Út Đẹt (Giải Ba)

22/10/2021

  • lượt xem: 507

Út Đẹt có một thói quen không giống ai, đó là câu cửa miệng “Kỳ vậy ta?!”. Những chuyện chưa hiểu thì hỏi đã đành, đằng này biết rồi nó vẫn nói, kiểu như nói khơi khơi. (Truyện ngắn của Hồ Kiên Giang)

TRUYỆN NGẮN ĐOẠT GIẢI BA

Út Đẹt có một thói quen không giống ai, đó là câu cửa miệng “Kỳ vậy ta?!”. Những chuyện chưa hiểu thì hỏi đã đành, đằng này biết rồi nó vẫn nói, kiểu như nói khơi khơi. Nhưng lạ lắm, từ lúc hay tin chồng nó chết, tự nhiên nó không hỏi nữa.

Út Đẹt cũng chẳng nhớ chính xác hồi nào và học từ ai, ở đâu, chỉ biết rằng, mỗi khi nghe người ta nói gì đó, thói quen của nó lại vọt ra khỏi miệng, như chuyện hiển nhiên không thể nào khác được. Má rầy chắc có đến hàng vạn lần, nó cười: “Để mai mốt lớn con sửa”. Má trừng mắt: “Bây nói riết rồi quen miệng, tới lớn sửa không được lại thành tật”. “Ủa, thiệt hả má? Kỳ vậy ta?!”. Ba thả giọng chậm rãi, đều đều: “Thành tật không ai cưới, người ta cười cho mang nhục chớ kỳ cái gì!”. Mắc mớ tới ai, lấy chồng hay không là chuyện của tôi, sao họ cười. Kỳ vậy ta?! Thắc mắc vậy nhưng nó không dám nói vì biết sợ ba “nổi khùng” đánh cho một trận như mấy lần trước.

Nhiều lúc Út nghĩ, thói quen của nó có ảnh hưởng tới ai đâu, có đụng chạm gì ai đâu, thậm chí không mất đồng bạc hay chén cơm của ai hết, vậy mà nó luôn bị mọi người chọc ghẹo, coi đó như một tật xấu. Mỗi lần anh Hai Đạt nghe nó thốt ra liền nhảy dựng lên: “Con này, tao tát cái chết quá. Ngu tới nỗi cái gì cũng hỏi!”. Chị Ba Đèo thì nhẹ nhàng hơn, nhưng hỏi ngược lại: “Út nói câu khác đi. Ở đây không có ai tên “Ta” đâu nghen!”.

Ở cái ấp So Đũa này, so với các cô gái cùng trang lứa, Út Đẹt không đẹp, gia đình không giàu, nhưng ai cũng khen nó dễ thương, chưa bao giờ thấy nó buồn phiền hay giận hờn ai cả. Mấy người ra tỉnh học có bằng cấp thì nói cuộc sống nó nhạt như… nước mương, chán chết luôn. Cần gì, miễn sao suốt ngày vui vẻ thôi chớ! Bữa trước đi chợ, con Bé Hai ngồi trong quán hủ tíu phía sau lưng nó kêu “Út Đẹt” lồng lộng mà nó ngồi lựa rau tỉnh bơ. Quay sang chủ quán, Bé Hai nói nhẹ hều: “Kêu vậy mà nó không nghe. Kỳ vậy ta!”. Đột nhiên nó quay ngoắt lại, thấy Bé Hai bận đồ sặc sỡ, điểm trang đẹp đẽ, nó ngỡ ngàng giây lát rồi cười tủm tỉm bước vô quán. Bé Hai trách, nó cãi: “Kêu hồi nào?”. “Hứ! Cả chợ người ta nghe chỉ mỗi mình mày không nghe. Quỷ sứ chưa! Hay mày quên tên rồi?”. Bé Hai nói vậy rồi đổi giọng thỏ thẻ, rủ nó lên thành phố làm ăn. “Làm gì?”. “Việc gì có tiền thì làm, như tao nè!”. Nó lắc đầu: “Không quen biết ai, buồn lắm! Với lại, tao sắp lấy chồng rồi”. “Trời đất! Mới mười bảy tuổi, con nít muốn chết. Lấy chồng sớm rồi sanh con đẻ cái, cực lắm!”. “Ủa, lấy chồng phải sanh con liền hả. Kỳ vậy ta?!”. Nó nghĩ đơn giản như cuộc sống hàng ngày của nó. Ngoài chuyện đi ruộng thì về nhà lo cơm nước, khi đàn gà vỗ cánh phành phạch nhảy lên cây vú sữa thì nó nằm coi vô tuyến một chút rồi ngủ. Thỉnh thoảng có đoàn hát nào về xã biểu diễn thì cả nhà bơi xuồng đi xem, sáng hôm sau mặt trời lên tám sào nó mới thức dậy. Nó là con út nên mọi người trong nhà đều thương, phần nào tốt đẹp dành hết cho nó. Với nó, cuộc sống như vậy còn mơ ước, đòi hỏi gì nữa chứ!

Nhắc mới nhớ, chuyện ràng ràng đây thôi. Thằng Tí ở cùng xóm, quen biết từ hồi cởi truồng tắm sông, đi học cùng lớp, nghỉ học cùng năm lúc mới lên lớp chín. Tí theo ba má chăn vịt chạy đồng, hiếm hoi lắm hai đứa mới gặp mặt, chào hỏi qua loa rồi thôi. Thế nhưng, một ngày đẹp trời thằng Tí nhờ người mai mối tới nhà hỏi cưới Út Đẹt. Nó cười nắc nẻ: “Trời đất ơi! Tao mà lấy mày suốt ngày chỉ có dành ăn thôi”. Ba bậm môi, phóng đôi mắt như đứng tròng nhìn nó. Má ngồi cạnh véo vào hông nó: “Con gái phải giữ ý tứ, nết na một chút chớ!”. Nó đau. Song, nghĩ tới chuyện lấy thằng Tí làm chồng nó mắc cười. Rồi không nhịn được, nó chạy ra hè ôm bụng cười khùng khục. Lát sau, nghe tiếng thằng Tí nó mới thôi. “Bộ Út chê tôi hả?”. “Kỳ vậy ta! Tí có gì đâu mà tôi chê!”. “Sao Út cười?”. “Tại tôi với Tí có yêu thương gì đâu mà lấy!”. “Út không biết thôi. Tôi thương Út lâu lắm rồi mà Út cứ làm ngơ nên tôi chưa dám nói”. Nó lại cười: “Thôi đi cha nội! Mới mười lăm mười sáu đã yêu rồi hả?”. “Tình yêu đâu phân biệt tuổi tác”. Nó nhíu mày, hình như câu này thằng Tí học lóm của mấy người lớn tuổi hay nói chơi trong xóm, nên mới văn chương thấy ớn vậy. Nó nghe lạnh sống lưng, hai cánh tay trắng ngần nổi da vịt. Nó xô thằng Tí qua bên rồi buông một câu gọn lỏn: “Đồ con nít quỷ!”. Thằng Tí nói với theo vớt vát cú chót: “Vậy Út đợi tôi hai năm nữa, nghen!”. Nó đi vào nhà rồi, còn có nghe không, ai biết.

Mới tuần trước nè, anh Điền ở xóm trên cũng nhờ người tới dạm hỏi cưới nó. Điền làm thợ hồ, hơn nó sáu tuổi, là con út sau hai chị gái. Nghe nói, ba anh Điền có vợ bé nên bỏ mấy mẹ con anh, về xã bên sống với tình mới, làm ruộng nuôi cá. Từ ngày xã được Nhà nước đầu tư kéo điện, làm đường bê tông liên xã, bà con đã thay nhà lá bằng nhà tường lợp ngói, nghề thợ hồ theo đó cũng phất lên. Có bận Điền nhận xây dựng liền ba bốn nhà nên phải chạy tới chạy lui như con thoi để đôn đốc cánh thợ làm việc cho kịp thời gian bàn giao. Ba má thấy Điền chịu khó nên vừa ý lắm, quyết định chọn anh làm rể. Nó lý sự: “Ba không nghe người ta nói hả? Dần - thân - tỵ - hợi – tứ hành xung. Anh Điền tuổi dần, con tuổi thân, khắc nhau quá trời sao lấy được?”. Ba gạt phắt: “Thời buổi này người ta lên tới sao Hỏa rồi còn tin ba cái chuyện đồng bóng nữa à? Bây không nhìn thấy bằng tao đâu. Bây lấy thằng này là phước đức ba đời đó con!”. “Có phước thì ba lấy đi!”. “Trời đất! Tao lấy nó về để xây mả chôn sống tao hả? – Quay sang má, ba dằn giọng – “Bà dạy con hay quá hén. Nói nó cứ trả treo leo lẻo. Thiệt hết nói con với cái!”. Ba tức giận bỏ ra ngoài sân.

Anh Hai chưa cưới vợ. Chị Ba chưa lấy chồng. Vậy mà ba má cứ bắt nó phải xuất giá khi nó mới mười sáu tuổi. Kỳ vậy ta! Không lẽ gia đình sợ nó ế? Thật ra nó không chê gì anh Điền. Với gia cảnh khấm khá, nghề cũng có tiền, Điền là mơ ước của không ít cô gái muốn kiếm tấm chồng. Đôi lúc ý nghĩ đó cũng thoáng qua trong nó. Nhưng có một điều mơ hồ không hiện diện rõ ràng làm nó sợ. Nó không lý giải được vì sao. Nhất là bữa Điền gặp nó ngoài chợ xã đã nói thẳng đuột: “Út không lấy tôi sau này sẽ hối hận cho coi”. Nó cười hết cỡ: “Tại ông trời không cho tôi lấy anh chớ bộ!”.

Út cũng không chê bai gì cái thằng con cầu con khẩn như Tí. Ba má Tí thương nó từ hồi nhỏ. Khi đó, nó hay qua nhà Tí giúp đỡ vài việc lặt vặt như bẻ vú sữa, cắt rau muống xếp thành bó, đốn chuối về ủ chín… chủ yếu là chuyện vãn với má Tí cho bớt hiu quạnh lúc hai cha con Tí đi chạy vịt đồng xa. Tí dong dỏng cao, nước da ngăm như Điền. Ừ, có sao đâu, da bánh mật sống không bị trầy trật, ít bệnh hoạn. Hai nhà cách nhau mấy chục bước chân, cần gì ớ một tiếng là nghe thấy, tốt quá đi chứ. Nó đã từng nghe ca sĩ hát trên đài con chim đa đa đậu nhánh đa đa, chồng gần không lấy đi lấy chồng xa mà buồn thúi ruột, giống như đang trách nó. Nhưng nó không chịu. Kỳ vậy ta!

Đột nhiên, Út Đẹt lấy chồng. Tin này lan nhanh khắp ấp So Đũa, vượt ra khỏi cả xã Long Hưng. Nhanh như chuyện thằng Hòa trên ấp Ba Càng vừa cưới vợ về, đêm động phòng làm ăn thế nào mà sáng hôm sau nằm ngay đơ cán cuốc, mắt mở trừng trừng lộn ngược. Kỳ vậy ta?! Hay như con Hương ở dưới ấp Long Nia đi nhậu đám cưới về ngủ say bị bọn ác rạch đứt dây kéo quần Jean nhưng không biết. Kỳ vậy ta?! Út Đẹt cũng không ngờ bỗng dưng mình nổi tiếng bởi cái việc lấy chồng. Người ta bàn tán rồi để đó, chẳng kết luận chi hết. Không ai trách móc nó chê thằng chăn vịt với anh thợ hồ để đi lấy gã thợ mộc. Cũng không ai có ý buồn phiền dùm nó khi phải đi lấy chồng xa (chạy vỏ lãi khoảng hai giờ). Nó đâu có đẹp đến nỗi các trai làng phải tiếc ngẩn tiếc ngơ, càng không giỏi giang gì cho các bà mẹ thèm khát được rước nó về làm dâu nhà mình. Mọi người chỉ tặc lưỡi, rằng anh chị nó còn đó sao gả nó sớm, coi nó non choẹt hà, vậy thôi! Riêng Út Đẹt nghĩ: Lấy chồng hay không là chuyện của nó, xa hay gần, giàu hay nghèo, sung sướng hay cực khổ là chuyện của nó, nó tự gánh lấy, mắc mớ gì phải đem ra cân – đong – đo – đếm, bộ mấy người rảnh lắm sao!

Mà nói thiệt, nếu đem so sánh thằng Quốc, chồng Út Đẹt, với hai chàng trước đây tới xin cưới nó thì nhỉnh hơn chút chút. Quốc mười tám tuổi, nhất gái lớn hai nhì trai hơn một rồi. Quốc là em út, làm thợ mộc kiểu “cha truyền con nối”, chị gái đang học đại học trên thành phố. Bữa gia đình Quốc tới nhà Út, nó ngồi dưới bếp liếc nhìn qua khe cửa để coi “thằng” nào lớn gan dám tới coi mắt, không sợ giống hai thằng trước đã cho số de hay sao. Nhưng nó chỉ nhìn thấy ba má chồng tương lai và… tấm lưng vuông của Quốc. Nó cố kéo vạt cửa rộng thêm để nhìn rõ mặt. “Nước sôi rồi Út ơi!”. Tiếng chị Ba Đèo làm nó giật mình buông vạt cửa cái rẹt. Đúng ngay thời khắc đó, khi mà nó không hề đoán định trước sự việc xảy ra nhanh chóng để chuẩn bị tâm lý đón nhận thì Quốc quay ngoắt lại. Hên quá, nó đã kịp nhìn thấy nụ cười không tên của Quốc trên gương mặt đầy đặn, mắt sáng, tóc chải ngược lên để lộ vầng trán cao, đặc biệt khi cười có lúm đồng tiền trên má trái. Nhìn kìa, con trai gì da mặt mịn trơn, trắng tươi như tài tử điện ảnh. Ừ, thợ mộc mà, có phải dầm mưa dãi nắng chăn vịt hay xây dựng nhà cửa đâu. Tự dưng nó nghe nhịp tim của mình nhảy múa, hơi thở dồn dập. Cảm giác này chưa bao giờ xuất hiện trong nó. Kỳ vậy ta!

ut det
Minh họa:Ngô Xuân Khôi

Út nhờ chị Ba bưng trà lên nhà trên. Chị trừng mắt: “Mày khùng hả? Người ta coi mắt mày chớ coi mắt tao sao?”. “Nhưng tự dưng em… run quá!”. “Xạo. Hai lần trước mày còn đốp chát lại ong ỏng, run cái gì. Chị pha trà trong bình rồi, đi đi!”. Nó hít một hơi thật sâu, với tay bưng khai trà lên nhà trên. Tiếp đó, nó run run cầm bình rót trà ra ly mời mọi người. Ba má nó nhìn nhau ngạc nhiên, không hiểu sắp tới có trò gì nữa đây. Má nói: “Được rồi. Con kêu anh Hai bắt con gà làm thịt nấu cháo. Con lấy lòng mề gà xào trước để ba với bác trai lai rai chơi!”. Chết rồi. Nó tái mặt. Kiểu này ba má đã chịu nên mới đãi đằng người ta như vậy. Nó “dạ” không thành tiếng. Ba chồng nói: “Quốc, con xuống nhà làm gà tiếp anh Hai đi”. Nó đi xuống nhà bếp nghe rõ từng bước chân của Quốc đi sau như nhịp tim mình đang đánh thình thịch trong ngực.

Nhất quá tam nhì ba bận. Út Đẹt chấp nhận cuộc hôn nhân vừa để ba má vui lòng vừa nghĩ được chỗ này là tốt rồi, còn lựa chọn gì nữa. Có điều, nó hơi buồn vì lấy chồng xa, có tâm sự cũng không biết nói với ai. Mà thôi, cứ coi nhà chồng như nhà mình, lo chi cho mệt. Chắc vì vậy nên ngày cưới nó đẹp rạng ngời, cười nói rộn ràng. Má dặn đi dặn lại phải nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép, nhất là bỏ liền cái tật hỏi khơi khơi “kỳ vậy ta?!”, nhà chồng họ cười rồi chê ba má không biết dạy con. Nó “dạ” rất nhanh, còn nhớ hay không thì chỉ mình nó biết.

Hàng xóm tới xem đám cưới Út Đẹt rất đông. Ai cũng khen nó với Quốc sánh đôi đẹp như Phạm Công – Cúc Hoa mới chiếu trên ti vi. Thiệt hả? Nó mắc cười quá trời nhưng vì nhớ lời má mới dặn nên cố dằn lòng, không dám hỏi, cúi đầu chào mọi người rồi bước lên ghe xuôi con nước về nhà chồng.

Đêm tân hôn, Út Đẹt bị chồng “bào” như cái việc bào ván hàng ngày của chồng. Trời đất, nó chợt nghĩ, chẳng lẽ thợ mộc thì “bào” như vậy, còn thợ hồ như anh Điền thì phải “trộn” rồi mới “xây”, còn thằng Tí chuyên nuôi vịt thì sau này lấy vợ chắc như… đạp vịt. Kỳ vậy ta! Thật ra, lúc đó nó sợ hãi, đau đớn tới điếng hồn. Nhưng có cảm giác như đang treo lơ lửng, trôi bồng bềnh ở tận đẩu tận đâu, xa lắm nó chưa một lần tới! Sáng hôm sau, trời vừa hửng nắng, lúc chồng còn đang ngáy ngủ, Út rón rén ra nhà trước gặp má chồng. Bà đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm trên bộ ván bên hông nhà, nó sà xuống ngồi cạnh giơ tay nắn bóp nhè nhẹ vai bà. Bà mỉm cười hài lòng. Nhưng khi thấy vẻ mệt mỏi trong mắt nó, bà hỏi: “Lạ chỗ nên khó ngủ hả con?”. Nó ngần ngại hồi lâu mới thỏ thẻ vào tai bà. Gương mặt bà co lại, những nếp nhăn thời gian từ từ giãn ra, căng tràn. Miệng bà mở lớn dần làm cục thuốc xỉa trên môi rớt lúc nào không hay. “Lần đầu ai cũng vậy, con đừng lo. Được chồng thương vậy là tốt số, nghen!”. Vậy hả? Kỳ vậy ta! Lời của bà phả vào mặt nó kèm theo mùi khăng khẳng của vôi, của cau tươi, của trầu xanh và của thuốc rê làm nó khó chịu. Nhưng nó tự nhủ, chắc dần sẽ quen. Giống như phải quen mùi rượu nồng trộn lẫn thuốc lá từ cái miệng của chồng, và phảng phất mùi mồ hôi ngai ngái trên giường ngủ đêm qua. Mà không, giường… thức thì đúng hơn. Thì thức nó mới cảm nhận được chứ ngủ thì biết trời – trăng – mây – gió gì nữa!

Nhà Quốc rộng chừng ba trăm mét, hơn một nửa để xưởng cưa, chứa vật liệu, hàng thành phẩm. Dưới bến có chiếc ghe vài chục tấn dùng để chở tủ, bàn, ghế, giường… giao cho các cửa hàng trang trí nội thất ngoài chợ huyện. Từ ngày Út Đẹt mang bầu cho đến ngày sinh con, việc quét dọn nhà xưởng chồng nó gánh. Quốc không cho vợ làm việc nặng nhọc, sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Đó cũng là ý của ba má chồng. Nhiều lần nó hỏi chồng: “Nói nghe nè! Như anh vậy thiếu gì người thương, sao cưới nhỏ nhà quê như em vậy?”. Quốc cười: “Em có quê mùa gì đâu. Em còn đặc biệt hơn những cô gái khác”. “ Ủa, kỳ vậy ta?! Em thấy mình có gì đặc biệt đâu?”. “Đó. Đặc biệt nhất là câu em vừa nói đó!”. Nó che miệng cười. Chợt nghĩ, vậy mà hồi xưa ai cũng chê thói quen của nó xấu, hóa ra đó là ưu điểm mà chồng thương nó. Nhưng thôi, cứ nghe lời má dặn, bớt hỏi khơi khơi vẫn tốt hơn.

Út Đẹt sanh con trai, nặng ba ký hai. Cả nhà cưng mẹ con nó hơn vàng. Má chồng kêu đứa cháu bà con xa hàng cây số tới nhà giúp việc, để Quốc tập trung lo cho vợ con. Mà nghĩ thằng Quốc cũng giỏi, mới có đứa con đầu lòng nhưng chuyện thay tã, tắm bé, pha sữa… Quốc đều làm gọn gàng, như thể đàn bà đã trải qua nhiều lần sanh đẻ. Một tháng ở cữ với Út là sung sướng nhất vì không phải làm gì, đã vậy, luôn được mọi người quan tâm, chăm sóc. Mỗi lần cho con bú xong, nhìn gương mặt con giống y chang Quốc, nằm ngủ như thiên thần mà cảm nhận niềm hạnh phúc ngọt ngào ngập tràn. Nó không ngờ số phận của mình lại may mắn đến vậy.

Hôm con tròn tháng tuổi, nhà chồng tổ chức nấu hơn chục mâm đãi khách, vợ chồng Út Đẹt bồng con đi từng bàn cảm ơn họ hàng, láng giềng đã đến dự tiệc. Ai cũng khen Quốc tốt số, cưới được vợ đẹp, lại sanh được thằng con kháu khỉnh. Nhóm thợ mộc cứ ngẩn ngơ, nói mới có một tháng không gặp mà Út Đẹt như lột xác, da dẻ hồng hào, dáng người tròn trịa, thon gọn. Người chị chồng học ở thành phố về mua bao nhiêu là mỹ phẩm cho nó dưỡng da, có cả máy mát-sa làm tan mỡ bụng. Nó thật sự bị choáng ngợp bởi tình thương của mọi người!

Năm con trai Út được gần hai tuổi thì bị sốt, lúc đầu hôm. Trẻ con nóng sốt đột ngột là chuyện bình thường, ai nuôi con nhỏ đều biết. Nhưng đây là lần đầu tiên thằng bé bị bệnh nên vợ chồng Út lúng túng. Quốc nghe lời má pha thau nước ấm ngồi lau cho con nhưng nó cứ khóc ngằn ngặt. Uống được chừng nửa bình sữa lại ói ra giường. Út nhìn chồng, lo lắng: “Kỳ vậy ta?!”. Quốc nhíu mày: “Hay con ăn không tiêu?”. “Từ sáng tới giờ em chỉ cho con uống sữa với hơn chén cháo thôi. Vậy anh cho con ngậm thử mấy viên cốm tiêu đi. Được hôn?”. Má chồng gật đầu nói với Quốc: “Ừ. Rồi con qua nhà dượng Tư chia ký cá lóc, tiện tay nhổ bụi gừng về nấu cháo cho nó ấm bụng. Sáng mai hãy đưa ra huyện cho bác sĩ coi sao”.

Út thay chồng vừa lau cho con vừa hỏi má chồng: “Phải dượng Tư ở đầu vàm có nuôi mấy hầm cá không má?”. “Ừ. Dượng Tư không phải người ở xứ này. Nghe nói trước đây dượng có một đời vợ, có đủ con trai con gái, nhưng quen biết cô Tư rồi tằng tịu với nhau. Đến khi cô Tư có thai thì dượng Tư dọn về ở chung tới giờ, vừa mần ruộng vừa nuôi cá. Mấy vụ rồi trúng mùa cá, dượng mới xây căn nhà tường rất khang trang”. Thằng con trai đã bớt sốt, nó thiu thiu ngủ. Út ngước nhìn má: “Kỳ vậy ta?! Bộ bà vợ lớn không nói gì sao má?”. Má chồng thở dài: “Nghe nói lúc đầu làm dữ lắm, còn thề thốt sẽ không ngó mặt nhau. Nhưng rồi lâu lâu dượng Tư đem tiền về tiếp vợ nuôi ba đứa con nên bà lớn cũng nguôi ngoai. Cái nhà tường hiện giờ là do một tay thằng con trai bà lớn xây dựng. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, tại dượng “ong bướm” nên tới giờ ba đứa con chưa đứa nào lấy được vợ được chồng. Người ta ngại sợ giống ba nó”. “Kỳ vậy ta?! Ai làm nấy chịu sao lại trút lên đầu con cái chớ!”. Út Đẹt cảm thấy buồn. Có lẽ đây là lần đầu tiên nó xót thương cho hoàn cảnh của những người dưng, lại chưa quen biết.

Bên ngoài có tiếng chân thình thịch, tiếng nói ồn ào. Thằng con trai giật mình khóc thét lên. Út Đẹt ôm con vào lòng, vỗ về bằng giọng hát ầu ơ khe khẽ. Má chồng bước ra khỏi buồng. Út nghe rõ tiếng kêu thất thanh của bà: “Trời ơi! Thằng Quốc! Con sao vầy nè?”. Từ ngày về làm dâu, Út chưa bao giờ nghe giọng điệu má chồng như vậy. Nó linh cảm điều gì đó bất an đang xảy đến với gia đình nhà chồng, với mẹ con nó. Nó bồng con bước xuống giường. Thằng bé chắc mệt mỏi, cứ nấc nghẹn không thành tiếng. Vừa bước lên nhà trước, Út khựng lại. Một cảm giác hụt hẫng, chới với ập đến như muốn quật nó ngã quỵ. Quốc nằm dài trên bộ ván, chân tay duỗi thẳng, quần áo ướt mem, đôi mắt mở trừng trừng. Má chồng ngồi cạnh cứ lắc người Quốc, kêu gào trong nước mắt. Thằng Quốc hình như không nghe nên không trả lời. Vài người đàn ông đứng ở trước cửa bàn tán chuyện gì đó với ba chồng. Út bước tới bộ ván, ngồi xuống cạnh má chồng: “Chuyện gì vậy má?”. Bà quay sang nhìn nó, mếu máo: “Thằng Quốc… chồng con…”. “Hả? Kỳ vậy ta?! Sao lại chết?”. Út Đẹt vội thả con ngồi xuống, lay chân Quốc. Hai chân Quốc lạnh ngắt, cứng đơ. “Anh ơi! Tỉnh dậy đi… Út Đẹt nè… Con à, kêu ba đi… Kêu ba con tỉnh dậy đi nấu cháo cho con ăn…”. Út Đẹt kéo con chồm người lên ngực Quốc. Những giọt nước mắt nóng hổi chảy tràn trên má, rớt trên cơ thể lạnh tanh của Quốc. Thằng con chẳng biết có hiểu chuyện gì không cũng khóc ngất, bập bẹ: “Pa… pa…”.

Vậy là sao? Anh đi bắt cá về nấu cháo cho con chứ có phải đi chết đâu? Hồi sáng anh hứa, ngày mốt ra chợ huyện giao hàng, anh sẽ mua cho con mấy chiếc xe chạy bằng pin, mua cho em xấp vải để may áo dài đi đám cưới chị Hai. Hôm qua anh nói thèm bánh xèo, bữa nào làm nhắn ba má em qua chơi. Trước nữa anh kêu em sanh cho anh một đứa con gái, em nói đợi con mình lớn chút nữa, chừng nào nó biết giữ em nó, thì sanh. Lúc nào nựng con anh cũng nói, sau này cho con đi học vẽ để thiết kế bàn ghế cho anh đóng… Còn bao nhiêu chuyện nữa anh đều chưa làm xong mà? Hàng đêm, em nằm trên tay anh ngủ ngon lành, giờ không có anh em phải thức tới sáng, còn sức đâu mà lo cho con. Hồi đám cưới, mọi người nói anh với em giống Phạm Công – Cúc Hoa, nhưng Cúc Hoa chết đi sống lại, còn Phạm Công có trở về với em không??? Út Đẹt đâu ngờ trong lúc này bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về nhanh dữ vậy, bao nhiêu câu hỏi chưa có lời giải cũng mau chóng vây lấy nó. Nó cảm giác hồn mình như đang lìa dần khỏi xác, đang tách làm đôi. Trời phật ơi, làm sao nó chấp nhận sự thật đột ngột này chứ!

Mọi người kéo Út Đẹt ngồi dậy, nói không nên để nước mắt nó rơi trên người Quốc, như vậy, chồng nó sẽ vướng bận, khó yên lòng ra đi. Má chồng bảo: “Út! Vuốt mặt chồng… lần cuối đi con!”. Kỳ vậy ta?! Sao ba má không làm mà kêu mình. Út định hỏi, nhưng thôi. Nó đưa bàn tay run run làm theo lời má. Đôi mắt Quốc từ từ khép lại. Bỗng nhiên, nước tràn ra hai khóe mắt, hai dòng máu đỏ thẫm cũng trào ra khóe miệng. Cùng lúc đó, như có một luồng điện chạy nhanh khắp người Út. Nó giật bắn người, chồm tới áp mặt mình lên mặt Quốc, nức nở: “Má ơi!... Chồng con chết tức tưởi quá…”.

Những người đến dự đám tang của Quốc không thể cầm nước mắt khi thấy Út Đẹt ôm con ngồi bất động bên quan tài. Nó không khóc, không cười, gương mặt thất thần như xác vô hồn, khác hẳn tấm hình cười tươi rói trong ngày cưới treo trên tường. Và từ tấm hình cưới đó, thợ ảnh đã tách riêng hình Quốc đặt trước quan tài. “Đẹp quá! Trẻ quá mà sao chết sớm. Tội nghiệp thiệt!”. Mọi người cứ tặc lưỡi xót xa vậy. Thằng con trai đã hết sốt, thấy nhà đông người cứ cười nói bi bô. Nó nào biết vì muốn có cá nấu cháo cho nó ăn đỡ sốt mà ba nó phải mất mạng!

Trong cái đầu trống rỗng của mình, Út Đẹt cũng loáng thoáng nghe câu được câu mất của mọi người bàn tán. Rằng, sao thằng Quốc chết? Bị điện giật. Nhưng nó chết ngoài hầm cá mà? Điện đâu đó? Thì dượng Tư kéo điện từ trong nhà ra hầm, rồi móc vô hàng rào để không cho ăn trộm bắt cá. Vậy sao ổng không nói để hàng xóm biết? Chuyện này hơi bị lạ nghen. Hồi nào tới giờ xóm mình đâu có ăn trộm. Nếu có sao tụi nó không bắt cá nhà thím Tám, chú Chín hay anh Hậu. Mà mấy hộ nuôi cá xóm mình có ai làm vậy đâu. Không lẽ mấy chuyện xích mích nhỏ như cục kẹo phải giải quyết bằng mạng người chỉ nghe trên thành phố giờ về tới xứ mình rồi hả??? À, sao thằng Quốc không hỏi dượng Tư một tiếng? Có chớ. Nhưng dượng Tư dẫn vợ con về bên nhà bà vợ lớn ăn đám giỗ. Sao biết thằng Quốc có hỏi? Thì đôi dép thằng Quốc còn nằm trước cửa nhà dượng Tư đó. Ừ hén, có lẽ dượng Tư không có ở nhà nên nó lấy cây vợt trên vách định vớt vài con cá để nấu cháo cho con nó. Nó nghĩ nếu dượng Tư biết chắc cũng chả rầy la gì. Ai dè khi leo qua hàng rào thì bị điện giật văng xuống hầm. À, mà sao anh biết nó bị té xuống hầm? Trời nóng nực quá, tôi ra ngoài sân hóng gió. Bỗng thấy bên nhà anh Tư, chỗ đồng hồ điện xẹt lửa, tôi qua kiểm tra thì hóa ra đứt cầu chì. Tôi đi về tính ngủ nhưng nhớ trước đó nghe cái “ùm” ngoài hầm cá nên lấy đèn pin ra coi. Tôi thấy dáng người nổi lờ đờ dưới hầm nên la lên kêu mọi ngưới tới. Nếu tôi ra sớm hơn, vớt thằng Quốc lên liền thì nó… Út Đẹt chợt nghĩ, sao người chết không phải ai khác mà là Quốc chớ? Ủa, chẳng lẽ người khác bị điện giật nó không buồn sao? Kỳ vậy ta?!

Ngoài đường có tiếng nói lao xao, rằng công an đang còng tay dượng Tư đi. Út Đẹt chợt bừng tỉnh. Nó đứng dậy chạy vội ra sân coi kỹ con người tàn nhẫn đã giết chồng mình. Khi chỉ còn cách dượng Tư vài bước chân nó bỗng khựng lại, chân như chôn xuống đất. Dượng Tư cúi mặt đứng giữa hai anh công an. Một người thanh niên chạy tới đưa cho dượng cái giỏ xách, đồng thời, nhét vài túi dượng xấp tiền, dặn: “Ba cố giữ gìn sức khỏe nghen. Ở ngoài này con sẽ chạy lo cho ba”. Út như bị điện giật, mặt biếng sắc, miệng há hốc: “Đi… ề… n…”. Cùng lúc đó, bên tai nó nghe văng vẳng: “Út không lấy tôi sau này sẽ hối hận cho coi”.

Điền quay lại thấy Út Đẹt đứng như trời trồng, anh ta ngần ngại rồi bước tới trước mặt nó, cúi đầu: “Thay mặt ba, tôi xin lỗi Út. Cho tôi đốt nén nhang cho anh Quốc nghe!”. Tại sao phải xin lỗi, vì cái gì? “Kỳ…”. Út Đẹt chỉ thốt lên vậy rồi dừng lại, vì nó biết, nếu hỏi thì cũng không có ai trả lời.

Út Đẹt nhìn dáng Điền đi vào nhà.

Một đoạn nhạc lễ đón khách viếng trỗi lên

HỒ KIÊN GIANG

Nguồn: vannghequandoi.com.vn