Tuần qua, thế giới "điêu đứng" vì Covid-19

22/10/2021

  • lượt xem: 600

Tuần qua (9-15/3), những tin tức về dịch bệnh Covid-19 tiếp tục trở thành tâm điểm dư luận. Bên cạnh đó, một số vấn đề đáng chú ý khác đã diễn ra trong tuần gồm việc Tổng thống Nga ký ban hành luật sửa đổi Hiến pháp, sự biến động của giá dầu thô trên thị trường thế giới và động thái gây sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ lên NATO, EU trong vấn đề Syria.

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và nghiêm trọng

Châu Âu đã trở thành "trung tâm" của đại dịch Covid-19. (Ảnh: AFP)

Trong tuần qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới với số ca nhiễm và tử vong liên tục tăng theo từng ngày, từng giờ. Không chỉ tác động nghiêm trọng tới kinh tế thế giới khi khiến giá dầu, chứng khoán ghi nhận những phiên sụt giảm kỷ lục, dịch bệnh còn làm gián đoạn nhiều hoạt động trong đời sống con người, từ việc đi lại, du lịch, học tập, vui chơi – giải trí…cho tới những sự kiện chính trị quan trọng tại nhiều nước trên thế giới.

Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 15/3 thông báo đã ghi nhận thêm 20 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 10 ca tử vong tại Trung Quốc đại lục trong ngày 14/3. Theo đó, tính đến hết ngày 14/3, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 80.844 ca và 3.199 ca tử vong.

Điểm nóng thứ hai tại châu Á là Hàn Quốc sáng 15/3 cũng thông báo ghi nhận thêm 76 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.162 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng thêm 3 ca lên 75 ca.

Ngoài châu Á, đại dịch đang hoành hành mạnh tại châu Âu cùng với việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 13/3 đánh giá “lục địa già” hiện là “trung tâm” của đại dịch Covid-19, với số ca nhiễm bệnh và tử vong ghi nhận được còn cao hơn tất cả phần còn lại của thế giới, ngoại trừ Trung Quốc.

Tại “điểm nóng” Covid-19 ở châu Âu là Italy, trong ngày 14/3 nước này ghi nhận thêm 3.497 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 21.157 trường hợp. Số ca tử vong tăng 175 ca lên 1.441 trường hợp và số ca hồi phục tăng 527 ca lên con số 1.966. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Italy tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan tại nước này, trong đó có việc đình chỉ các hoạt động giao thông công cộng, hạn chế số người dân miền Bắc Italy di chuyển xuống phía Nam, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cao tại Italy…

Sau Italy, Tây Ban Nha báo cáo số trường hợp nhiễm nhiều thứ 2 châu Âu, với hơn 6.300 người dương tính, tăng hơn 1.500 sau 24 giờ. Số người chết tăng lên tới 191 người.Trước bối cảnh trên, chính phủ Tây Ban Nha đã phải ban hành một số biện pháp ứng phó, gồm việc bắt buộc người dân nước này phải ở trong nhà, trừ một số trường hợp bất khả kháng được cho phép. Trong khi đó quân đội Tây Ban Nha được huy động nhằm đảm bảo lương thực và vậy tư y tế cho người dân, do các cửa hàng, trường học và giao thông công cộng đều đóng cửa.

Không chỉ có những nước ở châu Á và châu Âu, Mỹ cũng đang được coi là nước có “nguy cơ cao” về Covid-19 với hơn 2.200 ca nhiễm, 50 trường hợp tử vong. Ngày 14/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và và Phó Tổng thống Mike Pence cho biết đang xem xét một số hạn chế đối với việc đi lại trong nước, đặc biệt là đối với khu vực hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bùng phát. Trước đó, ngày 13/3, ông D.Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, tạo điều kiện cho việc cung cấp thêm viện trợ liên bang trị giá hàng tỷ USD để ngăn chặn dịch bệnh đang lây lan với tốc độ chóng mặt.

Trước diễn biến nghiêm trọng và phức tạp của dịch bệnh, ngày 12/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi tất cả các nước trên thế giới cần cố gắng gấp đôi, thay vì từ bỏ các nỗ lực trong cuộc chiến chống Covid -19. WHO khẳng định đây là một đại dịch có thể kiểm soát được và kêu gọi mọi quốc gia cần tăng cường hơn nữa nỗ lực chống lại đại dịch này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật sửa đổi Hiến pháp

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp của Duma Quốc gia Nga, ngày 10/3/2020.
(Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/3, Tổng thống Putin đã ký ban hành luật sửa đổi Hiến pháp. Các sửa đổi này sẽ áp dụng với Tổng thống, thành viên Chính phủ ở nhiều cấp độ, củng cố an sinh xã hội đối với công dân, trao thêm quyền cho Quốc hội.

Trong tuần này, các sửa đổi đã được hai viện Quốc hội Nga - Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như hội đồng lập pháp của 85 chủ thể Liên bang Nga thông qua.

Tổng thống Putin nay sẽ chuyển Luật sửa đổi lên Tòa án Hiến pháp. Tòa án này có bảy ngày để quyết định xem luật sửa đổi có phù hợp với Hiến pháp hay không. Nếu Luật không tuân thủ Hiến pháp, tiến trình sẽ chấm dứt.

Nếu các sửa đổi tuân thủ Hiến pháp, nguyên thủ quốc gia Nga sẽ yêu cầu tiến hành cuộc bỏ phiếu toàn quốc về văn bản sửa đổi. Tất cả các công dân Nga trên 18 tuổi sẽ có quyền đi bỏ phiếu, ngoại trừ những người mất năng lực và tù nhân. Cuộc bỏ phiếu được lên kế hoạch vào ngày 22/4 và ngày này sẽ được xem là ngày nghỉ.

Sau đó, Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (CEC) trong vòng năm ngày sẽ xác định kết quả bỏ phiếu và công bố kết quả bỏ phiếu sau ba ngày. Nếu Luật sửa đổi Hiến pháp nhận được hơn 50% số phiếu ủng hộ, sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố.

Những quy định này được đưa vào Điều 3 Luật Sửa đổi Hiến pháp. Nếu các sửa đổi được người dân Nga chấp thuận, Tổng thống Putin sẽ ban hành sắc lệnh về việc chính thức công bố Hiến pháp sửa đổi và ngày có hiệu lực.

Theo Luật Sửa đổi, Hiến pháp Liên bang Nga được xem cao hơn các quy định quốc tế. Lương hưu bắt buộc được xác định ít nhất một lần trong năm, mức lương tối thiểu không thấp hơn sinh hoạt phí tối thiểu. Nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc trẻ em. Chính quyền có trách nhiệm hỗ trợ và bảo vệ văn hóa, bảo vệ sự thật lịch sử và hỗ trợ đồng bào ở nước ngoài. Các quan chức bị cấm có quốc tịch thứ hai, hay giấy cư trú ở nước khác và tài khoản trong các ngân hàng nước ngoài bên ngoài Liên bang Nga. Các yêu cầu đối với ứng cử viên tổng thống được thắt chặt.

Luật sửa đổi cũng có điều khoản nêu rõ một người không thể giữ chức Tổng thống Nga trong hơn hai nhiệm kỳ (trước kia là hai nhiệm kỳ liên tiếp). Tuy nhiên nguyên thủ quốc gia Nga hiện tại, Tổng thống Vladimir Putin được xóa các nhiệm kỳ trước để có thể ra tranh cử năm 2024.

Giá "vàng đen" bất ngờ "đảo chiều" sau nhiều ngày giảm mạnh


Cơ sở khai thác khí đốt South Pars ở cảng Assaluyeh, miền Nam Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong phiên giao dịch chiều 13/3 tại thị trường châu Á, giá dầu bất ngờ quay đầu tăng hơn 6% sau những thông tin mới từ Trung Đông nhưng vẫn trên đà chứng kiến mức giảm hàng tuần sâu nhất trong hơn một thập kỷ qua do tác động của cuộc chiến giá cả giữa những nhà sản xuất hàng đầu thế giới và tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Góp thêm diễn biến bất ngờ trong một ngày giao dịch "phập phù," giá dầu Brent và West Texas Intermediate (WTI) ban đầu giảm hơn 2% trong phiên giao dịch đầu ngày, theo đúng lộ trình giảm giá mạnh nhất trong nhiều năm trên các thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, biểu đồ giá dầu bất ngờ thay đổi tại các thị trường châu Á vào chiều 13/3, trong đó giá dầu WTI tăng khoảng 4% lên mức 33USD/thùng và giá dầu Brent cũng tăng 3,9% lên mức 34,5 USD/thùng.

Giá dầu tăng sau khi có thông tin về việc Mỹ tiến hành không kích quốc gia dầu mỏ Iraq. Tuy nhiên, giá dầu WTI chủ chốt vẫn giảm hơm 20% trong cả tuần và trên đà chạm mốc giảm hằng tuần sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giá dầu Brent giảm khoảng 25% trong tuần qua.

Thị trường dầu lao dốc từ hôm đầu tuần sau khi các nhà xuất khẩu hàng đầu là Saudi Arabia và Nga lao vào cuộc chiến cạnh tranh giá cả do mâu thuẫn về cắt giảm sản lượng để hỗ trợ ngành dầu mỏ trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành khiến nhu cầu giảm.

Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng "lá bài" người di cư để mặc cả với EU và NATO trong vấn đề Syria

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: AP)

Tối 9/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bất ngờ tới Brussels (Bỉ) gặp hai lãnh đạo cao cấp nhất của Liên minh châu Âu (EU) và Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) cùng với thông điệp cảnh báo rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tuyên bố sẽ mở biên giới cho 4 triệungười tị nạn tràn vào châu Âu nếu như EU và NATO không hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng Syria do Nga hậu thuẫn.

Cách đây 4 năm, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý nhận 6 tỷ Euro để lo nơi ăn chốn ở cho người tị nạn, ngăn không để họ đi tiếp sang châu Âu. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ gần đây chỉ trích phía EU đã không thực hiện đầy đủ cam kết, ngoại trừ việc đưa ra những đóng góp ở mức tối thiểu. Đòi hỏi quan trọng nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đó là nước này muốn EU và NATO hỗ trợ lực lượng phòng không Thổ Nhĩ Kỳ, đưa thêm máy bay trinh sát, máy bay không người lái và tàu chiến tới yểm trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải.

Phát biểu trong phiên họp báo vào lúc nửa đêm ngày 9/3 theo giờ Brussels sau phiên hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết hai bên nhất trí sẽ xem xét lại thoả thuận về tị nạn năm 2016. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, hai bên mới chỉ thảo luận bước đầu về tình hình tại Syria chứ chưa đưa ra bất cứ quyết định cụ thể nào

Giới phân tích tại châu Âu đều nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng lá bài người tị nạn để gây sức ép buộc châu Âu thay đổi điều khoản tài chính của thoả thuận 2016 cũng như ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến tại Syria./.

Nguồn: http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/tuan-qua-the-gioi-dieu-dung-vi-covid-19-550343.html