Gươm thần

22/10/2021

  • lượt xem: 648

ĐỖ VĂN NHÂM


Đấy là cây đoản đao gỗ sơn son thếp vàng, dài chừng hai gang tay, bảo vật trong từ đường một dòng họ. Nó giúp hắn trở thành đại tướng quân làng Cự Hà một tuần nhưng không cứu nổi hắn thoát khỏi trận đòn tóe máu. Bạn đã biết những thanh giang được hong tái trên gác bếp chưa? Gớm, nó dẻo và sắc kinh hoàng! Câu chuyện về chúng bắt đầu như thế này.

Năm ấy mấy thằng giời đánh đang học lớp ba, lớp bốn, lên cơn ham bày trận giả, đua nhau nhận làm tướng nọ soái kia. Tướng soái phải có gươm đao ra hồn gươm đao. Và bộ bát kích thờ thành hoàng trong đình làng đã làm tất thảy mê mẩn. Cuộc đột nhập nội cung vào một đêm mưa không khó khăn gì. Khi báu vật có trong tay mới vỡ lẽ, nó quá khổ so với lũ nhóc con. Thôi thì thắp đèn nến lên, kẻ long đao, đứa trường thương, thằng bát xà mâu, vác đi vác lại loanh quanh một lúc. Bọn lau nhau nọ chỉ được một lần, còn hắn, chưa bõ cơn thèm khát oai phong, lỉnh vào đình ba đêm nữa, một mình vênh vang với những vật thiêng trước khi cụ thủ từ thay ổ khóa mới, sửa lại các chốt cửa. Cơn buồn chưa tan, không thèm quậy phá, hắn trở lại tuyệt đối hiền lành liền mấy ngày.

Mấy ngày ấy, mặc đám bạn cứ việc gò lưng nhặt chữ, ngửa cổ uống lời thầy, riêng hắn, tiếng cô giáo cứ ong ong đâu đó vì trong đầu hắn đang lo nghĩ, lục lọi. Rồi hắn sẽ đuổi kịp, sẽ vượt. Thì vẫn như vậy mà. Cuối cùng hắn nhớ, có một cây đoản đao ở đó, ở đó... Hắn nhớ ra cây đoản đao ấy khi ngồi trong lớp, lúc nhìn con bé ngồi bàn phía trước, mái tóc thường quá vai của nó bấy giờ rẽ làm đôi. Tuyệt nhiên vô duyên cớ, không mảy may một mối liên hệ nào giữa báu vật hắn ước ao với cái cổ cao cao và trắng của con bé. Là mãi sau này, khi đã lơn lớn một chút, hắn mới ngẫm lại, chứ lúc ấy thì không, tuyệt đối không, bụng dạ chỉ khấp khởi một niềm vui. Làm tướng quân đến nơi rồi! Giờ ra chơi, hắn kẹp sách vở vào nách trùm áo lên, lẻn qua bờ dậu, phóng về nhà. Từ đường họ Đậu cách nhà hắn bảy vuông đất, thổ cư nằm trong thổ canh, đi chơi hắn thường dùng... phép xuyên vườn. Lần này nhất định phải khác, đàng hoàng đường làng ngõ xóm hắn đi, đến gốc mít ngoài cổng, ngồi bó gối đọc sách, thỉnh thoảng giả đò hắng giọng ho ho vài tiếng. Một lúc bác Xã Cận trưởng tộc bước ra, xoa đầu khen hắn chăm học. Lại bảo, cháu vào đây, vào đây cho mát. Hắn cung cúc đi theo, lòng phấp phới. Dưới mái hiên từ đường, sát cửa sổ, hắn chúi mũi vào cuốn sách đã đọc, dứt khoát không ngó ngàng tới cây ổi trĩu quả ngoài vườn, cách đó mươi bước chân. Một, hai, ba buổi trưa như thế - ngoài thềm kẻ ăn trộm vờ đọc sách, ở gian nhà ngang gối đầu vào ngôi từ đường, bác Xã Cận thiếp ngủ trên võng... Trưa thứ năm, cây đoản đao đã trong tay áo, chờ đến lúc bác thức giấc, hắn mới gập sách xin phép ra về, tất nhiên, theo lối cổng chính. Hai buổi trưa sau, hắn vẫn đến đó, vẫn cuốn sách nọ, hình như một truyện trinh thám hay ma quỷ gì đấy của Phạm Cao Củng. Bác Xã Cận chưa hay biết gì, vẫn xoa đầu, vẫn bảo hắn cố mà học, người trọng chữ nghĩa thường là người tử tế, chí cả, tài cao. Năm bảy danh nhân bác xướng tên, hắn có nghe loáng thoáng. Hắn vâng dạ, dù chả hiểu mấy và bụng dạ cũng đã thấy thèn thẹn. Rồi hắn không đến bác nữa. Hắn ra đình làng, leo tuốt lên cây bàng, cây ấy to cao nhất vùng, năm tầng tán, cành lá trùm cả sân đình. Ở gần ngọn, đâm ngang hai nhánh, mùa hè năm trước hắn đã tha lên đó mấy đoạn tre, chằng buộc lại thành một cái ghế dài, có thể nằm ngửa nhìn trời, có thể ngồi dựa vào thân cây duỗi chân vung tay, có thể đứng lên nhún nhẩy, đầu vươn cao khỏi ngọn cây. Bọn chúa nghịch trong làng, chưa một đứa nào dám mon men leo tới. Đã bao lần hắn ngắm trăng sao, xem mây gió đuổi nhau trên lầu nghinh phong. Hắn gọi cái chỗ chơi bời nghịch ngợm tít trên cao ấy theo cách hắn đọc được trong một cuốn sách nào đó. Hôm ấy chả thèm nhìn trời, chả thèm ngó những quả bàng thơm mát như mọi bận, hắn vuốt ve ngắm nghía cây đoản đao. Giời ạ, đời vui quá, dưới nắng thu, màu sơn son thếp vàng sáng rực. Mặt mũi tươi hơn hớn, hắn cầm nắm cây đoản đao đâm ngang, chặt dọc, chém dứ vào cây. Đang cơn khoái chí, lọt vào tầm mắt hắn, giữa cao xanh, dọc triền sông Đào, bốn đốm sáng bạc kéo theo khói trắng, sau đó, tiếng động rền rĩ sắc lẻm vuốt qua, lao về hướng thành phố. Máy bay! Rồi hắn sẽ phải đối mặt với lũ giặc này suốt thời trai trẻ. Hắn sẽ leo lên lầu nghinh phong nhiều lần, với chiếc mũ rơm thủ sẵn, vừa chờn chợn vừa khoái thú xem các tầm súng phòng không và máy bay Mĩ đấu nhau như sấm trên đầu. Nhưng đấy là chuyện sau này. Còn bấy giờ niềm sướng khoái trẻ con lớn không chịu nổi, hắn rời cây bàng rất nhanh, biến đi phô với những Đỗ Xuân Mai, Ngô Công Minh, Đào Trọng Kính..., những Đô đốc Tây Sơn, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản... thuở ấy của làng Cự Hà. Cả bọn ủ mưu, bầy cuộc chọi nhau. Đêm đầu tiên, bọn lâu la xóm Đông xóm Đoài liên hoành đánh cực rát, quân xóm Tư Văn của hắn dần dần núng thế phải lùi, sắp sửa bị ném xuống đồng lầy. Cáu tiết, hắn vung đoản đao đã được Đỗ Xuân Mai nối dài vào một ống tre. Dưới trăng lấp loáng ánh trường đao, liên minh Đông - Đoài chột dạ, tháo lui. Quân Tư Văn thắng liền mấy trận. Tiệc mừng đủ mặt hoa thơm trái ngọt trong làng, thằng giấu bố mẹ trẩy từ vườn nhà, thằng hái trộm hàng xóm. Đêm thứ bảy, sau cuộc liên hoan thì thua. Thường thì quân xóm hắn hội quân với xóm Chùa của Ngô Công Minh, đấu quân Đông - Đoài, nhưng trận ấy, bọn hắn khiêu chiến tất cả. Ba xóm hội quân, lùa bè lũ hung hăng chạy cùng làng. Đã hết tuần trăng, cây đao thần thôi lấp loáng, hết thiêng. Binh đoàn Tư Văn co về mấy vuông vườn trước ngõ nhà hắn, chỗ đấy xưa nay luôn um tùm cây cối gai góc. Cuộc hỗn chiến náo loạn trong đêm. Huỳnh huỵch những bước chân, đất đá bay vùn vụt, tiếng la hét, tiếng hò reo vỡ làng. Liên minh Đông - Đoài - Chùa hùa nhau đồng loạt giáp công. Chúng réo tên bọn hắn, từng thằng một, đứa bị bắt, đứa đã quy hàng, có đứa bị chúng xướng tên con kèm tên cha mẹ. Chúng khua trống phách, hờ gọi não nùng, kiểu một đám ma. “Con c. ông đây!”, thằng Mai gầm gừ, tung liền ba mẻ vôi bột pha cát về ba hướng. Bọn kia hoảng, chững lại một lúc. Cóc sợ, chúng nó bốc phét, hư trương thanh thế thôi. Hắn dẫn quân vọt sang vườn khác, lùi vào khuôn viên từ đường họ Nguyễn. Ở đấy có tường bao, có bờ cây xương rồng dày đặc, ban ngày ban mặt người lớn còn phải dè chừng. Lại đã phòng sẵn ba đống gạch vụn, hàng chục bịch phân trâu trộn lẫn sỏi đá, quá đủ cho một giờ thủ mạnh công cường. Giờ hồn đó, các con! Nhưng... bạn biết đấy, những trận chiến trẻ con thường kết thúc do người lớn. Lần này là mẹ hắn. Đang hí húi nấu nồi cám lợn, chợt nghe bọn trẻ réo tên con, bà quáng quàng dập lửa. Người lớn cả xóm dông ra. Quân xóm Tư Văn chưa kịp chơi cuộc phá vây cầm chắc nhiều đứa bị biêu đầu, đều bị người lớn lùa về. Biết thân biết phận, hắn nằm xấp dưới sân. Đận này, mấy đận quá tam rồi, chắc mẹ không tha nữa. Mẹ hắn rút thanh dang trên gác bếp xuống. Giời đất quỷ thần còn ngán thứ roi đó, nó sắc và dẻo kinh người. Vút, vút, vút... chừng ba chục roi gì đấy, hắn thoáng nghe tiếng mẹ thở mạnh. “Bật máu đít con rồi, u ơi”, hắn nói và ngước lên. Một lát im ắng, không nghe vun vút nữa, hắn lồm ngồm bò dậy, vào bếp nhóm lại lửa nồi cám lợn. Bấy giờ thì người mẹ khóc. Từ lúc nào chẳng biết, con bé nhà xế bên từ đường họ Đậu, con bé ngồi trước bàn hắn ở lớp đã vào theo, cời bớt tro than trong bếp, ngọn lửa bùng lên tức thì. Khi xoay lưng định lấy thêm củi, tay hắn chạm vào miền da thịt dưới mái tóc sau gáy con bé. Chẳng biết bàn tay hắn run run hay con bé, từa tựa như một thoáng rùng mình. Có thể không phải như thế. Có thể chỉ là sau này, hắn mường tượng mà nên chăng. Lúc ra khỏi bếp, hắn hứa với mẹ và hắn tin, thằng nặc nô lười học giỏi chơi là hắn, từ bấy sẽ là một thằng bé khác. Dù vậy, rốt cuộc, hắn không dám trả cây đoản đao đàng hoàng như đã hứa. Hắn đến bác Xã Cận, lành hiền ngoan ngoãn chào hỏi vâng dạ như mọi khi, bí mật đặt đồ ăn trộm vào chỗ cũ, trên ban thờ.
img304
Minh họa: Đỗ Dũng




Các chiến binh quần đùi áo cộc súng tre, đạn đất mỗi tháng đôi lần lại khiến làng xóm sôi lên sùng sục những năm đó, sau thành bộ đội cả, và quá nửa nằm lại chiến trường. Chiến trường thuở ấy dài rộng lắm, khắp trong Nam ngoài Bắc, sang tận núi sông đồng đất xứ người, ở cả ngoài khơi.

Nhiều năm sau ngày dứt nạn binh đao, hắn giải ngũ về quê, bác Xã Cận đã mất, cây đoản đao còn đó, trong từ đường họ Đậu mới được trùng tu. Cây bàng với lầu hóng gió, hắn hầu như leo trèo mỗi ngày vào dịp hè - thu, một năm nào đó bị bão đánh bật gốc, cây mới trồng dặt dẹo mãi mới sống được, chậm chạp ngơ ngác đâm cành. Đám lính lọt sàng bom đạn thỉnh thoảng kiếm cớ gặp nhau, gợi lại những trò nghịch nhắng nhít tai quái ngày xưa, gọi tên đồng đội bạn bè, bao nhiêu thằng đã thành liệt sĩ. Tuổi thơ ơi, nhớ nhau quá, già cả rồi đấy nhỉ! Một hôm, Ngô Công Minh, cựu lính trinh sát Tây Nguyên, bảo hắn: Duyên về quê một buổi, nó hỏi thăm mày. Duyên nào? À, Đặng Thùy Duyên, cô bé ngồi bàn trước hắn hồi học lớp bốn. Cổ cao, trắng, tóc dày. Trận đòn roi dang hong tái. Có một bếp lửa thẳm sâu trong miền hoài niệm thỉnh thoảng chợt hừng lên. Hắn và cô thanh niên xung phong Đặng Thùy Duyên kịp nhận ra nhau, gọi tên nhau, nhoài người ra khỏi thành xe, hai bàn tay dày cộm vết chai sạn khẽ chạm vào nhau trong nửa phần tích tắc, trước khi khuất hẳn sau dông đồi đầy gió bụi. Vội vàng, vội vàng quá. Trường Sơn đoạn ấy giờ khắc ấy còn đặc hơi bom, hai chiếc xe chạy ngược chiều giữa khúc cua hình móng ngựa chưa kịp dựng lại cây lá ngụy trang. Hắn biết Duyên cùng chồng con định cư đã khá lâu bên xứ Bạch Dương. Một chốc tay Minh lại bảo: Mày bây giờ hiền nhỉ!. Lại chả hiền, đánh nhau, bầm giập gian nan khổ ải mấy chục năm, ăn cầu ngủ quán đã nhiều, gặp lắm người tử tế, đụng giang hồ cũng chả ít, mệt rồi. Như mày thôi, ngoan ra bao nhiêu, không thì ai bầu mày vào Ban Lương dân. Hôm nào việc làng, cho tao múa thử cây long đao một lúc. Minh ta bĩu môi cười: Không được, không được. Đồ thờ mà. Ừ, phải. Đồ thờ, vật thiêng...

Mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi xóm thôn, ở đâu cũng cần một chốn linh thiêng, để anh em con dân quần tụ, hòa hảo, khiêm cung. Trước, cây long đao ấy đã nặng. Các tiểu tướng một thời không biết sợ là gì bây giờ đều tóc bạc râu bạc, phải gánh vác những thiêng liêng, hẳn là nặng lắm!

Tháng 8/2018
Đ.V.N

Nguồn: vannghequandoi.vn