Câu chuyện Ph’nom Penh

22/10/2021

  • lượt xem: 547

Bút kí. TRUNG SỸ

Tháng 5 năm 1982, tôi về Ph’nom Penh học lớp viết tin theo giấy triệu tập của quân đoàn. Chắc anh Bến, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn khi ấy thấy mấy bài bích báo của tôi ít lỗi chính tả, làm thơ hơi vần và có hình minh họa vẽ bông hồng cắm súng nên cử đi.

Nhập trại


Tôi khoác ba lô ra S’Toung đón xe. Sau hai ngày tăng bo trên đủ loại phương tiện, tôi cũng mò được nơi cần đến. Đón tôi là anh Lê Huy Khanh, sau này tôi biết anh là nhà văn Quân đội. Tôi trình các giấy tờ cần thiết. Anh Khanh hỏi em đã in mấy tác phẩm rồi? Bút danh là gì? Tôi ngớ người hỏi lại tác phẩm gì ạ? Thì truyện ngắn hay thơ trên Văn nghệ Quân đội ấy. Ông này đùa chắc? Tôi nghĩ. Một trích ngang ngắn được trình bày bằng mồm. Rằng em là lính Tiểu đoàn 4, em lên Ban Chính trị rồi được cử về đây đi học lớp viết tin. Anh Khanh cười ngất. Đúng là các bố quan liêu. Đây là trại sáng tác của Tổng Cục Chính trị, chỉ dành cho các nhà văn Quân đội. Thấy mặt tôi thuỗn ra, anh ấy lại càng cười tợn. Thôi, đã về thì cứ ở lại đây. Coi như cho chú nghỉ càn rừng mấy tháng. À có biết nấu ăn không? Tất nhiên là có rồi.

Nhà văn Quân đội các nơi tục tục về dự trại. Anh Nguyễn Quốc Trung cao nhẳng, đen sì như lính Pốt, môi cũng xám tựa làn da sốt rét, đôi mắt lớn và giọng nói chậm hơi nằng nặng. Anh mà trùm thêm cái khăn cà ma xuống đơn vị tôi ban đêm, thế nào cũng có đứa bắn nhầm. Anh Trần Đình Thế trắng trẻo đẹp giai như công tử màn bạc vừa bước ra từ vũ trường quận 1, nếu mà bị một đại đội lính Pốt nữ nó vây thì chắc đời anh ra bã. Anh Ngô Quốc Dân mắt hơi hiếng, vui tính dễ gần, và là bạn tâm tình của tôi suốt thời gian này.

Mấy hôm sau, các nhà văn Quân đội tiếp tục góp mặt. Bác Vũ Sắc, Trưởng ban biên tập, bác Đỗ Gia Hựu, Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân sang trước. Trại viết do Quân đoàn 4 đăng cai. Anh Khanh trong vai Trưởng trại, mời bác Sắc và bác Hựu về ở riêng trong cái biệt thự hai tầng gần đài phát thanh, lại kéo tôi về làm tiểu đồng điếu đóm. Công việc của tôi chẳng có gì ngoài ngày ba bữa xuống bếp trại gần đó lấy cơm, đi chợ mua thêm những món cải thiện cho hai sếp theo yêu cầu của Trưởng trại, không được để phích hết nước nóng… Tóm lại là làm cần vụ, thế thôi! Hai bác ở Hà Nội, phố ngay gần nhà tôi nên mấy bác cháu rất thoải mái trong sinh hoạt.

Cũng ở đây tôi gặp chú Bùi Minh Quốc to cao đẹp trai trong bộ gabadin Tô Châu xanh mới cáu. Tôi hỏi sao chú lại lấy tên Dương Hương Ly trong các bài thơ. Chú ngồi cười hiền, giải thích Dương Hương Ly là tên con gái chú. Chú để tên tác giả thế cho đỡ nhớ nó. Buổi tối, tôi hỏi bác Vũ Sắc, em Dương Hương Ly có xinh không. Bác Sắc bảo nó học giỏi lắm nhưng mắt cận nặng. Mày thích nó à? Tôi biết gì mà thích. Thấy thơ hay với tên đẹp thì mơ mộng đoán già đoán non thế thôi. Ai cấm?

Chú Duy Khán là người nhập trại sau cùng. Tác giả Tuổi thơ im lặng người đen nhỏ, chiếc hộp đựng thuốc lá vụn bằng sắt tây kè kè giắt bên mình. Điếu thuốc cuốn dán bằng nước bọt không lúc nào rời khỏi miệng. Lúc đó, tập sách này, chú Khán mới viết đến chương Con Vện. Mọi người ngồi uống trà sáng. Chú Duy Khán đọc thuộc lòng câu văn đắc ý mới viết: “Nửa đêm mẹ về, gọi chúng tôi dậy. Mắt nhắm mắt mở, tôi thấy nửa con chó luộc. Tịch buồn thỉu buồn thiu. Sớm, lúc quét nhà, thấy xương xẩu vung vãi, tôi lại nhớ Vện: Giá Vện còn nhỉ!...”. Thằng bé con nó không biết vừa gặm xương con chó của mình. Bác Sắc tợp ngụm trà, bảo, anh ác quá, ác quá. Bác Hựu phương phi to béo, không bình luận gì chỉ cười hề hề.

Ph’nom Penh không thu hút được tôi. Thứ nhất bởi tôi không có tiền. Lính chiến ở rừng có tiền hay không tiền cũng chẳng để làm gì. Nhưng buổi chiều Thủ đô tưng bừng phố xá mà không tiền thấy mồm miệng nó nhạt lắm. Bước qua quán cà phê nhạc Thanh Tuyền, thấy tụi lính hậu cần vểnh râu cáo phì phà Samit tán con bé chủ quán mắt ướt rượt là đã thấy cú rồi. Ghen tị là một thói xấu nhưng lắm lúc ước còn khẩu AK, giật vài loạt cho tụi nó chạy có cờ chơi. Thứ nữa, cũng bởi tôi thèm ngủ. Chắc tại nhịp sinh hoạt bình lặng quá nên lúc nào cũng buồn ngủ. Nằm giường chưa quen, tôi - con khỉ rừng Aoral, treo võng vào chấn song cửa sổ để ngủ cho ngon. Các anh ấy bận viết. Tôi rửa chén bát buổi sáng xong, ngồi ngó cây phượng vĩ đang nở hoa đỏ rực ngoài cổng. Ngó ra ngoài đường một lát là hai mắt bắt đầu díp lại như có bọ ngủ chui vào. Hôm nào nổi hứng thì hộ tống hai sếp đi dạo phố. Bác Sắc bảo mày viết đi, nằm chảy thây mãi ra làm gì. Viết cái gì ạ? Thì viết những tấm gương dũng cảm, viết những chuyện chiến đấu dưới tiểu đoàn mày ấy, đưa tao sửa cho. Chúng nó đầu tiên cũng như mày thôi. Viết đi đừng sợ.

Gì chứ chuyện đánh nhau thì đầy. Thế là tôi viết. Cũng lên lĩnh giấy bút như ai, cũng một mình một phòng gò lưng cặm cụi. Thỉnh thoảng hứng chí lại gác chân lên bàn đốt một điếu CAPSTAN mua được do ăn bớt tiền đi chợ. Nhìn khói thuốc bay qua cửa kính chiều mưa, lòng bồi hồi rạo rực vì sắp thành nhà văn đến nơi. Đúng ba hôm sau, tôi trình Trưởng biên tập một tập linh tinh chuyện thượng vàng hạ cám dưới tiểu đoàn. Bác Sắc đọc xong im lặng một lúc, hỏi, này sao chết nhiều như thế hả mày? Vâng, thế đấy ạ! Bác lẳng lặng cất luôn tập bản thảo đầu tay của tôi vào cặp riêng, không nói gì. Mấy hôm sau lại bảo hay mày viết những chuyện khác đi, đừng viết chuyện đánh nhau nữa. Chuyện dân vận chẳng hạn. Có khi tạng mày viết những chuyện như thế lại ăn tiền. Lại vâng! Lại mấy ngày đăm chiêu bóp trán giả vờ suy nghĩ cấu tứ, rình hai sếp sang bên trại văn là tranh thủ ngủ. Không ngủ thì lang thang tiêu khiển, xem tụi vệ binh rà điện bắt cá quanh cống rãnh doanh trại. Những chuyện dân vận là gì? Mấy năm đánh nhau dưới tiểu đoàn toàn chui rừng, mới lên Ban chính trị mấy tháng, có bao giờ tham gia trực tiếp vào đời sống xã hội dân bạn đâu, biết gì mà viết. Bác Sắc bảo, thì những chuyện như chia gạo cho dân đói, cấy lúa giúp dân, dạy hát cho bọn trẻ con, tiêm thuốc cho người bệnh...

Vậy là tôi bắt đầu mê mải viết. Đó là câu chuyện về tình bạn giữa một anh lính Việt và một thanh niên Campuchia. Anh lính Việt tìm thấy và cứu được anh bạn này khi đang gần chết đói ở Biển Hồ. Anh bạn Campuchia đi lính Hun Sen vì có mối thù riêng với Angka, tổ chức đã bức giết cô gái người yêu của anh ấy. Bối cảnh hai người bạn gặp nhau tại nhà một ông già làm đường thốt nốt và thuộc nhiều chuyện cổ về ma cọp. Cổ tích huyền thoại và hiện tại cách mạng đan cài trong vị men đắng của nước thốt nốt chua cùng xâu cá kết khô. Kết luận: Angka và ma cọp tàn ác chẳng khác gì nhau, phải chung sức đánh đuổi nó. Sáng hôm sau, đơn vị của hai anh cùng lên biên giới. Đại khái thế!

Đặt tên đứa con tinh thần của mình là Men thốt nốt, tôi lại nộp cho bác Sắc. Đọc xong, sếp khoái trá ra mặt, sửa chữa chút ít rồi mang truyện ngắn của tôi ra đọc rút kinh nghiệm trước toàn trại viết. Chú Duy Khán bảo thường thôi, thường thôi. Anh Khanh khen có không khí lắm. Các anh khác không nói gì vì bận sáng tác, chưa xong truyện nào. Anh Dân đang viết dở truyện của anh ấy, phải quay sang đánh máy cho tôi vì cả trại chỉ có một cái máy chữ duy nhất và mỗi anh ấy biết đánh máy. Khi gõ xong câu chuyện, ở phần tên tác giả, anh Dân cười hô hố rồi gõ: Đại văn hào phố Phùng. Nhà tôi ở Hà Nội lúc đó đã chuyển từ Hàng Khoai về Phùng Hưng, không ở cùng ông bà ngoại nữa. Nhà mới cách cơ quan các bác bên phố Lý Nam Đế cái cầu đá xe lửa. Cùng dân Hà Nội, lại thấy tôi bằng tuổi con mình mà dấn thân chiến trường xa xôi nên các bác ấy thương. Bác Vũ Sắc ở làng Hoàng Mai. Cứ mỗi sáng chủ nhật, nghe tiếng sáo dặt dìu say đắm thổi bài Khát vọng trong chương trình văn nghệ trên đài, bác lại nháy mắt hãnh diện đấy đấy, nó chơi đấy. Nó ở đây là anh Dương nhạc công, con trai bác và cũng bằng tuổi tôi.

Cục Chính trị Quân đoàn bồi dưỡng cho trại viết hai con heo. Các cây bút văn chương cự phách không ai biết làm thịt. Nhà văn nhà thơ chẳng ai đi thịt heo bao giờ. Được giao việc, tôi sang đại đội vệ binh nhờ anh em chọc tiết, cạo lông rồi chia thịt trả công. Một loáng, hai con heo đã được phanh bụng móc hàm trắng hếu. Các anh ca cẩm có mỗi chục mống ăn thế chó nào hết. Thì bán bớt đi mua thêm thứ khác, tôi xúi. Thế mày đi bán đi. Tôi gọi xe lôi, chất một con heo lên xe chạy thẳng ra chợ Olympic. Xe dừng, cánh lái thịt ào đến ngay. Không nhớ là đã thu bao nhiêu tiền, nhưng tôi bán đứt con heo chỉ trong vòng năm phút, khi Thanh Tuyền trong băng cối hàng cà phê đầu chợ chưa kịp hát xong Nỗi buồn hoa phượng.

Trở về, tôi đưa tiền cho anh Khanh sau khi đã trích lại khoản cà phê tối tự thưởng. Bữa cơm chiều, xoay trần làm đủ các món heo cho mâm bốn người. Đến lúc ăn, anh Khanh lôi ra chai rượu Thằng Gồng với bốn cái li hạt mít. Bác Sắc khoái trá hỏi tôi, mày có biết uống không? Dạ, kh…ô…ông… ạ! Thế thì tốt! Nhưng hôm nay vui thì cũng làm vài chén đi. Vâng…ạ!

Tôi nâng niu nhấm nháp ba li cho các anh vui lòng, bụng nghĩ cái chai kia nếu thằng Cáp đen chưa tử trận chỉ tợp dăm hụm là hết sạch. Rửa chén bát xong, tôi xin phép chuồn ra phố. Lang thang từ đài phát thanh ra đến Cầu Sập phải hơn 1,5km đi bộ. Trên cầu, hàng nhậu đêm, hàng nước giải khát đốt đèn trứng vịt lốm đốm. Tôi gọi một chai sáu nhăm, vài con khô nướng rồi ngồi kê dép thõng chân ngay đoạn đứt cây cầu, cảm nhận tận cùng cái hụt hơi của cao độ xuống lòng sông. Tonle Sáp dưới chân sáng mờ cuồn cuộn sóng. Độc ẩm nhưng sao rượu vào như thể. Mà cũng đâu phải là độc ẩm. Mới phần ba chai, tôi đã choáng, thấy bạn nhậu xuôi dòng. Ờ! Thì tao uống với mày, uống với dòng sông đêm hơn ba năm trước, tiểu đoàn tao đã ngược lên đánh trận U Đông. Hơi rượu vào trong gió sông thổi mạnh. Gió ù ù khiến thoáng lạnh hồn. Anh em tao đấy, anh em tao đang về theo gió đấy... Thôi tao đổ xuống chén rượu cho mày. Xa tít bên cầu, nơi những đám mây vần vụ, chớp giật nhoang nhoáng kia là quê cha quê mẹ tao. Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa mày có biết không?

Cơn gió màu xanh


Ph’nom Penh mùa hè năm 1982. Cây phượng đầu cổng biệt thự khu Kốp Tút gần đài phát thanh Ph’nom Penh đang kì mãn khai. Vòm hoa trĩu nặng, sà xuống thành một đám mây rực đỏ ngang đầu.

Sáng chủ nhật. Anh Lê Huy Khanh đi chợ, mua con cá cóc gần ba kí nấu canh chua chiêu đãi bác Vũ Sắc, bác Đỗ Gia Hựu, là hai sếp Văn nghệ Quân đội mới sang. Bây giờ, khi anh em gặp lại nhau sau gần bốn mươi năm, anh Lê Quốc Phong bảo con cá cóc khủng đó do chính tay tao mua chứ không phải ông Khanh. Lần đầu tiên tôi biết vị canh chua kiểu Nam Bộ, với thập cẩm dứa, me, cà chua, dọc mùng, giá đỗ... Cá ngon đặc sản, thêm anh Khanh là người nấu bếp khéo, món canh nổi màu nuốt ngon tụt lưỡi.

Dở bữa, chúng tôi có khách. Một anh lính bé nhỏ khoác ba lô đến tìm. Dưới màu da xám tái pha xanh rớt kia, hẳn kí sinh trùng sốt rét còn nhiều hơn hồng cầu trong máu. Nó đến tìm anh Khanh với cùng một lí do như tôi, là về học lớp viết tin của Quân đoàn. Anh Khanh lại kêu trời ồi ồi. Lính chiến tiền phương chúng tôi về trại viết văn chương, thường không đúng chỗ hoặc không đúng lúc.

Hạ sĩ Song An, phục vụ tại Sư đoàn 339 về từ rừng Leach. Tôi kết nó ngay, vì có thêm một thằng hiệp sức trong công tác pha trà rửa chén. Nhưng bác Vũ Sắc không nghĩ thế, cho nó ngủ vài hôm lại sức, rồi bảo nó lĩnh giấy bút ngồi đó viết đi. Hầu như nó không nói gì, hoặc nói thường bằng giọng Nam nhẹ như gió thoảng. Bác Sắc thương nó, để ý kèm riết, tối tối thường đưa cho tôi xem những đoạn ngắn cộc nó vừa viết xong. Câu chuyện kể về một bạn đồng đội, vốn là một sinh viên trường mĩ thuật đi lính. Anh lính họa sĩ từ khi bị sốt rét ác tính, nhìn cảnh, nhìn vật cái gì cũng ra màu xanh. Rừng núi, phum sóc, mặt người… đâu đâu cũng màu xanh ngắt. Ấn tượng nhất là những cơn gió chướng xuyên qua rừng biên, như mặt biển xanh trương nở phồng lên, nhấp nhô ào ạt chảy tràn qua tán lá.

Tôi nghĩ thằng này bị biến chứng sốt rét, dẫn đến mù màu rồi. Bác Sắc bị những cơn gió màu xanh đó ám ảnh, khoanh, chữa nhằng nhịt trong bản thảo của nó nhiều lần, nhưng không bao giờ xóa những cơn gió màu xanh này. Tôi để ý khi nó viết, hình như mặt nó cũng xanh hơn bình thường, trông thương lắm. Có thể vì khi viết, nó hay chúi vào trong góc tối, nhưng hẳn do ở rừng nhiều hơn. Những anh lính ở lâu trong rừng thẳm, ánh sáng tán xạ qua nhiều tầng lá, dần nhuộm xanh mặt người.

Những đoạn sau, nó kể tiếp về cái quân y viện nằm gần một ngôi chùa hoang phế. Bích họa ngôi chùa long lở rạn vỡ nhiều bởi phá phách từ cuộc cách mạng vô thần của chế độ diệt chủng Kh’mer Đỏ. Cuộc sống đời thường trở lại cùng với chợ búa và tín ngưỡng. Có vị sư già về ngôi chùa phum xưa, phục chế vẽ lại các chư Phật, bồ tát trên nền bích họa. Anh lính sốt rét đang điều trị, ngày ngày ra xem vị sư làm việc. Nổi máu nghệ sĩ, và cũng để quên thời gian nằm viện nhàm chán, anh xin tham gia làm việc cùng vị cao tăng.

Bức bích họa hoàn thành cùng với ngày ra viện. Anh lính họa sĩ buông bút vẽ chùa, tạm biệt vị sư già để về đơn vị cầm súng. Trên mỗi nét mặt chư Phật, Bồ tát cùng các tín đồ vừa được tái hiện trên tường đang nhìn xuống, anh giật mình thấy mỗi gương mặt đang hiển hiện chính là gương mặt những bạn bè, đồng đội trong đơn vị mình đã tử trận nhuốm màu xanh ngắt. Bức bích họa dằng dặc, im lặng kéo dài suốt cả không gian ngôi chùa.

Câu chuyện đến đó là hết. Bác Vũ Sắc đọc xong, lại im lặng cất vào cặp như câu chuyện đầu của tôi. Chuyện này không được in. Bác Hựu cười hề hề, bảo, bác Sắc mày tài lắm, ở tòa soạn Lý Nam Đế ông ấy có một con dao bài, vừa để cắt cơm nắm, vừa để cắt chai chân.

Trại viết giải tán cuối tháng tám. Tôi chia tay hai bác, chia tay thằng Song An về đơn vị khi vòm phượng cổng biệt thự vẫn còn đỏ chói. Từ dạo đó, tôi vẫn nhớ những cơn gió màu xanh của nó. Đã hỏi nhiều các anh em Sư đoàn 339 trên mạng, nhưng chưa tìm ra. Chẳng biết gió xanh trên đời nay cuốn về đâu.

Chùa Bạc Hoàng cung
Cuối tháng 6, Chính quyền bạn cùng Cục Chính trị Quân đoàn tổ chức cho trại viết đi thăm nhà tù Tuol S’leng và Chùa Bạc Hoàng cung. Các bác các anh đều là sĩ quan cao cấp, trung cấp cả. Còn mỗi thằng tôi là lính trơn duy nhất, trẻ nhất, chưa bao giờ trong đời lính lại được hưởng cái suất ăn theo như thế. Xe hơi đưa rước tận nơi. Nhà tù Tuol S’Leng thì nhiều người biết rồi. Nó vốn là cái trường trung học nằm trong một con phố nhỏ. Kh’mer Đỏ đã biến cái nhà trường này thành nơi giam giữ, tra tấn, hành hình những phần tử cứng đầu. Những lớp học không có bàn ghế. Trong đó, vài cái giường sắt hàn thêm những thanh cùm hoen gỉ. Vệt máu khô phun vọt đã thâm đen trên tường, trên nền gạch bông. Trong một lớp khác, đống quần áo bẩn thỉu, hôi hám của những tử tù chất thành đống như núi. Vết móng tay cào bật máu hằn trên cửa chớp, trên tấm giát giường đã ải, tố cáo cơn đau tột cùng của nạn nhân. Tấm bảng đen vẫn còn ghi công thức một hợp chất hữu cơ có nhân vòng benzen chưa kịp xoá trong giờ học cuối cùng, trước khi thầy giáo, học sinh bị lùa ra khỏi thành phố.

Đoàn khách tham quan không ai nói lời nào, đi chen vai thích cánh giữa những oan hồn trên hành lang dài tịch lặng. Tôi vịn lan can. Thành lan can này như đã có những bàn tay của các sọ người trên tường kia từng vịn. Tiếng bầy quạ kêu thảng thốt. Người hướng dẫn kể rằng hồi mới giải phóng, quạ vào ban ngày và chim lợn vào ban đêm vẫn bay qua các cửa sổ mở, chầu rìa rình móc mắt người chết hoặc người sắp chết bị cùm cố định trên giường. Đã ba năm trôi qua nhưng tại đây vẫn nồng nặc mùi tử khí. Cái mùi ấy không thể tả được, như là mùi cũ của một con người đang lạnh đi.

Một cơn gió mạnh thổi ào qua. Các cửa lớp khép hờ bỗng bung ra mở toang, như hết tiết đến giờ ra chơi. Auschwitz, Treblinka, Sachsenhausen… những trại tập trung của phát xít Đức dẫu man rợ hơn gấp nhiều lần nhưng cũng không gây ám ảnh như tại nơi đây. Tội ác được thực thi tại học đường, giữa những công thức hoá học và màu đỏ hoa phượng vĩ, quay lưng giễu nhại cả một nền văn minh nhân loại. Sẽ là thiếu sót nếu không nói về cái bản đồ nổi tiếng. Một tấm bản đồ chằng lưới mắt cáo để neo giữ những cái sọ người ghép thành hình đất nước Campuchia thời Pôl Pôt. Kampong Thom, Kampong Ch’nang, S’vay Rieng, P’ray Veng, Ta Keo… Cả đất nước này là một nghĩa địa khổng lồ. Sọ người chết không mấy cái còn nguyên vẹn. Cái thủng đỉnh đầu, cái vỡ trán, cái mất nửa hàm trên, lặng lẽ dõi theo bước chân chúng tôi bằng những hốc mắt vô hồn trống rỗng.

Rời Tuol S’leng, xe đưa chúng tôi đi chụp ảnh ở đài Độc Lập rồi đến thẳng Chùa Bạc Hoàng cung. Tất cả tháo giày dép trước khi đặt chân lên những viên gạch lát bằng bạc ròng mát lạnh. Vương quốc Campuchia theo phong trào các nước không liên kết nên các viên gạch bạc này cũng không liên kết với nhau bằng hồ. Dẫm chân lên thấy có những viên vẫn cập kênh nhẹ. Tượng Phật bằng ngọc lục bảo, tượng Phật vàng nặng 90kg, cao 2m không gây chú ý cho tôi bằng những tủ kính đựng đầy các con giống cũng chế tác bằng vàng ròng rất tinh xảo. Ngắm chúng, tôi lại thêm một lần nhớ trận Tiểu đoàn chiếm được vàng ở phum Kâmnom nhưng đã nộp lại hết cho đơn vị.

Lòng vẫn bồi hồi tiếc nuối. Những tiếc nuối rất đời, rất tục bất giác ào đến giữa chốn linh thiêng khiến tôi bối rối nhìn Đức Phật. Tôi chắp tay đứng trước tượng, lẩm nhẩm khấn với lòng thành kính vô bờ: Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Tại chúng nó bắn vào chúng con nên chúng con phải bắn lại. Nhỡ có sát sinh cũng tại chúng nó cả! Trời tru đất diệt chúng nó! Con lạy Ngài phù hộ độ trì cho con và anh em con mạnh khoẻ, đừng chết ở đây và chóng được trở về nhà.

Đoàn khách tham quan vào hậu cung, nơi trưng bày các vật dụng của Hoàng gia. Những thứ khác không nói làm gì, nhưng cái ngai gỗ quý nệm bọc tơ tằm thêu cầu kì bằng những sợi vàng mảnh của ngài Sisowath Monivong, ông ngoại Hoàng thân đang lưu vong hấp dẫn tôi một cách kinh khủng. Chờ mọi người lục tục trở ra gần hết, tôi quay lại chễm chệ toạ ngay lên một cách rất đàng hoàng. Trời ơi sao nó êm ái mát mông đến thế! Tử vi có nói số tôi được làm vua trong năm phút là lúc này đây! Đang định vung tay bắt chước mắng đám quần thần bạc nhược tưởng tượng thì tiếng bác Vũ Sắc gọi: “Tùng! Thằng Tùng đâu rồi?”. Tôi chạy tọt ra gian ngoài. Các bác, các anh đang túm tụm quanh một cái bàn. Bác Sắc đại diện ghi cảm tưởng trong quyển sổ vàng dày cộp. Dưới những lời phi lộ đẹp đẽ, bác viết dòng chữ hoa “Đoàn Nhà văn Việt Nam” rồi kí tên. Các bác, các anh cúi xuống lần lượt kí. Cuối cùng, bác bảo tôi: “Còn mày nữa, kí vào đây!”. “Cháu á?”. “Không mày thì ai?”

Nói qua về cái chữ kí của tôi một chút. Chẳng bao giờ giống nhau như mệnh tôi vốn thân vô chính diệu. Khi cáu bực thì chứ kí chỉ gồm năm cái lò xo. Khi xông xênh đắc ý có khi kéo đến bảy tám cái lò xo lận. Hôm đó, tôi mắm môi mắm lợi làm cái lò xo khoảng mười vòng. Nếu Ban quản lí Chùa Bạc còn lưu lại những cuốn ghi cảm tưởng thì hẳn là các bạn sẽ thấy cái lò xo của tôi trong đó.

T.S

Nguồn: vannghequandoi.vn