Đà Lạt năm ấy đón chúng tôi bằng một đợt áp thấp nhiệt đới dài. Mưa không lớn, chỉ rả rích, nhưng ở lưng chừng phố núi, hình như những hạt nước dày hơn, nặng trịch một niềm cô độc lạnh giá. Những kiếp mưa bay trên núi lúc nào cũng vậy. Không theo gió viễn du giữa mênh mông đại dương, không phiêu lãng cùng những chuyến mây xa để rơi xuống đồng bằng, làm bạn với nương ruộng, song hành trình của chúng rất có thể phải dừng lại trên một đỉnh đèo hoang dại, trơ trọi cây cỏ hay giữa một con suối độc hành nơi rừng sâu. May mắn lắm những hạt mưa núi cao mới có thể kết thúc vòng đời vội vã của mình giữa bạt ngàn sóng nước hồ Xuân Hương, đêm đêm nghe mùi khoai lang nướng thơm và tiếng người huyên náo vọng ra từ chợ Âm phủ.
Trong màn mưa thênh thang giữa cao nguyên Lâm Viên năm ấy, chúng tôi đến thăm Trúc Lâm thiền viện.
Chùa
nằm trên một ngọn núi cao, quanh năm trầm mặc say ngủ trong sương mây.
Dưới làn mưa mỏng, toà thiền viện do sư thầy Thích Thanh Từ đặt đá xây
dựng từ năm 1994 càng thêm vẻ bí ẩn mơ màng như đang vân du trong cơn mơ
trời đất. Những bụi hoa rừng được trồng dày trước sân chùa chưa vội
bung nở như cố e ấp những giọt nước của trời, níu giữ một giấc ngủ vô
ưu.
Vậy
mà, khi vị sư già trong chánh điện thiền viện trầm ngâm lấy tay dùi
bằng gỗ màu nâu sẫm gõ mạnh vào cái chuông lớn, màu đồng sáng choang
trên ban thờ tam bảo, thì một thanh âm thăm thẳm kéo đến, vang động ra
mênh mông, khiến rặng hoa ngủ quên và những quầng mây xám ngoét trên
đỉnh Phụng Hoàng như bừng tỉnh. Tiếng chuông vang đi rất nhanh, vượt qua
màn mưa mỏng và bầu khí rét ngọt, sanh sánh hơi ẩm của cao nguyên chiều
chớm thu, tỏa đi chung quanh. Một phần vọng ra làm lao xao trảng rừng
thông u mặc bên bờ hồ Tuyền Lâm rồi dần lan về phía những thung lũng
huyền hoặc thâm u dưới chân đèo Prenn. Phần bay dìu dặt về phía thành
phố.
Trong
một khoảnh khắc mơ hồ, chẳng hiểu vì sao những lữ khách nơi núi cao, dù
đang mê say chiêm ngắm sắc vẻ thanh tú của những khóm hoa rừng, lại
chợt chững lại, vô thức lắng tai nghe tiếng chuông vọng đến. Ban đầu là
một thứ âm vang trong vắt, thanh khiết, từng sợi âm mỏng nhưng đầy uy
lực ngay lập tức kích tạo một thoáng run rẩy kì diệu nơi màng nhĩ. Rồi
sau đó, rất nhanh, xung động ấy nhường chỗ cho một chuỗi các nốt trầm
vang, càng về sau cao độ càng thấp dần, âm lực cũng nhỏ lại để cuối cùng
tan đi giữa thinh không, hệt như một làn sương mỏng âm trầm biến mất
mỗi khi bình minh bắt đầu rực rỡ. Lắng tai nghe tiếng chuông bay trên
đỉnh Trúc Lâm, người ta bỗng thấy cái thân xác thô kệch và những nỗi
đoạn trường của đời mình thu bé lại chỉ còn bằng một hạt bụi nâu, trơ
trọi giữa mênh mông xa xôi, giữa cái khoảng không vô tận thoát thai từ
những vọng âm của tiếng chuông sơn tự. Tiếng chuông càng vang xa, càng
nhỏ lại thì khoảng không ấy càng lớn rộng, nhưng hình nét của nó lại
nhòe tan đi để cuối cùng chìm vào một vùng sa mù. Đứng chơi vơi giữa
trời đất thiên thu ấy, các ý nghĩ tạp nhạp trong đầu như được tẩy rửa,
chợt nhẹ hẫng, vút lên giữa trời cao rồi bay biến đi đâu mất trong một
cõi hư vô tĩnh tại. Tâm trí tịnh sạch, trống rỗng như một lạch nước mơ
màng trôi đi giữa rong rêu và mây khói, chưa một lần biết đến trần ai…
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Nghe
tiếng chuông thiền viện vọng vang trên đỉnh Phụng Hoàng năm ấy, mới hay
có một chân lí giản dị mà không nhiều người nhận ra, rằng một âm thanh
sinh ra là để vang đi. Đời sống của nó, dù đôi khi rất ngắn ngủi, song
không chấp nhận một số kiếp quẩn quanh tù đọng. Nó cho thấy sự hiện hữu
của mình giữa đời chính bằng cái cách mà nó tỏa đi, vang động ra chung
quanh và kiến tạo nên những khoảng đồng vọng bát ngát.
Một
thứ âm thanh tuyệt mĩ không cần phải là những vang động đa sắc, những
xập xình giần giật kích thích tai nghe, mà ngược lại, nó thường ẩn mình
trong một thù hình mộc mạc, bé nhỏ hoặc đơn điệu song lại có khả năng
kích nhạy không chỉ thính giác mà còn mời gọi toàn bộ ngũ quan, máu
nóng, xác thịt và tâm cảm người ta rầm rộ bước chân vào một vũ điệu bất
tận của tưởng tượng, mở ra một khoảng mênh mông của kí ức và những nỗi
xúc động diệu kì, không khác gì một vụ Big Bang thánh linh mà ở đó, từ
một tồn tại bé nhỏ có thể bùng vỡ thành một vũ trụ khổng lồ sâu thẳm.
Chính từ đây, vẻ đẹp của một âm thanh mới thực sự phát lộ. Một vẻ đẹp vô
hình huyễn ảo vượt lên trên mọi giác quan và tri giác thường nghiệm.
Cái đẹp của minh triết trầm sâu.
Ngoái
nhìn lại di sản hàng ngàn năm của thơ ca phương Đông, ta không khó để
nhận thấy ít nhiều những hình bóng tương chiếu lối tư duy ấy. Các thi
nhân xưa thường kì khu thiết đặt những không gian rộng lớn, mang tầm vóc
vũ trụ mỗi khi muốn nhắc đến, muốn khắc họa một âm thanh đặc biệt.
Ngược lại, chính những thanh âm ấy vừa là nguồn khơi mở, thổi hồn vào
cái bát ngát của thực tại, vừa tạo dựng nên trong hồn người những cõi
tri cảm mênh mông.
Hơn
ngàn năm trước, có lữ khách đậu thuyền nơi bến Phong Kiều, giữa giấc
mộng tịch mịch chợt nghe một tiếng chuông thoảng bay đi từ ngôi chùa Hàn
San nằm cheo leo trên một đỉnh mây trắng ngoài thành Cô Tô: Cô Tô thành
ngoại Hàn San tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền (Ngoài thành Cô
Tô có chùa Hàn San/ Tiếng chuông nửa đêm vẳng đến thuyền khách). Giữa
lập lòe những đốm lửa thuyền chài, cái thanh âm thanh thoát loang ra
khắp mặt sông đêm đầy sương làm dịu lòng một kẻ cô sầu thất thế, khiến
hồn thơ bụi bặm chợt ngân rung một mĩ cảm diệu kì.
Nhưng
trong Đường thi còn có một lữ khách nổi tiếng khác, cũng lỡ độ, đậu
thuyền lại ở bến sông khuya và cũng nghe thấy một chuỗi thanh âm vang
vọng. Nhưng bến sông ấy là bến Tần Hoài, cách thành Cô Tô trong thơ
Trương Kế hơn 200 cây số về phía Đông, và cái âm thanh mênh mông mà kẻ
lữ thứ ấy nghe được cũng không phải là một tiếng chuông thiền an giải
những mối sầu lụy, mà là khúc Hậu đình hoa bay ra từ một quán rượu ven
sông: Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa/ Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia./
Thương nữ bất tri vong quốc hận/ Cách giang do xướng Hậu đình hoa (Khói
lồng nước sông lạnh, trăng lồng cát/ Đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài cạnh
quán rượu/ Ca nữ không biết nỗi hờn mất nước/ Bên kia sông còn hát khúc
Hậu đình hoa). Hẳn là người ca nữ vô danh ấy nào có biết, rằng khúc nhạc
mà nàng đang hát, từ phía bên kia sông, đã chấp chới bay sang đến tận
bến thuyền này. Giữa cái mông mênh huyền ảo của sương khói đan cuộn vào
nước sông lạnh, bóng trăng lồng bãi cát dài, khúc Hậu đình hoa nức tiếng
cung đình xưa, gợi nhắc những cuộc đàn điếm đến nỗi mất nước của Trần
Hậu Chủ - vị Vua cuối cùng của triều đại nhà Trần thời Nam - Bắc triều,
lảnh lót vang lên làm thổn thức tấc lòng của kẻ sĩ ái quốc. Tiếng hát
ấy, khúc Hậu đình hoa ấy, trong suốt nhiều năm, có lẽ đã cất lên hằng
đêm để phục vụ những tửu khách lỡ đường, và rất có thể sẽ còn cất lên
vào đêm mai, đêm kia hay một đêm nào đó nữa. Nhưng chính vào cái đêm Đỗ
Mục neo thuyền ở bến Tần Hoài, tiếng hát ấy trở thành một thanh âm huyền
thoại, tương vang vào hồn thi nhân để rồi mời gọi mấy trăm năm lịch sử
cùng thức dậy, khơi động những mối sầu cảm cho quá vãng và cho cả thực
tại. Âm thanh ấy bay ra giữa bến sông, bước vào Bạc Tần Hoài để rồi đi
vào cõi mênh mông của vĩnh cửu.
Ở
Nhật, thơ Haiku dù rất ngắn, chỉ có 17 âm tiết, song vẫn luôn có ý thức
dựng tạo một khoảng không đủ rộng cho những thanh âm kì diệu vang đi.
Những vọng âm trong thơ Nhật thường là tiếng nói của đồng hoang, rừng
sâu, suối thác, của những loài côn trùng, sâu bọ, chim chóc, những tiếng
động bé nhỏ, vi tế đến nỗi chỉ cần một thoáng vô ý, ta cũng có thể bỏ
qua. Tuy nhiên, không vì lẽ ấy mà những âm thanh kia không thể truyền
tỏa ra mênh mông. Trong cảm nghiệm của những thi nhân Nhật Bản, những
thanh âm như thế ngược lại mới chính là thứ có sức vang động lớn lao,
bởi chúng là tiếng nói tự tính của một nhiên giới đượm vẻ thiền. Người
ta khó quên được tiếng nước xao như tiếng vũ trụ vọng vang khi con ếch
nhỏ nhảy vào ao cũ, hay tiếng ve cô tịch thấu xuyên qua đá núi để bay ra
thinh không trong thơ Basho. Và người ta cũng không khỏi ngạc nhiên,
một nỗi ngạc nhiên vui sướng, khi nghe tiếng con ếch của Issa, con ếch
đã cất tiếng hát như cái cách Saigyô, một thi tăng nổi tiếng cuối thời
Heian, thả thơ thiền vào đất trời: Con ếch bên hồ/ ngồi yên ca hát/ như
là Saigyô (Nhật Chiêu dịch).
Nhưng
thế giới linh thiêng của âm thanh không dừng lại ở những khoảng mênh
mông hữu hình như thế. Chẳng phải là vô ý khi những sách vở Trung Hoa
xưa thường nhắc đi nhắc lại một ngữ đoạn đã trở thành kinh điển: “huyền
ngoại chi âm”. Sự huyền vi của một âm thanh đôi khi không nảy nở trong
lúc nó bắt đầu phát ra, loang đi và bay vào đôi tai thế gian, mà lại
hiển lộ ở chính cái lúc nó hóa thành một ngọn gió câm lặng thổi về phía
hư không. Im lặng hay hư không cũng là một khoảng mênh mông. Nhưng cái
mênh mông ấy không là gì khác ngoài cái cõi vô hình sâu thẳm mà từ đó,
những thứ hữu hình được tạo sinh và nuôi nấng. Nói cách khác, chính trên
con đường trở về với nguồn cội của hiện hữu, một âm thanh sẽ bùng vỡ
sức mạnh huyền diệu của mình.
Nhưng
nói đi cũng phải nói lại. Trộm nghĩ, có cần phải viện dẫn những lời khó
nhằn xa xôi của thánh hiền như thế làm chi đâu. Đời sống này luôn biết
cách cho ta những con đường giản dị hơn để thâm nhập vào căn nguyên của
tất cả. Giống như trong một buổi trưa hè đầy nắng nào, trên chiếc xuồng
ba lá mỏng mảnh trôi lững lờ giữa những rặng dừa nước rũ bóng, chúng tôi
nghe một tiếng hò phù sa bay chấp chới giữa đất trời sông Hậu. Âm thanh
ngọt lịm, trong vắt, lửng lơ đôi phút giữa lưng chừng sóng nước rồi vút
lên, mất hút giữa một cõi ruộng vườn bát ngát. Hồn phách của chúng tôi
cũng theo câu hò miền Tây bay đi đâu…
Tháng 8/2018
N.Đ.M.K
Nguồn: http://vannghequandoi.vn/van-xuoi/ve-voi-menh-mong_8612.html