Bài học về chớp thời cơ và vận dụng đúng thời cơ Để
có thể tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cả một quãng thời
gian dài vô cùng gian khó của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí
lãnh đạo tiền bối tiêu biểu như: Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn
Đồng, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn, v. v… cùng các lực
lượng khác như: Công nhân, trí thức, tư sản yêu nước, nông dân, phụ lão,
phụ nữ, thanh niên… hoạt động cách mạng trước đó gần hai chục năm, kể
từ đầu năm 1925, khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện chính
trị và thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu (Trung
Quốc)[1].
Tính
từ năm 1925 cho đến năm 1945 là 20 năm chuẩn bị. Nhưng khi thời cơ đến,
những chiến sỹ cách mạng tiên phong đã thổi bùng lên tinh thần yêu nước
vô cùng mãnh liệt của toàn thể dân tộc Việt Nam, quyết rũ khỏi kiếp bùn
đen nô lệ, áp bức; đập tan xiềng xích kìm kẹp, áp bức, bóc lột của
phong kiến, thực dân; giành lại độc lập, tự do của toàn thể dân tộc Việt
Nam. Từ khi “Mệnh lệnh khởi nghĩa” (ngày 12/8/1945)[2] và “Quân lệnh số 1” (ngày 13/8/1945)[3]
của Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu Giải phóng tại Tân Trào (Tuyên Quang)
được phát đi, cho đến khi Tổng khởi nghĩa thành công trên cả nước, ngày
28/8/1945, và Lễ Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, ngày 2/9/1945, đã diễn ra trong 22 ngày.
Mất
20 năm dày công chuẩn bị để thực hành thành công trong 22 ngày. Và sự
thành công ấy chính là do những người lãnh đạo cuộc cách mạng đã chớp
được đúng thời cơ và vận dụng đúng thời cơ.
Thời cơ ấy là gì?
Thứ nhất,
đó là bắt đầu từ sự kiện ngày 12/8/1946, sau khi nhận được tin phát xít
Nhật Bản đã bị thua to trên hầu khắp các chiến trường châu Á - Thái
Bình Dương trong thế chiến II, nên phải gửi công hàm cho các nước Đồng
minh đề nghị ngừng bắn. Bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, tầm nhìn
chiến lược, nắm bắt thời cuộc kịp thời, đồng chí Hồ Chí Minh và Ban
Thường vụ Trung ương Đảng đã nhóm họp ngay tại Tân Trào để quyết định
Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngay sau cuộc họp, “Mệnh lệnh
khởi nghĩa”đã được phát ra.
Chiều
tối ngày hôm sau, 13/8/1945, đang trong lúc Ban Thường vụ Trung ương
Đảng họp để nhận định tình hình, phân công nhiệm vụ chỉ đạo khởi nghĩa
vụ trang, thì tiếp tục nhận được thêm một tin rất quan trọng, đó là phát
xít Nhật đã bại trận và chuẩn bị đầu hàng quân Đồng minh. Ngay lập tức,
Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban Khởi nghĩa
toàn quốc; đồng thời soạn thảo “Quân lệnh số 1”. Đến 23 giờ đêm cùng
ngày, bản “Quân lệnh số 1” hoàn thành và được phát đi ngay, hạ lệnh Tổng
khởi nghĩa trên toàn quốc.
Ngày
14/8/1945, sau khi nghe tin Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố
Hirôsima của Nhật Bản, đồng chí Hồ Chí Minh đề nghị họp Hội nghị toàn
quốc của Đảng tại Tân Trào. Hội nghị đã nhận định: “Cơ hội rất tốt cho
ta giành quyền độc lập đã tới”. Trên cơ sở đó, đồng chí Hồ Chí Minh đã
chỉ thị: “Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút. Tình hình sẽ
chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội”[4].
Tại
sao lại phải tiến hành Tổng khởi nghĩa ngay lúc đó là vì đồng chí Hồ
Chí Minh và Trung ương Đảng đã nhận định và nắm bắt được tình hình có sự
chuyển biến nhanh chóng: phát xít Nhật đã chết gục theo phát xít Đức;
quân đội Nhật đã và đang tan rã, bị tước vũ khí trên khắp các chiến
trường; quân Đồng minh sắp kéo vào Đông Dương. Vì vậy nếu không khởi
nghĩa giành chính quyền từ tay quân Nhật, mà để đến khi quân Đồng minh
kéo vào nhận bàn giao chính quyền từ tay quân Nhật, thì nhân dân ta
không thể tiến hành khởi nghĩa được nữa, vì lúc này Việt Minh đang cùng
phe với quân Đồng minh.
Thứ hai,
sự kiện Chính phủ cách mạng lâm thời yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị và
tiếp nhận sự thoái vị của nhà vua (ngày 30/8/1945 tại Huế) cũng là việc
lực lượng cách mạng đã chớp thời cơ, tranh thủ thời cơ và vận dụng đúng
thời cơ. Việc vua Bảo Đại thoái vị đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền
phong kiến; đồng thời triệt tiêu một đầu mối quan trọng mà các thế lực
đế quốc, phản động muốn duy trì, sử dụng để mưu toan chống phá chính
quyền cách mạng, đặt lại ách thống trị trên đất nước ta.
Thứ ba,
sự kiện ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc
bản “Tuyên ngôn Độc lập” tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt Nam và với
thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập và tự do đã ra đời;
Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã chính thức
ra mắt trước quốc dân đồng bào. Nếu chậm trễ không tuyên bố độc lập,
chủ quyền trước khi quân Đồng minh tiến vào thì dù có cướp được chính
quyền cũng phải bàn giao lại cho quân Đồng minh tiếp quản. Vì vậy, việc
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chớp thời cơ, khẩn trương chỉ đạo sớm tiến
hành tổ chức Lễ Độc lập liền sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng
Tháng Tám thành công trên cả nước chính là nhằm ngay lập tức khẳng định
chủ quyền của nhân dân Việt Nam trước các thế lực đế quốc, phản động đội
lốt dưới danh nghĩa quân Đồng minh.
Tóm
lại, Cách mạng Tháng Tám và Lễ Độc lập chỉ có thể thực hiện thành công
trong khoảng thời gian 22 ngày ấy. Nếu Tổng khởi nghĩa diễn ra trước
ngày 12/8/1945 sẽ không được vì khi ấy phát xít Nhật vẫn còn khá mạnh,
chưa chịu ngừng bắn và đầu hàng quân Đồng minh. Còn nếu Lễ Độc lập tuyên
bố và khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra
muộn hơn sau ngày 2/9/1945 cũng không được vì khi ấy quân Anh và quân
Tưởng đã vào nước ta giải giáp, tiếp quản chính quyền từ tay quân Nhật.
Cách
mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa đã làm rung chuyển cả Đông Nam Á, châu Á, châu Phi và nhiều khu vực
khác trên thế giới; tạo ra làn sóng cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu
tranh giành độc lập, tự do của các nước thuộc địa như: Inđônêxia cùng
giành được độc lập trong tháng 8/1945; Ấn Độ giành độc lập năm 1947;
Mianma giành độc lập năm 1948; Marôc giành độc lập năm 1956; Malaixia
giành độc lập năm 1957; Ănggôla giành độc lập năm 1961; Angiêri giành
độc lập năm 1962…
Cần tiếp tục phát huy bài học về chớp thời cơ và vận dụng thời cơ trong tình hình mới
Việc
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân
ta chớp thời cơ, vận dụng và tận dụng thời cơ để tiến hành thành công
Cách mạng tháng Tám và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng
chính là tiếp nối bài học lịch sử truyền thống hào hùng của ông cha về
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Bài
học đó còn tiếp tục được các thế hệ về sau vận dụng thành công. Điển
hình là việc chớp thời cơ, vận dụng và tận dụng thời cơ; phân tích tình
hình, thế trận địch – ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để
dẫn đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, “vang dội
năm châu, chấn động địa cầu”, chính thức đặt dấu chấm hết cho gần 100
năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam.
Hay
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân ta cũng đã nhiều
lần thực hiện thành công bài học về chớp thời cơ, vận dụng và tận dụng
thời cơ. Điển hình là năm 1972, chúng ta đã chớp được thời cơ nội bộ
chính phủ Mỹ có xáo trộn, phong trào phản đối chiến tranh trong nhân dân
Mỹ dâng cao, kết hợp với quân ta quyết tâm giành nhiều thắng lợi quan
trọng trên chiến trường Việt Nam nên đã buộc chính phủ Mỹ phải rút quân
đội về nước. Rồi đến tháng 3/1974, khi quân ta giành được thắng lợi và
làm chủ Tây Nguyên, quân Ngụy bắt đầu tan rã, đã làm xoay chuyển tình
thế chiến trường có lợi cho ta. Ngay lập tức, Trung ương Đảng và Quân ủy
Trung ương đã chớp thời cơ rút ngắn kế hoạch chiến lược giải phóng miền
Nam từ 2 năm xuống còn 1 năm. Cuối cùng là thực hiện Tổng tiến công và
nổi dậy, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn
toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4/1975.
Trong
công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước về sau này,
chúng ta cũng đều nhiều lần vận dụng thành công bài học về chớp thời cơ
và tận dụng thời cơ. Năm 1986, Trung ương Đảng đã kịp thời nắm bắt tình
hình, tận dụng thời cơ có sự chuyển biến trong lý luận và nhận thức để
tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đưa Việt Nam thoát ra khỏi những
khó khăn của thời kỳ bao cấp và ảnh hưởng của chiến tranh. Năm 1991,
những biến cố chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã tạo ra cho
chúng ta những thách thức rất lớn, nhưng chúng ta đã vượt qua thử thách,
nắm bắt được thời cơ, chuyển hóa khó khăn thành cơ hội để giữ vững định
hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng uyển chuyển trong ngoại giao để mở
rộng quan hệ đối với nhiều nước trên thế giới. Những năm sau đó, Việt
Nam cũng đã nắm bắt tốt thời thế để gia nhập ASEAN năm 1995; cùng trong
năm 1995, Việt Nam đồng ý bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ; năm 2007
gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); được bầu làm Ủy viên không
thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc năm 2007…
Hiện
nay, Việt Nam đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện
với tất cả 5 quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên
hợp quốc (LHQ). Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao gần 200
quốc gia với nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có quan hệ đối tác chiến
lược với 13 quốc gia gồm: Nga (2001), Ấn Độ (2007), Nhật Bản (2006),
Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức (2011),
Italia, Thái Lan, Inđônêxia, Xinhgapo, Pháp (2013); quan hệ đối tác
toàn diện với 4 quốc gia gồm Ôtxtrâylia (2009), New Zealand (2010), Đan
Mạch, Hoa Kỳ (2013); và đối tác chiến lược theo lĩnh vực với Hà Lan[5]. Đây là những cơ hội rất lớn giúp nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Theo
quy luật vận động, phát triển của xã hội, đi liền với những cơ hội, vận
hội mới luôn có những khó khăn, thách thức nảy sinh. Nếu biết vận dụng,
nắm bắt tốt cơ hội và luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách thì sẽ
biến điều bất lợi thành có lợi. Trung ương Đảng ta đã nắm bắt rất rõ quy
luật vận động ấy, từ đó thường xuyên, kịp thời có những nhận định, phân
tích, định hướng, chỉ đạo mang tính chiến lược. Gần đây nhất, trong Báo
cáo chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Tình
hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách
thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn
đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước
và nhân dân ta phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn”[6].
Vì thế cần phải “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững
môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh
quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu
các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện
hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế
và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”[7].
Một
trong những yếu tố giúp chúng ta nhìn nhận, phân tích, đón bắt, tận
dụng tốt thời cơ chính là nhân tố con người. Vì vậy, trong bối cảnh sự
phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, chúng ta cần chú trọng
nguồn nhân lực chất lượng cao để đi tắt, đón đầu. Đảng ta chỉ ra rằng,
ngoài quyết tâm chính trị, thì yếu tố con người, nguồn lực con người có
tri thức là yếu tố quyết định. Do đó, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, sử
dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao,
có đủ đức, tài, có khả năng nắm bắt, đón đầu, làm chủ khoa học công nghệ
chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi đó là sức mạnh nội lực to
lớn của toàn dân tộc. Trên cơ sở phát huy nội lực, kết hợp tốt nội lực
với ngoại lực thì chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển đất
nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Mặc
dù vậy, chúng ta cũng phải nhìn nhận và xác định rõ một số thách thức,
rào cản cần phải phá bỏ và vượt qua để từ đó đón bắt thêm được nhiều cơ
hội mới, trong đó đáng chú ý là tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức,
lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng
viên làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nếu phá
bỏ được những rào cản này, cũng chính là cơ hội để chúng ta tận dụng
thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao sức chiến đấu của Đảng,
hiệu quả quản lý của Nhà nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả “Dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ
nghĩa xã hội./.
[1]Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam - Tập I (1911 - 1929), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2007, tr.126, 134;
[2]Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam - Tập II (1930 - 1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2008, tr.977;
[3] Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam - Tập II (1930 - 1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2008, tr.978;
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đảng Toàn tập,Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, Tập 7, tr.424-425;
[5] http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/cac-nuoc-vung-lanh-tho/chau-a/viet-nam-vietnam-148
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương, Hà Nội năm 2016, tr.75;
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương, Hà Nội năm 2016, tr.218-219.