đất mình. Một cảnh tượng hoang vắng và thê lương. Núi vẫn một màu xanh
cây lá như ở núi Voi, núi Nước bên đất mẹ nhưng có gì đó âm u và phẫn
uất lạ thường. Đơn vị của Tịnh mắc võng vào các thân cây thốt nốt. Vừa
đặt lưng đã nghe có người ngáy khò khò. Chỉ còn nhóm ba thằng thức canh
ngồi bên đống lửa nhỏ huơ huơ tay, kể về mẹ. Lúc đó, Tịnh chợt nhớ mẹ vô
cùng. Lúc đi mẹ dặn: “Qua bên đó, con nhớ giá nào cũng phải trở về
nghen hông”. “Phải về chứ, về cho anh quá giang” - tiếng một người lạ
vói vào tai Tịnh. Anh mở võng ra nhìn thì thấy chập chờn trong ánh lửa
sắp tàn, một người lính đứng đó, một bên nách cặp cây nạng gỗ, bâu áo
đeo quân hàm trung úy. Tịnh liền ngồi dậy lễ phép: “Dạ, anh ở trên xuống
hả?”. “Không, đơn vị anh qua biên giới hồi tháng trước, anh bị thương
nặng... chưa về được từ hai tuần trước...”. Anh trung úy ngồi bẹp xuống
đất. Tịnh bước xuống võng, ngồi đối diện. Anh trung úy bật quẹt lửa rồi
đưa lên miệng. Tịnh ngạc nhiên khi thấy điếu thuốc vấn sâu kèn đã đặt
trên môi anh lúc nào. Đặc biệt hơn, đôi môi của anh gần như bị xé nát mà
điếu thuốc vẫn gắn được ở đó. Tiếng anh chập chờn như ngọn lửa: “Lạnh
và buồn quá, nên hút cho đỡ. Lên sâu trên đó lạnh còn dữ lắm”. Tịnh nhìn
trung úy chợt thốt thành tiếng. “Pháo tụi nó gầm ghê quá...”. “Nó gầm
vậy thôi chứ ăn thua gì. Anh em mình hi sinh bên đất bạn nhiều, chắc sẽ
phù hộ, độ trì cho mấy chú mầy. Không sao đâu”. Tịnh không tin, nhưng
anh trung úy nói vậy, lòng Tịnh cũng được trấn an phần nào. Anh trung úy
móc trong túi ra một vỏ đạn cối 60 có khắc ba chữ Trần Thành Trung đưa
cho Tịnh: “Chú em còn đi lên đó sâu, có thấy đâu đó cái vỏ đạn khắc tên y
vầy chôn cạnh gốc cây thốt nốt, nhớ đào xuống mang khúc xương chân về
dùm anh”. Tịnh nhìn anh ngơ ngác. Anh trung úy cười, đứng dậy vỗ vai
Tịnh. “Thôi cố gắng, lên đó đi đứng theo đơn vị, đừng đi lẻ dễ bị phục
kích, bãi mìn tụi nó giăng đầy. Ráng nha, anh ủng hộ chú mầy”. Nói xong
anh mất hút vào đêm đen. Tịnh nghe không gian đâu đó như vọng lại tiếng
lộp cộp của chiếc nạng gỗ. Nghe kĩ thì thành tiếng gió và tiếng lá rơi.
Tịnh cầm vỏ đạn đập dẹt trên tay, mường tượng khúc xương chân của anh
trung úy còn nằm đâu đó trên bãi chiến trường và thiếp đi lúc nào không
biết. Tiếng vỏ đạn tuột khỏi tay Tịnh rơi nghe “bonnnnnnn” âm âm trong
giấc ngủ đẩy anh chìm sâu hơn vào mông lung.
Sáng dậy, Tịnh lục lọi tìm vỏ đạn cối nhưng không thấy đâu. Không một
dấu tích, kể cả vết chân anh trung úy và cái hình tròn tròn của chân
nạng gỗ. Cơn gió đêm đã cuốn mất tất cả. Cũng như lần trước, chẳng có
thời gian để hỏi, đơn vị lại thần tốc hành quân...
*
* *
Sau
khi vượt qua mấy cánh rừng, đơn vị Tịnh đến một ngôi làng hoang. Vắng
hoe hoắt rờn rợn. Không bóng người, bóng vật nuôi. Chỉ có vài con chim
lạ ràn rạt bay lên. Phía xa xa khói lửa ngun ngún và tiếng pháo ầm ì
vọng lại. Chợt nghe bên tai tiếng “chô chôôôôôô”. Tiếng hét “chô
chôôôôôô” vang lên mỗi lúc một gần. Cảm giác như nó bắn ra những hạt đỏ
li ti. Đơn vị tản ra theo phương án tác chiến. Nấp sau một gốc cây, khẩu
AK trong tay Tịnh chợt run lên. Lúc đó bên tai Tịnh chợt nhè nhẹ tiếng
Ba Lai lẫn với giọng anh trung úy: “Đừng sợ... Đừng sợ”. Tịnh quay nhìn
quanh không thấy ai, anh bình tĩnh tháo chốt trái lựu đạn, nhắm mắt vài
giây. Tịnh hít một hơi thật sâu rồi tung trái lựu đạn về phía trước. Lẫn
trong tiếng nổ, tiếng nói khi nãy lại vang lên: “Lên đi, lên được rồi
đó”. Tịnh phóng về phía gốc thốt nốt nằm chếch góc trái, lia nguyên một
loạt. Có bóng áo đen đổ sập xuống cùng tiếng rú. Tiếng súng của đồng đội
bắt đầu đều nhịp xen tiếng súng đáp trả rời rạc rồi tắt lịm. Trên mặt
đất, sáu tên Polpot nằm gục.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Mấy
trận đụng địch tiếp theo, Tịnh vẫn không mảy may thương tích dù đồng
đội của anh thương vong khá nhiều. Tịnh vẫn để ý nhưng chưa thể nào tìm
ra cái vỏ đạn chôn cạnh gốc thốt nốt đánh dấu cái chân của anh trung úy
và cô gái cứu thương tên Duyên. Thế rồi, trong một lần hành quân, Tịnh
bị dính mìn. Lúc mở mắt ra thấy mình đang nằm ở bệnh xá dã chiến của
quân y, với những tiếng lao xao: Tỉnh rồi, tỉnh rồi. Cứ tưởng không cứu
được... Đúng là như có phép màu.
Tịnh ở trạm xá gần một tháng thì vết thương ổn. Hôm trở lại đơn vị, đi
cùng Tịnh còn có một thiếu úy. Người dẫn đường là cô gái độ khoảng tuổi
Tịnh. Rừng ẩm thấp, không khí ngột lạ thường. Tịnh thấy khó chịu trong
người vô cùng. Có lẽ cảm giác ấy cũng có ở cô gái và anh thiếu úy nên
bước chân họ trở nên nhanh hơn. Anh thiếu úy đi trước lấy cây đập nhẹ,
đều về phía trước để đuổi rắn rết, nhưng không ngờ lại phản tác dụng.
Một con rắn khoang trắng khoang đen, đầu hình mũi tên từ bụi rậm phía
trước phóng thẳng vào đùi anh rồi biến mất. Anh vội kéo quần xuống, gần
bẹn in rõ hai vết răng. Trong lúc Tịnh đang bối rối thì cô quân y bập
miệng vào hút máu ở vết thương rồi ga rô bằng chính ống quần của anh
trước sự ngơ ngác và lo sợ của Tịnh. Da mặt anh thiếu úy bắt đầu đổi
sắc. Tịnh cầm tay anh lay nhẹ hỏi thăm nhưng anh lắc đầu. Cái lắc yếu
ớt. Chút sau, miệng anh thiếu úy bắt đầu há rộng để thở.
- Anh sẽ qua, anh sẽ qua mà. Anh chịu khó để em cõng anh về trạm xá. Tịnh vừa nói vừa cúi xuống định xốc anh lên.
- Em cứ để anh ở đây. Anh biết mình không qua khỏi được… Chỗ này có mấy
loại cây thở ra khí độc, hai em về đơn vị lẹ đi. Cứ mặc anh. Lẹ đi…
Tịnh siết chắc tay anh thiếu úy, không nói nên lời. Sau câu nói, anh
thiếu úy nhắm mắt lặng im, hơi thở mỗi lúc mỗi nhanh, rõ tiếng khè khè
của đờm.
- Anh có cần gì không? Tịnh gần như ghé vào tai anh để nói.
Anh thiếu úy từ từ mở mắt, ánh nhìn chậm chạp chuyển khỏi Tịnh và dừng lại ở gương mặt cô gái:
- Duyên, anh... muốn... một chút... Ôm.. Một chút... Hôn...
Ánh mắt anh thiếu úy có chút lửa lóe lên. Cô gái đỏ mặt im lặng không
nói. Khi ấy, Tịnh mới biết cô gái tên Duyên. Tịnh chăm chăm nhìn cô chờ
đợi. Nhưng cô vẫn lặng im, mắt như cố gắng không để rơi lệ nhưng lòng
vẫn sắt đá. “Anh phải sống. Phải sống để về với đồng đội, với mẹ. Không
được chết!”. Nói xong, cô xốc một bên nách anh thiếu úy, ra hiệu cho
Tịnh. Trong lúc không biết phải làm sao, Tịnh làm theo mệnh lệnh. Cả hai
nhanh chân đưa anh thiếu úy về trạm xá. Thân thể anh mềm nhũn, hơi thở
như cọng khói mỏng te… Gần đến bệnh xá thì cơ thể anh cứng dần... “Cô
thật là tàn nhẫn! Độc ác”. Tịnh hét vào mặt cô gái. Cô gái sụp xuống.
Đôi vai rung lên. Nước mắt chảy tràn trên gương mặt anh thiếu úy. “Trời
ơi! Không! Anh phải sống. Phải sống! Em không để anh hôn vì không cho
anh cơ hội chết… Trời ơi!”.
*
* *
Tịnh
về kịp lúc đơn vị đang chuẩn bị hành quân tiến sâu vào thành phố. Anh
chỉ tiếc không kịp hỏi cô gái có phải ở Chắc Cà Đao và có biết anh Ba
Lai nào không. Đi hết một ngày đường thì đến Phnôm Pênh. Lúc này đang
vào tháng mười, thành phố chìm trong im lặng lạnh lẽo. Sự im lặng trống
không, hoang tàn và đổ nát. Một anh trong tiểu đội rủ Tịnh tranh thủ lúc
không trực chiến, đi xem thành phố thế nào. Một cuộc đi có phần liều
lĩnh vì trong thành phố, chắc chắn còn không ít mìn gài lại. Và tàn quân
nữa.
Thành phố trước mắt Tịnh, tất cả chỉ còn là một khu hoang tàn. Những
chiếc xe máy vô chủ lăn lóc ngoài lộ, những bộ quần áo vương vãi khắp
nơi, minh chứng cho việc cách đây không lâu, nơi này từng có hơi người,
nhưng bây giờ mọi thứ chỉ còn là dấu vết. Những biển hiệu bị đạn bắn
lủng tạo thành những lỗ tròn thăm thẳm. Những dấu máu bết lại chỗ lối
đi… Tịnh rùng mình. Thấp thoáng ẩn hiện hình ảnh người đàn bà bị đánh
bầm dập nắm tóc kéo lê trên hè phố, lưng loang máu đỏ kéo vệt dài…
Lúc đi qua một cửa hàng xe đạp, cửa mở toang hoác, gọi mãi vẫn không
thấy ai. Anh bạn đi cùng rủ Tịnh vào mượn chiếc xe đạp dùng đỡ. Lúc hai
người sắp bước qua ngạch cửa, bỗng một luồng hơi lạnh chạy dọc sống
lưng. Tiếng ai thăm thẳm từ bóng tối trong ô cửa của cửa hàng vọng vào
tai Tịnh: “Đừng vào, mìn đấy”. Tịnh lùi lại mấy bước, anh bạn ngạc
nhiên: “Sao không vô?”.
- Tao nghe có giọng ai đó nhắc “mìn đấy…”. Mà tao nghĩ, đâu thể nào
thành phố tan hoang này lại còn có một cửa hàng nguyên vẹn, cửa mở toang
như vậy?
Anh bạn cười:
- Dễ ợt, để thử là biết.
Anh quay lưng bước ngược sang phía bên kia đường. Tịnh cũng đi theo anh.
Cả hai nép vào một gốc cây rồi lấy một cục đá bằng cườm tay, chọi vào
phía hàng xe đạp đang dựng trong cửa hàng. Những chiếc xe đổ kềnh, tiếng
nổ chát chúa vang lên rền rĩ.
Tịnh khẽ rùng mình ớn lạnh.
Đi một đoạn nữa, đến một ngôi nhà bỏ trống, có một chiếc xe đạp dựng bên
thùng rác ở vỉa hè. Lấy đá chọi, xe đổ nhưng không thấy nổ, Tịnh mới
nhẹ nhàng bước lại cẩn thận kiểm tra. Hai đứa từ từ dựng chiếc xe, rồi
leo lên chạy theo đường lớn. Lúc qua cây cầu to, bên tai cứ nghe vang
vang tiếng một đứa trẻ khóc. Tiếng khóc lúc yếu, lúc vang. Cả hai quyết
định dừng xe. Đúng là tiếng trẻ con khóc. Lách mình qua mấy bức tường đổ
nát thì bắt gặp một đứa bé chỉ còn da bọc xương với đôi mắt mở to sợ
hãi. Ở chân, một vết thương đã hoại tử, dòi lúc nhúc. Anh bạn bụm miệng
suýt ọe. Tịnh bước lại gần. Đứa trẻ sợ hãi cố gắng hết sức để lết lui
cho đến khi nó chạm vào góc tường. Không còn đường lùi, nó đành dừng
lại. Tịnh ra dấu tay, tỏ ý muốn cứu, ra bộ ôm nó, xoa vết thương ở chân
nó. Ánh mắt nó đổi từ hoảng loạn sang sợ sệt rồi nghi ngại. Tịnh bước
đến kế bên, đưa bình tông nước ra trước mặt nó mỉm cười. Đứa trẻ chần
chừ hồi lâu rồi cầm bình tông uống lấy uống để. Tịnh nói với anh bạn,
mình sẽ bồng đứa bé, anh đạp xe chở Tịnh về đơn vị. Anh bạn có phần do
dự:
- Có chắc rằng nó không phải tàn quân không?
- Chắc không đâu, nó không mang vẻ hung hăng như bọn kia. Mà nếu là tàn
quân thì mình đã ăn đạn nãy giờ rồi. Với lại nó làm gì có vũ khí…
Anh bạn có phần bớt nghi ngại. Anh chở Tịnh và đứa trẻ về. Trên đường
đi, nó không thôi rấm rứt khóc. Có lẽ vết thương làm cho nó đau, hay nó
đang nghĩ Tịnh đưa nó về một trại tập trung nào đó rồi xả súng.
Lúc về đến nơi đóng quân, đứa trẻ khóc lớn hơn. Đại đội trưởng ngạc nhiên nhìn Tịnh:
- Ở đâu ra đứa trẻ này?
- Báo cáo đại đội trưởng, tụi em gặp nó trong một ngôi nhà hoang nên cứu nó đem về đây.
Sau khi cho ăn, tổ quân y giao lại đứa trẻ cho tuyến sau vì đơn vị có
lệnh di chuyển. Tịnh lại gần nhìn đứa trẻ, nó cũng nhìn anh, ánh mắt đầy
lưu luyến. Anh đứng dậy, khoác ba lô lên vai, đứa trẻ níu tay Tịnh lại.
Tịnh ngồi xuống vuốt đầu nó, nó cười. Nụ cười ấy chợt méo khi anh bước
đi.
Đơn vị hành quân qua một cánh rừng thì bị phục kích. Đầu tiên là tiếng
nổ chát chúa sau lưng. Sau đó tiếng súng vang lên bốn phía. Hai người
trong tổ của Tịnh trúng đạn, khuỵu xuống, máu loang đỏ. Tịnh chợt thấy
sinh mạng mình mong manh như gió. “Đừng sợ, bình tĩnh vọt và bắn!”.
Tiếng ai đó giúp đầu Tịnh sáng ra. Anh bắn một loạt về phía lùm cây đang
phát ra tiếng nổ rồi vọt luôn. Một tràng đạn lập tức đuổi theo, cày
ngay dưới chân. Ở một gốc cây khác, Tịnh bắn một loạt nữa, rồi lại tiếp
tục vọt… Tịnh nhớ, mình vừa di chuyển qua gần chục gốc cây vừa bắn thì
phía kia vang lên một loạt súng dài rồi mất tăm.
Khi đã yên trở lại, anh em bắt đầu bước ra ngoài:
- Lúc thấy mầy chạy tới chạy lui zọt bắn, bắn zọt, tụi tao cũng làm theo. Tụi nó chắc tưởng mình nấp ở đây đông lắm nên bỏ chạy.
Sau trận đánh này đơn vị Tịnh được rút về tuyến sau, rồi về nước.
*
* *
Hai
mươi năm qua, những tờ lịch trong ngần ấy thời gian rơi đã lấp đầy
những dấu vết của một thời chinh chiến. Nhưng những năm tháng như vẫn
còn nguyên vẹn trong lòng. Mỗi khi có cơn gió mang mùi bông thốt nốt đi
ngang, hay vô tình nghe ai đó hát ru con: “Em là gái Chắc Cà Đao/ Xứ quê
xa lắm anh nào có hay/ Thương anh còn một chút này/ Gửi thuyền cho bến,
gửi mây cho trời/ Gặp đây là chút tình thôi/ Cõng nhau đi trọn kiếp đời
mai sau...”. Lòng Tịnh chợt gợi lên những hình ảnh của chiến trường
xưa. Một điều rất lạ là sau khi về nước, Tịnh không còn nghe tiếng vọng
bên tai của Ba Lai và bất cứ ai ở chiến trường nữa. Chỉ còn sót lại
những hình ảnh rất mờ của Ba Lai, của anh trung úy có cái chân gãy. Hôm
qua, có đứa trẻ đến nhà nhờ Tịnh kể lại câu chuyện xảy ra từ mấy mươi
năm trước. Lời nhờ làm Tịnh cảm động. Lâu lắm rồi, không ai hỏi Tịnh về
chuyện cũ. Anh cố gắng lắp ghép lại những mảnh kí ức, mong sao tạo cho
đứa trẻ được một thước phim, mà ở đó mạng sống mong manh như cơn gió, cố
tìm nơi nào đó bám vào chứ nhất quyết không lùi bước.
Sau câu chuyện của Tịnh, đứa trẻ hỏi: “Chú tin cô Duyên là có thật không
chú?”. Tịnh không biết phải nói sao cho đứa trẻ hiểu. Tịnh đã nhiều lần
đến Chắc Cà Đao, ở đó cả mấy tháng trời, đưa bức chân dung cô gái đi
cùng bữa anh thiếu úy bị rắn cắn mà Tịnh vẽ lại bằng trí nhớ: “Cô gái
này tên Duyên, làm cứu thương, khoảng bằng tuổi tôi”. Nhưng câu trả lời
là một cái lắc đầu ngơ ngác và sự cam đoan: “Tui tám mươi sáu tuổi rồi,
sinh ra lớn lên ở xứ này, tui biết, không có cô tên Duyên nào như chú
nói”. Câu trả lời chắc nịch và sự trôi đi của thời gian vẫn không làm
Tịnh thôi hi vọng. Anh vẫn tin, Duyên là có thật trên đời.
Lúc sắp ra về, đứa trẻ hỏi: “Vậy chú có nghĩ là mình sẽ cố gắng đi tìm cho được lai lịch Ba Lai, anh trung úy hay không?”.
Không, mấy anh ấy xưa nay ở trong lòng của chú, có mất đi đâu mà tìm.
Nguồn: vannghequandoi.vn